(TG) - "Đề cương văn hóa - 1943" được xem như ngọn đuốc soi đường cùng với cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang tạo thế vững chắc đưa cách mạng Việt Nam tiến lên giữa những ngày bão táp trong cuộc chiến đấu chống lại ách cai trị của Thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. (Ảnh: baotanglichsu.vn) |
Trong cao trào "đánh Pháp,
đuổi Nhật, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1943, "Đề
cương văn hóa Việt Nam" do đồng chí Trường Chinh khởi thảo đã ra đời.
"Đề cương văn hóa - 1943" được xem như ngọn đuốc soi đường cùng với
cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang tạo thế vững chắc đưa cách mạng Việt
Nam tiến lên giữa những ngày bão táp trong cuộc chiến đấu chống lại ách cai trị
của Thực dân Pháp và phát xít Nhật. Trong hồi ức của các nhà văn lão thành như:
Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyên Hồng, Nam Cao... kể lại những ngày hoạt
động bí mật đi tuyên truyền vận động các văn nghệ sĩ, trí thức về đường lối văn
hóa văn nghệ của Đảng thông qua bản Đề cương lịch sử này. Các ông ví như “đi giữa
đêm đông nhìn thấy ngọn đuốc soi đường để đến với cách mạng”.
Những năm tháng của đêm trước
cách mạng ấy có thể xem là thời kỳ khó khăn của cách mạng Việt Nam. Dưới ách
cai trị của thực dân Pháp và phong kiến và khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ
hai nổ ra, phát xít Nhật vào Đông Dương đưa ra nhiều chính sách khắc nghiệt như
bắt dân phá lúa trồng đay, cung cấp người và của cải phục vụ chiến tranh... Đồng
thời, chúng tiếp tay cho Pháp và chính quyền thân Nhật chống phá lực lượng cách
mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận
Việt Minh ra đời tập hợp những người yêu nước tham gia công tác cách mạng. Đề
cương Văn hoá Việt Nam với phương châm chiến lược "Dân tộc - Khoa học - Đại
chúng" đã tập hợp được đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ có tinh thần yêu nước.
Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức cùng với
nhân dân tham gia vào sự kiện lịch sử và trọng đại này. Bản nhạc của cố nhạc sĩ
Văn Cao được Bác Hồ lựa chọn làm Quốc ca cho một nước Việt Nam độc lập, người
dân được làm chủ cuộc đời mình... Tinh thần của bản Đề cương văn hoá trở thành
nội lực, tạo nên sức mạnh cho người dân một lòng đi theo Đảng, tham gia vào những
cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong những cuộc chiến đấu ấy đã
có hàng ngàn trí thức, văn nghệ sĩ đã ra trận trong tư thế một người lính...
Nhà văn Nam Cao cầm súng vào vùng địch hậu, ông hy sinh trên chính quê hương
mình; nhà văn Nguyễn Đình Thi nhập ngũ ra chiến trường; nhà thơ Quang Dũng theo
chân người lính Tây Tiến... Hàng nghìn những văn nghệ sĩ, trí thức khác đi theo
tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia cách mạng, vừa là người lính xung
trận, vừa sáng tác trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước cũng đã
có biết bao văn nghệ sĩ xung phong ra tiền tuyến và ngã xuống trên chiến trường.
Và hơn thế, chính từ trong cuộc chiến đấu sinh tử ấy, đã sinh ra nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi. Họ trước tiên là người
lính, và chính từ cuộc sống gian khổ của cuộc chiến tranh đã khơi nguồn sáng tạo
để họ tạo nên các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, ghi đậm dấu ấn của thời đại.
Văn hóa nói chung, văn học nghệ
thuật nói riêng luôn lấy cuộc sống và con người là nhân vật trung tâm. Những
nhà văn và nghệ sĩ chân chính luôn lấy đó làm thước đo các tác phẩm của mình.
Các tác phẩm văn chương của thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ minh chứng cho bức
tranh hiện thực sinh động ấy.
Khi Tố Hữu viết về cuộc sống của
người lính Điện Biên trong chiến dịch lịch sử... "Năm mươi sáu ngày đêm
khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không
mòn!... " cũng là lúc ông cùng với người lính ra trận.
Cũng phải là người lính từng trải,
gắn bó máu thịt với nhân dân, nhà thơ Quang Dũng đã cho chúng ta những câu thơ
còn mãi với thời gian. "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá
dữ oai hùm/Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm..."
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ lan
rộng ra cả nước, một lần nữa cả dân tộc ta lại lên đường. Trong đội quân trùng
điệp ấy, đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo lại có mặt trong đội hình. Từ giữa rừng
già của Tây nguyên hùng vĩ, nhà thơ Thu Bồn viết xong bản trường ca dài
"Bài ca chim Chơ rao". Nguyên Ngọc hoàn thành "Đất nước đúng
lên". Từ đồng bằng sông Cửu Long, nhà văn Anh Đức viết "Hòn Đất".
Tôi đã có dịp về Kiên Giang để viếng mộ người anh hùng Phan Thị Ràng, nhân vật
đã làm nên tên tuổi chị Sứ. Ở đây, mỗi con lạch, dòng kênh, vườn dừa đều ghi dấu
những sự tích anh hùng của mảnh đất Thành đồng. Một tác phẩm văn học nghệ thuật
không nuôi sống nổi ai, nhưng nó lại là chất dung môi tạo nên sức mạnh nội
sinh, vượt qua cả đói khát, tật bệnh để giữ con người trong cuộc sống đầy thử
thách khác nghiệt. Mười bốn tháng ngồi tù trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch,
cơm không đủ no, ghẻ lở tật bệnh, kẻ thù giải Bác Hồ đi khắp các nhà lao để làm
nhụt ý chí cách mạng của Bác. "Nhật ký trong tù" với 114 bài thơ của
Người không chỉ "giải khuây" như Bác nói. Nó phơi bầy hiện thực của
xã hội Trung Quốc dưới sự cai trị của Tưởng Giới Thạch và chế độ cầm quyền...
Nhìn lại một chặng đường của lịch
sử Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo ta không khỏi tự hào bởi bao kỳ tích đã có trong
thời đại Hồ Chí Minh. Những chiến công lịch sử ấy tiếp nối truyền thống lịch sử
của dân tộc trong suốt dặm dài của đất nước. Bản "Đề cương văn hoá -
1943" của Đảng là cốt lõi, căn cơ để chúng ta, các thế hệ đi sau tiếp tục
phát triển nên các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ đổi mới đất nước
hôm nay. Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII ra đời "Xây dựng và
phát triển văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc" và 10 năm sau là Nghị
quyết 23-NQ/TW năm 2008 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển văn
hóa, con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước"
là cả một quá trình lâu dài, kiên trì và bền bỉ mà Đảng ta dày công xây dựng và
vun đắp.
Ngày nay đất nước ta đã thống nhất,
hòa bình, mỗi người dân đã ấm no, hạnh phúc song các thế lực thù địch, hận thù
với cách mạng vẫn không từ bỏ dã tâm chọc phá, làm lẫn lộn giữa người tốt, kẻ xấu,
kích động chia rẽ mối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng và nhân dân ta dày công
vun xới. Thủ đoạn "Diễn biến hoà bình" của các thế lực xấu diễn ra với
nhiều hình thức tinh vi, thủ đoạn nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, những
cố gắng nỗ lực của chính phủ và nhân dân ta. Cuộc đấu tranh giữa "xây” và
“chống" luôn diễn ra quyết liệt trên các mặt trận kinh tế, chính trị và
văn hoá, văn nghệ... Trên mặt trận văn hoá càng phức tạp hơn khi đất nước ta
đang mở rộng giao thương với cả thế giới.
Nhưng với tinh thần yêu nước, coi
trọng các giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng những âm mưu xấu độc ấy sẽ
bị cuộc sống và nhân dân đào thải, tiêu diệt. Hơn ai hết, mỗi người Việt Nam
yêu nước hiểu rõ hạnh phúc, hoà bình mà chúng ta đang nắm giữ, đã đánh đổi bằng
máu xương của bao thế hệ. Bởi vậy, xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng
con người. Hình ảnh con người mà chúng ta mong muốn là con người Việt Nam yêu
chuộng hòa bình, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng và lợi ích của nhân dân để
hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra để xây
dựng và phát triển đất nước bền vững, thực hiện cho được Di chúc thiêng liêng của
Bác là "Xây dựng một nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh,dân chủ, công bằng,
văn minh"./.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét