Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Ta nên biết sợ những bộ phim dở đàng hoàng ra rạp”

Tôi gặp đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sau một đêm mất ngủ vì câu chuyện hình ảnh một bộ phim bị cấm chiếu đang phát tán trên mạng xã hội. Điệp nói, chị lo những chuyện không nên có ấy sẽ thổi bùng mâu thuẫn tồn tại nhiều năm qua giữa giới làm phim và Hội đồng Duyệt phim quốc gia. Khi đó, cuộc đối thoại đầy tinh thần xây dựng đối với dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi mà hai sự kiện “Ai góp ý giơ tay lên” số 1, số 2 do chị và bạn bè tổ chức vừa qua sẽ trở nên “công cốc”.

Trong cuộc trò chuyện với ANTG GT-CT, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - thành viên thuộc Hội đồng Duyệt phim quốc gia nhiệm kỳ 2021-2023 - liên tục nhấn mạnh, sự kiện vừa qua “không phải chống đối ai cả”. Nó là một cuộc để tất cả các bên cùng ngồi lại, nhìn lại hành trình 15 năm của điện ảnh Việt Nam kể từ khi Luật Điện ảnh ra đời.

Tương lai đã bắt đầu từ hôm qua

- Sự kiện “Ai góp ý giơ tay lên” có lẽ là tiêu điểm văn hóa gần đây khi nhận được quan tâm lớn từ dư luận. Là người làm phim, lại ở trong Hội đồng Duyệt phim quốc gia, khi đứng ra tổ chức một cuộc như vậy, tôi gọi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là “người hòa giải” được không?

- Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Nhiều người hỏi sao tôi lại nhận lời vào Hội đồng Duyệt phim. Tôi vẫn luôn cho rằng, có những mâu thuẫn không đáng có giữa người làm phim và Hội đồng trong những năm qua. Nhưng, tôi rất kì vọng vào Hội đồng nhiệm kì mới, biết đâu có thể gợi lên được câu chuyện: Hãy cho nhà làm phim quyền được đối thoại với Hội đồng duyệt khi xảy ra mâu thuẫn liên quan đến tác phẩm của họ.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Đọc dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, chúng tôi nhận ra nó không có thay đổi gì đáng kể cả. Khi rủ bạn bè tham gia “Ai góp ý giơ tay lên”, mọi người hỏi liệu có thay đổi được gì không mà làm? Thế nhưng, cuối cùng, mọi người tham gia nhiệt tình. Tôi nghĩ, trong thẳm sâu, nếu không tin vào luật nữa, chẳng ai mất thì giờ để tham gia một cuộc như vậy cả. Lượt xem hai sự kiện vẫn chưa dừng lại, cho thấy sự quan tâm của công chúng đến điện ảnh. Tôi biết, trong số hàng chục ngàn người đó, phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng theo sát. Thậm chí, tôi đọc trên báo mới biết, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cũng ngồi ôm iPad suốt 6 tiếng để xem, nhiều lần muốn giơ tay phát biểu ý kiến. Hiện, lượt người xem của sự kiện số 1 đã hơn 50 ngàn người. Sự kiện 2 mang tính đặc thù hơn, các bạn làm phim trẻ theo hướng phim độc lập và những nhà sản xuất quan tâm tới vấn đề hợp tác quốc tế sẽ quan tâm nhiều hơn bộ phận công chúng thông thường.

- Nhưng, đó cũng là xu hướng của tương lai. Sớm muộn gì điện ảnh Việt Nam chẳng đến đó?

- Bao giờ người ta cũng khó nhận ra đó là xu hướng ngay từ đầu. Đáng lẽ, khi công chúng chưa nhận ra, những nhà quản lí phải nhận ra. Có một thực tế, những câu chuyện ta nói hôm nay đã muộn rồi. Khi Netflix đã hoàn thiện hạ tầng đến tận vùng trũng của châu Á, thì Việt Nam mới nói chuyện hạ tầng số trong ngành điện ảnh. Khi ta vẫn bàn chuyện Việt Nam có thể trở thành điểm đến của các nhà làm phim quốc tế thì trong năm 2019, khi mà chính trị và dịch bệnh nhiều biến động, có tới 740 đoàn làm phim quốc tế đến Thái Lan và họ kịp thu về 150 triệu USD. Còn Hungary, năm 2018, doanh số thu về là 323 triệu USD, trong đó 90% là đến từ các dự án hợp tác quốc tế. Tương lai đã bắt đầu từ ngày hôm qua rồi. Nếu nghĩ tương lai đến sau nhiệm kì của mình là một điều rất sai lầm.

Khán giả vẫn phải xem nhiều phim dở

- Những trải nghiệm bước đầu của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khi ngồi ghế Hội đồng là gì?

- Mới ngồi nửa năm, trong những phim được cấp phép phổ biến tại Việt Nam, số lượng phim dở nhiều quá. 100% là phim giải trí. Nếu ở nhà, tôi có thể tắt tivi thì ở đây, tôi phải xem cho hết. Tôi có cảm giác, “não trạng” của mình được lên dây cót để nhìn phim ảnh như một dạng “tội phạm tiềm tàng”, soi có điểm gì sai để cắt bỏ, để áp luật vào.

Hội đồng thì phải tôn trọng quy chuẩn của luật. Tôi hay được nhắc nhở, việc kiểm duyệt vốn dĩ khác thẩm định nghệ thuật. Tức là, không được đưa những đánh giá, cảm thụ nghệ thuật của mình vào việc xét duyệt phim. Chúng ta phải hoàn toàn theo luật. Khi luật quan trọng đến thế, ý kiến đa số áp đảo thiểu số, mà luật lại có những tiêu chí chưa rõ ràng - như những điều mà giới làm phim chỉ ra suốt bao năm qua thì rõ ràng nó chưa bắt kịp sự thay đổi của hoạt động điện ảnh trong thực tế - ý kiến của hội đồng sẽ bị phân cực tùy theo cách hiểu của mỗi người. Điều đó sẽ đẩy người ngồi ghế Hội đồng Duyệt phim như tôi vào hoàn cảnh phải chấp nhận nhìn những bộ phim siêu dở đàng hoàng được cấp phép phổ biến vì nó chẳng phạm luật gì.

- Tổng kết “Ai góp ý giơ tay lên” số 1, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói rằng: “Điện ảnh Việt Nam có vị gì thì vị nhưng không nên có vị kiểm duyệt”. Tôi không nhìn phát biểu của chị một cách duy ý chí rằng các nhà làm phim đang muốn chống đối cơ chế kiểm duyệt. Tuy nhiên, mỗi đất nước sẽ có cách thức vận hành và quản trị đất nước theo cách riêng của mình, kể cả quản trị về mặt kinh tế, xã hội hay văn hóa. Thực tế, văn hóa nghệ thuật cũng nằm trong thượng tầng kiến trúc xã hội, nó không thể đứng ngoài một cách độc lập được. Tôi muốn hỏi Nguyễn Hoàng Điệp, “vị kiểm duyệt” mà chị nói thực chất là gì?

- Tôi cần phải khẳng định lại một lần nữa, những nhà làm phim chúng tôi không có ý chống đối. Diễn đàn “Ai góp ý giơ tay lên” là những chia sẻ hết sức thẳng thắn, nói một lần theo một cách đầy đủ nhất, về những trải nghiệm của chúng tôi trong quá trình đồng hành cùng điện ảnh. Ở đó đang có những khúc mắc chưa tỏ, những điều chưa hiểu nhau giữa giới làm phim và những người trong Hội đồng Duyệt mà Luật Điện ảnh - với những bất ổn - đang trở thành gọng kìm làm đau ngay cả người sử dụng. Nếu giờ chúng tôi không giơ tay xin nói thì khi nào?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Khi ngồi trong Hội đồng, phải xem những phim siêu dở, điều đầu tiên vang lên trong trí óc tôi là “những phim như thế mà được duyệt thì...”. Bạn còn lạ gì những phim như “Cậu Vàng”, “Giấc mơ Mỹ”, loạt phim Kiều trong năm qua... ra rạp nhận được đống gạch đá từ dư luận. Họ kêu ầm lên, Hội đồng duyệt kiểu gì mà để phim này ra rạp. Đúng là về luật thì chẳng liên quan. Hội đồng thẩm định và phân loại chứ có phải hội đồng nghệ thuật đâu. Nhưng, những người làm văn hóa nên biết lo sợ khi công chúng kêu ầm lên như vậy.

Từ năm 2006 đến giờ, có bao nhiêu bộ phim Việt Nam bị cấm như “Vị” (Lê Bảo)? Nếu không nhầm, chỉ có 6 phim. Thì trong những lần đó, có bao nhiêu lần công chúng tung hô Hội đồng cấm là đúng? Nhưng, chỉ trong 2 năm qua, có bao bộ phim dở mà công chúng kêu tên Hội đồng ở đâu mà duyệt những bộ phim đó? Đấy mới là điều đáng sợ, là điều giày vò tôi nhất khi ngồi Hội đồng. Khi dư luận giận dữ với “Điệp vụ Biển Đỏ”, “Người tuyết bé nhỏ”... vì “đường lưỡi bò”, tôi không nói điều đó không quan trọng nhưng nó là tai nạn nghề nghiệp, bất cứ ai ngồi Hội đồng một ngày duyệt hàng đống phim cũng có thể gặp phải. Nhưng, những bộ phim dở đàng hoàng ra rạp ngày càng nhiều thì thực sự nên suy nghĩ lại. Liệu cơ chế kiểm duyệt này có đẩy người làm phim vào chỗ dần dần tạo ra những phim thảm họa theo kiểu mới không? Một bộ phim nếu bị cắt vì cảnh bạo lực bị coi là quá đà, lần sau, họ sẽ giảm "đô" xuống. Trong phim “Thưa mẹ con đi”, con gà rơi xuống đất không được vì đi ngược truyền thống văn hóa, lần sau, nhà làm phim sẽ bày con gà lên bàn thờ... Hay những nhà nhập khẩu phim, nếu nhập 10 phim về mà nhận tới 9 văn bản cấm/chỉnh sửa quá đà thì nghiễm nhiên, phim số 11, số 12, họ phải chọn nhập những bộ phim làng nhàng nhưng “an toàn” để lọt khe cửa hẹp chứ.

Điện ảnh Việt Nam đang ở đâu?

- Thời điểm năm 2006, Luật Điện ảnh ra đời, Nguyễn Hoàng Điệp đang làm gì?

- Lúc đó, tôi mới tốt nghiệp đại học và vào đời với những thứ đã an bài: Học điện ảnh ra, ở miền Bắc chỉ có một con đường duy nhất đó là về các cơ quan nhà nước mới được làm phim. Đối mặt với chuyện đó, có một an bài khác: nếu mình không đáp ứng được thì phải bỏ cuộc. Tôi chọn một kênh truyền hình tư nhân để được cầm máy quay, ngồi dựng phim. Rồi cuộc cách mạng kĩ thuật số đến, cơ hội cho những người làm phim tư nhân mở ra. Tôi nhận thấy rằng, không cần phải có một số tiền siêu to để được làm phim nhựa nữa. Tuyệt quá, mình không cần phải là người nhà nước vẫn có thể làm phim. Nhưng, tôi không phải là anh Vũ Ngọc Đãng, hay anh Lê Hoàng làm được hẳn một bộ phim tư nhân. Tôi nhỏ hơn họ rất nhiều. Tôi chậm hơn họ. Họ sống ở một thị trường khác. Nơi từng có thời hoàng kim của phim “mì ăn liền”, nơi nhà làm phim có thể thu được những khoản tiền lớn để làm phim tiếp theo. Sau đó, ai cũng có thể làm phim kĩ thuật số. Tôi bắt tay vào làm phim truyền hình đầu tiên, chuyển sang làm sitcom... phải đi từng bước để một ngày được làm điện ảnh. Rồi sau đó tôi hiểu, ngoài những “Cánh Diều” và  “Bông Sen”, người làm phim còn một thế giới rộng lớn hơn bên ngoài lãnh thổ, nơi mà các chợ dự án, các liên hoan phim (LHP) nhộn nhịp với số lượng người xem choáng ngợp... Rồi tôi quen Phan Đăng Di, lần đầu biết việc một bộ phim ngắn cũng có thể bị cấm. Rồi sau đó nữa, chúng tôi cùng nhau mang “Bi, đừng sợ” đến LHP Cannes 2010. Xem phim Di đã thấy rất mới so với thế hệ của mình nhưng phải ra bên ngoài, xem các phim khác cùng hạng mục, mới thấy thế giới kì lạ, thú vị quá. Sao lại có thể làm phim về cái dương vật to khổng lồ rồi cầm dương vật đó đi đánh nhau? Sao lại có phim có một cú máy thôi mà khiến mình nhớ không quên được? Nguyễn Hoàng Điệp lúc đó chưa trả lời được câu hỏi đấy. Mãi sau, tôi mới hiểu đó là chuyện hết sức bình thường. Điện ảnh là thế. Đó là sự an bài của điện ảnh thế giới. Chúng ta muốn làm một bộ phim 3 hồi bình thường, có nhân văn theo kiểu sách giáo khoa, có tính dân tộc theo kiểu của nước mình ư? Thế thì chúng ta chỉ chơi trong cái sân nhà của ta mà thôi. Đừng mong đi ngược sự an bài của thế giới. Nghệ thuật tạo ra cái mới không ngừng, ở đó có các “liên văn bản” không quốc tịch, chẳng ai giống ai nhưng vẫn có thể nhận diện căn tính văn hóa, căn tính bản địa của nhà làm phim thông qua thứ ngôn ngữ duy nhất là ngôn ngữ điện ảnh. Ừ hay nhỉ, “càng bản địa thì càng hội nhập”. Tôi thích câu này quá, anh Vincenzo Bugno - Giám đốc Quỹ Điện ảnh thế giới - mới nhắc ở sự kiện số 2.

- Chúng ta nên biết rằng, trong lĩnh vực nghệ thuật, tới nay, chỉ có ngành điện ảnh có một bộ luật riêng. Chị đánh giá như thế nào về vai trò của nó đối với điện ảnh Việt trong những năm qua?

- Sau giai đoạn khủng hoảng kéo dài, nhờ chính sách xã hội hóa của Nhà nước vào đầu những năm 2000, mà điểm nhấn là Luật Điện ảnh năm 2006, đã mở ra cho điện ảnh Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển. Chính Luật Điện ảnh đã đặt nền tảng cho ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam hôm nay. Nếu không có Luật Điện ảnh, sẽ khó có phim tư nhân đàng hoàng phát triển, không có hệ thống trình chiếu phim trải rộng như hiện nay; Việt Nam cũng sẽ không trở thành thị trường hấp dẫn của châu Á.

Từ năm 2006, với sự ra đời của Luật Điện ảnh, sửa đổi lần 1 năm 2009, cho tới Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, tôi nhìn thấy ở đó đều là động thái cập nhật, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành điện ảnh. Cũng thể hiện vị thế của điện ảnh trong các ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng, 15 năm đã qua, có quá nhiều thay đổi. Điện ảnh thế giới đã phát triển như vũ bão, thậm chí không theo một logic nào. Nếu trước đây, các LHP chỉ nhận phim chiếu rạp, Netflix hay HBO đừng “bén mảng” vào, thì giờ đây đã khác. Phim chiếu rạp hay phim trên Netflix, HBO... đơn giản chỉ là những hạ tầng phân phối và không có hạ tầng nào quyền lực hơn hạ tầng nào. Họ đang khai thác một cách triệt để ở mọi phương cách để có thể sinh lời và không quên nâng niu sáng tạo. Trong khi đó, người xem đã trả phí để xem phim trên điện thoại. Chúng ta lại đứng trước một sự an bài mới của thế giới mà những thị trường nhỏ như chúng ta chỉ còn cách bị động đi theo. Chúng ta phải làm gì?

Trước dịch COVID-19, khán giả đến với rạp chiếu vẫn là một điều gì đó rất truyền thống và điện ảnh Việt Nam vẫn rất yên ổn với chuyện đó. Nhưng, 2 năm qua, virus Corona đã cho chúng ta một câu trả lời rất rõ ràng. Nếu luật chậm sửa đổi ngày nào, những người vận hành luật không chịu cập nhật xu hướng ngày nào thì điện ảnh Việt Nam sẽ mất cơ hội ngày đó.

Tương lai thuộc về người trẻ

- Năm 1986, đất nước bước vào đổi mới. Tháng 11-1987, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh kí Nghị quyết 05 về văn hóa văn nghệ, trong đó có việc tôn trọng sáng tạo, chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách sáng tạo trong nghệ thuật... Tới bây giờ, tôi cho rằng, tinh thần của nghị quyết này vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường hướng nền văn nghệ Việt Nam. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nghĩ gì về văn bản đó khi liên hệ chuyện hôm nay?

- Mỗi thời có một đặc thù trong cách quản trị đất nước. Không nên tuyệt đối hóa mà nên nhìn sự vật, sự việc ở thế vận động, trong một quy luật khách quan. Có điều, có những câu chuyện khiến tôi băn khoăn và đã có những lúc, bản thân tôi cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chẳng hạn, bây giờ, có ai dám “liều” để chơi một ván cờ với Hội đồng Duyệt phim quốc gia mà làm những bộ phim như “Tướng về hưu”, “Thị xã trong tầm tay”, thậm chí một bộ phim rất kinh điển - “Bao giờ cho đến tháng Mười” - như các vị tiền bối của mình không? Chắc không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm đối mặt với rủi ro, nếu nhìn vào luật.

Trong một lần nói chuyện, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân kể, những năm 2000, anh làm phim “Trái tim bé bỏng”, nhân vật của anh vớt xác một cô gái điếm khỏi dòng kênh đen, phía sau là Sài Gòn hoa lệ. Sao khi đó, “Trái tim bé bỏng” của anh Vân được chấp nhận mà “Ròm” của Trần Thanh Huy năm 2019 lại bị cho rằng “bôi đen” Sài Gòn, phải sửa bản dựng mới được ra rạp? Tôi chỉ cần dẫn ra một ví dụ để nói, phải chăng, chúng ta đang tăng cường “cơ chế lo âu”?

Những hội đồng theo nhiều thế hệ thành trầm tích bồi đắp, hết nhiệm kì này đến nhiệm kì khác, bổ sung những kinh nghiệm về kiểm duyệt mới, làm cho vùng kiểm duyệt ngày càng lớn hơn. Và, nhà làm phim có bị đẩy ra ngoài vùng sáng tạo của mình hơn? Sau những bài học kiểm duyệt, nhà làm phim sau đó sẽ tự động rút kinh nghiệm cho mình. Hay ho gì việc đó? Tôi thực sự mong chúng ta thay đổi định nghĩa về kiểm duyệt.

- Các giám tuyển quốc tế, LHP lớn đánh giá cao phim “Vị” của Lê Bảo. Trong khi ở Việt Nam lại cho rằng đó là “rác” và không qua cửa kiểm duyệt. Chuyện đó cho thấy có một sự khủng hoảng về mỹ cảm hiện nay. Điều này cũng chẳng có gì lạ, các phong trào, xu hướng, học thuyết lớn trên thế giới... ở thời điểm ra mắt cũng gây ra những tranh luận lớn. Khi một người mới với những tiếng nói mới xuất hiện, ngay lập tức, ta cho rằng, họ đang “khiêu khích” cả một hệ giá trị, hệ mỹ cảm cũ  (nhưng bình ổn, được xác lập bao nhiêu năm)...  Trong bối cảnh đó, ta phải suy xét một cách mạch lạc về giá trị nghệ thuật của một tác phẩm ra sao?

- Vấn đề đặt ra ở đây: Khán giả là ai? Có những khán giả vùi dập, đồng thời cũng có khán giả ca ngợi. Tóm lại, khán giả là một tập hợp người quá đông đảo. Người nghệ sĩ thực ra họ biết khán giả của mình là ai. Lấy trường hợp của “Vị”, trong lúc có người nói đưa hình ảnh cơ thể người phụ nữ già nua, nhăn nheo lên phim chẳng khác nào sỉ nhục và coi thường cơ thể phụ nữ nhưng cũng có bộ phận khán giả nói đó là một trân trọng tuyệt đối dành cho cơ thể, cho phụ nữ. Nó phá vỡ định kiến, đi ngược lại tiêu chuẩn cái đẹp thông thường, phụ nữ cứ phải đẹp, phải nõn nà... Rõ ràng, luôn có những bộ phận khán giả khác nhau, tồn tại trong một khối đa chiều như thế. Nếu không cố gắng nghiên cứu bản chất của nghệ thuật, không hiểu toàn cảnh để quan sát và có cái nhìn công tâm, rất dễ nhìn sự việc theo một góc phiến diện.

Tôi nghĩ, hơn ai hết, Lê Bảo biết khán giả của mình là ai. Từ đầu, có vẻ như “Vị” được nhà làm phim gửi gắm đến nhóm khán giả rất hẹp, muốn nghiên cứu, phê bình, khám phá điện ảnh ở những nơi như LHP quốc tế. Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Làm gì có một nền điện ảnh chỉ một vị? Cay xé lưỡi với ta đâu phải là lý do để bảo tất cả phải cùng yêu vị ngọt? Thay vì cấm, có lẽ cần nghĩ cách để những vị khác đến được với sân chơi của nó mà không phạm luật?

3 năm liền ở LHP Busan, ta luôn đòi rút và tiêu hủy phim của chính đất nước chúng ta. Rồi ta cứ đặt ra câu hỏi sao Iran nhỏ bé xinh đẹp kiểm duyệt hà khắc mà vẫn có phim đi Oscar mà nhà làm phim Việt Nam không biết đường học hỏi? Ta muốn bạn bè quốc tế nghĩ về chúng ta? Ta muốn truyền thông đi khắp thế giới về một nền kiểm duyệt hà khắc như Iran ư? Tôi tin những người soạn Luật Điện ảnh năm 2006 không ai hi vọng điều đó.

Chúng ta đang có một thế hệ làm phim trẻ, có tài năng, cá tính, nhập cuộc được với giới làm phim thế giới. Họ đến LHP thế giới như đi chợ. Người trẻ đã vận động, họ không từ bỏ bất cứ cơ hội nào cho nghề nghiệp của mình. Ta đã làm gì để hỗ trợ các bạn ấy?

Tôi đọc báo thì được biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói, chúng ta đã đầu tư 65 tỉ vào điện ảnh một năm. Con số này không nên bình luận to hay bé nhưng rõ ràng với các phim độc lập xuất hiện tại các LHP quốc tế thì không phát sinh một sao kê nào với con số kể trên, tên Việt Nam lại được xướng lên ở các LHP. Còn điều gì có ý nghĩa hơn nữa về mặt quảng bá văn hóa?

Nếu luật khiến chúng ta bị lúng túng, bị giẫm lên chân nhau hoặc buộc phải cấm một bộ phim mà chúng ta đều thấy rằng nó không có tội thì có lẽ phải xem lại nó. Chỉ có cách đó mới có thể mở đường đủ rộng cho điện ảnh với tư cách một ngành nghệ thuật - một ngành công nghiệp văn hóa vươn lên đúng tầm.

- Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, tinh thần mà một người kiểm duyệt nên có là gì?

- Mọi bộ phim, mọi nghệ sĩ đều đến với ta bằng sự trong trẻo và nỗ lực chinh phục. Không nên nhìn những bộ phim như bằng chứng tinh vi về "xuyên tạc, bôi đen", không nên nhìn nhà làm phim như những tội phạm tiềm tàng. Khi luật đang có những tiêu chí chưa rõ ràng, ta càng cần hạn chế sự suy luận, suy diễn có hại cho bộ phim, người làm phim. Hãy nhớ họ là những người sáng tạo, phim là tác phẩm. Tôi nghĩ, đó là điều tối thiểu cần làm khi chờ luật sửa đổi thông qua vào năm 2023. Đến lúc đó, còn là một tiến trình dài. Tiến trình đó cần phải là sự hiểu nhau và cùng nâng đỡ lẫn nhau.

“Điện ảnh thế giới đã phát triển đến mức không còn logic nào nữa. Trước sự hỗn độn đó, những người làm quản lý văn hóa không phải bắt mọi người rẽ trái hay rẽ phải để giải quyết hỗn độn mà phải tìm ra quy luật của sự hỗn độn”.

Du Nguyên (thực hiện) - Báo CAND

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...