Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

Cõi mơ và cõi thực

Bảo càng thêm ngạc nhiên. Sao lại có sự trùng lặp lạ lùng đến thế. Chẳng lẽ cô bé vừa rồi là em gái nàng Minh Nguyệt đến báo mộng? Vậy còn nhà văn Thy Uyên đang đứng trước mặt anh với chiếc nắp máy ảnh là ai? Xưa nay Bảo được coi là người "duy vật nhất quả đất" với lời nói và việc làm ngăn chặn hầu hết các chiêu trò của những kẻ gieo rắc mê tín dị đoan mà vợ anh là một trong những nạn nhân của chúng.

Bảo vừa trở lại khách sạn. Một ngày hết xuống rừng ngập mặn lại ngược dốc lên núi. Mệt. Nhưng mà vui. Có được cơ may dẫn đoàn khách văn chương tìm hiểu non nước quê hương mình như thế này thật hiếm. Đến tháp Tường Long, Bảo đã vận dụng tất cả vốn hiểu biết về lịch sử hình thành di tích từ thời vua Lý Thánh Tông để thuyết minh nhưng xem ra nhiều vị khách vẫn cứ muốn nghe thêm. Bác nhà thơ vùng Kinh Bắc hỗ trợ Bảo bằng cách đọc luôn 4 câu thơ vừa ứng tác. Mọi người khen tài! Cô nhà văn Thy Uyên trong đoàn vừa nghe vừa tranh thủ tạo dáng chụp ảnh "tự sướng" bằng cái điện thoại đời mới... Trên đường về khách sạn cô nàng còn khoe với Bảo mấy bức ảnh kèm theo lời bình "tự sướng": Đẹp như tranh vẽ phải không anh?

Bảo đã đọc một số bài thơ và truyện ngắn của Thy Uyên. Bút pháp lạ và rất hấp dẫn. Đặc biệt là những trang viết về một số nhân vật lịch sử. Bảo hy vọng sau chuyến du khảo lần này Thy Uyên sẽ có những trang viết về nhân vật lịch sử nào đó tại vùng quê mà anh đang xây dựng khu du lịch sinh thái với cái tên: Ngày xưa... Ngày mai, Bảo sẽ tiếp tục tình nguyện dẫn đoàn đến khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc ở Kiến Thụy, ghé thăm Núi Voi bên An Lão, tiếp đó là về Vĩnh Bảo dâng hương tại đền Trạng Trình...

Trong khi chờ đến buổi giao lưu văn nghệ vào tối nay, Bảo ngả lưng trên ghế cố sắp xếp lại những điều cần giới thiệu với khách ngày mai... Chợt cửa phòng mở. Một cô gái hiện ra. Là Hạ. Cô gái trẻ nhất trong nhóm nghệ sĩ mà Bảo thường mời đến khu du lịch sinh thái Ngày xưa biểu diễn phục vụ du khách.  Hạ có giọng hát dân ca thật đằm thắm. Lần nào nhóm nghệ sĩ đến biểu diễn, bài hát văn của Hạ cũng được chọn làm tiết mục cuối cùng khiến du khách phải ngơ ngẩn nhớ... Nhưng sao hôm nay Hạ lại đến tận đây tìm Bảo nhỉ? Lại còn mặc cả váy yếm từ thời xưa nữa. Nhìn kỹ, không giống cái áo mớ ba mớ bẩy mà Hạ thường mặc khi hát Văn. Lại nữa, gương mặt trái xoan, nước da trắng nõn nà, đôi môi đỏ như máu, cặp mắt mơ mộng của Hạ hôm nay để tự nhiên chứ không hề phấn son tô vẽ. Trong khi Bảo còn đang phân vân về sự xuất hiện bất ưng của Hạ thì cô đã xòe một bàn tay ra và nói :

- Em trả anh cái này ...

- Đây là nắp ống kính máy ảnh của anh. Nhưng sao em lại có nó? Bảo hỏi.

- Dạ, khi anh cúi chụp ảnh, nó rơi ra từ túi áo ngực... Em ở đồi chè gần đó nhìn thấy,  gọi anh không nghe. Đi theo đến cây thị già cuối dốc thì anh đã lên xe...

- Vì cái nắp ống kính máy ảnh mà em phải vất vả rồi...

- Thực ra là em muốn gặp anh... Ban nãy ở trên núi Long Sơn anh kể chuyện với mọi người, em nghe hết. Có một chuyện anh kể còn dở dang...

- Là chuyện nào nhỉ?

- Dạ chuyện chàng Văn Đạt với nàng Minh Nguyệt ạ.

Thì ra là như thế. Cô bé đã nghe anh kể với đoàn nhà văn về một giai thoại thời trai trẻ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

...Chuyện kể rằng. một lần Văn Đạt cùng mấy người bạn văn chương ra Đồ Sơn chơi. Họ cùng nhau leo lên núi ngắm biển. Đứng trên một phiến đá nhìn ra khơi xa, Văn Đạt cao hứng đọc bài thơ "Hải uy" mà chàng vừa sáng tác. Mọi người bình phẩm và xướng họa một hồi rồi chuyển sang thú chơi thách đối. Văn Đạt là người ra vế đối trước. Chàng đọc:

- Trai Đồ Sơn đứng núi Đồ Sơn, sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt.

Mọi người ồ lên rằng vế đối hay nhưng đối được thật không dễ. Bởi lẽ trong vế đối có cả chữ Nôm và chữ Hán. Lại nữa, phần chữ Hán là cách chơi chữ rất độc đáo. Chữ "sơn" nọ xếp chồng lên chữ "sơn" kia sẽ thành chữ "xuất"...

Trong khi mọi người còn vò đầu tìm vế đối thì từ phía đồi chè, một cô gái bước ra dâng chiếc quạt giấy lên trước Văn Đạt, giọng nhẹ như gió thoảng:

- Dạ thưa, chị em đã có vế đối, trình tiên sinh xem giúp.

Văn Đạt đọc dòng chữ như phượng múa trên quạt đã nể mươi phần, đến khi đọc xong vế đối thì chàng phải thốt lên:

- Thật là tuyệt bút!

Rồi chàng đọc thật to như muốn trời đất, biển cả cùng nghe:

- Gái Minh Nguyệt ngồi trong Cung Nguyệt, nguyệt nguyệt bằng quân tử trượng phu.

Văn Đạt dứt lời mọi người cùng rộ lên lời bình phẩm. Vế đối chẳng những chuẩn về niêm luật, ý tứ mà phần chữ Hán cũng dùng thuật ghép chữ tài tình. Hai chữ "nguyệt" đứng bên nhau là chữ "bằng" đối với hai chữ "sơn" công kênh nhau thành chữ "xuất"... Ngoài ra từ vế đối, nữ chủ nhân còn ngỏ ý được kết tình bằng hữu với những chàng trai mà nàng tin rằng họ là bậc quân tử , trượng phu trong thiên hạ.

Lát sau, nàng Minh Nguyệt, người vừa có vế đối mới bước lên từ hàng cây cổ thụ phía dưới đồi chè. Sắc đẹp và dáng đi uyển chuyển của nàng khiến Văn Đạt và đám bạn bè của chàng càng thêm sửng sốt. Sau khi thi lễ với nhau, Văn Đạt và đám bạn chàng còn xướng họa thơ phú với người đẹp đến tận chiều tà. Cuộc gặp gỡ buổi ấy của Văn Đạt và Minh Nguyệt đã khiến họ vương vào lưới tình khó gỡ... Ít lâu sau, văn nhân và nữ sĩ nên duyên chồng vợ. Nàng Minh Nguyệt rời non nước Đồ Sơn về làm dâu bên bến Hàn Giang, vùng đất Vĩnh Bảo bây giờ...

Giai thoại về danh nhân gắn với danh thắng Đồ Sơn mà Bảo đọc được, nghe được chỉ chừng ấy. Chẳng lẽ cô bé mới mười tám còn biết thêm chuyện gì khác nữa.  Bảo phân vân một lát rồi nói với Hạ:

- Thực ra chuyện về tình sử Đồ Sơn của Trạng Trình anh cũng chỉ biết đến thế...

Hạ mỉm cười:

- Ý em là, có lẽ anh không muốn kể về một sự thật trớ trêu: Lúc ấy Văn Đạt đã là rể quý của quan Bảng nhãn Dương Đức Nhan và một nữ nhi tài sắc như Minh Nguyệt vẫn chấp nhận phận lẽ mọn ...

Minh họa - Ngô Xuân Khôi


Bảo ngắt lời cô bé:

- Đó là những chuyện hôn nhân của xã hội thời ấy... Đàn ông năm thê bẩy thiếp. Huống hồ bậc tài danh như Văn Đạt...

- Dạ. Nhưng Minh Nguyệt là bậc nữ nhi khác thường cơ mà.

- Đúng vậy. Thế mới có chuyện khi Văn Đạt đã thi đỗ Trạng nguyên, được Nhà Mạc trọng dụng, được thiên hạ nể trọng thì nàng lại xin chồng được khoác áo nâu sồng và biến ngôi nhà mà quan Trạng dành cho làm nơi cửa Phật...

Hạ thoáng buồn:

- Ý anh muốn nói đến sự tích ngôi chùa Song Mai phải không ạ?

Bảo tiếp:

- Đúng vậy. Và hình như vẫn còn khá nhiều giai thoại về Trạng Trình và Minh Nguyệt tại ngôi chùa Song Mai nữa ...

- Giai thoại ư ? Em nghĩ phần lớn là chuyện có thật mà đã bị bụi thời gian phủ mờ và được nhân gian tô điểm lại cho thi vị hơn. Những người đắm đuối với công việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt như anh tìm hiểu sẽ rất có ích đấy ạ...

Cuộc trò chuyện giữa Bảo và Hạ dần chuyển sang cuộc đàm đạo về hai sự tích nảy sinh những câu "Sấm" nổi tiếng của Trạng Trình diễn ra ở chính ngôi chùa Song Mai. Cuối cùng Bảo nhìn ra biển xa và đột nhiên hỏi Hạ:

- Em có biết Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có bài thơ "Cự ngao đới sơn" nổi tiếng trong đó có hai câu cũng được coi là Sấm không?

Chưa đợi Hạ trả lời, Bảo đã cất giọng: "Vạn lý Đông minh quy bả ác. Ức niên Nam cực điện long bình".

Hạ ngắt lời Bảo:

- Bài thơ này thì em biết. Em còn nhớ hai câu mà anh vừa đọc đã được người đời sau diễn giải như sau: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình"...

Bảo tiếp:

- Nhưng Trạng Trình viết bài thơ với hai câu Sấm này trong hoàn cảnh nào thì hình như chưa ai nói đến...

Hạ mỉm cười vẻ bí hiểm. Lát sau cô bé cất tiếng chập chờn như sóng vỗ:

- Thì bây giờ em nói.... Là vì... chị Minh Nguyệt của em chính là thần biển cai quản miền Hải Đông. Chị em muốn Văn Đạt tiên sinh đi thi để mang tài kinh bang tế thế ra giúp nước lúc ấy và kế sách giữ nước muôn sau...

Nghe Hạ nói, Bảo toát mồ hôi. Hồi lâu anh mới định thần trở lại và hỏi:

- Em nói sao... Minh Nguyệt là thần biển... Vậy còn em...?

- Là em gái của Minh Nguyệt, là cô bé mang chiếc quạt có vế đối đến dâng Văn Đạt mà hồi chiều anh đã kể...

Sau phút giây bàng hoàng Bảo trấn tĩnh định hỏi thêm đôi điều về Minh Nguyệt thì có tiếng Thy Uyên từ bên ngoài vọng vào:

- Cửa vẫn mở, em vào được không ạ?

Bảo giật mình tỉnh giấc. Thì ra anh vừa trải qua một giấc mơ. Trong khi Bảo vẫn ngơ ngác nhìn quanh như để tìm người đẹp, như nuối tiếc cuộc gặp gỡ trong mộng thì Thy Uyên đã chìa ra trước anh chiếc ống kính máy ảnh, giọng vui vẻ:

- Em nhặt được nó ở đồi chè. Biết chắc là của anh nhưng cố tình giữ lại để kiếm cớ sang nói với anh một chuyện …

Bảo càng thêm ngạc nhiên. Sao lại có sự trùng lặp lạ lùng đến thế. Chẳng lẽ cô bé vừa rồi là em gái nàng Minh Nguyệt đến báo mộng? Vậy còn nhà văn Thy Uyên đang đứng trước mặt anh với chiếc nắp máy ảnh là ai? Xưa nay Bảo được coi là người "duy vật nhất quả đất" với lời nói và việc làm ngăn chặn hầu hết các chiêu trò của những kẻ gieo rắc mê tín dị đoan mà vợ anh là một trong những nạn nhân của chúng.

Tất cả gia tài mà Bảo gây dựng được như ngày hôm nay, qua lời thầy cúng thổi vào tai, vợ anh đều cho rằng là do cô ấy vất vả đến hết phủ nọ, đền kia, dâng lễ khấn bái, cầu xin mới có. Những lúc làm ăn thất bại, cô ấy cũng cho rằng do việc sắm sửa lễ vật hoặc cúng bái không được chu tất. Và để "sửa sai", khi thì cô ấy mang lễ vật đến chùa xin giải hạn, khi thì thuê xe đưa rước thầy cúng đi đến phủ nọ, đền kia cúng bái tùm lum. Mỗi lần "sửa sai" như vậy là vài chục triệu bay theo khói hương vàng mã và chui vào tay nải của mấy lão thầy cúng.

Ngày trước, việc vợ thường xuyên đi cúng bái ở xa, Bảo không biết hoặc có biết cũng cho rằng đó là chuyện tín ngưỡng nên chỉ bóng gió khuyên can chứ không ngăn cản. Nhưng từ khi vợ bàn chuyện đưa "thầy" về nhà cúng bái thì Bảo kiên quyết phản đối. Đấu khẩu với nhau không xong, nhằm dịp Bảo đi đâu đó xa nhà, vợ anh vẫn lén rước "thầy" về đóng kín cửa ê a, chập cheng cả buổi. Một lần vợ chồng bàn chuyện mở rộng quy mô làm ăn, cô ta nói toẹt ra rằng: Em đã bàn với một ông thầy nổi tiếng, hàng tháng đôi lần tổ chức lễ dâng sao giải hạn cho đám con nhang đệ tử thập phương ngay tại khu du lịch sinh thái nhà mình rồi... Trong khi Bảo chưa kịp phản ứng gì thì vợ anh đã thao thao:

- Khu du lịch nhà mình mà thêm mấy cái "món" tâm linh như gọi hồn, dâng sao giải hạn... thì cứ gọi là tha hồ vơ tiền, hốt bạc của thiên hạ...

Vợ anh chưa dứt lời, Bảo đã lớn giọng cắt ngang:

- Từ hôm nay, cô đi cúng bái, lễ lạt ở đâu là quyền của cô. Riêng trong khuôn viên khu du lịch này, tôi cấm mọi hoạt động liên quan đến mê tín dị đoan... Khu du lịch là tâm huyết cả đời của tôi. Tôi muốn biến quê mình có một địa chỉ du lịch thu hút du khách bằng chính truyền thống văn hóa vật chất và tinh thần bao đời để lại. Tôi muốn những sản vật độc đáo mà người dân nơi đây làm ra sẽ được du khách thưởng thức với sự hứng thú rồi nhớ mãi và kể với khắp muôn nơi... Mà thôi, tôi có nói nữa thì cô cũng không hiểu hoặc cố tình không hiểu. Cô bị đám buôn thần bán thánh mê hoặc đến mụ mẫm rồi...

Đến lượt người vợ cướp lời Bảo. Cô ta tru tréo lên rằng, Bảo đã phỉ báng thánh thần.  Rằng như các "thầy" đã phán, vì cái sự gàn dở của Bảo mà họa lớn sắp giáng lên cái nhà này. Rằng cái họa ấy trước mắt đứa con gái sẽ phải gánh chịu... Cô vợ còn kể ra một đống chuyện về phúc họa do mấy lão thầy cúng đơm đặt hoặc gán ghép. Bảo bỏ ra ngoài. Mấy hôm sau, anh vào Huế vừa để học hỏi cách làm của khu du lịch "Làng hành hương" vừa để tạm lánh cái không khí căng thẳng trong nhà. Nào ngờ, Bảo đi hôm trước thì hôm sau cô vợ mời luôn thầy cúng đến. Nghe cô vợ phàn nàn về chồng, lão thầy cúng phán:

- Muốn trị được thói "gia trưởng" của chồng chị thì phải đổi hướng cửa, yểm bùa một số nơi và quét lại sơn nhà. Còn muốn tránh được đại hạn sắp tới của đứa con gái thì phải cải tạo một trong những ngôi nhà đang bày biện thúng, mủng, dần, sàng, cối xay, cối giã thời ngày xưa, dựng ngay một cái "đàn" để tế lễ giải hạn...

Bảo từ Huế về thì cô vợ và gã thầy cúng đang chỉ huy thợ thực hiện những gì họ đã bàn. Bảo kịp ngăn lại nhưng tổng quan khu du lịch mà Bảo bỏ công sức suốt mười năm tạo dựng đã bị phá vỡ một phần. Cùng với thiệt hại vật chất tiền tỷ là thiệt hại tinh thần của đứa con gái mới chín tuổi đầu. Con bé kể lại chuyện mẹ bắt nó quỳ đội bát hương cả ngày để thầy cúng múa may, hò hét đuổi ma ròng rã hai ngày. Từ một đứa trẻ hiền lành dễ bảo, từ sau lần bị gã thầy cúng hành hạ, nó bỗng trở thành con bé ngẩn ngơ, "chập cheng" khó hiểu... Trong khi Bảo đưa con đến bệnh viện thì cô vợ vẫn khăng khăng đòi đi tìm thầy cúng cao tay hơn trị ma cho con bé...

Những cuộc cãi vã lại liên tục nổ ra và kết thúc là phiên tòa xử ly hôn. Bảo dành bằng được quyền  nuôi con và giữ lại khu du lịch còn cô vợ được chia một khoản tiền lớn cùng ngôi nhà trên phố... Cũng may, sau khi sống xa người mẹ cuồng tín, được Bảo chăm lo, chữa chạy con gái anh đã tĩnh tâm trở lại. Lại nữa, từ khi khu du lịch mời được đội dân ca về phục vụ khách, con bé bắt đầu thích giọng hát của Hạ. Có lần con bé còn bày tỏ nguyện vọng muốn được cô Hạ đến nhà dạy hát. Bảo hứa sẽ chiều ý con gái nhưng vẫn chưa chọn được thời cơ ngỏ lời với Hạ…

Trong khi Bảo còn đang nghĩ miên man về giấc mơ, về Hạ và cả những chuỗi ngày vất vả của bố con anh thì Thy Uyên nhắc:

- Ơ, anh làm sao thế. Sao em chào mà mãi không trả lời?

Bảo bối rối:

- Anh không sao… Nhưng thực tình anh đang nghĩ về một giấc mơ kỳ lạ vừa xong…

Rồi Bảo kể lại toàn bộ giấc mơ. Thy Uyên nghe một cách chăm chú. Khi Bảo kể xong, cô nhìn ra biển mỉm cười một cách hóm hỉnh và nói:

- Qua giấc mơ chứng tỏ anh và em có mối quan hệ "thần giao cách cảm" với nhau. Còn cuộc trò chuyện giữa anh và cô bé trong mơ chứng tỏ hai điều. Một là, anh đã và đang rất quan tâm đến việc tìm hiểu thân thế sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm quê hương mình. Hai là, anh không chỉ cảm tình với tiếng hát của Hạ mà đã bắt đầu si mê cô bé rồi…

Ngừng lại một lát, Thy Uyên dịu giọng như kể:

- Thú thực với anh, cũng đã có lần em mơ được gặp Nguyễn Du tại một tửu quán Long Thành ngày xưa. Mà khi thi hào còn là chàng Tố Như rất đẹp trai và si tình nhá. Chàng còn âu yếm chuốc rượu cho em và sau đó bắt em đàn… Khổ nỗi em đâu có biết đàn, biết hát. Đúng lúc xấu hổ muốn chết thì có chuông đồng hồ báo thức. Thì ra hôm trước em đi xem phim "Long Thành cầm giả ca", mê chàng Tố Như do Quách Ngọc Ngoan đóng rồi đẫm mình vào câu chuyện tình của thi hào và biến mình thành nàng Cầm tài sắc.Trường hợp của anh có lẽ cũng thế. Anh hằng mong có được cô bé Hạ, phải không?

Bảo bối rối:

- Ấy chết, anh hơn cô bé những một giáp… Cô ấy xinh đẹp, trẻ trung còn anh thì vừa cũ kỹ lại vừa trải qua một cuộc hôn nhân sóng gió.

Thy Nguyên vẻ nghiêm túc:

- Vậy em hỏi thật, đã bao giờ anh ước có được cô bé chưa?

- Người như cô ấy ai mà chả mong ước.

Nói đến đây sắc mặt Bảo đỏ dần.

Thy Uyên:

- Em nghĩ cho đến bây giờ anh vẫn chưa biết vì sao hôm qua em lại dẫn đoàn nhà văn đến khu du lịch Ngày xưa của anh, đúng không?

- Thì anh đã đăng tải hình ảnh và hoạt động của Ngày xưa lên trên mạng rồi. Du khách vì hứng thú và tò mò mà tìm đến... Đông nhất vẫn là người nước ngoài. Họ thích được ngắm cái cổng làng của người Việt cổ, thích được ăn cơm niêu đất trong những ngôi nhà tranh vách đất, được câu cá ở những cái ao, cái chuôm có dàn bí dàn bầu soi bóng, thích những cái dậu quanh nhà, những rặng hoa râm bụt, bụi cúc tần, thích mùi hoa bưởi, hoa ngâu và thích nghe nhưng làn điệu dân ca ngọt ngào trong khuôn viên Ngày xưa...

 

- Nhưng em lại được trực tiếp nghe một người kể về Ngày xưa, kể về anh với tâm trạng vừa kính trọng lại vừa như đã "phải lòng" rồi cơ.

Bảo hỏi lại:

- Là ai nhỉ?

- Chính là cô bé Hạ đấy...

*

... Thì ra Hạ và Thy Uyên đã quen nhau lâu rồi. Một số câu hát Văn mà Hạ biểu diễn ở khu du lịch của Bảo chính là thơ lục bát của Thy Uyên. Bảo còn nhớ những buổi biểu diễn đầu tiên, Hạ chỉ chọn thơ lục bát của Nguyễn Bính hay Nguyễn Duy để hát. Nhưng sau đó vẫn làn điệu hát Văn ấy nhưng Hạ đã có lời mới. Những câu hát mới ấy với chất giọng liêu trai của Hạ được ngân lên trong không gian văn hóa Ngày xưa từ mái nhà tranh, vách đất, sập gụ, tủ chè đến cái thúng cái mủng, cái dần, cái sàng... khiến du khách càng thêm hứng thú.

Thy Uyên kể: Tình cờ Hạ mua được một tập thơ của cô tại "chiếu" sách cũ vỉa hè. Đọc một số bài lục bát, thấy hợp với làn điệu hát Văn, Hạ đã gọi điện hỏi địa chỉ nhà rồi lặn lội lên tận Hà Nội gặp tác giả. Lần gặp ấy, Hạ bầy tỏ nguyện vọng muốn được hát thơ của Thy Uyên và nhờ nhà thơ giảng giải một số câu chữ mà cô bé chưa hiểu nổi. Cảm tình với giọng hát hay, gương mặt đẹp và sự mộc mạc chân thành của cô bé quê, Thy Uyên giữ Hạ ở lại nhà mình ít ngày để trút bầu tâm sự. Những ngày ở bên nhau Thy Uyên và Hạ trở nên thân thiết. Dần dà nhà thơ đa cảm đã biết được cảnh ngộ éo le của cô bé.

*

... Hạ mồ côi mẹ từ nhỏ. Bố lấy vợ mới, người mẹ kế cũng đã ly dị chồng và được nuôi cậu con trai hơn Hạ một tuổi. Năm Hạ bước sang tuổi mười bẩy, có một chuyện xảy ra khiến cô day dứt mãi. Đêm ấy bố và mẹ đi làm ăn xa không về, người anh con mẹ kế đột nhiên mò vào giường Hạ. Anh ta thú nhận rằng đã thầm yêu trộm nhớ Hạ từ lâu và đòi được ngủ cùng. Hạ không chịu. Anh ta van nài... Hạ vùng dậy chạy ra ngõ. Nhìn lên ngôi chùa Cả đầu làng thấy còn sáng đèn, Hạ chạy đến xin nương nhờ. Trụ trì chùa là một bà Vãi tuổi đã cao.

Nghe Hạ kể chuyện bị người anh con riêng của mẹ bắt nạt phải bỏ nhà trốn đi, bà Vãi hiểu chuyện và cho cô ở nhờ. Mấy hôm sau, biết người lớn trong nhà Hạ đã về, bà Vãi mời bố Hạ lên chùa nói chuyện. Bố giận lắm nhưng chưa biết phải xử sự với con riêng của vợ thế nào thì mẹ kế lại đi xem bói. Thầy phán: Phải làm lễ cắt tiền duyên cho hai đứa. Làm lễ cắt tiền duyên xong, "thầy" vòi thêm tiền. Bố mẹ không trả, lão liền chửi bới rồi "loa" cho cả làng biết chuyện nhà Hạ. Người anh xấu hổ theo cánh thợ xây vào miền Nam làm ăn mấy năm liền không về. Hạ cũng bỏ học theo mấy bà người cùng làng ra phố làm giúp việc. May sao, Hạ lại được giới thiệu vào giúp việc cho gia đình chị diễn viên chèo có chồng là nhạc công cùng đoàn. Những khi vợ chồng họ tập tiết mục ở nhà, Hạ vừa làm vừa học lỏm, nhẩm theo.

Cho đến một hôm, Hạ vừa rửa bát vừa hát một điệu chèo mà chị chủ đang tập thì vợ chồng họ lặng lẽ đến đứng đằng sau nghe. Hạ hát xong, họ vỗ tay khen. Chị chủ còn bảo: Hạ xinh đẹp lại có chất giọng trời phú, nếu được học hành tử tế sẽ có thể thành diễn viên... Biết hoàn cảnh gia đình của Hạ, vợ chồng chị chủ bàn nhau tranh thủ thời gian dạy truyền khẩu cho cô bé. Nhưng rồi việc học hát của Hạ cũng dở dang vì bố cô bị tai nạn lao động gẫy tay phải bó bột và phục thuốc ở nhà. Hạ bỏ việc ở phố về nhà lo cơm nước cho bố và phụ việc đồng áng với mẹ kế. Bẵng đi một thời gian, Tết vừa rồi, bỗng nhiên chị diễn viên chèo tìm về tận nhà Hạ. Chị nói vừa thành lập nhóm văn nghệ dân gian đi biểu diễn lưu động nên muốn mời Hạ tham gia. Hạ và bố mừng lắm.

Chỉ mấy tháng được dạy dỗ, tập tành bài bản, Hạ đã trở thành cây đơn ca của nhóm. Một trong những địa chỉ mà nhóm nghệ sĩ thường xuyên được mời đến hát là khu du lịch Ngày xưa của Bảo...

Nghe Thy Uyên kể đến đây, Bảo buột miệng thốt lên:

- Trời đất ơi, tôi đang ở cõi mơ hay cõi thực đây? Chẳng lẽ một cô bé tài sắc như em mà lại truân chuyên đến thế...

- Chúng ta đang ở trong cõi thực. Chỉ cõi thực mới có những cảnh ngộ như Hạ. Nhưng anh bình tĩnh nghe nốt những trang cuối của câu chuyện hôm nay em muốn kể - Thy Uyên nhìn vẻ mặt đăm chiêu của Bảo một lát rồi tiếp:

- Sau lần gặp gỡ đầu tiên, em còn mời Hạ lên nhà chơi mấy lần nữa. Ngoài những bài thơ lục bát Hạ chọn để hát Văn cô bé còn nhờ em chuyển thể một số bài thơ sang Chèo.  Em là người có lối sống hiện đại, thích nghe nhạc tây vậy mà khi nghe Hạ hát mấy làn điệu như "Tò vò", "Luyện năm cung", "Đường trường duyên phận"... cũng nổi da gà, cũng thấm đến tận tâm can huống hồ anh thuộc "típ" người hoài cổ...

Bảo ngắt lời Thy Uyên:

- Các làn điệu dân ca của nước mình rất hay mà... Còn cách làm du lịch có vẻ hoài cổ của anh là học theo cách làm của một số nước đấy chứ. Chẳng hạn ở Hà Lan có ngôi làng cổ Zaanes Schans với những chiếc cối xay gió, xưởng chế guốc gỗ từ thế kỷ 17 mà thu hút hàng ngàn, hàng vạn du khách khắp thế giới đến mỗi ngày...

Thy Uyên:

- Hạ đã kể rất nhiều về Ngày xưa với không gian văn hóa Việt cổ khiến em và đám bạn rất mong được đến...

Đúng lúc cuộc trò chuyện của hai người đang sôi nổi thì điện thoại của Thy Uyên đổ chuông. Thy Uyên ra ngoài phòng nghe một lát rồi trở lại với nụ cười rất tươi trên môi:

- Vì giấc mơ lạ lùng ban nãy mà bây giờ em sẽ dành cho anh thêm một sự bất ngờ nữa...

Thy Uyên vừa dứt lời, Hạ đã xuất hiện trước mặt hai người. Cô bé mặc bộ quần áo biểu diễn thật đẹp. Bảo còn đang tự hỏi không biết là thực hay mơ thì Thy Uyên đã lên tiếng:

- Với tư cách là Phó Trưởng đoàn phụ trách đời sống, từ Hà Nội thông qua Hạ, em đã bố trí chương trình văn nghệ giao lưu giữa đoàn nhà văn với nhóm nghệ sĩ dân gian vào tối nay. Họ đến đây từ chiều cơ...

Hạ cúi đầu chào Bảo và nói:

- Đến giờ giao lưu rồi ạ. Em mời anh chị xuống hội trường...

Thy Uyên rảo bước đi trước, để Bảo và Hạ đi bên nhau. Dọc đường bỗng nhiên Bảo hỏi:

- Anh rất muốn em đến nhà dạy hát cho cháu. Được không?

Hạ ngước nhìn Bảo vẻ biết ơn và nói nhỏ:

- Dạ được ạ. Nhưng liệu có phải em đang mơ không nhỉ?

Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hải

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...