Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

“Tín dụng đen” hoành hành, núp bóng app cho vay online

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen đã chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook).

Bát nháo “tín dụng đen” núp bóng cho vay trực tuyến

Theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính Phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Hai đối tượng hoạt động “tín dụng đen” bị cơ quan Công an bắt giữ

Theo đó, tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi, nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh niên có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc sử dụng cho các mục đích khác như: sử dụng ma túy, chơi cờ bạc...

“Có cung ắt có cầu”, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã lập các doanh nghiệp núp bóng cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.

Thủ đoạn của các đối tượng là quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật); lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.

Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính… xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

 

Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Thực tế cho thấy, khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

Cần sự chung tay để đẩy lùi “tín dụng đen”

Liên quan đến hoạt động đòi nợ, theo Cục Cảnh sát hình sự cho biết, từ ngày 1/1/2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị cấm hoạt động, góp phần hạn chế các vi phạm pháp luật phát sinh từ hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tuy nhiên, một số công ty vẫn hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa các công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ; sử dụng nhân viên của các công ty đòi nợ trước đây để liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở cho vay hoặc cho đối tác thuê nhân viên để đòi nợ.

Tình trạng các đối tượng côn đồ, đối tượng nghiện, các băng nhóm tội phạm thực hiện các hành vi đòi nợ đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đã giảm rõ rệt nhưng thủ đoạn đòi nợ bằng cách ném chất bẩn, chất thải, gạch đá vào nơi ở, nơi làm việc của con nợ và người thân con nợ vẫn xuất hiện ở nhiều nơi.

Điển hình là tình trạng gây sức ép đòi nợ bằng cách gọi điện, nhắn tin giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật để đe dọa hoặc sử dụng thông tin cá nhân, danh bạ, tài khoản mạng xã hội của người đi vay để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phát tán cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp người đi vay.

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, không ít vụ án xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ “tín dụng đen”. Có thể kể đến như vụ Nguyễn Văn Huy, Thạch Nhựt Phong, Nguyễn Văn Nhí và Hồ Đại Sơn đòi nợ và đánh anh Nguyễn Tuấn Đạt (37 tuổi, quê ở Kiên Giang) tử vong. Ngày 20/6/2021, Huỳnh Minh Tâm cùng 4 đối tượng khác do mâu thuẫn trong việc đòi nợ đã sử dụng hung khí, gây thương tích cho 3 người nhà anh Lê Thanh Hồng (Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh).

Trước tình hình phức tạp đó, cùng với nỗ lực đấu tranh của lực lượng Công an, đòi hỏi phải có sự vào cuộc rốt ráo của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và sự tỉnh táo của người dân để “tín dụng đen” không còn lộng hành.

Châu Minh - Báo điện tử CAND

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...