Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

Lòng biết ơn - giá trị sống, vẻ đẹp nhân cách con người

Một người dân mà có thái độ vô ơn đã là điều đáng trách. Càng đáng phê phán hơn khi có những người từng mấy chục năm được “ăn cơm nhà nước, hưởng lộc người dân” nhưng sau khi rời nhiệm sở trở về cuộc sống đời thường lại nảy sinh tư tưởng tiền hậu bất nhất.

Lợi dụng mạng xã hội (MXH), họ chê bai đủ thứ về hiện thực đất nước qua lăng kính chỉ toàn màu đen. Thậm chí có người tự biến mình thành kẻ vô ơn bạc nghĩa trước tấm lòng cao cả của cộng đồng, tổ chức và chế độ từng nuôi dưỡng, bao bọc, rèn luyện và tạo cơ hội cho họ thành danh.

Mỗi chúng ta đều nằm lòng câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Đây không chỉ là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được trao truyền từ đời này qua đời khác, mà còn là lẽ sống cao cả, là tình cảm ân nghĩa thủy chung, là thái độ ứng xử có trước có sau của một nhân cách văn hóa. Biết trân trọng, ghi nhớ tất cả những gì mà tổ tiên, ông cha đã tốn bao công sức, trí tuệ và cả xương máu để ươm trồng, vun đắp và tạo dựng cơ đồ, sự nghiệp cho con cháu hôm nay và mai sau, chính là việc làm ý nghĩa nhất để góp phần hiện thực hóa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Lòng biết ơn là một trong những giá trị phổ quát của đạo đức nhân loại. Cách nay hơn 2.000 năm, Marcus Tullius Cicero, một trong những triết gia và nhà hùng biện trứ danh thời La Mã cổ đại từng khẳng định: “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác của con người”.

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn


Lòng biết ơn còn là một giá trị sống, đồng thời là một phương châm ứng xử nhân văn, tinh tế để góp phần làm nên vẻ đẹp nhân cách của con người. Nhờ có lòng biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ trước, của hậu duệ đối với tiền nhân, của con cháu đối với ông bà, cha mẹ mà các thế hệ người Việt Nam đã bồi đắp nên truyền thống văn hóa tri ân “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Đối lập với lòng biết ơn là sự vô ơn. Một con người vô ơn thì khó tìm được hạnh phúc đích thực và lương tâm thanh thản vì trái tim bị thói ích kỷ cá nhân làm cho “rỉ máu”. Vì vậy, trong văn hóa ứng xử của ông cha ta, những kẻ vô ơn bạc nghĩa luôn bị xã hội phê phán với thái độ nghiêm khắc. Khi được người khác đối đãi tử tế nhưng bản thân lại đối xử trở mặt như trở bàn tay là những kẻ ăn mật trả gừng.

Khi hưởng thụ quyền lợi nơi này nhưng lại ủng hộ, vun vén cho nơi khác là những kẻ ăn cây táo rào cây sung. Khi đạt được mục đích cá nhân nhưng vội quên ngay người khác giúp đỡ mình là những kẻ “được chim bẻ ná, được cá quên nơm”. Đáng khinh nhất là những kẻ vô ơn bạc nghĩa khi thể hiện thói ích kỷ cá nhân đến mức “khỏi vòng cong đuôi”, “qua cầu rút ván”, “ăn cháo đá bát”...

Một người dân mà có thái độ vô ơn đã là điều đáng trách. Càng đáng phê phán hơn khi có những người từng mấy chục năm được hưởng “ăn cơm nhà nước, hưởng lộc người dân” nhưng sau khi rời nhiệm sở trở về cuộc sống đời thường lại nảy sinh tư tưởng tiền hậu bất nhất.

Lợi dụng MXH chê bai đủ thứ về hiện thực đất nước qua lăng kính chỉ toàn màu đen. Có người khi đương chức, đương quyền thì giữ gìn lời ăn tiếng nói, cẩn trọng phát ngôn từng câu, từng chữ để được tiếng là “khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời”, nhưng khi về hưu lại biến mình thành “thông tấn xã vỉa hè” bởi ngồi ở đâu, chỗ nào cũng có thể “bàn loạn” chuyện quốc gia đại sự mà không hề giữ mồm, giữ miệng, thậm chí tùy tiện nhận xét cán bộ đương chức này kém cỏi, đánh giá cán bộ đương nhiệm khác tài hèn đức mọn với động cơ thiếu lành mạnh.

Cũng có người từng gắn bó lâu năm với công việc trọng yếu, bộ phận nhạy cảm trong bộ máy công quyền, lúc hành nghề thì mang nặng lời thề sống để dạ, chết mang theo, nhưng khi giải nghệ một thời gian thì không ngại ngần tiết lộ những thông tin gây bất lợi cho việc giữ gìn đồng thuận xã hội và bảo vệ an ninh tư tưởng văn hóa. Những người như thế không thể hiện sự nhất quán đối với chính bản thân mình, mà còn ít nhiều bộc lộ sự vô ơn đối với tổ chức, cơ quan, ngành nghề mình từng nhiều năm công tác.

Thời gian qua, đất nước trải qua không ít sự cố bởi dịch bệnh, thiên tai hoành hành gây ra biết bao hệ lụy cho xã hội. Trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy, đối với những người yêu nước, thương dân thật lòng thì không bao giờ kêu ca, than phiền hay bày tỏ thái độ dửng dưng, vô cảm trước những tổn thất của người dân.

Đáng tiếc có người thời còn giữ chức vụ lời nói có trọng lượng, nhưng khi về hưu lại mở miệng chê bai, phê phán cấp ủy, chính quyền thiếu sâu sát, quyết liệt, thiếu thương dân nên mới để dịch Covid-19 tái phát. Cũng có người một thời sát cánh cùng đồng chí, đồng đội, đồng bào trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, thì nay một phần để cho tư tưởng công thần lên ngôi, phần khác vì bị lôi kéo, kích động bởi các phần tử cơ hội chính trị nên không bảo trọng vẹn toàn lời thề kết nạp Đảng năm nào, tự biến mình trở thành “cái loa” phát ngôn cho những thông tin sai trái, lệch lạc, làm nhiễu nhương dư luận, gây phân tâm lòng người.

Cách ứng xử như thế cũng là tiền hậu bất nhất và họ đang tự biến mình thành người vô ơn bạc nghĩa trước tấm lòng cao cả của cộng đồng, tổ chức và chế độ từng nuôi dưỡng, bao bọc, rèn luyện và tạo cơ hội cho họ thành danh trước khi rời vị trí công tác xã hội.

Thật ra, xã hội nào, thể chế chính trị nào cũng luôn khuyến khích, đề cao, ghi nhận những con người công tác trong bộ máy công quyền giàu lòng cống hiến, hy sinh và luôn mang trong mình văn hóa tri ân. Bởi vì suy cho cùng, thể chế chính trị là cái nôi, là bệ đỡ cho anh thành đạt thì dù đang công tác hay khi về hưu thì anh rất nên/cần ghi nhớ, biết ơn cái nơi cho mình cả danh phận cá nhân lẫn cuộc sống hạnh phúc gia đình.

Dù khi rời nhiệm sở, cán bộ không còn sở hữu quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, nhưng không có nghĩa là tự mình xa rời hay lãng quên tinh thần phụng công, thủ pháp, trách nhiệm công dân và ý thức nêu gương trước quốc dân đồng bào. Có thể nói rằng, uy lực công quyền một thời đã tạo thế, tạo danh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thì khi về hưu họ ít nhiều vẫn được “thơm lây” từ cái thế, cái danh đó.

 

Cho nên lời nói, phát ngôn, ý kiến của họ vẫn có trọng lượng nhất định. Do đó, bất cứ một sự thoái thác nào về danh vị, chức tước của mình một cách không chính đáng, không thiện chí rồi sa đà vào lối hành xử tiền hậu bất nhất sẽ vô hình trung làm giảm uy tín, thậm chí làm tiêu tan thanh danh một thời mình dày công gây dựng.

Một trái tim biết đồng cảm với khó khăn, hoạn nạn của người khác là một trái tim nhân hậu. Một con người biết chia sẻ với nỗi buồn, đau thương của người khác là một con người giàu tình cảm nhân văn. Nói rộng ra, khi con người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên thể hiện tình cảm, bổn phận, đạo lý, trách nhiệm đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực với cộng đồng, xã hội, đất nước, chế độ cũng là biểu hiện cao cả của lòng biết ơn.

Lòng biết ơn không tự nhiên sinh ra mà có, mà cần được giáo dục, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và giữ gìn, nâng niu, bảo toàn như một “báu vật” vì lòng biết ơn đã góp phần làm nên giá trị đạo đức, văn hóa của mỗi con người.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, thể hiện lòng biết ơn không chỉ đối với tổ tiên, dòng họ, gia đình, thầy cô, nhà trường, làng xóm, quê hương-nơi mình sinh ra, lớn lên, học tập; mà cần bền bỉ duy trì, thực hiện văn hóa tri ân đối với cộng đồng, đất nước, dân tộc, nhân dân-nơi mình được bao bọc, nuôi dưỡng về thể chất và tâm hồn; đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị và thể chế chính trị-nơi mình được công tác, làm việc, cống hiến, trưởng thành, có địa vị xã hội và cuộc sống gia đình ổn định, hạnh phúc.

Khi cán bộ, đảng viên chú trọng bảo toàn nét đẹp văn hóa tri ân của bản thân ở mọi lúc, mọi nơi sẽ góp phần lan tỏa giá trị đạo đức tốt đẹp trong xã hội, đồng thời đây cũng là một cách phòng ngừa thói tiền hậu bất nhất và sự dửng dưng, vô cảm-một nguy cơ làm bào mòn tâm hồn, cốt cách của người cộng sản. Đây cũng là một cách tự phòng ngừa bản thân tránh rơi vào tình trạng “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị.

BẢO NHƯ – Báo QĐND

 

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...