[QĐND] Sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch trên không gian mạng khiến công chúng liên tục phải đối diện với nhiều thông tin xấu độc. Giữa cái “chợ” thông tin vàng thau lẫn lộn, cách để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là phải xây dựng, củng cố, trui rèn bản lĩnh, kỹ năng cho cán bộ, đảng viên và công dân yêu nước...
Nhắc chuyện xưa, ngẫm chuyện nay
Trong cuộc gặp mặt tân niên Ất Tỵ giữa các cán bộ lão thành
và đại biểu nhà báo, văn nghệ sĩ tại TP Hồ Chí Minh, một vị tướng cao niên kể
câu chuyện rất đáng suy ngẫm. Vào thập niên 1980, ông là một sĩ quan trẻ, tham
gia chiến đấu, làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Trong một lần nghỉ
phép, ông mua chiếc radio làm quà biếu cha mẹ.
Hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, nhà nào có được chiếc xe đạp,
chiếc đài... là được xếp vào hạng khá giả trong làng. Cứ tối đến, sau giờ ra đồng
cày cấy, hàng xóm lại tụ tập đến nhà ông nghe đài. Một lần vào đêm khuya, người
anh của ông mang đài ra sân ngồi nghe. Bên ấm chè xanh và mớ lạc rang, ông anh
cao hứng vặn to âm thanh, nghe đài địch phát tiếng Việt bình luận xuyên tạc về
tình hình Việt Nam. Sự việc bị hàng xóm phát hiện, báo lên bí thư chi bộ. Thân
phụ ông là đảng viên, bị chi bộ yêu cầu làm tường trình, kiểm điểm.
Vị tướng kể lại: “Ông cụ nhà tôi nghiêm chỉnh chấp hành, nhận
khuyết điểm trước chi bộ vì đã buông lỏng quản lý, giáo dục, để con cái nghe
đài địch, ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương và sẵn sàng nhận hình
thức kỷ luật của tổ chức đảng. Chi bộ xét thấy gia đình có công với cách mạng,
có con là bộ đội, mới vi phạm lần đầu nên chỉ nhắc nhở, phê bình. Từ đó về sau,
ông cụ luôn lấy đó làm bài học để răn dạy con cháu về tinh thần yêu nước, bản
lĩnh của đảng viên. Một trong những yêu cầu khắt khe, nghiêm minh của gia đình
cách mạng là tuyệt đối không nghe đài địch...”!
![]() |
Ảnh minh họa |
Kể lại chuyện xưa, vị tướng về hưu đúc kết rằng, trong suốt
thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, kiến thiết xây dựng đất nước, đại đa số
cán bộ, đảng viên rất tự giác chấp hành quy định của Đảng, không nghe đài địch
trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Đó là sự thể hiện bản lĩnh của cán bộ, đảng
viên và công dân yêu nước.
Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên
vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để Đảng ta củng cố vững chắc niềm tin, tinh thần
đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong các tầng lớp nhân dân. Bài học “lấy yếu
thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều” của Việt Nam khi đối đầu với các loại kẻ thù của
cách mạng được xây dựng, hun đúc, phát triển dựa trên bản lĩnh chính trị vững
vàng ấy. Bản lĩnh ấy tạo nên cốt cách Việt Nam, làm nên sức mạnh Việt Nam...
Ngày nay, sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học-công
nghệ đòi hỏi công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên phải không ngừng đổi
mới, sáng tạo. Trong môi trường số, thông tin trên không gian mạng bùng phát
không thể kiểm soát. Không gian mạng giống như cái “chợ” thông tin. Bên cạnh những
thông tin tích cực là hằng hà sa số thông tin độc hại do các thế lực thù địch tán phát,
xuyên tạc, tạo môi trường, công cụ chống phá Đảng, chống phá đất nước.
Chúng triệt để khai thác, tận dụng các nền tảng mạng xã hội, đánh vào
tâm lý tò mò, hiếu kỳ của công chúng để thực hiện các chiến dịch truyền thông
chống phá với mức độ, cấp độ, tần suất ngày càng mạnh. Chúng bám vào dòng thời
sự chủ lưu, các sự kiện quan trọng của đất nước để ký sinh, tán phát
tư tưởng phản động, thù địch với mưu đồ làm xói mòn lòng tin của công chúng, tổn
hại đến uy tín của Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất
nước.
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng
viên, không thể cực đoan áp dụng các hình thức, giải pháp như trước đây. Khi
không thể cấm cán bộ, đảng viên theo dõi thông tin xấu độc, cách tốt nhất chúng
ta thực hiện đó là xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ,
đảng viên trước các luồng tư tưởng độc hại.
