(TG) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng không chỉ “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá” của Đảng và dân tộc ta mà còn cung cấp những cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người không chỉ bắt đúng bệnh, đưa ra đúng phác đồ điều trị, mà còn kê các phương thuốc đặc trị chứng bệnh tham nhũng của cán bộ, đảng viên.
Chủ nghĩa cá nhân - “bệnh mẹ” đẻ ra tham nhũng
Bệnh tham nhũng trong cán bộ, đảng viên được Hồ Chí Minh diễn đạt trong
một thuật ngữ chung nhất là tham ô. Người chỉ rõ bản chất của tham ô là hành vi
“lấy của công làm của tư. Là gian lận, tham lam”, “tham ô là trộm cướp”. “Của
công” chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích
chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Bất cứ hành vi nào lấy “của
công” làm “của tư” cũng đều là hành vi tham ô... Trong “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh,
huyện và làng, Người đã chỉ ra 6 “lầm lỗi rất nặng nề” của cán bộ cần phải ra sức
sửa chữa đó là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, kiêu ngạo. Trong đó, Người
đặc biệt cảnh báo và lên án hành vi “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả
thanh liêm, đạo đức...”(1).
Thực tiễn cho thấy, Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Đảng Cộng sản
Việt Nam có vinh dự lớn lao trở thành Đảng cầm quyền. Thắng lợi của của cuộc cách
mạng đó là biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh, sức sáng tạo phi thường và “tư
cách của một Đảng cách mệnh chân chính”. Tuy nhiên, nước nhà giành được độc lập
chưa lâu, chính quyền cách mạng non trẻ lại phải đối mặt với những khó khăn,
thách thức to lớn của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; tình cảnh đất nước
hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”. Bên cạnh tập trung giải quyết những nhiệm vụ
cấp bách của chính quyền dân chủ, nhân dân, Đảng ta lại phải đối phó với giặc nội
xâm còn nguy hại hơn đó là chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá
nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi
ích chung của tập thể, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”(2). Người khẳng định,
chủ nghĩa cá nhân là bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con nguy hiểm; một thứ vi
trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm khác. Trong số những
căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra, tham nhũng là căn bệnh nguy hiểm nhất, là
“hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất”(3). Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trộm cắp
tiền bạc của Nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc,
nếu không phải là tệ hơn nữa”(4). Người cũng nhắc lại lời cảnh báo của V. I.
Lênin: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót… đó là một điều xấu hổ cho những đảng
viên cộng sản, cho những người cách mạng… Phải lập tức đề nghị một đạo luật để
trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ, và những cách hối lộ
khác)”(5). Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng và Chính phủ lại dám thẳng
thắn phê phán gay gắt như thế đối với những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng
viên. Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng, đây là những lỗi lầm đặc biệt nghiêm trọng,
có hại cho dân, cho nước cần phải ra sức kiên trì sửa chữa. Đặc biệt, sự phê
phán không chỉ bằng văn thư hành chính nội bộ mà còn công khai lên báo chí công
luận, như để tự phê bình, tự kiểm điểm trước nhân dân. Việc chỉ ra đích danh
tham ô là hành vi “trộm cướp”, “là mật thám, phản quốc” đủ để quần chúng thấy
rõ quan điểm, thái độ của Đảng ta không chấp nhận sự tồn tại của những hành vi ấy
trong đời sống chính trị của Đảng và toàn dân. Đồng thời. là sự khởi đầu cho việc
hình thành một lối sống văn hóa trong Đảng, một tập quán chính trị tiến bộ và
là tiêu chí quan trọng của một đảng “là đạo đức, là văn minh” - đã là cán bộ, đảng
viên phải trong sạch, phải nói không với tham nhũng.
Hồ Chí Minh không chỉ dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ thực trạng tham nhũng bằng thái độ kiên quyết không “giấu giếm khuyết điểm” mà quan trọng hơn Người đặt niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi tất yếu trong cuộc đấu tranh đó. Đó là niềm tin cách mạng và khoa học chứ không phải là “ý niệm tuyệt đối” trong giáo lý tôn giáo; thể hiện ý chí quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, chỉ ra con đường và biện pháp diệt trừ tham nhũng. Bởi vì, đó là danh dự, lương tâm của những người cộng sản, nếu không làm được như vậy thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Tuy nhiên, cũng cần bàn thêm ở đây, để đấu tranh diệt trừ tham nhũng mà không gây ra hoang mang cho những cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và thức tỉnh cán bộ đảng viên “cải tả quy chính”, theo Hồ Chí Minh phải hết sức thận trọng, bình tĩnh, tỉnh táo và mưu lược. Nghĩa là, phải có chiến lược phòng chống tham nhũng cụ thể, xác định rõ quyết tâm, kiện toàn tổ chức, bố trí lực lượng, định ra phương pháp, phương tiện đấu tranh, tuyệt nhiên không phải là hành động tự phát, nhất thời. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”(6). Trên cơ sở nhận diện đúng nguyên nhân nảy sinh tham nhũng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra đúng “phác đồ điều trị” để phòng, chống tham nhũng.
Tự phê bình và phê bình - “thang thuốc hay nhất”(7), “thang thuốc
thánh”(8) để phòng, chống tham nhũng
Trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam cũng như trong quan niệm của
Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam không đơn thuần là một Đảng chính trị, thực
hiện các chức năng tổ chức, lãnh đạo giai cấp mà Đảng luôn là một cơ thể sống
hoàn chỉnh, có đạo đức và trí tuệ - Đảng là “đạo đức, là văn minh”. Vai trò
lãnh đạo của Đảng là to lớn, tổ chức của Đảng là chặt chẽ, kỷ luật, đường lối của
Đảng là sáng suốt, đúng đắn; đảng viên của Đảng là những người ưu tú nhất song
không phải là Đảng không có những sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, những sai lầm,
khuyết điểm của Đảng là có thể khắc phục, sửa chữa được, vì Đảng có chủ nghĩa
Mác - Lênin soi đường, xác định rõ tôn chỉ mục đích là phục vụ nhân dân, đặc biệt
là có phê bình và tự phê bình. Tự phê bình và phê bình giống như chiếc gương
soi, như người bạn đồng hành, soi đường, chỉ lối cho mỗi cán bộ, đảng viên
trong mỗi bước đi để tránh “vết xe đổ” của chính mình và của người khác. Lãnh tụ
thiên tài Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra quy luật ấy. Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định
mục đích tự phê bình và phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ,
giữ gìn đoàn kết và thống nhất trong nội bộ. Hồ Chí Minh khẳng định, tự phê
bình và phê bình chính là “thang thuốc hay nhất”, “thang thuốc thánh” để phòng,
chống tham nhũng. Để tự phê bình và phê bình đem lại kết quả phải “khéo dùng
cái vũ khí sắc bén” ấy, để không bị kẻ xấu lợi dụng vào việc công kích, nói xấu,
triệt hạ nhau. Khi gặp khó khăn thì tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng,
ý chí và hành động, dũng cảm vượt qua khó khăn. Khi thuận lợi thì tự phê bình
và phê bình, để nhận rõ thách thức ở phía trước, không chủ quan “ngủ quên trên
vòng nguyệt quế”. Khi mắc khuyết điểm, sai lầm, kể cả tội lỗi xấu xa, đê tiện
nhất thì “Phê bình và tự phê bình như uống thuốc xổ. Xổ rồi thì
phải uống thuốc bổ. Tháo xe đạp ra chùi cho sạch bụi, lúc lắp vào phải
cho dầu mỡ, xe mới chạy được”(9). Tự phê bình và phê bình
là một vấn đề rất nhạy cảm, đụng chạm đến từng cá nhân và tổ chức. Tâm lý của
con người là thích được khen hơn bị chê. Mọi người dễ cho rằng tự nói ra khuyết
điểm, tự nhận khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận sự non kém của mình. Điều này dễ
liên lụy đến uy tín, chức tước, địa vị và thứ bậc nghề nghiệp, vì “người ta hay
có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện,
mất uy tín, mất địa vị”(10). Vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng muốn tự phê bình và
phê bình căn bệnh tham ô đòi hỏi phải có hai yếu tố đặc biệt quan trọng đó là
thái độ và phương pháp đúng.
Thứ nhất, thái độ đúng là yếu tố rất quan trọng giúp ngăn ngừa tham
nhũng ngay khi nó còn trong trứng nước, thể hiện ở tinh thần cầu thị, lắng
nghe, thấu hiểu, cảm thông chia sẻ, dũng cảm, kiên trì đấu tranh trên tình đồng
chí thương yêu, giúp đỡ nhau. Nếu thái độ không đúng dễ dẫn đến bao che, giấu
giếm khuyết điểm, dễ gây hiềm khích, mất đoàn kết, mất niềm tin đối với đồng
chí mình. Nó càng đặc biệt nguy hại khi tự phê bình và phê bình hành vi tham ô
bị lợi dụng làm bình phong cho ai đó vì mưu đồ cá nhân, vì lòng hẹp hòi, đố kỵ,
hòng hạ bệ đồng chí mình gây mất đoàn kết nội bộ, làm hoang mang mất niềm tin
trong nhân dân. Do đó, tự phê bình và phê bình “phải ráo riết, và phải lấy lòng
thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó
phải đi đôi với nhau”(11). Hồ Chí Minh cũng lưu ý, thái độ khoan dung, nhân ái
cần phù hợp với từng đối tượng cụ thể, với tính chất mức độ của khuyết điểm,
sai lầm, tuyệt đối không được cào bằng; phải kiên quyết xét rõ công - tội,
không thiên tư, thiên vị. Với những cán bộ, đảng viên biết ăn năn, hối cải, Đảng
cần khoan dung, độ lượng tạo cơ hội cho họ sửa chữa khuyết điểm, sai lầm. Quan
điểm trên không chỉ thể hiện bản chất nhân văn của Đảng Cộng sản Việt Nam mà
còn khơi gợi ý thức tự giác ở mỗi cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện bản
thân.
Thứ hai, phương pháp đúng - đây là vấn đề mấu chốt nhất cần phải có.
Theo Hồ Chí Minh, phương pháp hiệu quả nhất đó là phải được duy trì thường
xuyên và trên cơ sở đề cao trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên.
Trong bài “Tự phê bình”, Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi
đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”(12).
Trong sinh hoạt, mỗi cán bộ, đảng viên phải chỉ ra cho đồng chí mình những tác hại,
nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm sai lầm. Đồng thời, phải thường xuyên quan tâm
hướng dẫn, động viên, kiểm tra, theo dõi quá trình sửa chữa khuyết điểm, sai lầm
của đồng chí, đồng nghiệp. Hồ Chí Minh đặc biệt phê phán các biểu hiện hình thức,
thiếu nhất quán “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “nói không đi đôi với làm”,
“nói một đàng làm một nẻo”, nặng về hô hào khẩu hiệu, bệnh thành tích… sẽ làm
giảm hiệu quả, đôi khi phản tác dụng của việc tự phê bình và phê bình. Để đề
cao trách nhiệm nêu gương theo Người cần phải chú trọng nêu gương trong Đảng
trước, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ cao cấp. Người chỉ rõ: “Muốn tự
phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải
làm gương trước”(13). Bởi vì, “uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực
hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm để
đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e
sợ quần chúng phê bình”(14).
Việc tự phê bình và phê bình hành vi tham ô phải gắn liền với những điều
kiện cụ thể, phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh của từng cá nhân trên từng cương vị
công tác. Ở mỗi đơn vị, trong từng hoàn cảnh, nội dung, cách thức tiến hành phải
phù hợp với điều kiện khi thực hiện tự phê bình và phê bình. Những cán bộ, đảng
viên có tinh thần cầu thị sẽ thấy việc tự phê bình và phê bình là thang thuốc
hay để trị bệnh tham ô. Còn đối với những trường hợp suy thoái, nhất là tha
hóa, biến chất thì việc phê bình không còn nghĩa lý gì. Do vậy, chỉ phê bình
thôi chưa đủ mà cần kết hợp với các biện pháp khác, nhất là việc kiểm soát quyền
lực.
Kiểm soát quyền lực - “thanh bảo kiếm nhiệm màu” phòng, chống tham
nhũng
Trong điều kiện đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm vấn đề
kiểm soát quyền lực khi trao cho cán bộ, đảng viên. Bởi vì, “Cán bộ các cơ
quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ,
có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ
công vi tư”(15). Do đó, nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có
ngọn đèn “pha” bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu
cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong
công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”(16). Theo Hồ Chí Minh, muốn kiểm
soát quyền lực phải có hai điều: “Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải
thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy
tín”(17).
Để kiểm soát quyền lực thì việc lựa chọn cán bộ phụ trách kiểm tra,
giám sát, kiểm soát là yêu cầu quan trọng bậc nhất. Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải
chú trọng lựa chọn những người biết đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết,
phải có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” và “ít lòng tham muốn vật
chất”, không vì cảnh nghèo mà thay lòng đổi dạ sinh ra bất liêm. Vì lợi ích của
Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Theo Người, đây chính là căn cứ
quan trọng bậc nhất trong đánh giá, lựa chọn cán bộ đảm trách công tác kiểm
tra, giám sát. Đồng thời, phải lựa chọn những người có đủ uy tín, kinh nghiệm,
năng lực trình độ để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát,
kiểm soát quyền lực. Không phải gặp việc gì, gặp ai cũng có thể phái đi kiểm
tra, giám sát, kiểm soát được. Do đó, Hồ Chí Minh cho rằng: cán bộ phụ trách
công tác kiểm tra trước hết phải là người lãnh đạo và “người lãnh đạo cần phải
có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm
tra”(18). Trong công tác kiểm tra, người lãnh đạo cần chú trọng xây dựng một đội
ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và phải chịu trách nhiệm đối với công
tác kiểm tra của mình. Đồng thời, Hồ Chí Minh phê phán rất nghiêm khắc những
người lãnh đạo, cán bộ kiệm tra mắc bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy: “đầy túi quần
thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”(19).
Song song với việc lựa chọn cán bộ, để đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm
soát quyền lực thực sự là “thanh bảo kiếm nhiệm màu” trong phòng, chống tham
nhũng đòi hỏi phải có phương pháp đúng, nghĩa là kiểm tra, kiểm soát phải có hệ
thống và sát thực tiễn. Mục đích của việc kiểm tra, kiểm soát quyền lực nói
chung, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng là “để giúp họ rút kinh
nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”(20), tuyệt nhiên không phải
là hành động “bới bèo ra bọ, quét nhà ra rác” rồi tìm cách hạ uy tín, hạ bệ
nhau. Đối tượng kiểm tra theo Hồ Chí Minh bao gồm: Kiểm tra nhân viên công tác
và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác - mấu chốt của toàn bộ công tác, của
toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vẫn ở đấy và chỉ có ở đấy. Trong quá
trình kiểm tra không nên chỉ căn cứ vào các báo cáo, mà phải sâu sát thực tiễn
đi đến tận nơi. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, hiệu quả công việc chính
là thước đo đánh giá kết quả sử dụng quyền lực ủy thác. Thông qua công tác kiểm
tra để xem những nghị quyết đó đã thực hành được đến đâu, có những sự khó khăn
trở ngại gì, nhân dân có ra sức tham gia hay không. Trên cơ sở đó vừa phát huy
ưu điểm, phát hiện cái mới, cái tốt hơn nhằm điều chỉnh phương thức lãnh đạo
sát hợp hơn; đồng thời, ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện quan liêu, xa dân,
không sâu sát thực tiễn trong tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên,
nhất là người đứng đầu.
Ngoài ra, để kiểm tra, kiểm soát quyền lực không chỉ dựa vào lực lượng
chuyên trách mà quan trọng nhất cần phải dựa vào tai mắt của nhân dân. Trên thực
tế, hầu hết các vụ việc tham nhũng đều do nhân dân phát hiện và tố giác. Muốn
phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, kiểm soát quyền lực, theo Hồ Chí
Minh, Đảng phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân; phải công khai mọi hoạt
động của Nhà nước; phải hình thành các thiết chế dân chủ để mọi người dân “biết
hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(21).
Đây chính là cơ sở để người dân tham gia kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của
các cơ quan nhà nước, của mọi cán bộ, đảng viên trong Nhà nước. Trên cơ sở đó,
các hành vi tham nhũng dù tinh vi đến đâu cũng không thể che mắt nhân dân. Cán
bộ phụ trách công tác kiểm tra phải thường xuyên gần gũi dân, lắng nghe dân, bảo
vệ dân và học hỏi dân để phát hiện tiêu cực, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm
các hành vi tham nhũng.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra cần phải công khai trừng trị cán bộ, đảng
viên đã tha hóa, biến chất, suy thoái để răn đe, cảnh tỉnh và nêu gương “tự chỉnh
đốn” trước quần chúng. Theo Hồ Chí Minh, Đảng không dũng cảm cắt bỏ ung nhọt,
sâu bệnh sẽ rất khó để phòng ngừa tham nhũng. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh bác đơn
xin ân giảm án tử hình của Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu được
coi là điển hình của tinh thần “thượng tôn” pháp luật, đức trị kết hợp với pháp
trị - thực sự có sức mạnh răn đe đối với những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến
chất, tha hóa quyền lực vào thời điểm lúc bấy giờ.
Giáo dục đạo đức công dân – “chất đề kháng hữu hiệu” để phòng, chống tham
nhũng
Đạo đức công dân là những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm
điều chỉnh nhận thức, hành vi của công dân trong quan hệ với Nhà nước, nó được
thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống, sức mạnh của dư luận xã hội
và pháp luật. Hồ Chí Minh coi giáo dục đạo đức công dân là nhiệm vụ trọng tâm,
cấp bách để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Bởi vì, đạo đức công dân chính là nền
tảng tinh thần định hướng, dẫn dắt công dân hướng tới những giá trị dân chủ mới,
đề kháng với những biểu hiện phi dân chủ, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng
tiêu cực trong bộ máy nhà nước, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng. Nó được thể
hiện ở hai khía cạnh: tạo ra môi trường chính trị - xã hội trong sạch, lành mạnh
và tạo ra sức đề kháng từ bên trong để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
Xét ở khía cạnh thứ nhất, bản chất của đạo đức công dân chính là việc đề
cao trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân với nhà nước. Với tư cách là người chủ
quyền lực, khi đạo đức công dân được nâng cao họ sẽ sáng suốt lựa chọn những đại
biểu ưu tú để “ủy thác quyền lực”, tránh hiện tượng trao nhầm quyền lực dẫn đến
các hành vi tham nhũng và các căn bệnh xấu xa, hư hỏng khác. Đồng thời, nó tạo
ra dư luận xã hội tích cực mà ở đó các hành vi tham nhũng bị phát hiện, theo
dõi, lên án và phê phán kích liệt vì tham nhũng là ăn cắp, là “tội lỗi đê tiện
nhất”. Hồ Chí Minh khẳng định: “...nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ,
theo đúng kỷ luật của Chính phủ và làm đúng chính sách của Chính phủ, để Chính
phủ làm tròn phận sự mà nhân dân đã giao phó cho”(22). Mặt khác, trong xã hội
dân chủ, chuẩn mực đạo đức công dân quan trọng nhất đó là “tuân theo pháp luật
nhà nước”, thể hiện ở tinh thần “thượng tôn pháp luật”, không ai được phép đứng
trên hoặc đứng ngoài pháp luật. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Pháp luật phải thẳng tay
trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp
gì”(23). Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy mọi công dân tham gia đấu
tranh phòng chống tham nhũng. Theo đó, kể từ nay, bất cứ ai, dù giữ cương vị gì
trong nhà nước, nếu phạm phải tham nhũng thì đều bị nghiêm trị.
Xét ở khía cạnh thứ hai, cán bộ, đảng viên của Đảng là người thực hiện
chức năng kép, vừa là người thừa hành quyền lực ủy thác của nhân dân vừa là những
“công dân đứng đắn”, “công dân tốt”, “công dân kiểu mẫu”. Theo Hồ Chí Minh: sự
tha hóa đạo đức của đối tượng này thể hiện rõ rằng họ “Chẳng những không làm
tròn nhiệm vụ của người cán bộ, mà còn không làm tròn bổn phận của người công
dân; đã đặt lợi ích riêng của cá nhân lên trên lợi ích chung của Nhà nước”(24).
Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên toàn Đảng: “Trước mặt quần chúng, không phải
ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến
những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước
cho người ta bắt chước”(25). Do đó, việc tu dưỡng đạo đức công dân, biểu hiện
cao nhất ở tuân thủ tính nghiêm minh của pháp luật chính là chất đề kháng hữu
hiệu giúp cán bộ, đảng viên “không muốn tham nhũng” và “không dám tham nhũng”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của
đội ngũ cán bộ, đảng viên, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Mọi hành
vi bất liêm sẽ dễ dàng bị phát hiện, bị tố giác nếu cán bộ, đảng viên không đề
cao nghĩa vụ và trách nhiệm công dân của mình. Trách nhiệm nêu gương của những
“công dân kiểu mẫu” không chỉ thể hiện trong công tác mà còn biểu hiện sinh động
trong sinh hoạt hàng ngày ở gia đình và nơi cư trú. Dự luận cũng đồng tình theo
quan điểm: “Bộ mặt đạo đức thực sự của con người biểu hiện trong cách sống ở
gia đình. Người ích kỷ nhỏ nhen và độc đoán trong gia đình không thể là một
công dân chân chính”(26). Càng gần dân, cọ sát với dân càng học hỏi được ở nhân
dân nhiều điều hay, nhiều kiến thức của cuộc sống bổ ích và chắc chắn sẽ càng
vì dân, tránh xa các hành vi tham nhũng.
Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đạt được những thành tựu to lớn,
“đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như
ngày nay”(27). Tuy nhiên, sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng
đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình trạng “suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ” từ chỗ chỉ là “một bộ phận” đã lây lan sang “một
bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên; làm sói mòn niềm tin của nhân dân đối với
Đảng….
Thực tế, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, “đã thi hành kỷ luật 2209
cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ thuộc diện
Trung ương quản lý cả đương chức và nghỉ hưu”(28). Quyết tâm của Đảng ta trong
đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ trong lời phát biểu của Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương:
“Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải
kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, trái lại rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự
tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật;
kỷ luật một vài người để cứu muôn người”(29).
Quan điểm “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng” được
thể hiện rõ trong phát biểu của người đứng đầu Đảng: “Tinh thần là phải tiếp tục
làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm những việc đang dở dang, những
khâu còn yếu, những địa bàn trọng điểm. Toàn Đảng, toàn Dân quyết tâm. Không có
chuyện dừng lại hay ngập ngừng. Mà cũng không thể ngừng lại được. Đây là yêu cầu
của cách mạng, yêu cầu, tình cảm của Nhân dân, mong muốn của Đảng ta. Phải khẳng
định quyết tâm ấy. Còn trong chúng ta có ai dao động, ngập ngừng thì tự giác
báo cáo, xin tự thôi đi!”(30).
Lịch sử nhân loại đã có hàng nghìn năm bàn đến nạn tham nhũng dưới các
chế độ nhà nước, với nhiều tên gọi khác nhau. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam,
cha ông ta còn lưu truyền một lễ hội quan trọng thường được tổ chức dịp đầu năm
- Lễ hội “Thề không tham nhũng”. Điều đó nói lên rằng, cũng giống như phần còn
lại của thế giới, nhân dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận hành vi tham nhũng
trong đời sống xã hội. Đồng thời, cũng cho thấy tính chất khó khăn, phức tạp,
lâu dài, gian khổ của cuộc đấu tranh ấy. Bằng những tư tưởng đúng đắn, sáng tạo,
độc đáo, tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng đã, đang và mãi mãi là
kim chỉ nam định hướng cho toàn Đảng và toàn dân tộc trong cuộc “chiến đấu khổng
lồ” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, để Đảng ta thực sự xứng đáng với sứ mệnh
thiêng liêng, cao cả và vĩ đại - là “người lãnh đạo, người đày tớ thật trung
thành của nhân dân”./.
ThS. Nguyễn Trung Thành
Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng
__
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2011, t.4, tr.
65.
(2) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr. 90, 421.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 141.
(4) (6) (9) (10) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 368, 358,
221, 80, 82,
(5) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.36, tr.
346.
(7) (8) (11) (16) (17) (18 (19) (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5,
tr. 302, 633, 279, 637, 327, 637, 637, 316.
(13) (23) (25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 459, 127, 16.
(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,
t.15, tr. 293.
(22) (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 90, 314.
(26) V.A.Xukhômlĩnki: Giáo dục
con người chân chính như thế nào, Nxb. Giáo dục, H,1984, tr.453.
(27) (28) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H, 2021, t.I. tr.25, 209.
(29) https://ubkttw.vn/phat biểu
của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công
tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng năm 2016.
(30) https://cand.com.vn/ Tổng
bí thư - Chủ tịch nước chủ trì phiên họp về công tác phòng chống tham nhũng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét