Phóng viên (PV): Thưa bác sĩ, rõ ràng trong những ngày này, cả nước đang hướng về, đang biết ơn, đang ca ngợi các thầy thuốc, phải không ạ?
Bác sĩ: Thú thực là cũng đúng.
PV: Và ông thấy tự hào chứ?
Bác sĩ: Vâng. Nhưng tôi cũng có chút ngạc nhiên và buồn.
Minh họa: Lê Tâm. |
PV: Vì lý do gì ạ?
Bác sĩ: Vì chúng tôi được tuyên dương và đánh giá là những chiến sĩ ở
tuyến đầu chống dịch. Nhưng thực ra không phải như thế.
PV: Ồ, kỳ lạ nhỉ?
Bác sĩ: Có gì kỳ lạ đâu. Chống dịch là mang lại sự sống cho xã hội. Mà
một xã hội muốn tồn tại, muốn sinh động, phải có gì?
PV: Theo quan điểm của khoa học, chắc chắn phải có sự tuần hoàn.
Bác sĩ: Chính xác. Nếu ta coi xã hội là một cơ thể thì cơ thể đó phải
có lưu thông.
PV: Vâng.
Bác sĩ: Mà lưu thông trên cả nước hôm nay là xe cộ. Điều khiển xe cộ là
tài xế.
PV: Ừ nhỉ.
Bác sĩ: Tôi tin chắc muốn xã hội hoạt động thì ngày đêm phải có hàng
ngàn, hàng vạn tài xế điều khiển đủ các loại xe chạy trên khắp các nẻo đường.
PV: Đúng quá.
Bác sĩ: Từ ông lái xe cho tới chú giao hàng, từ bác điều khiển xe 10
bánh cho tới chú lái xe 2 bánh. Không có họ thì mọi thứ dừng lại ngay. Đúng chứ
nhỉ?
PV: Đúng.
Bác sĩ: Vậy mà rất ngạc nhiên, thậm chí rất bất công khi tất cả những
phương tiện truyền thông, tất cả mọi người đều ca ngợi bác sĩ.
PV: Mà quên những người lái xe?
Bác sĩ: Bỏ quên còn là may. Có lẽ họ là đối tượng được “canh chừng” nhiều
nhất. Các tổ chức, các địa phương, các tỉnh chả ai động tới bác sĩ cả, nhưng
nghĩ ra đủ thứ để hành các lái xe. Thế có bất công không?
PV: Khoan đã. Có thể là không bất công, vì bác sĩ chỉ tới bệnh viện
thôi; còn lái xe chạy khắp nơi. Mà trong những ngày này, chạy khắp nơi có nghĩa
là lan truyền dịch bệnh.
Bác sĩ: Tôi biết. Nhưng tôi xin hỏi nhé: Muốn truyền bệnh thì các tài xế
phải nhiễm bệnh đã chứ?
PV: Tất nhiên.
Bác sĩ: Vậy có ai trong xã hội hôm nay muốn nhiễm bệnh không?
PV: Không.
Bác sĩ: Chẳng ai muốn mắc bệnh cả. Thậm chí họ còn sợ hãi điều ấy vô
cùng. Nhưng phần lớn chúng ta biết biến nỗi sợ thành hành động ngồi im trong
nhà, còn những người tài xế, bất kể sợ ra sao cũng phải xông ra đường phố. Chả
lẽ họ hạnh phúc với việc đó ư?
PV: À.
Bác sĩ: Tài xế cũng có vợ con, cũng có gia đình. Họ cũng muốn những người
thân đó an toàn, không nhiễm bệnh chứ?
PV: Chắc chắn.
Bác sĩ: Vậy mà họ vẫn cứ ra đường. Nếu anh là người thân của họ, anh có
vui không?
PV: Không vui. Lo lắng.
Bác sĩ: Và cuối cùng tài xế bất kể loại xe gì nhìn chung có giàu không,
có phải nằm trong những nghề nghiệp có thu nhập cao không?
PV: Không hề cao.
Bác sĩ: Nói thẳng ra là thu nhập của tài xế nhìn chung thua xa bác sĩ.
Thế mà trong đại dịch này, các bác sĩ được ca ngợi hết lời, còn lái xe...
PV: Được dè chừng hết lời.
Bác sĩ: Chính xác như thế. Điều ấy khiến tôi vô cùng ngạc nhiên.
PV: Dạ.
Bác sĩ: Tôi hoàn toàn đồng ý với biện pháp kiểm tra y tế tài xế hoặc
người giao hàng. Nhưng không được coi họ như những “đối tượng” canh chừng, mà
phải thấy đó là một tầng lớp đang hy sinh và cống hiến, phải được cám ơn, tri
ân, được bảo vệ như những chiến sĩ tuyến đầu, chứ không phải là những nhân vật
mà chúng ta “giám sát” nghiêm ngặt.
PV: Vâng.
Bác sĩ: Có bao nhiêu bài hát, bao nhiêu vần thơ dành cho các “áo trắng”,
thế mà chả ai nghĩ tới những áo đủ màu, ngồi sau các tay lái chạy khắp các nẻo
đường.
Lê Thị Liên Hoan - Báo điện tử CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét