Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Gió thổi từ đồng

Người ta nhìn thấy mẹ tôi chết trên bàu lách. Hai chân mẹ trên bờ, mặt sấp xuống ruộng nước, ướt sũng. Những người đàn ông tốt bụng trong xóm cột tấm vải rằn ri vào cây sào lớn, bỏ mẹ vào trong rồi tức tốc khiêng về. Mẹ bị bệnh động kinh, lên cơn khi đang bắt cá giữa đồng. Cậu nghe tin, chạy tới, khóc từ ngoài ngõ khóc vào.

Cậu vuốt mặt cho mẹ. Bùn nơi khóe mắt, rửa mãi không sạch. Cậu bảo tôi đưa cho cậu tờ giấy trắng. Tôi xé vở, lấy giấy cho cậu. Cậu đắp mặt cho mẹ. Hai tay mẹ co quắp, cậu bắt mãi không thẳng. Trong tay mẹ có con cá rô thia giương mắt thoi thóp thở.
Chôn cất mẹ xong, cậu dặn:
 - Mỗi ngày nhớ thắp hương cho mẹ. Trước khi ăn cơm nhớ đơm một bát đặt lên bàn thờ. Cơm cúng xong, hai anh em chia nhau ăn, không được đổ đi.

Minh họa: Lê Hùng

Những lời dặn ấy tôi nghe và thực hiện răm rắp, nhưng tôi không hiểu ý nghĩa của việc làm đó. Mẹ chết. Người làng đã chôn mẹ. Mẹ có ăn được cơm nữa đâu? Ngày đám mẹ, anh Tồ khóc như mưa, còn tôi cứ nghiến chặt hai hàm răng lại. Có khi để ngăn dòng nước mắt, tôi đã cắn tứa máu môi mình. Mấy mụ hàng xóm thì thầm: “Thằng Tồ thương mẹ, thằng Tính không thương. Cái thằng mẹ chết mà không có giọt nước mắt”.

Khi hạ huyệt, tôi nhìn rõ mấy sợi dây cột chẹo, quan tài mẹ tôi lắc lư. Mưa tháng mười như trút nước. Huyệt đạo mẹ tôi đầy nước. Cậu xin người làng đợi cho lát, cậu nhảy xuống huyệt múc nước đổ ra. Nước mắt cậu hòa trong nước mưa. Khi người ta lấp gần khuất quan tài mẹ, tôi lấy hết sức trong người mình thét lên một tiếng, rồi ngã quỵ. Từ đó tôi không biết gì.

Anh Tồ hiền lành đến tội nghiệp. Người làng bảo anh đần độn giống mẹ. Anh em tôi không biết cha mình là ai. Trong con mắt mọi người, mẹ tôi là người đàn bà khờ dại chửa hoang. Ai nói gì, mẹ cũng cười. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ nặng lời với ai. Ai kêu làm thuê làm mướn gì thì mẹ làm. Mùa nào việc nấy. Trời phú cho mẹ tôi tài bắt cua, bắt cá. Chúng tôi lớn lên vuông tròn trong vòng tay mẹ. Tôi không thấy mẹ dở hơi như người ta nói.

Tôi vốn ít nói, từ ngày mẹ mất, tôi trở nên lầm lì hơn. Mẹ tôi mất khi tôi đang học lớp 9, còn anh Tồ đã gần 20 tuổi. Mọi việc trong nhà tôi tự quán xuyến.

Đến lớp, tôi ngồi thu mình, hầu như không chuyện trò với ai ngoài Hạnh.

Có lần, Nam hỏi tôi:

 - Này Tính, cha mi tên chi? Ở mô?

 - Tau không có cha.

- A, thế mẹ mi lưỡng tính à. Ôi, mụ điên lưỡng tính tụi bây ơi.

Tôi nghiến chặt hai hàm răng, lao tới đấm vào mặt thằng Nam túi bụi. Vừa đấm tôi vừa gầm lên: “Tau cho mi chết. Biết mặt tau”. Thằng Nam ôm mặt, máu mũi chảy ròng ròng.

Cả lớp vây quanh tôi và Nam. Hạnh chạy về phòng hội đồng kêu thầy cô. Khi thầy cô đến thì mặt Nam đã bị tôi đấm đỏ bầm, máu me bê bết. Tôi được mời về phòng giám thị làm việc. Viết bản tường trình xong, thầy giám thị cho tôi về lớp học. Quên bút, tôi quay lại lấy. Đi ngoài hành lang, tôi nghe rõ tiếng thầy Hiệu trưởng và cô chủ nhiệm:

- Em Tính côn đồ quá. Xưa nay, trường này chưa có tình trạng bạo lực học đường. Phải xử thật nghiêm để răn đe. Đụng ai không đụng, lại đánh con Chủ tịch xã.

- Thưa thầy, việc gì cũng có nguyên nhân thầy ạ. Do em Nam chọc em Tính trước.

- Mẹ nó điên thì em Nam nói điên, có can chi mô. Mà nếu sai, cũng không được đánh bạn đau như vậy.

- Em không nghĩ như vậy. Nam đã xúc phạm đến mẹ Tính, Tính phản ứng. Khi một đứa trẻ bị tổn thương, nó sẽ không kiềm chế được thầy ạ.

Trống vào tiết, tôi chạy nhanh vào phòng xin lại cây bút. Thấy tôi, cả hai người im lặng.    

 Hành lang vắng hoe. Bóng nắng hắt xuống nách tường rêu phủ. Tiếng thầy cô giảng bài lúc trầm lúc bổng. Tiếng phấn chạm vào bảng lách cách. Tiếng học sinh phát biểu xây dựng bài khe khẽ. Tôi nghe rõ tiếng đập thình thịch trong lồng ngực mình.

Học xong lớp 9, tôi không có điều kiện học lên cấp 3. Nghỉ học, tôi theo cậu đi làm đồng. Anh Tồ nhiều tuổi nhưng khờ khệch. Ai thuê chi anh làm nấy. Người ta thuê anh bơm thuốc sâu, thuốc cỏ ruộng. Ngày cận Tết, họ thuê anh bửa củi. Nhà nào củi cũng chất đống để chuẩn bị nấu bánh chưng, nấu giò. Mùa gặt, họ thuê anh bốc lúa, gánh rơm…

Tiền công anh đưa cho tôi trang trải cuộc sống. Anh hồn nhiên yêu đời như một đứa trẻ. Anh em chúng tôi lớn lên như rơm rạ quê nhà. Có những chiều mùa Đông gió bấc hun hút, nhìn bàn chân anh thâm tím sau một ngày đi làm mướn về, lòng tôi xót xa. Giá như mẹ tôi còn sống. Giá như tôi biết cha mình là ai. Chúng tôi được sinh ra trên cõi đời này là sản phẩm của những người đàn ông đã có vợ con hoặc những thanh niên muốn nếm mùi đời mà tiền không có. Họ đến với mẹ tôi để thỏa mãn cơn thú tính dục vọng.

Cậu đi làm đồng về, ghé nhà khuyên tôi:

- Mi kiếm cái nghề mà học con ạ. Bám ruộng không đủ ăn mô. Đất quê ta mùa mưa nước trắng đồng, mùa hè cháy ngọn cỏ. Mi thấy đó, người làng ra Bắc vô Nam mưu sinh hoặc ra nước ngoài lao động. Họ ra đi để trở về khi có chút đỉnh. Cơ cực thật mà có ai bỏ được đất quê mà đi mô.

Cậu ra về trong ánh chiều vàng vọt, đổ nghiêng. Đôi dép tổ ong mòn gót lẹt xẹt. Bóng cậu mênh mang tràn trên bờ rào bên kia. Tôi quặn lòng thương cậu, thương mẹ. Thương hai anh em tôi.

Nghe lời cậu, tôi xin học sửa xe máy với một bác làng bên.

Sau hơn một năm học nghề, tôi mở tiệm sửa xe máy đầu làng. Nói tiệm nhưng thực chất là khoảnh đất người ta bỏ hoang. Cậu tôi xây mấy viên gạch bờ lô rồi lợp tôn lên. Tôi khởi nghiệp bằng cái rương đồ nghề với vài thứ lỉnh kỉnh.

Ngày tôi khai trương tiệm, Hạnh mua tặng tôi một đôi găng tay kèm theo mảnh giấy: “May mắn nha, phát tài đừng quên Hạnh”.

Quán tôi khá đông khách, người ta vừa sửa để thử tay nghề tôi, vừa giúp đỡ tôi có thêm tí thu nhập. Người dân quê bao năm vẫn thế, họ gần gũi, đùm bọc.

Ngày ngày, Hạnh vẫn đạp xe đi học về ngang qua quán tôi. Anh Tồ ngẩn ngơ nhìn theo bóng Hạnh đến khi khuất hẳn. Hạnh đẹp. Bọn con trai trong làng mê mẩn. Thằng Nam sáng nào cũng chạy xe máy điện đến đứng trước cổng xin chở Hạnh đến trường mà Hạnh không chịu. Nhà Hạnh nghèo lắm. Bố say rượu triền miên. Mỗi lần say lại đánh và chửi mẹ con Hạnh. Hạnh xin mẹ nghỉ học để đi làm giúp gia đình nhưng mẹ không chịu. Nhìn vẻ mảnh mai, xinh xắn của Hạnh, bọn trai làng cảm động lắm. Nhiều đứa thầm thương trộm nhớ. Anh Tồ tôi mê Hạnh như điếu đổ. Những đứa tán Hạnh không được, liền ác ý ghép cho anh Tồ với Hạnh một cặp. Hạnh chỉ cười. Anh Tồ vui mừng ôm mộng.

Có nhiều đêm, anh Tồ ngồi cười tủm tỉm một mình. Tôi biết anh đang cười vì điều gì. Tồ thường đón Hạnh trên đường đi học về, lúc thì cho vài quả ổi, lúc cho mấy quả mãng cầu. Hạnh vỗ vai Tồ “Cám ơn anh Tồ nha!”. Tồ đứng sững, tay rờ lên vai và cười mãn nguyện. Bàn tay Hạnh vô tình, niềm vui Tồ mơn man cố ý.

Có đêm, chẳng biết mơ mộng gì, anh Tồ ôm chặt tôi rồi sờ soạng khắp người. Tôi tỉnh dậy, thấy anh ngủ say, mặt vui phởn phơ. Tôi thương anh đứt ruột. Tôi hiểu những giấc mơ đêm của cái thằng người 25 tuổi. Tôi hiểu bản năng của một thằng con trai đang thức dậy hằng đêm trong anh. Dù trí tuệ không bằng ai, nhưng bản năng con người đều giống nhau. Nhưng, Tồ ơi, có ai người ta chấp nhận một người chồng ngờ nghệch như anh. Giá như anh mãi là đứa trẻ như khi mẹ còn sống. Được thế, tôi đỡ khổ tâm.

*

Trăng sáng như ban ngày. Trăng lõa thể trên ngọn cau. Ánh trăng rười rượi. Hạnh hẹn tôi ra bến sông. Tôi nôn nao đến chỗ hẹn sớm. Trăng gợn bạc trên sông vắng. Hai đứa ngồi sát vào nhau chẳng đứa nào nói câu gì có nghĩa. Trời  khuya, gió từ sông thổi vào mơn man. Trăng soi rõ bờ vai mảnh mai của Hạnh đang run lên khi tôi khẽ chạm tay vào cô ấy. Cách đây mấy năm, trưa hè nào chúng tôi cũng hẹn nhau cả đám tắm sông, tôi tập bơi cho Hạnh.

Lúc đó, sự đụng chạm da thịt chẳng có ý nghĩa gì. Cả tôi và Hạnh đều hồn nhiên lặn đuổi bắt nhau dưới nước. Sao bây giờ, khi người ta đã trưởng thành, chỉ cần bàn tay chạm nhẹ vào vai Hạnh đã khiến thân thể tôi rạo rực thế này. Hạnh quàng tay ôm cổ tôi. Môi nàng ẩm ướt lướt nhẹ trên má, xuống cổ tôi. Tôi ngồi yên, cứng ngắc. Tôi không biết mình phải làm gì bây giờ. Cảm xúc dẫn dụ, bất giác tôi ghì chặt nàng vào lòng, ngấu nghiến những nụ hôn lên tóc, lên ngực.

Thân thể thiếu nữ tỏa ra mùi hương ngất ngây. Đêm quê sâu thẳm. Tôi đê mê dúi mũi vào bầu ngực trinh nữ, hít lấy hít để. Hạnh mềm nhũn trong vòng tay tôi. Tôi cảm giác mình chạm ngõ thiên đường để rồi sau đó dẫu có bị lưu đày biệt xứ, tôi cũng cam lòng. Bất giác, tôi nghe tiếng động của cành cây gãy rắc rắc, tôi ngước lên nhìn. Trời ơi, anh Tồ tôi đứng đó từ bao giờ. Anh không nói gì. Mắt ầng ậng nước. Tồ khóc.

Tiếng ngáy anh Tồ đánh thức tôi. Trong đêm đen đặc quánh, tôi biết mình vừa nằm mơ. Tôi bật dậy, nhìn quanh. Hóa ra mình đang ngủ trên giường với Tồ chứ không phải ngồi ngoài bờ sông với Hạnh. Tôi ra giếng, múc nước dội lên người cho tỉnh hẳn. Đêm. Nước giếng lạnh ngắt. Nước ngấm vào người. Luồng lạnh chạy dọc sống lưng. Cách tôi tắm đêm như người ta đổ nước vào bếp để làm tắt hòn than đang hừng hực cháy. Chỉ có cách ấy mới làm những rạo rực của thằng con trai gần 20 tuổi trong tôi dịu xuống.

Giấc mơ ám ảnh tôi cả tuần. Tôi giằng xé giữa hình hài nõn nà thiếu nữ và đôi mắt ánh lên vẻ tuyệt vọng của anh tôi. Nhiều lúc đầu tôi muốn vỡ tung ra.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Hạnh không làm đơn xét tuyển đại học.

Hạnh hỏi tôi:

- Tính có muốn Hạnh đi học đại học không?

- Tôi không biết.

Tôi lạnh lùng đáp lại. Hạnh giận dỗi bỏ về.

Tôi đủ tinh tế để nhận ra Hạnh muốn gì, nhưng tôi không thể. Nhiều lần Hạnh cố ý gần gũi tôi, bóng gió tỏ tình tôi. Tôi cố ý thờ ơ. Làm sao Hạnh biết tôi yêu Hạnh đến mức nào. Nhưng tôi không thể. Đã có lúc, tôi muốn nói cho Hạnh nghe  tất cả, nhưng ánh mắt anh Tồ đêm ấy đã ngăn tôi lại. Nhiều đêm tôi một mình thơ thẩn dọc bến sông, tôi khát khao gặp em trong giấc mơ hôm ấy. Tôi ước chỉ một lần thôi, được chạm vào em.

***

Cuối làng ồn ào. Tiếng chó sủa nháo nhác, thất thanh. Tôi tỉnh dậy, tìm quanh không thấy Tồ đâu. Linh cảm điều chẳng lành, tôi quờ tìm đôi dép và chạy đến chỗ mọi người đang ầm ĩ. Trời ơi, anh Tồ tôi bị làm sao thế này. Anh bị trói, ngồi bệt xuống giữa đường. Tồ khóc.

 Thấy tôi, ông giáo nói:

- Thằng anh mày ăn trộm chó. Con chó nhà tao nó khôn lắm. Trong xóm chỉ có thằng Tồ là gặp nó không sủa. May đêm nay tao khó ngủ, nếu không nó đã câu mất con chó vàng chó bạc nhà tao.

Tiếng đàn bà thêm vào:

- Ai ngờ, nhìn hiền như cục đất vậy mà ăn trộm chó. May cho ông giáo thật, suýt nữa mất con chó quý.

Tôi choáng váng, không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra.

Anh Tồ bị công an thôn dẫn về nhà cộng đồng. Họ giải thích cho tôi: “Tạm giữ nó lại đây đêm ni, để lần sau chừa đi. Sáng mai thả nó về”.

 Đêm khuya. Gió lạnh run người. Tiếng ồn ào lặng dần. Anh bị nhốt lại trong phòng. Tôi xin anh công an thôn cho tôi được ở cùng Tồ, anh cười bảo “Anh mi trộm chó chứ phải mi mô”. Từ khi mẹ mất đến nay, chưa đêm nào tôi ở xa anh. Bây giờ một mình trong căn phòng rộng thế, anh tôi sẽ hoảng sợ. Tôi chạy quanh, gõ vào cửa sổ.

- Tồ ơi, em đây. Đừng sợ!

Đáp lại tiếng tôi là tiếng gió rít đập cành trên ngọn cây. Tôi sốt ruột gào to hơn.

- Anh Tồ ơi, lạnh không?

Tôi chỉ nghe tiếng khóc rấm rức bên trong. Tồ không nói gì. Tôi bất lực trước bức tường. Sau lần mẹ chết, đây là lần thứ hai, tim tôi khó thở đến như vậy.

Trời tảng sáng, tôi về nhà tìm cho anh chiếc áo khoác. Tôi quay lại, gọi mãi không có động tĩnh gì bên trong. Tôi sốt ruột về gọi anh công an viên ra mở cửa. Tồ đã biến mất. Tôi nhìn lên ô thông gió và biết chuyện gì đã xảy ra.

Tôi về nhà, ngồi dựa vào bức vách. Tôi không còn chút sức lực nào trong người. Tôi ám ảnh bởi ánh mắt anh tôi trong giấc mơ hôm nào. Tại sao lại xảy ra cơ sự này. Anh tôi không thể là cẩu tặc. Đến con chó khôn nhất làng nó còn nhận ra anh tôi là người lương thiện để mỗi lần gặp nó không sủa. Vậy tại sao người, đặc biệt là ông giáo lại nghĩ anh tôi là kẻ xấu.

 - Tau xin lỗi mi, tối qua tau rủ anh Tồ đi chơi. Tau hứa sẽ làm mai em Hạnh cho Tồ nếu Tồ gọi được con chó ông giáo ra cổng.

Tôi hiểu rồi. Tôi định văng cú đấm vào mặt Cường nhưng thân thể đã mệt nhoài. Muốn trả thù, trước hết mình phải đủ lực. Ngay bây giờ, tôi không còn khả năng đó nữa.

- Thôi, mi đừng oán tau nữa. Dậy đi tìm anh Tồ đi. Mau lên. Tìm được anh Tồ về, tau sẽ vào Đắk Lắk làm rẫy với bác tau. Tau muốn làm lại cuộc đời.

Lên xe Cường, tôi bảo:

- Mi ghé nghĩa địa, tau thắp cho mẹ tau cây nhang.

Lối vào nghĩa địa vắng tanh. Những nấm mồ chi chít. Các ngôi mộ đều ốp đá bóng láng. Mộ mẹ tôi cỏ ngà voi mọc um tùm, xâu xé. Tôi giật mình vì những cành cỏ ngà voi vừa mới gãy, còn tươi rói.

Phải rồi, chắc chắn anh tôi vừa mới ở đây. Tôi và Cường vừa đi vừa hét toáng gọi tên anh.

Bên kia dốc đồi, thấp thoáng có bóng người…

Truyện ngắn của Lê Hải Yến

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...