Gạn đục khơi trong, lấy xây để chống
Trước sự bùng phát ngày càng dữ dội thông tin xấu độc
trên không gian
mạng, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc những nguy cơ, thách thức trong công tác
xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một trong những vấn đề mấu chốt là công tác giáo dục,
rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ
rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến các biểu hiện suy thoái trong một bộ phận cán bộ,
đảng viên là: Lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động
trước những tác động từ bên ngoài... Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho
cán bộ, đảng viên; giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng
đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới...
Những tác động từ bên ngoài chính là sự xâm nhập, lôi kéo của
các thế lực thù địch bằng nhiều hình thức, thủ đoạn, gây tâm lý hoang mang, dao
động, hoài nghi, dẫn đến suy giảm lòng tin vào Đảng, bàng quan với khát vọng của
dân tộc.
Giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giáo dục,
xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta
quy định cụ thể bằng điều lệ và các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận...
Có thể nói, chưa bao giờ hệ thống văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
lại cụ thể, đầy đủ, đồng bộ như hiện nay. Vấn đề còn lại là phương thức, hiệu
quả triển khai thực hiện từ các tổ chức đảng và ý thức trách nhiệm của mỗi cán
bộ, đảng viên.
Bản lĩnh của cán bộ, đảng viên trước thông tin sai trái, xấu
độc của các thế lực thù địch phải là: “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững
như kiềng ba chân”. Có được bản lĩnh vững vàng ấy mới có được ý chí, trách nhiệm
đấu tranh phản bác quan điểm sai trái để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng. Trên cơ sở hệ thống nguyên tắc, mỗi tổ chức đảng có cách vận dụng, triển
khai thực hiện phù hợp, nhưng tựu trung là phải nhất quán phương châm lấy xây để
chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Vừa rồi chúng tôi có cuộc khảo sát các mô hình hiệu quả từ
cơ sở ở một số tỉnh, thành phố phía Nam, thấy rằng ở một số tổ chức đảng có
cách làm rất hay. Đảng bộ thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) là một ví dụ. Thực
hiện chủ trương của Thành ủy Đồng Xoài, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức trong hệ thống chính trị đồng lòng, trách nhiệm thực hiện mô hình “Mỗi
ngày một thông tin tích cực”. Theo đó, hằng ngày, mỗi người sẽ chia sẻ trên tài
khoản cá nhân của mình một hoặc nhiều thông tin tốt đẹp để lan tỏa năng lượng
tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Nét đẹp này được duy trì thường xuyên thành
phong trào, trở thành hành động tự giác trong hệ thống chính trị...
Việc gạn đục khơi trong, trui rèn bản lĩnh chính trị cho cán
bộ, đảng viên trước thông tin xấu độc không phải là chuyện mới, nhưng nó luôn
là đề tài thời sự, là công việc phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi
lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Phải nhấn mạnh điều này, bởi ngay sau dịp Tết Ất Tỵ,
khi cả hệ thống chính trị của đất nước bắt tay ngay vào công việc mới thì trên
không gian mạng xuất hiện đầy rẫy thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Đáng bàn là nhiều thông tin mang tư tưởng phản động từ các trang tin điện tử hải
ngoại lại được một số đối tượng cực đoan, bất mãn trong nước cổ xúy, tung hô,
gây rối ren dư luận.
Bản lĩnh cán bộ, đảng viên được hình thành, duy trì từ quá
trình giáo dục sang tự giáo dục. Đó là một quá trình đòi hỏi cao ở tính tự
giác, tự chủ, thực tâm, thực chất. Dù các thế lực thù địch có tung hỏa mù thông
tin ở cấp độ, mức độ, tần suất như thế nào cũng không thể lay chuyển được niềm
tin, ý chí của mình. Và để quá trình tự giáo dục ngày càng đạt hiệu quả thực chất,
việc trước mắt cũng như lâu dài là các tổ chức đảng, các cơ sở giáo dục trong hệ
thống chính trị phải đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào
tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Giáo dục và tự giáo dục phải luôn song hành để mỗi cán bộ, đảng
viên, tổ chức đảng duy trì được sức mạnh, sức chiến đấu cao. Hình thức, phương
pháp phải luôn đổi mới, nhưng ý chí, bản lĩnh, thái độ trước cái sai, cái xấu độc
thì cần giữ được chất “lửa” như thế hệ ông, cha, anh chúng ta đã làm.
PHAN NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét