Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Tìm bị hại của “cán bộ ngân hàng” rởm

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh cán bộ ngân hàng" xảy ra tại TP Hà Nội và một số địa phương theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 59/QĐ-CSHS-P8 ngày 29/10/2021 của cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Ảnh minh họa

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Lê Tú Quang (SN 1992), nơi ĐKNKTT: Cụm 9, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP Hà Nội; là lao động tự do.

Lê Tú Quang thừa nhận bản thân không phải là nhân viên ngân hàng, mạo danh người tên Nguyễn Đình Hoan để gọi điện, trao đổi và giới thiệu các gói vay ngân hàng với những người có nhu cầu vay vốn mà không cần đến ngân hàng, không cần thế chấp tài sản và không lãi suất.

Khi người vay đồng ý với các gói vay và mức phí của khoản vay do Quang đưa ra, Quang thông báo để người vay chuyển tiền phí vay vào các tài khoản số 04040945901 mang tên Phạm Thị Mậu mở tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank); 1012744632 mang tên Nguyễn Văn Lộc mở tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); 19034921135011 mang tên Nguyễn Đình Hoàn mở tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)... rồi chiếm đoạt.

Để phục vụ công tác điều tra vụ án, cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị ai là người bị hại liên quan đến hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lê Tú Quang liên hệ với cơ quan CSĐT Bộ Công an, địa chỉ: số 497 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Điều tra viên thụ lý: đồng chí Cấn Văn Hùng, số ĐT: 0968809288.

PV – Báo CAND

Cục trưởng nghe điện thoại

Từ sau khi nhậm chức Cục trưởng, những chuyến về quê thăm bố mẹ của Dương Đông Sinh cứ thưa dần. Ở cách xa thành phố chỉ khoảng bảy, tám cây số nhưng hai ông bà già cũng không dễ dàng gì để lên thăm con trai.

Buổi sáng thứ hai, chuông điện thoại trong phòng làm việc của Cục trưởng Dương réo vang, một giọng nói gấp gáp vang bên tai nữ thư ký: “Xin gọi giúp Dương Oa nghe điện thoại”.

Cú điện thoại này là của cha Cục trưởng Dương gọi từ dưới quê lên để báo tin đêm qua bà lão mẹ Cục trưởng phát bệnh phải vào viện cấp cứu, lão phải chạy ngược, chạy xuôi, xoay như cái chong chóng nên mãi sáng hôm nay mới gọi được điện thoại đến phòng làm việc của con trai.


“Dương Oa” là tên sữa thuở bé của Cục trưởng, nữ thư ký đương nhiên là không thể biết được. “Chúng tôi ở đây không có ai tên như thế cả”, rồi “cạch” một tiếng, điện thoại bị ngắt.

Cha của Cục trưởng Dương bồn chồn, bứt rứt “Con trai mình đường đường là thủ trưởng đứng đầu một cục, tại làm sao họ lại nói không có người như thế? Lão lo lắng vò đầu, bứt tóc, đấm ngực: Đúng rồi, bây giờ trong đơn vị người ta quen xưng hô với nhau bằng chức danh chức vụ, sao mình lại sơ suất thế nhỉ? Thế là cha của Cục trưởng Dương lại bấm điện thoại, đầu dây bên kia đương nhiên vẫn là giọng nữ ban nãy:

- Xin hỏi là ai đấy ạ?

- Xin hỏi Cục trưởng Dương có ở đấy không ạ?

- Xin đợi cho một lát để tôi xem.

Nữ thư ký chuyển điện thoại cho Cục trưởng Dương, Cục trưởng mới nghe nói là tìm gặp “Cục trưởng Dương” thì lại cứ nghĩ rằng có bộ phận chuyên môn nào đó có việc nhờ mình giải quyết liền nói với nữ thư ký: “Cứ nói là tôi đang bận họp, bảo họ gọi lại sau nhé!”.

Cha của Cục trưởng Dương chỉ còn biết chờ một lúc rồi lại gọi tiếp: “Xin gọi cho điện thoại của Dương Đông Sinh”, lần này khẩu khí của ông có thay đổi nên ông tin tưởng rằng thế nào con trai cũng nghe điện thoại. Nữ thư ký nghe khẩu khí này cũng hốt, cho rằng giữa người gọi điện thoại và Cục trưởng có quan hệ gì đặc biệt. Cục trưởng Dương vừa nghe nói là tìm “Dương Đông Sinh” thì lại cho rằng, nếu không phải là bạn học cũ thì cũng là bạn bè thân thuộc gọi điện đến để nhờ vả giúp đỡ gì đó nên xua tay “Hãy nói tôi không có ở đây”.

Cha của Cục trưởng Dương vừa nghe thì tức giận, phổi ông như muốn nổ tung: Vừa rồi đang còn ở đó, nói đang bận họp vậy mà nháy mắt đã đi mất rồi, định giở trò gì với lão đây?”.

Ông lão trầm tư một lát rồi lại tiếp tục cầm điện thoại: “A lô, hãy bảo Tiểu Dương nghe điện thoại cho tôi”. Nữ thư ký vừa nghe ngữ khí đó, phán định ngay là của một vị lãnh đạo cấp trên thì không dám chậm trễ, lập tức báo ngay cho ông Dương. Cục trưởng Dương vừa mới nghe nói là tìm “Tiểu Dương” thì vội vàng cung kính cầm ngay điện thoại: “Xin hỏi thủ trưởng nào đấy ạ?”.

Chỉ nghe giọng khàn khàn, bực tức của cha: “Thủ trưởng cái con khỉ! Ta là cha của anh đây, tối hôm qua mẹ anh phải nhập viện cấp cứu rồi, biết không?”.

Trần Dân Phong (dịch)

Truyện vui của Trương Kiến Quốc (Trung Quốc)

Gió thổi từ đồng

Người ta nhìn thấy mẹ tôi chết trên bàu lách. Hai chân mẹ trên bờ, mặt sấp xuống ruộng nước, ướt sũng. Những người đàn ông tốt bụng trong xóm cột tấm vải rằn ri vào cây sào lớn, bỏ mẹ vào trong rồi tức tốc khiêng về. Mẹ bị bệnh động kinh, lên cơn khi đang bắt cá giữa đồng. Cậu nghe tin, chạy tới, khóc từ ngoài ngõ khóc vào.

Cậu vuốt mặt cho mẹ. Bùn nơi khóe mắt, rửa mãi không sạch. Cậu bảo tôi đưa cho cậu tờ giấy trắng. Tôi xé vở, lấy giấy cho cậu. Cậu đắp mặt cho mẹ. Hai tay mẹ co quắp, cậu bắt mãi không thẳng. Trong tay mẹ có con cá rô thia giương mắt thoi thóp thở.
Chôn cất mẹ xong, cậu dặn:
 - Mỗi ngày nhớ thắp hương cho mẹ. Trước khi ăn cơm nhớ đơm một bát đặt lên bàn thờ. Cơm cúng xong, hai anh em chia nhau ăn, không được đổ đi.

Minh họa: Lê Hùng

Những lời dặn ấy tôi nghe và thực hiện răm rắp, nhưng tôi không hiểu ý nghĩa của việc làm đó. Mẹ chết. Người làng đã chôn mẹ. Mẹ có ăn được cơm nữa đâu? Ngày đám mẹ, anh Tồ khóc như mưa, còn tôi cứ nghiến chặt hai hàm răng lại. Có khi để ngăn dòng nước mắt, tôi đã cắn tứa máu môi mình. Mấy mụ hàng xóm thì thầm: “Thằng Tồ thương mẹ, thằng Tính không thương. Cái thằng mẹ chết mà không có giọt nước mắt”.

Khi hạ huyệt, tôi nhìn rõ mấy sợi dây cột chẹo, quan tài mẹ tôi lắc lư. Mưa tháng mười như trút nước. Huyệt đạo mẹ tôi đầy nước. Cậu xin người làng đợi cho lát, cậu nhảy xuống huyệt múc nước đổ ra. Nước mắt cậu hòa trong nước mưa. Khi người ta lấp gần khuất quan tài mẹ, tôi lấy hết sức trong người mình thét lên một tiếng, rồi ngã quỵ. Từ đó tôi không biết gì.

Anh Tồ hiền lành đến tội nghiệp. Người làng bảo anh đần độn giống mẹ. Anh em tôi không biết cha mình là ai. Trong con mắt mọi người, mẹ tôi là người đàn bà khờ dại chửa hoang. Ai nói gì, mẹ cũng cười. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ nặng lời với ai. Ai kêu làm thuê làm mướn gì thì mẹ làm. Mùa nào việc nấy. Trời phú cho mẹ tôi tài bắt cua, bắt cá. Chúng tôi lớn lên vuông tròn trong vòng tay mẹ. Tôi không thấy mẹ dở hơi như người ta nói.

Tôi vốn ít nói, từ ngày mẹ mất, tôi trở nên lầm lì hơn. Mẹ tôi mất khi tôi đang học lớp 9, còn anh Tồ đã gần 20 tuổi. Mọi việc trong nhà tôi tự quán xuyến.

Đến lớp, tôi ngồi thu mình, hầu như không chuyện trò với ai ngoài Hạnh.

Có lần, Nam hỏi tôi:

 - Này Tính, cha mi tên chi? Ở mô?

 - Tau không có cha.

- A, thế mẹ mi lưỡng tính à. Ôi, mụ điên lưỡng tính tụi bây ơi.

Tôi nghiến chặt hai hàm răng, lao tới đấm vào mặt thằng Nam túi bụi. Vừa đấm tôi vừa gầm lên: “Tau cho mi chết. Biết mặt tau”. Thằng Nam ôm mặt, máu mũi chảy ròng ròng.

Cả lớp vây quanh tôi và Nam. Hạnh chạy về phòng hội đồng kêu thầy cô. Khi thầy cô đến thì mặt Nam đã bị tôi đấm đỏ bầm, máu me bê bết. Tôi được mời về phòng giám thị làm việc. Viết bản tường trình xong, thầy giám thị cho tôi về lớp học. Quên bút, tôi quay lại lấy. Đi ngoài hành lang, tôi nghe rõ tiếng thầy Hiệu trưởng và cô chủ nhiệm:

- Em Tính côn đồ quá. Xưa nay, trường này chưa có tình trạng bạo lực học đường. Phải xử thật nghiêm để răn đe. Đụng ai không đụng, lại đánh con Chủ tịch xã.

- Thưa thầy, việc gì cũng có nguyên nhân thầy ạ. Do em Nam chọc em Tính trước.

- Mẹ nó điên thì em Nam nói điên, có can chi mô. Mà nếu sai, cũng không được đánh bạn đau như vậy.

- Em không nghĩ như vậy. Nam đã xúc phạm đến mẹ Tính, Tính phản ứng. Khi một đứa trẻ bị tổn thương, nó sẽ không kiềm chế được thầy ạ.

Trống vào tiết, tôi chạy nhanh vào phòng xin lại cây bút. Thấy tôi, cả hai người im lặng.    

 Hành lang vắng hoe. Bóng nắng hắt xuống nách tường rêu phủ. Tiếng thầy cô giảng bài lúc trầm lúc bổng. Tiếng phấn chạm vào bảng lách cách. Tiếng học sinh phát biểu xây dựng bài khe khẽ. Tôi nghe rõ tiếng đập thình thịch trong lồng ngực mình.

Học xong lớp 9, tôi không có điều kiện học lên cấp 3. Nghỉ học, tôi theo cậu đi làm đồng. Anh Tồ nhiều tuổi nhưng khờ khệch. Ai thuê chi anh làm nấy. Người ta thuê anh bơm thuốc sâu, thuốc cỏ ruộng. Ngày cận Tết, họ thuê anh bửa củi. Nhà nào củi cũng chất đống để chuẩn bị nấu bánh chưng, nấu giò. Mùa gặt, họ thuê anh bốc lúa, gánh rơm…

Tiền công anh đưa cho tôi trang trải cuộc sống. Anh hồn nhiên yêu đời như một đứa trẻ. Anh em chúng tôi lớn lên như rơm rạ quê nhà. Có những chiều mùa Đông gió bấc hun hút, nhìn bàn chân anh thâm tím sau một ngày đi làm mướn về, lòng tôi xót xa. Giá như mẹ tôi còn sống. Giá như tôi biết cha mình là ai. Chúng tôi được sinh ra trên cõi đời này là sản phẩm của những người đàn ông đã có vợ con hoặc những thanh niên muốn nếm mùi đời mà tiền không có. Họ đến với mẹ tôi để thỏa mãn cơn thú tính dục vọng.

Cậu đi làm đồng về, ghé nhà khuyên tôi:

- Mi kiếm cái nghề mà học con ạ. Bám ruộng không đủ ăn mô. Đất quê ta mùa mưa nước trắng đồng, mùa hè cháy ngọn cỏ. Mi thấy đó, người làng ra Bắc vô Nam mưu sinh hoặc ra nước ngoài lao động. Họ ra đi để trở về khi có chút đỉnh. Cơ cực thật mà có ai bỏ được đất quê mà đi mô.

Cậu ra về trong ánh chiều vàng vọt, đổ nghiêng. Đôi dép tổ ong mòn gót lẹt xẹt. Bóng cậu mênh mang tràn trên bờ rào bên kia. Tôi quặn lòng thương cậu, thương mẹ. Thương hai anh em tôi.

Nghe lời cậu, tôi xin học sửa xe máy với một bác làng bên.

Sau hơn một năm học nghề, tôi mở tiệm sửa xe máy đầu làng. Nói tiệm nhưng thực chất là khoảnh đất người ta bỏ hoang. Cậu tôi xây mấy viên gạch bờ lô rồi lợp tôn lên. Tôi khởi nghiệp bằng cái rương đồ nghề với vài thứ lỉnh kỉnh.

Ngày tôi khai trương tiệm, Hạnh mua tặng tôi một đôi găng tay kèm theo mảnh giấy: “May mắn nha, phát tài đừng quên Hạnh”.

Quán tôi khá đông khách, người ta vừa sửa để thử tay nghề tôi, vừa giúp đỡ tôi có thêm tí thu nhập. Người dân quê bao năm vẫn thế, họ gần gũi, đùm bọc.

Ngày ngày, Hạnh vẫn đạp xe đi học về ngang qua quán tôi. Anh Tồ ngẩn ngơ nhìn theo bóng Hạnh đến khi khuất hẳn. Hạnh đẹp. Bọn con trai trong làng mê mẩn. Thằng Nam sáng nào cũng chạy xe máy điện đến đứng trước cổng xin chở Hạnh đến trường mà Hạnh không chịu. Nhà Hạnh nghèo lắm. Bố say rượu triền miên. Mỗi lần say lại đánh và chửi mẹ con Hạnh. Hạnh xin mẹ nghỉ học để đi làm giúp gia đình nhưng mẹ không chịu. Nhìn vẻ mảnh mai, xinh xắn của Hạnh, bọn trai làng cảm động lắm. Nhiều đứa thầm thương trộm nhớ. Anh Tồ tôi mê Hạnh như điếu đổ. Những đứa tán Hạnh không được, liền ác ý ghép cho anh Tồ với Hạnh một cặp. Hạnh chỉ cười. Anh Tồ vui mừng ôm mộng.

Có nhiều đêm, anh Tồ ngồi cười tủm tỉm một mình. Tôi biết anh đang cười vì điều gì. Tồ thường đón Hạnh trên đường đi học về, lúc thì cho vài quả ổi, lúc cho mấy quả mãng cầu. Hạnh vỗ vai Tồ “Cám ơn anh Tồ nha!”. Tồ đứng sững, tay rờ lên vai và cười mãn nguyện. Bàn tay Hạnh vô tình, niềm vui Tồ mơn man cố ý.

Có đêm, chẳng biết mơ mộng gì, anh Tồ ôm chặt tôi rồi sờ soạng khắp người. Tôi tỉnh dậy, thấy anh ngủ say, mặt vui phởn phơ. Tôi thương anh đứt ruột. Tôi hiểu những giấc mơ đêm của cái thằng người 25 tuổi. Tôi hiểu bản năng của một thằng con trai đang thức dậy hằng đêm trong anh. Dù trí tuệ không bằng ai, nhưng bản năng con người đều giống nhau. Nhưng, Tồ ơi, có ai người ta chấp nhận một người chồng ngờ nghệch như anh. Giá như anh mãi là đứa trẻ như khi mẹ còn sống. Được thế, tôi đỡ khổ tâm.

*

Trăng sáng như ban ngày. Trăng lõa thể trên ngọn cau. Ánh trăng rười rượi. Hạnh hẹn tôi ra bến sông. Tôi nôn nao đến chỗ hẹn sớm. Trăng gợn bạc trên sông vắng. Hai đứa ngồi sát vào nhau chẳng đứa nào nói câu gì có nghĩa. Trời  khuya, gió từ sông thổi vào mơn man. Trăng soi rõ bờ vai mảnh mai của Hạnh đang run lên khi tôi khẽ chạm tay vào cô ấy. Cách đây mấy năm, trưa hè nào chúng tôi cũng hẹn nhau cả đám tắm sông, tôi tập bơi cho Hạnh.

Lúc đó, sự đụng chạm da thịt chẳng có ý nghĩa gì. Cả tôi và Hạnh đều hồn nhiên lặn đuổi bắt nhau dưới nước. Sao bây giờ, khi người ta đã trưởng thành, chỉ cần bàn tay chạm nhẹ vào vai Hạnh đã khiến thân thể tôi rạo rực thế này. Hạnh quàng tay ôm cổ tôi. Môi nàng ẩm ướt lướt nhẹ trên má, xuống cổ tôi. Tôi ngồi yên, cứng ngắc. Tôi không biết mình phải làm gì bây giờ. Cảm xúc dẫn dụ, bất giác tôi ghì chặt nàng vào lòng, ngấu nghiến những nụ hôn lên tóc, lên ngực.

Thân thể thiếu nữ tỏa ra mùi hương ngất ngây. Đêm quê sâu thẳm. Tôi đê mê dúi mũi vào bầu ngực trinh nữ, hít lấy hít để. Hạnh mềm nhũn trong vòng tay tôi. Tôi cảm giác mình chạm ngõ thiên đường để rồi sau đó dẫu có bị lưu đày biệt xứ, tôi cũng cam lòng. Bất giác, tôi nghe tiếng động của cành cây gãy rắc rắc, tôi ngước lên nhìn. Trời ơi, anh Tồ tôi đứng đó từ bao giờ. Anh không nói gì. Mắt ầng ậng nước. Tồ khóc.

Tiếng ngáy anh Tồ đánh thức tôi. Trong đêm đen đặc quánh, tôi biết mình vừa nằm mơ. Tôi bật dậy, nhìn quanh. Hóa ra mình đang ngủ trên giường với Tồ chứ không phải ngồi ngoài bờ sông với Hạnh. Tôi ra giếng, múc nước dội lên người cho tỉnh hẳn. Đêm. Nước giếng lạnh ngắt. Nước ngấm vào người. Luồng lạnh chạy dọc sống lưng. Cách tôi tắm đêm như người ta đổ nước vào bếp để làm tắt hòn than đang hừng hực cháy. Chỉ có cách ấy mới làm những rạo rực của thằng con trai gần 20 tuổi trong tôi dịu xuống.

Giấc mơ ám ảnh tôi cả tuần. Tôi giằng xé giữa hình hài nõn nà thiếu nữ và đôi mắt ánh lên vẻ tuyệt vọng của anh tôi. Nhiều lúc đầu tôi muốn vỡ tung ra.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Hạnh không làm đơn xét tuyển đại học.

Hạnh hỏi tôi:

- Tính có muốn Hạnh đi học đại học không?

- Tôi không biết.

Tôi lạnh lùng đáp lại. Hạnh giận dỗi bỏ về.

Tôi đủ tinh tế để nhận ra Hạnh muốn gì, nhưng tôi không thể. Nhiều lần Hạnh cố ý gần gũi tôi, bóng gió tỏ tình tôi. Tôi cố ý thờ ơ. Làm sao Hạnh biết tôi yêu Hạnh đến mức nào. Nhưng tôi không thể. Đã có lúc, tôi muốn nói cho Hạnh nghe  tất cả, nhưng ánh mắt anh Tồ đêm ấy đã ngăn tôi lại. Nhiều đêm tôi một mình thơ thẩn dọc bến sông, tôi khát khao gặp em trong giấc mơ hôm ấy. Tôi ước chỉ một lần thôi, được chạm vào em.

***

Cuối làng ồn ào. Tiếng chó sủa nháo nhác, thất thanh. Tôi tỉnh dậy, tìm quanh không thấy Tồ đâu. Linh cảm điều chẳng lành, tôi quờ tìm đôi dép và chạy đến chỗ mọi người đang ầm ĩ. Trời ơi, anh Tồ tôi bị làm sao thế này. Anh bị trói, ngồi bệt xuống giữa đường. Tồ khóc.

 Thấy tôi, ông giáo nói:

- Thằng anh mày ăn trộm chó. Con chó nhà tao nó khôn lắm. Trong xóm chỉ có thằng Tồ là gặp nó không sủa. May đêm nay tao khó ngủ, nếu không nó đã câu mất con chó vàng chó bạc nhà tao.

Tiếng đàn bà thêm vào:

- Ai ngờ, nhìn hiền như cục đất vậy mà ăn trộm chó. May cho ông giáo thật, suýt nữa mất con chó quý.

Tôi choáng váng, không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra.

Anh Tồ bị công an thôn dẫn về nhà cộng đồng. Họ giải thích cho tôi: “Tạm giữ nó lại đây đêm ni, để lần sau chừa đi. Sáng mai thả nó về”.

 Đêm khuya. Gió lạnh run người. Tiếng ồn ào lặng dần. Anh bị nhốt lại trong phòng. Tôi xin anh công an thôn cho tôi được ở cùng Tồ, anh cười bảo “Anh mi trộm chó chứ phải mi mô”. Từ khi mẹ mất đến nay, chưa đêm nào tôi ở xa anh. Bây giờ một mình trong căn phòng rộng thế, anh tôi sẽ hoảng sợ. Tôi chạy quanh, gõ vào cửa sổ.

- Tồ ơi, em đây. Đừng sợ!

Đáp lại tiếng tôi là tiếng gió rít đập cành trên ngọn cây. Tôi sốt ruột gào to hơn.

- Anh Tồ ơi, lạnh không?

Tôi chỉ nghe tiếng khóc rấm rức bên trong. Tồ không nói gì. Tôi bất lực trước bức tường. Sau lần mẹ chết, đây là lần thứ hai, tim tôi khó thở đến như vậy.

Trời tảng sáng, tôi về nhà tìm cho anh chiếc áo khoác. Tôi quay lại, gọi mãi không có động tĩnh gì bên trong. Tôi sốt ruột về gọi anh công an viên ra mở cửa. Tồ đã biến mất. Tôi nhìn lên ô thông gió và biết chuyện gì đã xảy ra.

Tôi về nhà, ngồi dựa vào bức vách. Tôi không còn chút sức lực nào trong người. Tôi ám ảnh bởi ánh mắt anh tôi trong giấc mơ hôm nào. Tại sao lại xảy ra cơ sự này. Anh tôi không thể là cẩu tặc. Đến con chó khôn nhất làng nó còn nhận ra anh tôi là người lương thiện để mỗi lần gặp nó không sủa. Vậy tại sao người, đặc biệt là ông giáo lại nghĩ anh tôi là kẻ xấu.

 - Tau xin lỗi mi, tối qua tau rủ anh Tồ đi chơi. Tau hứa sẽ làm mai em Hạnh cho Tồ nếu Tồ gọi được con chó ông giáo ra cổng.

Tôi hiểu rồi. Tôi định văng cú đấm vào mặt Cường nhưng thân thể đã mệt nhoài. Muốn trả thù, trước hết mình phải đủ lực. Ngay bây giờ, tôi không còn khả năng đó nữa.

- Thôi, mi đừng oán tau nữa. Dậy đi tìm anh Tồ đi. Mau lên. Tìm được anh Tồ về, tau sẽ vào Đắk Lắk làm rẫy với bác tau. Tau muốn làm lại cuộc đời.

Lên xe Cường, tôi bảo:

- Mi ghé nghĩa địa, tau thắp cho mẹ tau cây nhang.

Lối vào nghĩa địa vắng tanh. Những nấm mồ chi chít. Các ngôi mộ đều ốp đá bóng láng. Mộ mẹ tôi cỏ ngà voi mọc um tùm, xâu xé. Tôi giật mình vì những cành cỏ ngà voi vừa mới gãy, còn tươi rói.

Phải rồi, chắc chắn anh tôi vừa mới ở đây. Tôi và Cường vừa đi vừa hét toáng gọi tên anh.

Bên kia dốc đồi, thấp thoáng có bóng người…

Truyện ngắn của Lê Hải Yến

Cảnh báo từ những "chiếc bẫy" pê đê giả gái

Nhiều nhóm pê đê giả gái, giả bộ mua bán dâm câu khách ngoại quốc hoặc người "hám của lạ" tại Công viên 23/9 liên tục bị Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an quận 1 triệt phá. Tuy nhiên, việc tiếp cận "con mồi" bằng "nhan sắc" khá dễ, các vụ trộm thành công chiếm tỷ lệ lớn nên nhiều băng nhóm, đối tượng vẫn sử dụng cách thức này để hoạt động…

Đối tượng của nhóm đối tượng pê đê giả gái do Nguyễn Ngọc Tài (tự Hòa, SN 1991, ngụ quận 4) vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá bắt 4 đối tượng không nhắm vào đàn ông Việt, mà là du khách nước ngoài. Khách khác biệt ngôn ngữ, không rành địa bàn, các đối tượng chỉ giả lả tiếp cận sờ soạng rồi nhanh chóng móc trộm tài sản của du khách và chuồn êm không để lại vết tích. Du khách phát hiện mất tài sản, trình báo với Công an cũng khó có thể mô tả được chi tiết dung mạo của các đối tượng, công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.

Nguyễn Ngọc Tài (ngoài cùng bên phải), đối tượng giả gái chuyên tiếp cận khách nước ngoài để trộm cắp tài sản vừa bị bắt giữ.

Sau khi chỉnh sửa, bơm ngực, ăn mặc lộng lẫy, Tài chẳng khác nào là một cô gái xinh đẹp thực thụ. Trong nhóm Tài, các thành viên đều được phân nhiệm vụ cụ thể, trong đó Nguyễn Văn Sơn (tự Sơn "năm phân", SN 1970, có 4 tiền án về tội "Trộm cắp, cướp giật tài sản") trong vai bảo kê, dắt khách, Nguyễn C.T (SN 1993) có vai trò làm "bạn trai" của Tài. Khi bị lộ, T sẽ đứng ra giả vờ đánh ghen để giải thoát cho đồng bọn. Nguyễn Quốc Hưng (tự Bun, SN 2005) có vai trò cảnh giới.

Giãn cách xã hội, cả nhóm "bó tay" ngồi nhà hơn 4 tháng trời vì du khách nước ngoài cũng không được vào TP Hồ Chí Minh. Sau khi thực hiện cuộc sống bình thường mới cũng khó tìm "con mồi" ngoại quốc, nhóm Tài chuyển kế hoạch đánh vào con mồi "hám của lạ" người Việt. Tại Công viên 23/9, tối 22/11, Tài phát hiện người đàn ông đứng tuổi đến hỏi mua dâm. Cố tình sờ soạng để tiếp cận trộm xe không được, Tài đồng ý vào một khách sạn ở quận 10 với người đàn ông này với giá 300 ngàn đồng. Tài kêu người đàn ông vào tắm, còn mình ở ngoài lục lấy tài sản, chìa khóa xe của nạn nhân rồi cùng cả nhóm tẩu thoát. Cả nhóm bán chiếc xe của nạn nhân được 4,5 triệu đồng chia nhau. Bước đầu xác định, từ tháng 10 đến nay, nhóm đối tượng này đã thực hiện nhiều vụ giả gái, giả bán dâm để trộm tài sản của một số nạn nhân.

Nhiều nhóm đối tượng giả gái thực hiện các vụ trộm đã bị Phòng Cảnh sát hình sự và Công an các quận triệt phá. Mới đây nhất là nhóm đối tượng do Nguyễn Thành Tây (SN 1988, quê Cần Thơ, ngụ quận 8) cầm đầu. Nhóm của Tây đa phần đều mang trong mình từ 1-2 tiền án, riêng Tây có đến 4 tiền án về tội "Trộm cắp tài sản". Dung nhan của Tây có phần bèo nhèo nhưng với những "kỹ năng" được tôi luyện qua nhiều phi vụ, nhiều người nước ngoài vẫn rơi vào bẫy. Thời điểm dịch bệnh COVID-19 chưa bùng phát mạnh, nhóm của Tây đã gây ra hàng chục vụ trộm tài sản của người nước ngoài và bị Phòng Cảnh sát hình sự truy xét bắt giữ.

Nhiều nạn nhân bị mất sạch tài sản nhưng không dám trình báo với Công an vì ngại, vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Biết được tâm lý này nên nhiều nhóm pê đê giả gái sau nhiều lần xộ khám, được ra trại tiếp tục quay lại con đường giăng bẫy, tiếp cận đàn ông "hám của lạ" để trộm cắp.

M.Đ – Báo Cand

Người đội trưởng "gắn duyên" với công tác an ninh

Trung tá Nguyễn Thành Duyên, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Càng Long (Trà Vinh) luôn tận tụy, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc. 22 năm công tác trong ngành, anh gắn bó với công tác an ninh.

Dù ở cương vị nào, Trung tá Nguyễn Thành Duyên cũng luôn gương mẫu, hết lòng vì công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; chủ động đi sâu nắm tình hình, bám sát địa bàn và quản lý chặt các loại đối tượng, kịp thời phát hiện những vấn đề nổi lên, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để xác định đúng nguyên nhân, điều kiện nảy sinh của vụ việc, tham mưu kịp thời giải quyết tốt các tranh chấp khiếu kiện, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, anh và đồng đội dường như không có ngày nghỉ, làm việc bất kể ngày đêm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trung tá Nguyễn Thành Duyên đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia truy vết 97 F0, 380 F1, 1.125 F2 và trực tiếp tham gia 42 ca trực chốt phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch, đã kiểm tra trên 20.000 lượt người qua lại.

Trung tá Nguyễn Thành Duyên chia sẻ, trong quá trình công tác, đôi lúc gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng anh đã vượt qua để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Nổi bật là phối hợp chặt chẽ các lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, các vấn đề xã hội, góp phần ổn định an ninh trật tự ở cơ sở.

Trung tá Nguyễn Thành Duyên

Thượng tá Phạm Văn Hùng, Trưởng Công an huyện Càng Long đánh giá: Trung tá Nguyễn Thành Duyên là người đội trưởng gương mẫu, tận tụy, trách nhiệm trong công việc, có năng lực điều hành, quản lý, có khả năng quy tụ cán bộ và được đơn vị tín nhiệm cao. Đồng chí thực hiện tốt nhiệm vụ trên lĩnh vực công tác an ninh, chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu đề xuất, giải quyết hiệu quả các vấn đề và không để phát sinh tình hình phức tạp. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn luôn được bảo đảm ổn định. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Trung tá Nguyễn Thành Duyên trực tiếp thực hiện và chỉ đạo lực lượng an ninh khẩn trương, nhanh chóng truy vết các trường hợp liên quan.

Với những nỗ lực trong công tác, từ năm 2017 đến nay, Trung tá Nguyễn Thành Duyên luôn được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Công an tỉnh Trà Vinh đang đề nghị Bộ Công an tặng Bằng khen cho Trung tá Nguyễn Thành Duyên, với những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Văn Vĩnh - Xuân Thảo – Báo CAND

Khi “con rối” vỡ mộng “miền đất hứa”

Sau một thời gian sống trên đất Mỹ, Trần Thị Nga đã lên mạng xã hội phát đi thông điệp “Mỹ là thiên đường của người này và là địa ngục của người kia”. Sự thật cay đắng của Nga đã cho thấy sự ảo tưởng và thân phận của những “con tốt”, “con rối” dưới bàn tay của những kẻ mượn danh nhân quyền chống phá Việt Nam.

Ảnh minh họa

Trần Thị Nga sinh năm 1977, lớn lên tại tỉnh Hà Nam. Năm 2003, Nga đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và đã gặp gỡ, tiếp xúc với Nguyễn Văn Hùng, một kẻ từng sống lưu vong ở Úc, Đài Loan và là thành viên của tổ chức phản động Việt Tân. Khi còn ở trong nước, Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá chính quyền. Sang Đài Loan, với danh nghĩa là Trưởng Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho công nhân và cô dâu Việt ở Đài Loan, Hùng đã lôi kéo người lao động Việt Nam bỏ trốn hợp đồng, tham gia các hoạt động chống phá đất nước, trong đó có Trần Thị Nga.

Đi theo sự cổ suý của đối tượng phản động, từ tháng 9/2014 đến tháng 1/2017, Trần Thị Nga đã lập các tài khoản Blog, Facebook “Thuy Nga, Tran Thi Nga” và tài khoản mạng xã hội Youtube “Trần Thúy Nga” để làm, tàng trữ và phát tán hàng chục video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, tung tin giả, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, đối tượng còn xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; kêu gọi tẩy chay bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối tượng còn đưa ra những thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc làm, hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong quá trình trả lời phỏng vấn của các đài, báo nước ngoài (những đài, báo có các hoạt động chống phá Việt Nam như Chân trời mới, RFA, SBTN…).

Ngày 21/1/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Trần Thị Nga về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, quy định tại Điều 88, BLHS năm 1999. Ngày 25/7/2017, TAND tỉnh Hà Nam xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trần Thị Nga 9 năm tù giam theo khoản 1, Điều 88, BLHS và phạt quản chế 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù. TAND cấp cao tuyên y án sơ thẩm.

Trong thời gian chấp hành án tù, Trần Thị Nga thường xuyên không tuân thủ quy định của trại giam, khi được gọi điện cho người thân thì vu khống bị cán bộ trại giam “đàn áp, tra tấn”… Tuy nhiên, với chính sách nhân đạo, Trần Thị Nga đã được ra tù trước thời hạn và ngày 10/1/2020 bị trục xuất, sang định cư tại Mỹ cùng 3 người thân trong gia đình.

Như thường lệ, khi Trần Thị Nga bị bắt, xét xử và thi hành án, một số tổ chức, cá nhân thù địch ở nước ngoài lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền đã tiến hành nhiều hoạt động chống phá Việt Nam. Các đối tượng tung hô Trần Thị Nga là “người đấu tranh cho những thân phận bị dồn vào đường cùng”; “người đã hết mình cho cuộc chiến bất bạo động, vì những quyền tự do căn bản, bất chấp những truy bức, hành hạ, ngược đãi”; “tù nhân lương tâm”; “một blogger hoạt động bảo vệ cho những công nhân nhập cư”; “nhà hoạt động nhân quyền”… Đồng thời, các đối tượng phát tán nhiều tài liệu xuyên tạc, bóp méo vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Kèm theo đó, hàng loạt hoạt động vu cáo, xuyên tạc, tạo cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và hà hơi, tiếp sức cho đối tượng Trần Thị Nga thông qua cái gọi là “Giải thưởng về nhân quyền”. Ngày 20/8/2018 và ngày 25/10/2018, Tổ chức Ân xá quốc tế (Al) ra “Thông cáo” và “Thư ngỏ khẩn cấp” kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động khẩn cấp cho Trần Thị Nga, xuyên tạc Việt Nam “vi phạm Công ước chống tra tấn” của Liên hiệp quốc và yêu cầu Việt Nam “trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện” cho đối tượng này.

Cũng trong năm 2018, Tổ chức Công giáo hành động chống tra tấn (ACAT) đã viết thư yêu cầu Tổng thống Pháp có các hoạt động can thiệp, gây sức ép để Việt Nam trả tự do cho 3 đối tượng, trong đó có Trần Thị Nga. Ngày 7/3/2019, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) ra “Thông cáo báo chí” về tình trạng của những nữ tù nhân trên khắp thế giới, tung tin xuyên tạc đối tượng Trần Thị Nga đang bị giam giữ trong những điều kiện “vô nhân đạo” và kêu gọi Việt Nam “trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện” cho đối tượng này.

Tháng 5/2019, bên lề sự kiện “Đối thoại nhân quyền” giữa Việt Nam và Mỹ, Scott Busby - Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gặp gỡ Trần Thị Nga trong trại giam. Ngày 1/2/2020, Tổ chức Chống tra tấn và án tử hình của Pháp Fondation (ACAT - France) đã cổ suý cho Nga khi trao cho đối tượng này cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Engel-du Terte năm 2019” với lý do “để khen thưởng và ủng hộ cuộc đấu tranh vì quyền con người ở một đất nước, nơi mà những người bảo vệ nhân quyền - tiếng nói độc lập cuối cùng - bị cầm tù”. Trước đó, tháng 12/2018, Tổ chức khủng bố Việt Tân cũng đã trao cho đối tượng này cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng”…

Những việc làm trên thực chất là những hoạt động của một số tổ chức, cá nhân có tư tưởng thù địch với Việt Nam, tìm mọi cách để hà hơi, tiếp sức cho những đối tượng vi phạm pháp luật, là những thủ đoạn cụ thể trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam.

Kể từ 10/1/2020, Trần Thị Nga bị trục xuất, đến Mỹ để định cư cùng 2 con nhỏ và một người già, ở một nơi mà nhiều người vẫn gọi là “thiên đường tự do”. Tuy nhiên, sau gần hai năm sống trên đất Mỹ, Trần Thị Nga đã vỡ mộng về “miền đất hứa” và quá bức xúc khi phải lên mạng xã hội để than thở.

Nga viết rằng, Mỹ là thiên đường của người này nhưng là địa ngục của người kia khi: “Thuê nhà không được vì chủ nhà đòi phải có Social; có nhà rồi thì không được sử dụng điện, gas, nước, Internet. Vì các công ty đó chỉ bán hàng cho những người có Social. Không được mua bảo hiểm y tế vì không có Social. Bị bệnh thì tự mà làm bác sĩ cho mình chứ không được đi làm tiền đâu mà trả viện phí. Được sống nhưng không được phép kiếm sống vì không có Social. Đi làm giấy tờ gì cũng không được vì không có Social. Mà Social lại đòi phải có giấy tờ, sống thì phải ăn, ăn mà không được đi làm kiếm ăn thì lấy gì để sống. Sống mà không có ăn, phải đi xin trợ cấp thì không được trợ cấp vì trợ cấp chỉ dành cho người có Social.

Được đến Mỹ, đất nước tự do như bao người nói là có “phúc”, phải biết ơn người này, biết ơn kẻ kia. Kết quả là đến Mỹ 2 năm rồi cả gia đình già trẻ lớn bé sống cảnh không giấy tờ, sống chờ đợi trong vô vọng. Được quyền sống nhưng không được quyền kiếm sống. Không trợ cấp cũng chẳng có cái quyền gì ngoài quyền hít không khí để tồn tại”…

Thực tiễn vỡ mộng đó đã khiến cho Trần Thị Nga thốt lên chua xót: “Vậy là tôi đã có thêm một bài học một kinh nghiệm có giá trị”!

Vậy mà, khi còn trong tù, Nga không hối lỗi cải tạo để sớm được trở về với xã hội, trở về với cộng đồng hưởng cuộc sống thanh bình, tự do, mà còn nuôi hy vọng “vớ được cọc rơm của kẻ sắp chết đuối”, tìm kiếm mộng ảo nơi “thiên đường đất Mỹ”, giờ đây mới đớn đau tỉnh ngộ thì chuyện đã muộn rồi. Lời than thở chua cay của Nga cũng như một số đối tượng khác có tư tưởng, hành vi phản bội lại quê hương, đất nước hãy biết dừng lại trước khi quá muộn.

Có thể thấy rằng, các đối tượng chống phá Việt Nam được sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch, nhất là với cái bánh vẽ về việc được định cư ở những nơi gọi là “thiên đường, miền đất hứa” chẳng qua cũng chỉ là những công cụ, những “con tốt” để kẻ địch điều khiển. Không sớm thì muộn, các đối tượng lạc bước sai đường nếu không tỉnh ngộ, hối cải thì sẽ có chung một kết quả giống nhau, dù có sang “xứ thiên đường” thì cũng trở nên lạc lõng và đáng nói hơn, bị chính những kẻ từng hứa hão đường mật “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” gạt bỏ.

Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách để hiện thực hóa âm mưu chống phá nhằm thay đổi thế chế chính trị ở Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn khác nhau theo từng thời điểm cụ thể. Trong đó, hoạt động câu móc, tuyển lựa, đào tạo các đối tượng chống đối ở trong nước và tung hô, cổ súy, hà hơi tiếp sức cho các đối tượng này luôn là chiêu bài quen thuộc. Những cá nhân ảo tưởng, ngộ nhận, mơ mộng hão huyền khi được dụ dỗ, trao cho ít tiền bạc, vật chất sẽ rơi vào “vòng xoáy” đó.

Thực tiễn cuộc sống của Trần Thị Nga trên đất Mỹ hiện nay là một minh chứng, bài học cảnh tỉnh cho những kẻ lầm đường, lạc lối, nếu lỡ tin và đi theo cái gọi là “vì dân chủ, nhân quyền” thì hãy dừng lại trước khi quá muộn.

Hồng Phú – Báo CAND

Những tổ chức không đủ tư cách để cáo buộc Việt Nam “vi phạm nhân quyền”

Cứ mỗi dịp cuối năm, một số tổ chức lấy danh “nhân quyền” như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) có trụ sở tại New York (Hoa Kỳ) lại phát đi thông cáo kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ “cần sử dụng vòng đối thoại nhân quyền để thúc ép Việt Nam trả tự do cho những “tiếng nói bất đồng” đang bị giam giữ và có những cải thiện về nhân quyền”.

Ảnh minh họa

Hay gần đây, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Việt với mục đích hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky của Hoa Kỳ để “trừng phạt vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”. Ngoài ra, một số tổ chức mang danh nhân quyền khác cũng thực hiện các hoạt động vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp những nhà “bất đồng chính kiến” hay giam giữ “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”...

Những “thư ngỏ”, “thông cáo” của các tổ chức này thực chất là việc lợi dụng chiêu bài nhân quyền để thúc đẩy các quốc gia, tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ, hướng lái theo ý đồ của họ; là công cụ nhằm can thiệp, gây khó khăn cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia vào các hoạt động quốc tế, khu vực. Trong khi đó, chính những tổ chức quốc tế nhân danh bảo vệ nhân quyền nói trên lại vi phạm các quy định của quốc tế về nhân quyền.

Cụ thể, hoạt động của một số tổ chức về nhân quyền trên vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quốc tế không can thiệp các vấn đề thuộc thẩm quyền của quốc gia khác theo Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Tuyên bố những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.  

Theo đó: “Không quốc gia nào hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì vào công việc đối nội và đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào khác. Can thiệp vũ trang và tất cả các hình thức can thiệp hay đe dọa chống lại tư cách của quốc gia hay chống lại các đặc trưng chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó - đều là vi phạm luật pháp quốc tế”.

Dù lấy danh nghĩa bảo vệ nhân quyền nhưng hành vi của các tổ chức trên lại không tuân theo nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật nhân quyền quốc tế đối với chủ quyền quốc gia và trách nhiệm quốc gia. Chẳng hạn, theo Điều 1 của Công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị thì: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”; “Các quốc gia thành viên Công ước này, kể cả các quốc gia có trách nhiệm quản lý các lãnh thổ uỷ trị và các lãnh thổ quản thác, phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”. Theo Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế, điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc ban hành kèm theo Nghị quyết 2625 năm 1970, nêu rõ: Tôn trọng chủ quyền quốc gia về lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách đối ngoại; sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; bình đẳng chủ quyền của các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau...

Bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế, những tổ chức mang danh nhân quyền nói trên vẫn lấy cớ can thiệp, cáo buộc bằng cách làm sai lệch bản chất các vụ việc diễn ra trên thực tế để quy chụp, bôi lem tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Với việc vi phạm các quy định luật pháp quốc tế về nhân quyền, hoạt động có mục đích, động cơ xấu, chống phá, can thiệp vào nội bộ nước khác bằng thủ đoạn bóp méo, xuyên tạc sự thật về nhân quyền, rõ ràng những tổ chức này không có tư cách để nói về nhân quyền, đánh giá và cáo buộc về nhân quyền.

Tại phiên họp cấp cao khóa 16 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva, khi Việt Nam lần đầu chính thức tuyên bố ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2014 - 2016 của tổ chức này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Nhà nước Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và Nhà nước pháp quyền, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được tăng cường”; “phấn đấu cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo vệ nhân quyền cho nhân dân các nước”. Bằng hành động cụ thể trong thúc đẩy nhân quyền, Việt Nam đã nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ của các quốc gia trên thế giới. Ngày 12/11/2013, Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã bầu Việt Nam làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, với 184 nước ủng hộ trong số 193 nước tham gia bỏ phiếu. Việt Nam còn tích cực hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế để phát huy các giá trị nhân quyền tốt đẹp, phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục, lợi ích dân tộc, mở ra các kênh đối thoại, tổ chức hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia ở các cấp độ khác nhau.

Tại khu vực, uy tín của Việt Nam được thể hiện qua vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Trong cuộc họp đặc biệt lần hai của AICHR theo hình thức trực tuyến diễn ra cuối tháng 11/2020, các nước đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AICHR 2020 đã dẫn dắt hoạt động của AICHR trong giai đoạn đặc biệt khó khăn do tác động của đại dịch COVID -19. Việt Nam không chỉ giúp duy trì đà hợp tác của AICHR và ứng phó hiệu quả trước các tác động của đại dịch mà còn thúc đẩy soạn thảo và thông qua một loạt các văn kiện quan trọng định hướng hợp tác trong thời gian tới. Việt Nam quan tâm thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân ASEAN, đặc biệt chú trọng đến nhóm yếu thế như thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, gắn kết tình hữu nghị, thống nhất, tạo đồng thuận và hợp tác, trong đó đặc biệt là nỗ lực bảo đảm quyền con người trong đại dịch COVID-19, được cộng đồng các quốc gia ASEAN đánh giá cao. Đồng thời, tham gia đóng góp tích cực vào định hình các chuẩn mực quốc tế về bảo đảm quyền con người, đặc biệt quyền của các nhóm dễ bị tổn thương… Với những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.

Sự cố gắng và thành quả của Việt Nam trong việc đảm bảo và thực thi quyền con người đã được nhiều tổ chức quốc tế, chính giới các nước ghi nhận, đánh giá cao, là cơ sở quan trọng để Việt Nam được tín nhiệm, giao phó các cương vị quan trọng trên trường quốc tế như thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN và nhiều tổ chức quan trọng khác. Trong phiên làm việc ngày 25/1/2019, nhóm làm việc về rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát của Việt Nam và khẳng định, Việt Nam luôn đảm bảo những quyền tự do cơ bản của công dân, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người. Sự đảm bảo đó được thể hiện trong hiến pháp, pháp luật và bảo đảm trên thực tế ở Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 15/9/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp... Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng; một cơ quan, một công sở phải có nội quy; một tổ chức, đoàn thể phải có quy chế, có điều lệ... Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước”.

Cần khẳng định rằng, ở bất kỳ quốc gia nào, quyền của mỗi công dân phải gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Tại Việt Nam cũng như ở bất kỳ quốc gia có chủ quyền, người nào vi phạm pháp luật phải bị xử lý theo quy định pháp luật. Hoàn toàn không có việc Việt Nam vi phạm nhân quyền thông qua các hoạt động tố tụng như khởi tố, bắt giữ, điều tra, truy tố, luận tội, xét xử trước tòa án. Ở Việt Nam không có khái niệm, danh xưng nào gọi những đối tượng vi phạm pháp luật là những nhà “bất đồng chính kiến” hay “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” như những luận điệu mà các tổ chức chống phá đưa ra. “Báo cáo nhân quyền” mà các tổ chức lấy danh về nhân quyền đưa ra hằng năm nhằm cáo buộc tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là dựa trên những thông tin thu thập theo kiểu cóp nhặt, phiến diện, xuyên tạc. Do đó, những luận điệu của các cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí lấy cớ nhân quyền để quy chụp, chống phá Việt Nam chỉ là những luận điệu lạc lõng.

B.Nguyên – T.Sơn – Báo CAND

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Sự thật về nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”

Nguyễn Thị Thương, sinh năm 1975, trú tại 53/5 Hồ Tùng Mậu, phường 1, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã dựng lên các nhóm “Bầu khấn”, nhóm “Chúa Cha” và “Trừ quỷ Bảo Lộc”, lôi kéo nhiều người tham gia vào hoạt động “chữa bệnh, trừ quỷ”.

Bất chấp sự phản ứng của cộng đồng, các thông cáo, thư định hướng nhắc nhở, răn đe của Tòa Giám mục Đà Lạt và sự nhắc nhở của chính quyền, Thương và nhóm gọi là “Trừ quỷ Bảo Lộc” vẫn hoạt động chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan, phản khoa học.

Hai lần dựng chuyện nhận “thai thánh”

Sự việc bắt đầu vào khoảng cuối năm 2012, Thương cùng chồng là Trần Vũ Lê Thanh Quảng (SN 1974) đến giáo xứ Đa Gu Ri - Bình Thuận nhờ Linh mục quản xứ “đặt tay có thai”. Cuối năm sau Thương sinh con và khẳng định đó là “thai Thánh”, đứa con do Chúa gửi đến chứ không phải do quan hệ vợ chồng.

Nguyễn Thị Thương (đứng bên trái) và các thành viên nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” đang “trừ quỷ” cho một bệnh nhân.

Cũng thời điểm này, Thương rêu rao rằng được ơn hiệp thông với “Chúa cha” nên có khả năng chữa bệnh, trừ quỷ và “Chúa cha” đã chọn Thương làm thư ký, giúp việc cho linh mục Nguyễn Chu Truyền - nguyên Quản hạt, Quản xứ Bảo Lộc. Sau này, vợ chồng Thương – Quảng có được 4 người con, nhưng Thương khoe rằng, 2 trong số đó là do linh mục Nguyễn Chu Truyền “đặt tay” để được có thai.

