Sau sự kiện chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, có rất nhiều luận điệu xuyên tạc, bác bỏ nhiều vấn đề lý luận trong quan niệm duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác-Lênin, như lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp, nhà nước và cách mạng xã hội... Những luận điệu này không có căn cứ khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn nên cần phải phê phán, bác bỏ.
Âm mưu xét lại, phủ nhận những giá trị cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch
sử
Trên nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng xã hội chủ
nghĩa đã đem lại thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng thế giới. Với thắng
lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, CNXH từ một học thuyết trở thành một
chế độ chính trị-xã hội tồn tại đến ngày nay đã minh chứng cho giá trị và sức sống
mãnh liệt, trường tồn và vai trò to lớn của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong sự phát
triển của lịch sử nhân loại.
Tuy vậy, sau sự kiện CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế
lực phản cách mạng tìm mọi cách để chống lại Chủ nghĩa Mác-Lênin, cản trở sự
thâm nhập và lan rộng của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cộng sản và công
nhân quốc tế. Những thế lực đòi xét lại, đòi bác bỏ nhiều vấn đề lý luận trong
quan niệm duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác-Lênin, như lý luận giai cấp và đấu
tranh giai cấp, nhà nước và cách mạng xã hội...
Nhiều nhà tư tưởng tư sản đưa ra những thuật ngữ mới như: “Xã hội siêu
công nghiệp”, “các nhà hợp nhất”, “phương tiện hợp nhất”, “siêu đấu tranh”, “ý
thức hệ toàn cầu”... của Alvin Toffler, phái Phrăng Phuốc, “chủ nghĩa Mác mới” ở
các nước phương Tây. Họ cho rằng ngày nay không còn đấu tranh giai cấp, không
còn chuyên chính vô sản, chỉ còn sự hợp tác, thống nhất, sự tương trợ thuần túy
lẫn nhau...
Ảnh minh họa/ dangcongsan.vn |
Từ quan điểm của “Quyết định luận kỹ thuật”, thuyết “Hội tụ” đến “Làn
sóng thứ ba” đều nhằm gián tiếp phủ nhận phương pháp tiếp cận lịch sử bằng lý
luận hình thái kinh tế-xã hội của triết học Mác, phủ nhận những mâu thuẫn, xung
đột truyền thống, nhất là mâu thuẫn giai cấp, qua đó cũng phủ nhận sứ mệnh lịch
sử của giai cấp công nhân. Samuel P.Huntington (chuyên gia nghiên cứu chính trị
Mỹ) cho rằng, các cuộc xung đột trong lịch sử là do sự xung đột giữa các nền
văn minh với nhau...
Mặc dù quan điểm này của Huntington cũng cung cấp thêm một cái nhìn đa
diện về xung đột, nhưng nguồn gốc sâu xa của các cuộc xung đột trên thế giới gần
đây hoàn toàn không phải do sự khác biệt về văn hóa, văn minh, càng không phải
là sự khác biệt về tôn giáo. Nguồn gốc thực sự của các cuộc xung đột lớn đó là
vấn đề lợi ích (cả kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh...). Quan điểm này
nhằm bác bỏ lý luận mâu thuẫn giai cấp, cách mạng xã hội của Chủ nghĩa
Mác-Lênin.
Tính khoa học, tính cách mạng làm nên giá trị chủ nghĩa duy vật lịch sử
Có thể nói, C.Mác là người đầu tiên trong lịch sử triết học “phát hiện
ra quy luật cơ bản chi phối sự vận động và phát triển của lịch sử loài người”(1).
V.I.Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất
của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã
thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện, vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan
niệm về lịch sử và chính trị”(2).
Khi nói về giá trị, tính khoa học và bản chất cách mạng của học thuyết
Mác, V.I.Lênin đã khẳng định rằng, toàn bộ giá trị của học thuyết Mác là ở chỗ,
lý luận đó về bản chất là một lý luận có tính chất phê phán và cách mạng. Bất cứ
sự quan tâm nào về xã hội, lịch sử đều có thể tìm thấy trong học thuyết Mác những
cơ sở khoa học cho lời giải đáp.
Trong các tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, “Sự khốn cùng của triết học”,
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, đặc biệt là bộ “Tư bản”, C.Mác xuất phát từ
phương thức sản xuất để nghiên cứu sự vận động, biến đổi, phát triển và quy luật
của lịch sử. Ở đó, phương thức sản xuất được hiểu là sự vận động của lực lượng
sản xuất và quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất vật chất. Đó
còn là sự liên kết các lĩnh vực vào một thể thống nhất, tạo nên tính toàn vẹn
và tính cụ thể đặc trưng của một xã hội.
Nội dung này được thể hiện tập trung trong học thuyết hình thái kinh tế-xã
hội. Bằng phạm trù hình thái kinh tế-xã hội, C.Mác đã thực hiện sự phân kỳ lịch
sử qua những giai đoạn phát triển khác nhau với những đặc trưng cơ bản, thể hiện
tính gián đoạn trong sự bao hàm, sự thay thế nhau một cách tất yếu, hợp quy luật
các giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội loài người.
Học thuyết hình thái kinh tế-xã hội lần đầu tiên cung cấp những tiêu
chuẩn thực sự duy vật, khoa học cho việc phân kỳ lịch sử, giúp con người hiểu
được logic khách quan của quá trình tiến hóa xã hội. Nó vạch ra sự thống nhất của
lịch sử trong cái muôn vẻ của các sự kiện ở những quốc gia, dân tộc khác nhau
trong các thời kỳ khác nhau. Bằng việc phát hiện ra những quy luật khách quan của
sự phát triển xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, C.Mác đã
chỉ ra cho giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ toàn thế giới những con đường
và biện pháp hiện thực để tự giải phóng khỏi ách áp bức về mặt xã hội và tạo ra
những điều kiện, tiền đề cho một cuộc sống thật sự mang tính người trong xã hội
cộng sản.
Mục đích của quan niệm duy vật về lịch sử là chứng minh tính tất yếu ra
đời của chủ nghĩa cộng sản. Với nhãn quan của một nhà triết học, chính trị với
tinh thần nhân đạo, yêu thương con người và yêu tự do vô hạn, ngay trong những
tác phẩm đầu tiên khi xây dựng Chủ nghĩa Mác, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã đưa ra tư
tưởng về xây dựng một thế giới cho sự phát triển của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia,
dân tộc và toàn thế giới. Thông qua sự phân tích tất yếu kinh tế, C.Mác và
Ph.Ăng-ghen đã làm rõ cơ sở thực sự của các chế độ xã hội, thể chế chính trị và
tính chất bất công về mặt xã hội nảy sinh từ tất yếu kinh tế và những phương thức
để giải quyết các mâu thuẫn xã hội thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lịch sử.
Tiếp tục bổ sung, phát triển học thuyết Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội
khoa học
Có thể khẳng định, thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ
nghĩa tư bản lên CNXH. Trong đó, đấu tranh giai cấp vẫn còn tồn tại, thậm chí ở
nhiều khía cạnh còn gay gắt và phức tạp hơn. Hiện nay, “trật tự thế giới mới”
hình thành ngày càng bộc lộ bản chất giai cấp của chủ nghĩa tư bản. Đó là trật
tự bao hàm bạo lực, chiến tranh, áp bức, cường quyền, can thiệp, khủng bố. Cho
dù chủ nghĩa tư bản làm dịu đi những mâu thuẫn trong lòng nó và chưa cạn kiệt
khả năng phát triển, nhưng có thể khẳng định rằng tự bản thân nó đang tạo ra những
điều kiện để phủ định chính nó. Điều đó vẫn làm cho cuộc đấu tranh vì mục tiêu
hòa bình và tiến bộ xã hội càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn, nhất là đối với
những nước đang đi theo con đường xây dựng CNXH.
Đối với vấn đề nhà nước, các nhà tư tưởng tư sản xuyên tạc một cách
tinh vi hơn, che đậy bản chất nhà nước một cách kín đáo hơn. Họ khẳng định nhà
nước tư sản hiện đại là nhà nước dân chủ nhất, ưu việt nhất, là “nhà nước phúc
lợi chung”, bảo đảm phúc lợi cho tất cả mọi người dân... Đi đôi với việc đề cao
nhà nước tư sản, họ không ngừng phủ nhận nhà nước xã hội chủ nghĩa và phủ nhận,
xuyên tạc bản chất dân chủ và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng
đó chỉ là sự ngụy biện.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội
và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(3), Tổng Bí thư Ban Chấp hành
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, GS, TS Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tại các
nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ” dù có thể
thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng
sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”.
“Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản
phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các
thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công
thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới
không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân
dân-yếu tố bản chất nhất của dân chủ”.
Sự chênh lệch giàu nghèo, phân cực xã hội, chiến tranh, bạo lực, chủ
nghĩa cường quyền vẫn tồn tại và ngày càng phức tạp. Vai trò thao túng ngày
càng tăng lên của tư bản tài chính khiến kinh tế thế giới ngày càng khó quản lý
và kiểm soát, dẫn đến những nguy cơ nổ tung và các phản ứng dây chuyền tác động
tổng thể đến nhiều nền kinh tế và các quốc gia trên thế giới. Các cuộc khủng hoảng
theo chu kỳ vẫn đang diễn ra như dự liệu, tiên đoán của C.Mác và Ph.Ăng-ghen.
Thực tế đến nay, nhiều nước đang xây dựng thành công CNXH trên nền tảng
của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Những thành tựu to lớn đã đạt được ở các nước xã hội
chủ nghĩa như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba... chứng minh rằng, học thuyết về CNXH
là học thuyết đúng đắn; quan niệm duy vật về lịch sử là quan điểm khoa học và
cách mạng.
Mặc dù vậy, như V.I.Lênin đã nhắc nhở những người cộng sản rằng: “Chúng
ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả
xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa
học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu
họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(4). Lời căn dặn của
V.I.Lênin đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự.
Ngày nay, trước những thắng lợi to lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, “những kẻ “đói kém” về mặt lý luận, nhưng lại
“giàu có” về các thủ đoạn” vẫn tiếp tục chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng,
hòng mưu toan làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa, phá hoại thành quả cách mạng.
Do vậy, để củng cố nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng thì điều có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng là những người mácxít phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập
trường kiên định, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; không được
dao động, mất lập trường.
Mặt khác, phải có khả năng nhận thức đúng những thay đổi của thời đại để
nhận diện được các quan điểm sai trái, thù địch và có những thay đổi trong sách
lược phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát
triển lý luận Mác-Lênin về CNXH khoa học, vì đây là một trong những cách bảo vệ
tốt nhất học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và phong trào cộng
sản trên toàn thế giới.
PGS, TS ĐẶNG QUANG ĐỊNH, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị
Quốc gia Hồ Chí Minh
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
tập 19, tr.496.
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2005, tập
23, tr.53
(3) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa
xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia
Sự thật, Hà Nội 2022, tr.17.
(4) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2005, tập
4, tr.232.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét