[QĐND] Đại dịch Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cả nước từng bước thích ứng, chung sống an toàn với Covid-19, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, môi trường lao động của công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã và đang đặt ra những thách thức mới, cần phải giải quyết…
Thu hút công nhân trở lại sau đại dịch
Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đồng Nai là một
trong những địa phương tiêu biểu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt hiệu
quả cao trong thu hút đầu tư, duy trì hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp
trong bối cảnh thích ứng an toàn với Covid-19. Đến nay, 100% doanh nghiệp trong
các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã phục hồi sản xuất sau thời gian
gián đoạn vì Covid-19. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nan giải các doanh
nghiệp đang phải đối mặt là tình trạng thiếu hụt lao động ở tất cả các phân
khúc: Nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề vững, cán bộ quản lý và lao
động phổ thông…
Để tạo sức hấp dẫn thu hút công nhân trở lại doanh nghiệp, đồng thời
“chiêu hiền, đãi sĩ” bổ sung nguồn nhân lực có tay nghề cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Đồng Nai đã chỉ đạo các địa phương, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với
doanh nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp triển khai hàng loạt chính sách hỗ
trợ, chế độ đãi ngộ, như: Hỗ trợ tiền tàu, xe, tiền thuê nhà trọ, tăng các khoản
phúc lợi, tiền thưởng, tiền lương, hỗ trợ học phí cho con công nhân... Tuy
nhiên, khoảng trống thiếu hụt nhân lực trong cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa thể
lấp đầy.
Dự báo của các chuyên gia, nhà quản lý cho thấy, từ nay đến Tết Nguyên
đán Nhâm Dần 2022, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong thu hút
nhân lực lao động. Nếu tình hình dịch bệnh được khống chế cùng với thực hiện tốt
các chính sách, chế độ đãi ngộ tương xứng, thị trường lao động sẽ “ấm” lại sau
Tết.
Hạ tầng khang trang, hiện đại của khu công nghiệp Biên Hòa II, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: PHI LONG |
Cải tiến, đổi mới các chính sách, chế độ đãi ngộ để thu hút nhân lực
cho các khu công nghiệp là việc làm cần nhưng chưa đủ. Để đảm bảo cho môi trường
hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, phải coi trọng
các yếu tố văn hóa, chính trị tinh thần. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải gắn
chặt với công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân, người lao động.
Đây là vấn đề đã được bàn nhiều, nhưng hiệu quả thực hiện trên thực tế thì còn
rất nhiều hạn chế. Chính vì vậy, khi đời sống công nhân, hoạt động của doanh
nghiệp có sự cố, gặp khó khăn, các đối tượng có tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước
luôn tìm cách lợi dụng, xúi giục, lôi kéo một số công nhân cá biệt có hành động
tiêu cực để tạo điểm “nóng”.
Qua tác động toàn diện của dịch Covid-19, việc xây dựng trận địa tư tưởng
vững chắc trong công nhân lao động, đấu tranh ngăn chặn các âm mưu xúi giục,
lôi kéo, kích động công nhân đi ngược lại quyền lợi doanh nghiệp, người lao động
và lợi ích quốc gia, dân tộc là việc cần làm thường xuyên, liên tục.
Không để công nhân bị kích động, lôi kéo
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làn sóng công nhân,
người lao động rời các đô thị, khu công nghiệp hồi hương đã bộc lộ nhiều bất cập,
hạn chế trong công tác giáo dục, quản lý, sử dụng lao động. Những video clip
lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một số công nhân quá khích chống đối lực
lượng chức năng, phá dỡ hàng rào phong tỏa, chốt gác… để hồi hương tự phát cho
thấy, một bộ phận cá biệt công nhân lao động đã bị kích động khi gặp hoàn cảnh
khó khăn. Họ chính là những mục tiêu các thế lực thù địch nhắm đến để xúi giục,
lôi kéo thực hiện các hành động gây rối trong môi trường văn hóa công nhân,
doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Đồng Tiến (Đồng Nai) phục hồi sản xuất, thích ứng an toàn với Covid-19. Ảnh HOÀNG LỘC |
Nhìn lại các vụ việc công nhân tập trung đông người nghỉ việc và có những
hành động quá khích gây rối, phá hoại tài sản doanh nghiệp xảy ra ở một số khu
công nghiệp trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai những năm trước, chúng ta càng thấy
rõ điều đó.
Công nhân là lực lượng lao động chủ yếu, đông đảo trong các khu công
nghiệp, khu chế xuất giữ vai trò quyết định đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của
doanh nghiệp. Củng cố trận địa tư tưởng của Đảng, tăng cường bản chất giai cấp
công nhân trong cộng đồng doanh nghiệp chính là chiến lược phát triển bền vững
doanh nghiệp. Về mặt văn hóa thì văn hóa công nhân, văn hóa doanh nghiệp là những
nhân tố chính cấu thành văn hóa dân tộc. Việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải đặt văn hóa công nhân, văn hóa doanh
nghiệp đúng tầm vóc, vị thế trong tiến trình phát triển.
Giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân phải gắn liền với các chương
trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, là cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Ở tầm
vĩ mô, chiến lược xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với
chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tăng trưởng kinh tế phải gắn với chăm lo xây dựng giai cấp công nhân về
chính trị tư tưởng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công
nhân lao động, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề thiết thực như: Tạo điều
kiện để công nhân học tập chính trị, đạo đức, pháp luật, nâng cao trình độ học
vấn, chuyên môn, công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp, gắn với cải cách chế độ tiền
lương, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao
động, môi trường lao động, vệ sinh, an toàn lao động và môi trường sinh hoạt
văn hóa tinh thần.
Công nhân Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Đồng Nai) được quan tâm, tạo môi trường nghỉ ngơi tại chỗ trong doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG LỘC |
Cần chú trọng đẩy mạnh việc phát triển Đảng trong công nhân, củng cố,
nâng cao chất lượng xây dựng, sinh hoạt của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Đảng
viên, tổ chức Đảng chính là nguồn nhân lực tinh túy; là lực lượng nòng cốt để
phát triển văn hóa doanh nghiệp gắn với củng cố trận địa tư tưởng của Đảng trong
cộng đồng doanh nghiệp. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi, nhưng hiện tại
chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện, nhất
là trong khối doanh nghiệp FDI.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế, cần tạo ra môi trường, cơ chế thuận
lợi để tăng cường và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công
đoàn các cấp, nhất là công đoàn trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế
xuất, nâng cao năng lực, hiệu quả thu hút, tập hợp công nhân lao động, bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, công nhân lao động, giáo dục,
tạo nguồn quần chúng ưu tú phát triển Đảng. Cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ
công đoàn các cấp, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở chuyên trách có bản lĩnh
chính trị vững vàng, có trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu, hiểu biết về
chính sách, pháp luật; có năng lực về công tác quản lý và chuyên môn nghề nghiệp.
Có được đội ngũ cán bộ công đoàn vững, vừa hồng vừa chuyên, việc tập hợp,
giáo dục, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công nhân trong các doanh nghiệp sẽ
thuận lợi hơn rất nhiều. Đây cũng là giải pháp nhằm sớm nắm bắt các diễn biến
tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, tạo sức đề kháng, miễn nhiễm trước
sự xâm nhập, tấn công của các quan điểm sai trái, tư tưởng tiêu cực…
ĐỨC GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét