Trong 35 năm đổi mới và hội nhập, việc tích cực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đạo đức thanh niên đến các cấp, các ngành và gia đình đã giúp tuổi trẻ Việt Nam ngày càng có môi trường, điều kiện tốt hơn để học tập, rèn luyện, trưởng thành, nâng cao trình độ, hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, từng bước hoàn thành nhân cách, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật sân khấu Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội |
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò quan
trọng của thanh niên - lực lượng kế cận đối với sự nghiệp của Đảng, tương lai,
vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Ra đi tìm đường cứu nước lúc còn trẻ,
những năm tháng bôn ba ở nước ngoài đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh có được cách
nhìn nhận toàn diện về vai trò của thanh niên. Người nhấn mạnh: “Thanh niên là
người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh
một phần lớn là do các thanh niên”(1). Người cũng khẳng định, thanh niên đóng
vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, là lực lượng
nòng cốt để xây dựng xã hội mới.
Theo Người, thế hệ trẻ là một lực lượng hùng hậu bao gồm thanh niên,
thiếu niên và nhi đồng, trong đó thanh niên, có vai trò quan trọng nhất. Đó là
lứa tuổi ham hiểu biết, giàu niềm tin, nhiệt tình, năng động, dám nghĩ, dám
làm... Do vậy, nếu được giáo dục, định hướng, động viên đúng thì thanh niên sẽ
phát huy được vai trò làm chủ và tiềm năng to lớn của mình. Người đã khẳng định:
“Thanh niên ta rất hăng hái, ta biết hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn
thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ”(2). Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí
Minh luôn đặt niềm tin lớn vào thế hệ thanh niên đối với sự nghiệp đấu tranh
cách mạng và xây dựng nước nhà. Người đã cổ vũ, lôi cuốn thanh niên, đưa họ đến
với cách mạng bằng chính những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng và
khát khao đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào của mình
Người chỉ rõ, đã là người cách mạng cần phải có sức mạnh, đó chính là sức
mạnh của đạo đức cách mạng, vì “sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa.
Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm
vụ cách mạng vẻ vang"(3). Hồ Chí Minh đề cao vai trò của đạo đức cách mạng,
vì theo Người “có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại,
cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng,
của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi
ích riêng của cá nhân mình"(4); giúp mỗi người cộng sản khi gặp thuận lợi
và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo
trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không
công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá, v,v..
Trong công tác xây dựng Đảng, Người luôn coi “cán bộ là cái gốc của mọi
công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng"(5) và nếu
xét mối quan hệ giữa đức và tài trong mỗi con người thì đạo đức chính là “gốc”.
Do vậy, trong công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng
cho cán bộ, đảng viên nói chung, sinh viên, thanh niên nói riêng, thì giáo dục
đạo đức cách mạng là nội dung quan trọng nhất, vì đó chính là yếu tố tạo nên
cái “chất”, cái “gốc”, cái “nền tảng” vững chắc của người cách mạng.
Quan điểm trên thể hiện chiến lược của Hồ Chí Minh đối với vận mệnh của
cả dân tộc và trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong đường lối, chính sách
của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục đạo đức thanh niên nhằm chăm lo bồi
dưỡng, phát huy sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương
Ðảng (khóa X) đã ra Nghị quyết số 25-NQ/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của
Ðảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa". Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh nhiệm
vụ tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao
lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao
tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều
kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện,
hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Tạo động lực
cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ
các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ thiếu niên,
nhi đồng; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em -
tương lai của đất nước.
Một số kết quả và vấn đề đặt ra
Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước,
cùng với sự tham gia của các ngành, các cấp, gia đình, nhà trường, toàn xã hội,
sự nỗ lực của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt
Nam và Hội Sinh viên Việt Nam, công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh
viên đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần đào tạo ra một thế hệ
thanh niên đủ sức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Tuổi trẻ Việt Nam ngày
càng có môi trường, điều kiện tốt hơn để học tập, rèn luyện, trưởng thành, góp
phần nâng cao trình độ, hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn
hóa, từng bước hoàn thành nhân cách. Đa số sinh viên luôn tin tưởng vào sự lãnh
đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước; sống có trách nhiệm với Tổ
quốc, gia đình và bản thân; có ước mơ, hoài bão; có kiến thức, kỹ năng, sức khỏe
tốt, tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Phần lớn sinh viên Việt Nam luôn tin tưởng và đồng thuận với đường lối
chính trị của Đảng, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, ra sức học tập,
rèn luyện và lao động sản xuất. Nhiều sinh viên có thái độ, nhận thức tốt và ý
thức chính trị cao, có ý chí vươn lên, phát huy mạnh mẽ truyền thống xung kích
của những thế hệ thanh niên lớp trước, trở thành tấm gương sáng cho đông đảo
thanh niên noi theo. Ở nhiều cuộc thi trí tuệ thế giới, học sinh, sinh viên nước
ta luôn đạt giải cao. Cùng với đó là những tấm gương điển hình tiên tiến, xung
kích đi đầu trong học tập và công tác, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội
nhập quốc tế đã tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của thế hệ trẻ;
là kết quả và minh chứng sinh động cho quá trình bồi dưỡng, đào tạo thế hệ cách
mạng kế cận của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên
ở nước ta hiện nay còn một số hạn chế: Nội dung giáo dục hiện nay chưa kết hợp
tốt giữa giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa với giáo dục khoa học, công nghệ và
kỹ thuật, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động trong
nước và quốc tế. Đặc biệt có một thời gian dài, chúng ta xem nhẹ việc giáo dục
đạo đức cho thanh niên, nếu có thì chỉ mang tính hình thức, kém hiệu quả. Nhìn
chung, nội dung giáo dục đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay vẫn chỉ mới tập
trung vào những vấn đề như giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục tri thức, giáo
dục nghề nghiệp, công ăn, việc làm... Trong khi đó có những nội dung cơ bản,
quan trọng và cấp bách vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong đó đặc biệt là những
vấn đề giáo dục đạo đức. Phương pháp giáo dục thanh niên thời gian qua vẫn chủ
yếu sử dụng phương pháp truyền thống, còn lạc hậu, chậm đổi mới, chậm hiện đại
hóa, chưa gắn với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp, chưa phát huy tính
năng động, sáng tạo và năng lực thực hành của thanh niên…
Vẫn còn một bộ phận sinh viên không có chí hướng rõ ràng, chưa hiểu biết
đầy đủ truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, ít quan tâm đến tình hình
của đất nước, quốc tế. Một bộ phận sinh viên “nhạt Đảng, phai Đoàn, xa chính trị”,
không có ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện, có những sinh viên giảm
sút niềm tin, thiếu niềm tin, bản lĩnh non kém, thậm chí bị các thế lực thù địch
lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Một bộ phận
sinh viên hiện đang chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân của
mình. Số này chỉ quan tâm đến việc học tập chuyên môn; tập trung vào việc đi học,
sau đó, đi làm thêm, ít quan tâm tới các vấn đề xã hội, chính trị; ít tham gia
các phong trào, các hoạt động xã hội. Một bộ phận sinh viên còn chịu tác động ảnh
hưởng của các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch; tư tưởng
còn bị dao động; nhiều lúc còn mơ hồ, thiếu kiên định, thiếu hoài bão, không
tích cực tham gia các phong trào và hoạt động xã hội.
Nhiệm vụ, giải pháp
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức
cách mạng cho sinh viên, các cấp ủy, tổ chức đoàn thể trong các học viện, nhà
trường cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý các
cấp trong hệ thống các nhà trường, học viện, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm
phối hợp giữa phòng công tác sinh viên và với các khoa, bộ môn giảng dạy về lý
luận chính trị, cố vấn học tập. Phải coi công tác đấu tranh bảo vệ Chủ nghĩa
Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch là
một bộ phận cơ bản, không thể thiếu trong các tài liệu, giáo trình, bài giảng
lý luận chính trị. Đồng thời, phối hợp, chủ động tổ chức hội thảo, các buổi
giao lưu, trao đổi, tọa đàm về đạo đức cách mạng trong giáo dục lý luận chính
trị với sự tham gia của các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực này, nhằm tăng
cường bản lĩnh chính trị, năng lực đấu tranh của sinh viên đối với các quan điểm
sai trái, phản động.
Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác giảng
dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Với đội ngũ cán bộ, giảng
viên giảng dạy các môn lý luận chính trị, tư tưởng cần trau dồi kỹ năng, kiến
thức để khơi dậy, kích thích nhu cầu nhận thức, tiếp nhận thông tin, hứng thú,
ham thích, say mê nhận thức và đặc biệt là vận dụng kiến thức chính trị tư tưởng
đã học được vào thực tiễn cuộc sống. Đối với giảng viên, trong giảng dạy, truyền
đạt kiến thức, cần định hướng giá trị sống có lý tưởng cách mạng, hun đúc ý chí
vươn lên trong học tập và cuộc sống; điều chỉnh phương pháp giảng dạy, giảm
thuyết trình, tăng cường trao đổi, gợi mở vấn đề cho sinh viên thảo luận và
tăng cường khả năng tự nghiên cứu. Giảng viên cần giới thiệu những vấn đề căn bản,
mang tính nguyên lý về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối,
chính sách của Đảng và Nhà nước; áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực để
định hướng sinh viên biết tìm đọc tài liệu tham khảo, tự học, tự nghiên cứu để
thu nhận và mở mang tri thức. Bên cạnh đó cần đa dạng hóa các phương pháp như
đóng vai, thảo luận nhóm, tổ chức các trò chơi có liên quan đến nội dung học tập,
tạo nên không khí học tập sôi nổi hấp dẫn sinh viên.
Ba là, từng bước đổi mới nội dung, chương trình các môn khoa học Mác -
Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và
phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng cho sinh viên, để
những nội dung chương trình này thật sự sát với đời sống của sinh viên, để sinh
viên được học, được vận dụng nhằm trau dồi tri thức, rèn luyện đạo đức, bản
lĩnh chính trị vào thực tiễn đời sống xã hội. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy,
trao đổi, giảng viên cần nêu bật vai trò ý nghĩa của việc tìm hiểu học tập tư
tưởng chính trị, tạo cho sinh viên niềm tự hào về truyền thống kiên cường bất
khuất của các thế hệ cha anh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Củng cố niềm tin cho
sinh viên về công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo hiện nay
thông qua giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối,
chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho sinh viên.
Bốn là, tăng cường vai trò của cố vấn học tập, phòng công tác sinh
viên, Đoàn Thanh niên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục lý tưởng cách mạng
cho sinh viên. Cố vấn học tập là người gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của
sinh viên, là người tư vấn chương trình học tập, bồi dưỡng của sinh viên khi
sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Đa dạng hóa các hình thức giáo dục ngoại
khóa như nói chuyện chuyên đề, báo cáo thời sự, giới thiệu nghị quyết, tham
quan, nghiên cứu thực tế, các hình thức văn hóa, thể thao, các cuộc thi tìm hiểu
về lý luận chính trị, tư tưởng. Phát triển các hoạt động ngoại khóa, hoặc tổ chức
các cuộc thi, các trò chơi trong các hoạt động mang tính chính trị nhân kỷ niệm
các ngày lễ.
Năm là, mỗi sinh viên cần nhận thức rằng không ai khác, chính mình là
những chủ nhân tương lai của đất nước, đất nước đang trông chờ rất nhiều ở việc
học tập và rèn luyện của sinh viên. Việc học tập các môn chuyên ngành là điều cần
thiết, song nếu chỉ có kiến thức chuyên ngành sinh viên sẽ bị lạc hậu về mặt lý
luận, vì việc học tập các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh giúp họ
nắm bắt được những kiến thức cơ bản, kết hợp với việc liên hệ thực tiễn, từ đó
có tư duy độc lập, đúng đắn, hành động phù hợp trong cuộc sống, qua đó sinh
viên có được phương pháp tiếp cận, nắm bắt thông tin, kiến thức một cách hiệu
quả.
---------------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, Hà
Nội, 2011, tập 5, tr.216.
(2). Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên,
Hà Nội, 1980, tr.83-85.
(3), (4). Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd,
t.11, tr.601, 602.
(5). Sđd, t.5, tr.309.
Nguyễn Văn Việt
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét