Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

Lại tung hỏa mù sau phiên tòa xét xử Phạm Thị Đoan Trang

Ngày 14/12, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (SN 1978, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Trước, trong và sau thời điểm diễn ra phiên tòa, một số cá nhân, tổ chức chống phá ngoài nước kêu gọi Nhà nước Việt Nam phải trả tự do cho Phạm Thị Đoan Trang, đồng thời vu cáo Việt Nam đàn áp những người “bất đồng chính kiến”, nhà “đấu tranh dân chủ”, “hoạt động nhân quyền”. Đây rõ ràng là những luận điệu xuyên tạc nhằm cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Thị Đoan Trang và các đối tượng chống đối khác.

Karin Deutsch Karlekar, Giám đốc Chương trình Tự do bày tỏ trước rủi ro tại “Tổ chức Văn bút Mỹ” (PEN) đã đưa ra những luận điệu xuyên tạc rằng: "Cộng đồng quốc tế đã nói rõ rằng việc giam giữ Phạm Thị Đoan Trang đang diễn ra là không thể chấp nhận được". Không những vậy, người này còn đưa ra những luận điệu xuyên tạc, vu cáo trắng trợn tình hình Việt Nam: "Với sự coi thường luật pháp quốc tế một cách trắng trợn, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục cố gắng trừng trị bà vì tội viết lách ôn hòa và vận động cho nhân quyền. Thật không may, việc giam giữ Trang chỉ là một trong nhiều vụ án hình sự có động cơ chính trị chống lại các nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền, cho thấy sự thất bại có tính hệ thống của chính phủ Việt Nam trong việc duy trì quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác".

Cổ súy cho những luận điệu trên, Tổ chức Theo dõi nhân quyền thế giới (HRW) cố tình xuyên tạc “chính quyền Việt Nam cần gỡ bỏ mọi cáo buộc mang tính chất chính trị và trả tự do ngay lập tức cho Phạm Thị Đoan Trang”. Trong khi đó, một nhóm có tên là “Nhóm công tác của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện” công bố bản “thông cáo kết luận việc chính quyền bắt giam Phạm Thị Đoan Trang” với những lập luận suy diễn, vô căn cứ. Bản “thông cáo” của nhóm này viết: “Suốt từ khi bị bắt, bà Trang không được gặp người thân và việc bà gặp luật sư bị đình trệ rất lâu. Do đó, các quyền của bà Trang theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) đã bị vi phạm”. Đồng thời, nhóm này cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do ngay lập tức cho Phạm Thị Đoan Trang”.

 

Trước đó, từ tháng 11/2021, “Luật Khoa tạp chí” cùng “The Vietnamese Magazine” và “The 88 Project” đã phát động một chiến dịch viết thư gửi cho Phạm Thị Đoan Trang, với những nội dung đại ý rằng, Phạm Thị Đoan Trang là một nhà báo chân chính, dám đi ngược với số đông để nói lên sự thật và “ánh sáng của tự do từ những quan điểm của Phạm Thị Đoan Trang sẽ luôn soi rọi đến bất cứ nơi nào có tăm tối, bất công”.

Phạm Thị Đoan Trang không còn là cái tên xa lạ với nhiều người. Được biết đến là một người có tư tưởng, hành vi chống đối quyết liệt, Phạm Thị Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách có nội dung hướng dẫn, kích động các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân như “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”… Theo hồ sơ vụ án, Phạm Thị Đoan Trang từng tốt nghiệp trường Hà Nội - Amsterdam và Khoa Kinh tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội. Sau khi ra trường, Trang làm phóng viên cho báo điện tử Vnexpress trong 2 năm, sau đó làm nhân viên Công ty quảng cáo HAKI, nhân viên Công ty Truyền hình kỹ thuật số VTC, cộng tác viên báo Vietnamnet và có gần 3 năm làm phóng viên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh. Năm 2013, do xuất cảnh đi nước ngoài không xin phép nên Trang đã bị cơ quan chủ quản kỷ luật buộc thôi việc.

Trong chuyến xuất cảnh trái phép này, Trang đã bị một số đối tượng chống đối chính quyền dẫn dắt, móc nối, lôi kéo. Trở về nước, Trang trực tiếp thành lập và tham gia điều hành nhiều hội, nhóm bất hợp pháp, đồng thời, đứng sau lôi kéo lập nhóm “Du ca Sài Gòn”, “Tuổi trẻ làm đẹp quê hương”, tụ tập, khuếch trương lực lượng chống đối trong nước, tập hợp lực lượng chống đối trong giới văn nghệ sĩ, trí thức trẻ. Đoan Trang cũng lập và điều hành các trang mạng “Luật khoa tạp chí”, “Phamdoantrang.com”, “The Vietnamese”, viết, tán phát nhiều bài viết, cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động lật đổ chế độ.

Cũng theo hồ sơ vụ án, Phạm Thị Đoan Trang là thành viên cốt cán của Tổ chức VOICE và được số đối tượng cầm đầu tổ chức này giao phụ trách nhân sự, trực tiếp tuyển lựa, duyệt người trước khi đưa ra nước ngoài để huấn luyện, đào tạo cách thức hoạt động chống phá chính quyền. Trang cũng là một trong những người sáng lập và duy trì hoạt động của Nhà xuất bản Tự do - một tổ chức dân sự trá hình, hoạt động “chui”, chuyên xuất bản, in ấn và phát hành các ấn phẩm có nội dung tiêu cực, xuyên tạc, kích động bạo lực, chống phá Đảng, Nhà nước.

Theo cáo trạng, từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành nhiều tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cụ thể, Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu như: "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam"; "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam"; "Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam"... Đây là những tài liệu có nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, Trang xác nhận mình là tác giả của báo cáo nghiên cứu về luật tín ngưỡng, tôn giáo. Trang cùng nhóm tác giả viết báo cáo này bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên trang điện tử do mình lập ra. Nhiều lần trả lời phỏng vấn đài nước ngoài như BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA), Trang đã có phát ngôn tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Cáo trạng khẳng định, Phạm Thị Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự vì nhiều lần thực hiện hành vi làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ, HĐXX nhận định, hành vi tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với mục đích cố ý xâm phạm chế độ XHCN và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xã hội, đối ngoại, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, hiểu và biết rõ hậu quả hành vi, tuy nhiên vẫn tích cực thực hiện trong thời gian dài.

Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo không khai báo thành khẩn, phạm tội nhiều lần, cần thiết xử phạt nghiêm minh. HĐXX đã tuyên phạt Phạm Thị Đoan Trang 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” quy định tại Điều 88, BLHS năm 1999.

Bản thân Phạm Thị Đoan Trang là người có nhận thức, hiểu biết, từng công tác tại một số cơ quan báo chí nhưng lại vi phạm pháp luật thời gian dài, có tư tưởng chống đối sâu sắc, hoạt động chống phá chính quyền nhân dân quyết liệt. Việc Phạm Thị Đoan Trang chịu án phạt tù là lẽ hiển nhiên. Ấy thế nhưng, một số cá nhân, tổ chức lại đăng tải những thông tin, luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, vu cáo Việt Nam.

Đưa những luận điệu sai trái trên, các cá nhân, tổ chức chống phá trước hết nhằm xuyên tạc bản chất của vụ án, xuyên tạc quá trình điều tra, truy tố, xét xử Phạm Thị Đoan Trang. Đồng thời, lấy cớ vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp những người “bất đồng chính kiến”, những người “hoạt động nhân quyền”. Cũng như những đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, các cá nhân, tổ chức thù địch mượn cớ vụ án nhằm gây sức ép, bôi nhọ, làm mất uy tín, hình ảnh của Việt Nam với quốc tế, từ đó can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

Mặt khác, thông qua những luận điệu này, các cá nhân, tổ chức trên còn muốn đánh bóng tên tuổi Phạm Thị Đoan Trang cũng như các cá nhân hoạt động chống Đảng, Nhà nước dưới danh nghĩa “nhà dân chủ”, nhà “hoạt động nhân quyền”, từ đó cổ súy cho hành vi phạm pháp của các nhân tố chống đối trong nước, tập hợp lực lượng, gây bất ổn từ bên trong.  Thủ đoạn trên tuy không mới nhưng lại hết sức nguy hiểm bởi nó có thể hướng lái sự chú ý của dư luận quốc tế và làm cho một số người hiểu sai sự thật, thậm chí một số cá nhân vì thiếu hiểu biết mà tin theo, bị dẫn dắt hoặc vì động cơ khác mà dẫn đến hành vi sai trái, chống phá đất nước, đi ngược lại với lợi ích quốc gia.

Ảnh: Phạm Thị Đoan Trang tại phiên tòa


Nguyễn sơn - Báo CAND online

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...