Trước đó, tháng 7-2012, Thương lập ra nhóm “Bầu khấn” sinh hoạt tại nhà riêng của Thương ở 14 Lê Thị Pha, phường 1, TP Bảo Lộc và Thương gọi nơi này là “Nhà Chúa cha”. Năm 2013, Thương xin linh mục Nguyễn Hữu Duyên - Quản hạt kiêm Quản xứ Bảo Lộc cho nhóm “Bầu khấn” được sinh hoạt tại giáo xứ Bảo Lộc nhưng linh mục Duyên phản đối. Tháng 8-2015, ngay khi được Tòa giám mục (TGM) Đà Lạt bổ nhiệm giữ chức vụ Quản hạt Bảo Lộc thay linh mục Duyên, linh mục Nguyễn Chu Truyền đã nhận Thương làm “con thiêng liêng” và đổi tên thành Nguyễn Chu Thiên Thương.

Nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” đang “chữa bệnh” online cho các con bệnh.

Được linh mục Quản xứ đỡ đầu, tháng 1-2016, Thương lập ra nhóm “Chúa cha” với khoảng 30 giáo dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Linh mục Truyền tham gia sinh hoạt cùng nhóm tại nhà riêng của Thương; nhưng từ tháng 2-2017, vị này đã cho nhóm “Chúa cha” đến sinh hoạt tại nhà thờ Bảo Lộc. Thương còn cho lập 2 mộ gió tại nghĩa trang giáo xứ Bảo Lộc để chiêm bái, cầu nguyện. Hoang tưởng hơn nữa, ngày 28-2-2017, Thương trực tiếp đến TGM Đà Lạt trình bày việc chị ta có khả năng “hiệp thông với Chúa cha” và Chúa cha chọn linh mục Nguyễn Chu Truyền là nhà tiên tri, là thánh sống, còn Thương là thư ký của “Chúa cha”.

Còn linh mục Nguyễn Chu Truyền, tự nhận mình có khả năng chữa bệnh bằng nhân điện, kể cả chữa bệnh từ xa, tin theo lời “Chúa cha” từ miệng Thương nên đã có nhiều hoạt động đi ngược lại giáo lý của giáo hội, giúp sức đắc lực vào việc chữa bệnh phản khoa học của Thương. Với những việc làm trái với đạo lý, sai với giáo lý, tháng 8-2017, TGM Đà Lạt ra quyết định cách chức Quản hạt, Quản xứ Bảo Lộc, điều chuyển linh mục Nguyễn Chu Truyền về làm quản xứ Thánh Mẫu - Đà Lạt, đồng thời cấm nhóm “Chúa cha” sinh hoạt tại nhà thờ.

Ngày 31-5-2020, sau khi khánh thành “Nhà Chúa cha” ở 53/5 Hồ Tùng Mậu, phường 1, TP. Bảo Lộc (nhà riêng của Thương và Quảng), nhóm này sử dụng nơi đây làm địa điểm chính để hoạt động trái phép và “chữa bệnh trừ quỷ” với tên gọi nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”. Mặc cho sự nhắc nhở của TGM Đà Lạt, Thương và nhóm gọi là “Trừ quỷ Bảo Lộc” vẫn tiếp tục tổ chức các hoạt động “chữa bệnh, trừ quỷ, đuổi tà”, quay clip đưa lên mạng xã hội để quảng bá cho các hoạt động sai trái. Tính đến đầu tháng 7-2021, nhóm này đã đưa lên mạng xã hội “Tiếng nói sự thật” trên 250 clip mang nhiều nội dung không đúng sự thật, gây nhầm lẫn trong một bộ phận quần chúng nhẹ dạ cả tin.

Với những việc làm sai trái này, ngày 7-10-2020, TGM Đà Lạt tiếp tục có thông cáo lần 2, áp dụng vạ cấm chế đối với Nguyễn Thị Thương. Theo đó, Thương bị cấm tham dự vào Thánh lễ và các nghi lễ vì đã tự xưng là “lời Chúa Cha”, lún sâu trong sai lầm giáo lý đức tin. Đồng thời, ngày 25-9-2020 TGM Đà Lạt đã ra quyết định giải nhiệm chức vụ quản xứ Thánh Mẫu - TP. Đà Lạt, buộc linh mục Truyền về tu tại Đan viện Châu Sơn - Đơn Dương, không được điều hành công tác mục vụ, làm lễ, không được tiếp khách, hạn chế đi lại... nhưng vị này không chấp hành.

Ngày 30-10-2020, linh mục Truyền livestream trên trang Youtube “Exorcises The Demons” tuyên bố sẽ về ở tại “Nhà Chúa cha” của Nguyễn Thị Thương. Không chấp nhận việc làm của linh mục Truyền, ngày 6-12-2020 TGM Đà Lạt ra quyết định áp dụng vạ huyền chức “treo chén” đối với linh mục Nguyễn Chu Truyền. Theo đó, ông Truyền không được thực hiện chức năng linh mục.

Đánh người để… “Trừ quỷ”

Với sự tiếp sức của Nguyễn Chu Truyền, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” tổ chức hoạt động tại nhà. Chúng cho rằng bất kỳ bệnh gì cũng đều do “quỷ” nên thu nhận tất thảy các con bệnh, từ bệnh nặng đến bệnh nhẹ, kể cả những người mắc bệnh ung thư, các bệnh xã hội HIV-AIDS, các con nghiện ma túy. Tính đến tháng 9-2021 đã có 290 “con bệnh” ở 32 tỉnh, thành trên cả nước và gần 150 “con bệnh” ở nước ngoài tìm đến “Nhà Chúa cha” của Thương. Quá trình chữa bệnh, Thương luôn cầm trên tay cuốn sổ, ghi chép lời của “Chúa cha” rồi nói lại với người bệnh. Những người làm việc cho “Nhà Chúa cha” sẽ thay nhau đánh vào người các con bệnh để “trục quỷ”.

Thành viên của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” công khai đóng chai nước thánh trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Văn Vinh – trú tại thôn 6, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, người khá tường tận về hoạt động của “Nhà Chúa cha” bức xúc: “Chỉ có những người mê muội mới tin vào lời của Thương, và nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”. Quả là lừa đảo quá sức!”.

“Chuyện đánh đập người khác là không thể chấp nhận được, xúc phạm đến nhân thân, về pháp luật cũng không được phép, huống chi vin vào cớ trừ quỷ mà đánh đập người ta, điều đó là sai” – Linh mục Dương Công Hồ - Quản xứ Thánh Tâm, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng phản ứng.

Không chỉ các giáo dân sinh hoạt trong giáo hạt Bảo Lộc bức xúc mà rất nhiều người dân đã gửi đơn tố cáo, phản ánh sự việc đến cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng như ông Trần Phương Nam ở quận 8, TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Phương ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ngày 30-3-2019, ông Nguyễn Quang – trú tại huyện Hòa Vang, TP Đà Năng có đơn gửi tới Công an tỉnh Lâm Đồng tố cáo Thương và nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”.

Sự thật là như vậy nhưng trong ngày 10-9-2021, khi đoàn kiểm tra liên ngành của TP Bảo Lộc đến kiểm tra, Trần Vũ Lê Thanh Quảng – chồng của Thương lại cho rằng: “Chỗ của em không hề khám chữa bệnh, đây là cái ơn riêng của cha Truyền và vợ em nên mới giúp người thôi”.

Lạ lùng hơn, nhóm này còn nghĩ ra trò chữa bệnh online, triệt để lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo bằng cách quay lại các cảnh chữa bệnh, mời những người đã từng chữa bệnh tại “Nhà Chúa cha” nói tốt cho nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, xem đó là các nhân chứng. Đặc biệt, trong giai đoạn nhiều địa phương thực hiện giãn cách để phòng ngừa COVID-19, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” còn nhận chữa bệnh cho cả những người mắc COVID-19. Họ yêu cầu các con bệnh ăn chay, uống nước thánh, còn gọi là “Nguồn thánh thiêng”. Nước thánh mà họ rêu rao là thứ nước được hút lên từ giếng nước trong nhà Thương rồi đóng chai, dán nhãn “Nguồn thánh thiêng”. Chính Nguyễn Chu Truyền trong một clip đăng tải trên mạng xã hội đã công khai rằng: “Cái dịch này (COVID-19), chỉ có nước Chúa cho xuống để rửa nó mới có thể tiêu diệt các con virus trong không khí”.

“Đó là những lời tuyên truyền không đúng, không thể có được. Bởi vì, nước giếng là nước giếng, họ phao tin đó là nước thánh chữa được mọi bệnh tật, chữa được cả COVID-19, chẳng ai tin điều đó được” – Ông Nguyễn Văn Vinh – trú tại thôn 6, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm bức xúc. Rêu rao rằng chữa được COVID-19, uống nước thánh sẽ tiêu diệt được virus nhưng ngày 11-10-2021, Nguyễn Chu Truyền lại đến Trạm Y tế phường 1, TP Bảo Lộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 như mọi người. Ngày 14-11-2021 đến lượt vợ chồng Thương – Quảng cũng đến Trạm Y tế phường 1, TP Bảo Lộc tiêm ngừa vaccine COVID-19.

Nhân chứng sống tố cáo trò lừa đảo

Người lên tiếng tố cáo kiểu chữa bệnh ma quái, phản khoa học mà chúng tôi tìm gặp là bà N.K.C. ở phường 1, TP Bảo Lộc, từng có 1 tuần đến chữa bệnh tại “Nhà Chúa cha”. “Khi vô là người ta đánh, đánh trên đầu, đánh tùm lum hết. Họ nói chỗ nào đau là chỗ đó có quỷ ẩn nấp. Họ còn nói tôi bị quỷ dâm dục. Họ đánh, đánh cả vào những huyệt ở gáy. Bị đánh đến mức mệt lả đi. Xong rồi họ lôi, vuốt muốn long khớp luôn” - bà C. kể lại. Theo lời bà C., khi chữa bệnh, Thương là người cầm sổ ghi chép lời của “Chúa cha”, những người còn lại vây quanh đánh người bệnh. Thương yêu cầu “quỷ” phải ra khỏi người bệnh, “nhập” vào một người nào đó là thành viên của nhóm rồi tự nói ra là quỷ gì. Hành động của những người này rất kỳ dị, khi thì la hét, khi nhảy múa và cả lăn lộn y như quỷ ám.

Còn bà Mai Thị Cúc – giáo dân Giáo xứ Đại Lộc, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm thì ân hận không nguôi khi đến với “Nhà Chúa cha” của Thương. Chồng bà Cúc là ông Ng. V. Th. mắc nhiều chứng bệnh nhưng nghiêm trọng nhất là ung thư gan. Bà Cúc  tình cờ xem được các clip của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, nên bà đưa chồng đến với “Nhà Chúa cha” và ông Th. bị nặng thêm nên không qua khỏi.  

Không chỉ những người có bệnh u mê mà tin theo, có vị tu sĩ lựa chọn con đường phục vụ giáo hội, vì tin lời Thương nên đã chuyển về cộng tác với nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”. Chị H.T.T.T. trú tại xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, anh của vị tu sĩ này từng phải làm đơn kêu cứu đến chính quyền TP Bảo Lộc kể lại: “Gia đình quyết liệt can ngăn anh nhưng mà không được. Anh đã từ bỏ Đan viện nơi anh đang sống để đến cộng tác với nhóm này. Việc đó không chỉ gây thiệt hại cho chính bản thân anh, cho gia đình, xã hội   mà cho cả giáo hội”.

Không chỉ các nạn nhân phản ứng trò chữa bệnh ma mị, nhiều giáo dân và các vị chức sắc trong giáo hội cùng đồng lòng lên án. “Những hoạt động của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” tôi cho là tà đạo. Họ đã đi ngược lại đức tin của Giáo hội Công giáo, họ tuyên truyền nhảm nhí mang tính mê tín dị đoan” - Ông Nguyễn Văn Vinh – giáo dân Giáo xứ Đại Lộc, thôn 6, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm bức xúc.

Còn Linh mục Nguyễn Văn Khấn – Quản hạt kiêm Quản xứ Bảo Lộc thì khẳng định: “Những việc làm của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” là hoang tưởng, mê tín. Việc “trừ quỷ” của họ vừa sai, vừa phản khoa học. Đặc biệt, các phát biểu của Thương trên mạng xã hội mang tính chống đối, phá vỡ sự đoàn kết, hiệp thông trong Giáo hội”.

Giuse Nguyễn Năng – Tổng giám mục, Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh cũng gay gắt: “Chưa trừ quỷ thì đã có video sẵn rồi… quảng cáo! Cái đó là sai. Đức Giám mục Đà Lạt đã lên tiếng rồi nhưng họ không chịu nghe theo mà còn phản đối lại bản quyền. Rõ ràng là sai”.

Về mặt quản lý nhà nước, ngày 10-9-2021, đoàn kiểm tra liên ngành của TP Bảo Lộc đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ nhà là ông Trần Vũ Lê Thanh Quảng về sai phạm chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động. Tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Chu Truyền cùng nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” đang tổ chức “chữa bệnh” online cho các bệnh nhân COVID-19 bằng những chai nước được bơm ra từ 2 bồn nước và nói đó là “nước Thánh”. Ngày 17-9-2021, UBND TP Bảo Lộc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Quảng với số tiền 45 triệu đồng.

Rõ ràng, hoạt động của nhóm gọi là “Trừ quỷ Bảo Lộc” là nhảm nhí, phản khoa học, mang màu sắc mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật. Xét về đức tin, họ đang xa rời giáo lý, giáo hội, từng bước tách mình khỏi cộng đồng giáo dân vốn được biết đến là những người ngoan đạo, kính Chúa, yêu nước.

Đức Huy – Báo CAND

Không để lòng yêu nước bị lợi dụng

Thực tế đã chứng minh, tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, nhất trí của cả dân tộc, cộng đồng luôn là nguồn lực quan trọng, là điều kiện cần thiết giúp các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước triển khai hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu.

Công an quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phan Hữu Ðiệp Anh, về hành vi tung tin xuyên tạc đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Nhận thức rõ điều này nên nhiều năm qua các tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí ở trong nước và ngoài nước đã thường xuyên thực hiện nhiều âm mưu thâm độc nhằm mưu đồ phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có thủ đoạn tạo dựng các hội, nhóm để chống phá chế độ, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và Chính phủ.

Thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, tâm lý bất mãn của một số cá nhân, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí luôn tìm mọi thủ đoạn hòng lôi kéo, dụ dỗ người dân, hình thành một số hội, nhóm dưới mục đích nghe qua có vẻ trong sáng dễ cảm thông nhưng về bản chất là để thực hiện hành vi chống phá. Nếu không tỉnh táo nhận diện người dân rất có thể sẽ vô tình trở thành người tiếp tay cho tội phạm, và đến khi phát hiện ra thì mọi việc đã muộn. Như sự việc xảy ra ngày 27/8/2021 tại xóm trọ nghèo trên đường Bưng Ông Thoàn (phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh). Theo người dân kể lại, một thanh niên lạ mặt ngoài 30 tuổi xuất hiện tại xóm trọ, lân la, dò hỏi nhóm thợ hồ sau khi bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì cuộc sống ở đây thế nào, gặp khó khăn, bất cập ra sao. Ðáng chú ý, trong khi tiếp xúc, người này thường đưa ra thông tin có tính chất kích động, xúi giục mọi người cần lên phường đấu tranh đòi quyền lợi cá nhân để khỏi bị thiệt thòi, đồng thời cho biết sau khi kéo lên phường khiếu nại, gây sức ép với chính quyền, nhiều người dân ở nơi khác đã nhận được trợ cấp ngay lập tức. Một số lao động cả tin, đã vội nghe theo lời của kẻ lạ mặt, rủ nhau đi. Tuy nhiên ngay hôm sau, trên mạng xã hội lập tức xuất hiện video clip có nội dung "người dân đấu tranh đòi quyền sống giữa đại dịch". Bỗng dưng thấy mình xuất hiện trong clip, ông Nguyễn Hữu Lợi cũng như một số người dân đang sinh sống tại phường Phú Hữu hết sức bất ngờ, bức xúc. Họ càng phẫn nộ hơn trước thông tin bịa đặt được người thanh niên lạ mặt mô tả trong clip là: "Hàng nghìn người tham gia biểu tình, tuần hành phản đối chính quyền, kéo lên phường cướp kho gạo vì bị bỏ đói hơn tuần nay" vì thực tế không ai trong số những người dân ở đây đói ăn hay đi biểu tình, tuần hành hay cướp kho gạo cả. Mặc dù nội dung phản ánh không đúng sự thật, nhưng video clip này đã được nhanh chóng chia sẻ rộng rãi trên một số trang mạng của các tổ chức, cá nhân vốn có thái độ thù địch, chống đối chính trị, thiếu thiện chí.

"Tát nước theo mưa", ngày 29/8 trên trang mạng của tổ chức khủng bố "Việt tân" có bài viết hùa theo, với nội dung xuyên tạc: "Dân đã bắt đầu biết xuống đường đấu tranh bất bạo động… "Con giun xéo lắm cũng quằn", dân không phải là giun nên không thể cách ly kiểu giam lỏng người dân cả tháng trời mà không cung cấp cho họ đủ sức cầm cự là coi như tiêu...". Ngày 30/8, Ðài châu Á tự do (RFA) đăng tải lại đoạn video clip trên, không nêu nguồn gốc, xuất xứ, nhưng vẫn tùy tiện kết luận: "TP Hồ Chí Minh: Kéo hàng trăm người biểu tình, hơn 100 hộ dân được hỗ trợ ngay sau đó". Dưới mấy bài viết này, các phần tử cực đoan, cơ hội chính trị thi nhau nhảy vào bình luận với nội dung có tính chất công kích, bôi nhọ cho rằng: "Ðảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam bỏ mặc người dân gặp khó khăn", "chính quyền ăn chặn tiền của dân", từ đó hô hào người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn với lý lẽ có tính kích động: "Có đòi mới trả", "Ai chưa nhận được hỗ trợ hãy làm như họ, xuống đường ngay và luôn"...

Cũng với thủ đoạn, cách thức này, trong suốt thời gian cả nước, nhất là TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam phải gồng mình chống dịch Covid-19, các tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí ở cả trong và ngoài nước thường xuyên đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch, về số người tử vong, tuyên truyền "công an quân đội vào trấn áp dân", xuyên tạc chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người gặp khó khăn, xuyên tạc phát ngôn của một số lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, đại diện chính quyền địa phương, ban, ngành... Các đối tượng này cố tình khoét sâu vào các hạn chế, khó khăn, bất cập về điều kiện ăn ở, đi lại, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh... của nhân dân, thậm chí dựng ra những câu chuyện cá nhân đầy thương tâm nhưng không hề có thật, nhất là về người nghèo, lao động thất nghiệp để dựng lên bức tranh bi thảm về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Không chỉ gây tâm lý hoang mang, lo lắng, ngờ vực, chia rẽ vùng miền, khiến nhân dân mất lòng tin đối với Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, mà qua cách làm này họ còn kết nối, tập hợp những người dân nhẹ dạ, thiếu thông tin; mua chuộc, dụ dỗ một số phần tử bất mãn, quá khích vào các hội, nhóm có tư tưởng chống đối, hận thù, từ đó thực hiện các kế hoạch và hoạt động theo sự giật dây của họ. Thay vì động viên người dân yên tâm ở tại khu cách ly theo quy định thì họ lại kêu gọi người dân phá rào, tấn công lực lượng chức năng, tràn ra ngoài vì nếu ở lại sẽ "nhiễm bệnh mà chết"; lập hội nhóm kín kêu gọi lao động ngoại tỉnh đồng loạt "thông chốt" về quê, bất chấp quy định phòng, chống dịch. Giữa lúc dịch bệnh rất căng thẳng, họ kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối việc giãn cách xã hội. Họ lờ đi thực tế là không chỉ Việt Nam mới buộc thực hiện giãn cách, phong tỏa (lock down), hạn chế các hoạt động đông người và các dịch vụ, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, phức tạp để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ an toàn sinh mạng và sức khỏe cho người dân. Chưa kể, trước làn sóng lây lan nhanh và mạnh như vừa qua ngay cả ở những nước giàu có, tình trạng người thất nghiệp, cần hỗ trợ cũng không ngừng gia tăng. Và để giải quyết tình trạng đó cần phải có thời gian. Song khi các vấn đề này nảy sinh tại Việt Nam thì họ lại xuyên tạc, thổi phồng, gây bức xúc trong dư luận.

Không phủ nhận là đã có thời điểm, vì phải đối phó với một đại dịch nguy hiểm, chưa từng xảy ra nên một số địa phương, bộ, ban, ngành còn gặp một số vướng mắc, lúng túng nhất định. Tuy nhiên từ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn coi tính mạng của nhân dân là ưu tiên hàng đầu, đồng thời bảo đảm sinh kế, kịp thời triển khai các gói hỗ trợ, chỉ đạo sâu sát để người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, không để ai bị bỏ lại phía sau, kết hợp với tấm lòng, nghĩa cử của cả cộng đồng với tinh thần "thương người như thể thương thân", "lá rách ít đùm lá rách nhiều" chúng ta đã từng bước vượt qua đại dịch. Thế nhưng, những việc làm hết sức tốt đẹp, nhân văn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của cả đất nước, cộng đồng luôn chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc kiên cường vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường mới đã bị các thế lực thù địch, thiếu thiện chí phủ nhận, xuyên tạc, thực hiện các hành vi chống phá.

Trên thực tế, thủ đoạn, cách thức trên đã được chúng tiến hành từ nhiều năm qua. Tiêu biểu như sự việc xảy ra hồi trung tuần tháng 6/2018, tại các địa phương như: Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Khánh Hòa... Một số phần tử chống đối, phá hoại, đã lợi dụng tình yêu nước của một số người dân cũng như sự lôi kéo, kích động một số người dân nhẹ dạ, cả tin hoặc thiếu thông tin, hiểu biết để tham gia biểu tình tự phát nhân danh cái gọi là "thể hiện lòng yêu nước". Hệ quả là đã tạo ra đám đông hung hãn, quá khích tụ tập, gây mất an ninh trật tự, thậm chí gây bạo động, đập phá trụ sở công, tài sản của tổ chức, cá nhân. Trước đó, tại một số địa phương, các đối tượng phản động cũng thường xuyên lợi dụng các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm để kêu gọi người dân thực hiện các hành vi chống đối, bạo loạn, biểu tình, như vụ việc Công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền trung, dự án thay thế cây xanh của Hà Nội, các vấn đề Biển Ðông...; và hiện nay là công tác phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Phác thảo trên đây phần nào cho thấy âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm độc của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí. Trong nhiều trường hợp, lòng yêu nước chân chính của nhân dân đã bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, từng bước bị dẫn dắt để hành động theo ý đồ đen tối của họ. Ðáng lưu ý là thủ đoạn này luôn kết hợp chặt chẽ với các hoạt động trên kênh truyền thông, trang mạng của các tổ chức phản động và phần tử chống đối. Chúng thường xuyên đăng tải thông tin có nội dung xấu độc, sai lệch, khoét sâu vấn đề đang được quan tâm, hoặc trong đó có chứa đựng sự băn khoăn, lo lắng, bức xúc nhất định... khiến đám đông cảm tính dễ bị nhiễu thông tin, từ đó bị dẫn dắt, lừa mị. Kết quả là một số người đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tạo nên một số điểm nóng trong xã hội, khiến dư luận bất bình, kịch liệt phản đối.

Ðặc biệt, trong các hoạt động chống phá nổi lên thời gian qua, có thể thấy rõ sự xuất hiện một số phần tử cực đoan với vai trò "phát động phong trào", kêu gọi người dân với hứa hẹn ảo tưởng, phi thực tế nhằm chia rẽ người dân với Ðảng và Nhà nước; dựa vào ý kiến của một số người bị lừa bịp, dẫn dắt để dựng lên cái gọi "tiếng nói người dân", "người dân lên tiếng", "diễn đàn dân chủ"… mà bản chất là thực hiện mưu đồ chống phá Ðảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, rắp tâm và cố gắng gây dựng "cách mạng đường phố" để lật đổ chế độ. Thực hiện mưu đồ đó, họ thường nhân danh quyền và lợi ích của "số đông" do chính họ dựng lên, coi đó vừa là chiêu bài, vừa là công cụ nhằm gây dựng phong trào chính trị chống đối, dựa vào đó để gây sức ép lên hệ thống chính trị, tấn công chế độ. Vì thế, quyền và lợi ích của "số đông" đã bị lợi dụng để hình thành nên tấm bình phong che giấu những mục đích đen tối.

Theo Nhân dân điện tử

Từ sự cần thiết khách quan, thổi lửa thành “chạy đua vũ trang”

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, vừa qua, Bộ Công an đã thành lập Trung đoàn Không quân CAND. Đồng thời, Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Với mưu đồ chống phá, nhiều cá nhân, tổ chức xấu đã xuyên tạc, hướng lái sai lệch các vấn đề nêu trên.

Ảnh minh họa

Một trong những nhiệm vụ lớn được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu ra là: Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt đối với lực lượng CAND. Về công tác xây dựng lực lượng, song song với việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức và triển khai đề án Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, lực lượng CAND cũng đã nghiên cứu, thành lập đơn vị mới là Trung đoàn Không quân CAND trực thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ, góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cùng với đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý đối với lực lượng CSCĐ cũng được triển khai, dự thảo Luật CSCĐ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Việc góp ý, nêu quan điểm khác nhau về một vấn đề mới là bình thường. Tuy nhiên, lợi dụng việc “đóng góp ý kiến”, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã nhanh chóng “bắt sóng”, tiến hành công kích, xuyên tạc, bóp méo sự thật, đưa ra nhiều thông tin, luận điệu sai trái, hướng lái tiêu cực. Đối với việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND, các đối tượng xấu rêu rao đây là việc làm phục vụ “lợi ích nhóm”, việc thành lập là vô bổ, lãng phí về nhân lực, vật lực, là “biểu hiện của lạm quyền, tham nhũng”… Trong khi đó, đối với dự thảo Luật CSCĐ, những luận điệu sai lệch cũng đã được tung ra. Các đối tượng vẽ ra “thuyết âm mưu” cho rằng, theo các công ước quốc tế, các quốc gia không bao giờ được sử dụng lực lượng vũ trang để thực hiện hành vi trấn áp khi có xung đột dân sự nên Đảng, Nhà nước Việt Nam đang xây dựng quy định để biến CSCĐ thành một biến thể của Quân đội, phục vụ việc đàn áp người dân.

Ở một góc độ khác, một số luận điệu lại xuyên tạc, bịa đặt việc xây dựng dự luật là một cuộc “tranh giành quyền lực” giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; cho rằng lực lượng Công an đang “lấn sân” thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Quân đội. Đồng thời, liên quan đến nội dung dự thảo quy định về việc trang bị một số phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy bay, tàu thủy, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại…, các đối tượng bóp méo bản chất sự việc, cho rằng việc trang bị các phương tiện hiện đại là tốn kém, không cần thiết, mang tính chất “chạy đua vũ trang” phục vụ việc “đối phó với người dân trong nước”. Ngoài ra, với mưu đồ tiến hành “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang, các đối tượng đòi xoá bỏ nguyên tắc “đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý Nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an” trong hoạt động của lực lượng CSCĐ; tiếp tục rêu rao rằng lực lượng CSCĐ nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung phải trung lập, phải “nằm ngoài chính trị”.

Suy cho cùng, mục đích của những kẻ này là làm nhiễu loạn thông tin, gieo rắc sự hoài nghi của quần chúng nhân dân đối với lực lượng CAND, khích bác, chia rẽ mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng CAND và QĐND, cổ suý tư tưởng đòi “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang.

Cần phải khẳng định, việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND và việc xây dựng Dự thảo Luật CSCĐ là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật, dựa trên những đòi hỏi của thực tiễn công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, có sự cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng.

Thứ nhất, việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai và thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng CAND.

Tiến hành đánh giá, tổng kết về hoạt động của lực lượng CSCĐ nói riêng và lực lượng CAND nói chung cho thấy, công tác bảo vệ an ninh, trật tự đã phát sinh nhiều trường hợp mà các phương tiện cơ động chiến đấu đường bộ, đường sắt và đường thủy chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở những khu vực, địa bàn có địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt. Do đó, cần có lực lượng không quân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND góp phần xây dựng lực lượng CAND ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước tiến lên hiện đại theo lộ trình được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung đoàn Không quân CAND được quy định một cách rõ ràng, không có sự chồng chéo về nhiệm vụ với lực lượng Quân đội như một số quan điểm.

Xung quanh hoạt động của lực lượng Không quân CAND, một số ý kiến cho rằng Bộ Quốc phòng đã có lực lượng Không quân, vì vậy việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND là không cần thiết, lãng phí nhân lực và vật lực. Tuy nhiên, cần phải thấy rõ, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là hai lực lượng có chức năng, nhiệm vụ khác nhau; bên cạnh sự phối hợp tác chiến thì trong nhiều tình huống khẩn cấp, cần sự cơ động nhanh, bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ, cần phải có các lực lượng độc lập để nâng cao tính chủ động. Do đó, việc thành lập lực lượng Không quân CAND là hoàn toàn phù hợp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, việc nghiên cứu, ban hành Luật CSCĐ mới thay cho Pháp lệnh CSCĐ là cần thiết, khách quan. Sau hơn 7 năm thực hiện, Pháp lệnh CSCĐ (2013) đã bộc lộ một số điểm bất cập, thiếu đồng bộ so với những quy định khác có liên quan. Cùng với đó, những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình trong nước, khu vực, thế giới cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo đảm an ninh, trật tự. Vì vậy, để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng; hoàn thiện hành lang pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng CSCĐ, làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa lực lượng CSCĐ với các lực lượng khác, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, việc xây dựng Luật CSCĐ là hoàn toàn phù hợp.

Theo dự thảo, Luật CSCĐ có 5 chương, 30 điều. So với Pháp lệnh cũ, dự thảo Luật CSCĐ đưa ra một số nội dung mới như: Quy định thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ để bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định cụ thể về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của CSCĐ; quy định về việc phối hợp của CSCĐ với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ…

Để được thông qua, dự luật còn phải trải qua nhiều bước, với sự cân nhắc đánh giá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, mục đích cao nhất khi xây dựng luật là tạo cơ sở pháp lý vững chắc phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, nhất là trong bối cảnh các thế lực phản động trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá nước ta, đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích động, lôi kéo các lực lượng tham gia biểu tình, bạo loạn.

Tú Trần – Báo CAND

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...