Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn đề nghị cơ quan chức năng Bộ Công an điều tra làm rõ, xử lý các cá nhân, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” có hành vi gọi điện, nhắn tin hoặc dùng mạng xã hội quấy nhiễu, đe dọa, khủng bố nhiều chủ doanh nghiệp thủy sản có công nhân vay nợ quá hạn, mất khả năng thanh toán.
Không chỉ riêng chủ doanh nghiệp thuộc VASEP, nhiều cán bộ công đoàn,
quản lý công ty ở các khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng
Nai, tỉnh Bình Dương... cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Điều này không chỉ gây
mất an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, danh dự, uy
tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đồng thời
càng cho thấy nạn “tín dụng đen” đang hoành hành ở nhiều nơi, đặc biệt là trong
công nhân lao động.
Ảnh minh họa/ Dantri |
Có đến các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân mới thấy “tín dụng
đen” như những vòi bạch tuộc đang hằng ngày, hằng giờ len lỏi vào từng ngõ
ngách, trói chặt không ít người. Ngoài nhan nhản những tờ rơi, quảng cáo dán tường
với nội dung “cho vay tiêu dùng” là hàng chục, hàng trăm app cho vay trên mạng.
Người cần tiền có thể vay trực tiếp, vay qua app hoặc qua mạng xã hội với thủ tục
rất đơn giản, không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh chóng... Tuy nhiên,
vay thì dễ mà trả thì khó, bởi lãi suất luôn ở mức “cắt cổ”, lên tới hàng nghìn
phần trăm mỗi năm. Vì dính bẫy “tín dụng đen”, nhiều gia đình công nhân tan
nát, thậm chí không ít trường hợp quẫn trí đã tìm đến cái chết. Không chỉ người
vay gánh chịu hậu quả, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, công ty cũng bị ảnh hưởng
từ những thủ đoạn đe dọa, bôi nhọ... nhằm tạo áp lực đòi nợ của các đối tượng
cho vay.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tích cực điều tra, triệt phá nhiều
đường dây “tín dụng đen”. Chỉ trong 3 năm gần đây, công an các cấp, các địa
phương đã đấu tranh, xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, khởi tố gần
2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi mà nạn
nhân là công nhân, thế nhưng nạn “tín dụng đen” nói chung, “tín dụng đen” trong
công nhân nói riêng không hề giảm mà trái lại, ngày càng nở rộ với những thủ đoạn
tinh vi. Vì sao vậy? Trước hết là do thu nhập, đời sống của một bộ phận không
nhỏ công nhân còn thấp, nhu cầu vay tiền là có thật, trong khi việc tiếp cận
các kênh tín dụng chính thống còn khó khăn, đã tạo khoảng trống để “tín dụng
đen” hoạt động. Mặt khác, hiện nay các app cho vay nhiều như nấm mọc sau mưa,
thật giả lẫn lộn, rất khó để phân biệt app nào làm ăn đàng hoàng, app nào cho
vay nặng lãi...
Để công nhân không rơi vào bẫy “tín dụng đen” luôn rình rập xung quanh
thì giải pháp cơ bản, lâu dài là phải nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống;
chú trọng xây dựng lối sống, môi trường văn hóa để mỗi người đều có khả năng
“miễn dịch” trước các loại tệ nạn, tiêu cực. Nhưng hiện nay, khi nhu cầu vay vốn
của công nhân rất lớn thì cần có những gói tín dụng phù hợp để công nhân có thể
tiếp cận một cách thuận lợi, thực chất. Cùng với đó, phải dẹp bỏ ngay các app
cho vay nặng lãi trên mạng. Không thể ngăn chặn được nạn “tín dụng đen” nếu các
app cho vay nặng lãi cứ hoạt động ngang nhiên như hiện nay, bởi đó là nơi hầu hết
nạn nhân dính bẫy.
PHƯƠNG HIỀN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét