[QĐND] Như bất cứ cuộc cách mạng nào, thực hiện tinh gọn bộ máy được xem như một cuộc cách mạng phải có quyết tâm rất cao, đồng thuận lớn và có cả những thiệt thòi, những hy sinh quyền lợi. Trong bối cảnh đó, sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên cả tiên phong xin nghỉ việc và phát huy vai trò đảng viên sau khi đã nghỉ việc là nhân tố hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy sớm hoàn thành, phát huy được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Không chỉ là tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi
Như một tất yếu, đi cùng với quyết tâm cao, đồng thuận lớn để
mang lại kết quả vượt trội cần có cả sự chấp nhận thiệt thòi, những hy sinh quyền
lợi cá nhân trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Trong những thời điểm đó, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên khi tự nguyện nghỉ
hưu, nghỉ việc trước tuổi là nhân tố hết sức quan trọng, tạo thuận lợi để cuộc
cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy sớm hoàn thành, phát huy được hiệu năng, hiệu
lực, hiệu quả.
Tự nguyện nghỉ hưu, nghỉ việc trước tuổi thể hiện trách nhiệm,
tinh thần nêu gương của người đảng viên cộng sản trước quan điểm, chủ trương,
đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Với tinh thần quyết liệt “Trung ương
không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”,
thời gian qua, tỉnh miền núi Tuyên Quang đã tích cực triển khai Nghị quyết số
18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Cùng với nỗ lực triển khai sắp
xếp, sáp nhập, nhiều cán bộ, đảng viên đã tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi,
đây là điều kiện thuận lợi để Tuyên Quang thực hiện “cuộc cách mạng” này. Điển
hình như ông Nguyễn Quốc Hữu, sinh năm 1965, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy,
Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã làm đơn xin nghỉ
hưu trước tuổi dù ông được đánh giá là cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, đến tháng
9-2027 mới hết tuổi công tác. Ông quyết định nghỉ chế độ sớm để tạo thuận lợi
cho công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của huyện và giúp cán bộ trẻ có
điều kiện phát triển. Ở nhiều địa phương trên cả nước, rất nhiều cán bộ còn tuổi
công tác nhưng đã tiên phong, gương mẫu xin nghỉ trước tuổi. Họ là những tấm
gương điển hình thể hiện sự ủng hộ, nhất trí cao với chủ trương tinh gọn bộ máy
của Đảng, tạo điều kiện cho cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, chế độ
được xem là “vượt trội” đối với cán bộ, công chức nghỉ hưu, nghỉ việc trước tuổi.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện
sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sau khi nắm rõ được chính sách
này, không ít cán bộ, đảng viên đã tự nguyện xin nghỉ sớm. Đồng chí Nguyễn Thị
Tùng Chinh, Bí thư Đảng ủy phường Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội) còn 6 năm
nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Là đảng viên gương mẫu đi đầu hưởng ứng chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng chí đã tự nguyện xin nghỉ hưu sớm với
tinh thần: “Mọi chủ trương, chính sách đã có sự khuyến khích cho người lao động,
cán bộ, công chức. Xác định mình có thể lui về, về sớm cho các thế hệ trẻ có
tài, đủ năng lực tiếp cận với sự phát triển chung của đất nước cũng như của
thành phố, của quận, tôi nghĩ là phù hợp”. Các khoản trợ cấp quy định tại Nghị
định 178 giúp cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu sớm có nguồn tài chính để
khởi nghiệp nhỏ, đầu tư hoặc bảo đảm cuộc sống. Qua đó, cán bộ, đảng viên nhận
thức rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, phát huy
vai trò nêu gương, tình nguyện viết đơn xin nghỉ hưu, nghỉ việc trước tuổi để tạo
thuận lợi cho tổ chức trong quá trình sắp xếp, điều động.
![]() |
Tinh gọn bộ máy, tạo đột phá là cuộc cách mạng. Ảnh: Báo Bình Định |
Quan trọng hơn, cán bộ, đảng viên nghỉ hưu, nghỉ
việc rồi không có nghĩa là hết trách nhiệm, phó mặc tất cả. Bởi Điều lệ Đảng đã
nêu rõ: Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ
quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp
hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng
và pháp luật của Nhà nước... Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về
những điều đảng viên không được làm. Tích cực tham gia công tác quần chúng,
công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân
dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Sẵn
sàng hy sinh quyền lợi cá nhân khi tổ chức cần. Khi cán bộ, đảng viên nghỉ hưu,
nghỉ việc, trở về đời thường phải làm tròn trách nhiệm của người công dân như
Hiến pháp quy định: “Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước
và xã hội”. Đó là những việc làm hết sức thiết thực, gương mẫu, đem lại lợi ích
lớn cho Đảng và đất nước trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy-ý Đảng hợp lòng dân
Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời ngày 2-9-1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã quyết tâm xây dựng một nhà nước theo tinh thần dân chủ, tiến bộ. Trong
từng giai đoạn cách mạng, nhất là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới
(1986), tổ chức bộ máy Nhà nước ta luôn có sự điều chỉnh phù hợp, theo hướng
tinh gọn. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận
để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị tinh gọn, tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể
như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa VII); Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày
9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày
16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày
25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII...
Thực tiễn minh chứng, qua gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo
của Đảng, đất nước ta đạt những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả lĩnh vực.
Việt Nam từ nền kinh tế kém phát triển, có thu nhập thấp, đến nay đã trở thành
nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần
của nhân dân không ngừng được nâng cao. Từ năm 1986 đến 2020, thu nhập bình
quân đầu người tăng 17 lần; năm 2024, thu nhập bình quân đầu người khoảng
4.622,54USD. Những số liệu trên đã minh chứng rõ ràng, công cuộc đổi mới, xây dựng
Nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với xu thế đổi mới và
hội nhập quốc tế, cũng như thực tiễn Việt Nam; phù hợp với đường lối lãnh đạo của
Đảng, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, tạo được sự ủng hộ, đồng tình, nhất
trí cao của nhân dân.
Thống nhất nhận thức và hành động
Bộ máy cồng kềnh, gây lãng phí là một trong những nguyên
nhân dẫn đến kìm hãm sự phát triển, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm
đi vào thực tiễn cuộc sống. Tiến hành tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị
cũng là giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Hơn nữa, việc tinh gọn bộ
máy còn là một yếu tố then chốt trong việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
và cải thiện công tác quản lý nhà nước. Chính nhờ vào sự cải cách này, quy
trình cung cấp dịch vụ công đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian chờ đợi,
giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của Nhà nước.
Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy thể hiện quyết tâm
chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta, với mục đích rõ ràng, hoàn toàn không
có chuyện “làm cho có”, “chỉ là hình thức” hay “tranh giành quyền lực” như các
thế lực thù địch xuyên tạc, rêu rao. Cần thấy rằng, tinh gọn tổ chức bộ máy của
hệ thống chính trị là việc làm không hề dễ dàng, không đơn giản, không phải làm
một sớm, một chiều, làm một lần là xong do liên quan nhiều vấn đề nhạy cảm, phức
tạp. Do đó đòi hỏi sự chặt chẽ, khoa học, với quyết tâm chính trị cao, thống nhất
trong nhận thức và hành động. Để cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của
hệ thống chính trị bảo đảm thắng lợi, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Thời điểm 100
năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước không còn
xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường,
những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu
chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi.
Với sự nêu gương, tiên phong đầy trách nhiệm của cán bộ, đảng
viên, nhất là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong
quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy đã lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và
hành động những công chức, viên chức xung quanh và càng thể hiện rõ tinh thần
“chỉ bàn làm không bàn lùi”. Đây là nguồn sức mạnh quan trọng trong triển khai
sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng
viên, nhân dân vào chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Trung tá, TS ĐỖ NGỌC HANH, Phó chủ nhiệm Khoa Triết
học Mác - Lênin, Trường Sĩ quan Chính trị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét