Đêm! Cả thành phố như rực sáng bởi những ngọn nến lung linh chiêu hồn. Dinh Thống Nhất một bàn tưởng niệm thật lớn với đầy đủ lễ vật hương hoa trang trọng, một rừng nến thắp sáng lung linh trên tay mọi người đang cúi đầu nguyện cầu lời mong siêu thoát, tiễn đưa an ủi các linh hồn. Dọc bờ sông Hoàng Sa, Trường Sa treo đèn kết hoa sáng rực cho đại lễ tưởng niệm. Tiếng đại hồng chung trong các chùa, tiếng chuông giáo đường ngân lên âm sầu.
Mười giờ đêm Na Ly và Kim như hai vì sao bay vút vào màn đêm mênh mông.
Dưới kia, thành phố đang chìm vào lặng lẽ sau lễ tưởng niệm các linh hồn đã từ
giã cõi đời vì COVID-19. Kênh Nhiêu Lộc, dòng hoa đăng vẫn lấp lánh như triệu
con mắt rưng rưng tiễn đưa. Tiếng chuông nguyện hồn còn dư âm văng vẳng ru an
vào bầu trời tịnh độ.
Na Ly từ Long An bế bé Kha Ly 2 tuổi lên thuê trọ trong một con hẻm nhỏ
ở quận 4 đã được hai năm. Cô làm giúp việc theo giờ cho năm gia đình trong các
phường loanh quanh. Tuy vất vả vì phải chạy đi chạy lại nhưng thu nhập cũng đủ
trang trải tiền thuê trọ và cuộc sống hai mẹ con. Na Ly mới ba mươi tuổi với
đôi mắt to đen có sóng. Cặp chân mày như nét vẽ mực tàu, hàm răng đều tăm tắp
và nước da bánh mật đặc trưng của người Khmer.
Chỉ một thời gian ngắn, uy tín của cô ngày càng được mọi người tín nhiệm.
Cô sử dụng thành thạo các thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình, lại thật thà kín
chuyện. Gia đình có ông chủ cô cư xử kín đáo phải phép. Ngoài phần việc theo thỏa
thuận, cô sẵn sàng tự nguyện giúp đỡ chủ nhà khi có việc phát sinh mà không so
đo đòi hỏi. Bởi vậy các gia đình muốn có cô làm việc nhà theo giờ ngày càng
đông.
Ảnh minh họa |
Cô vẫn thường chở bé Kha Ly theo mỗi khi đi làm. Những hôm trời mưa, đến
giờ cô phải đi làm, đem gửi bé Kha Ly, các cô bác ai cũng sẵn lòng. Những hôm
bí quá không có người trông thì cô khóa phòng nhốt đại bé ở nhà. Cuộc sống êm đềm
của mẹ con cô dần ổn định trong sự đùm bọc của bà con lối xóm.
*
Kim làm trong một công ty xuất nhập khẩu hải sản. Cách nay ba năm vợ
Kim đã qua đời vì căn bệnh ung thư phổi. Sau đó một năm đứa con trai duy nhất
cũng đi du học ở Nhật Bản. Kim trở nên lặng lẽ trầm ngâm. Anh lấy cớ công việc
đi miết, chủ nhật cũng ít khi ở nhà.
Nhà Kim thường cửa đóng then cài, hầu như anh không nấu nướng. Anh tham
gia vào một hội thiện nguyện, những chuyến đi về với bà con nghèo và các mảnh đời
cơ nhỡ là niềm vui của anh. Một bữa anh về sớm, đang ngồi trên ban công tầng một
lơ đãng ngắm sinh hoạt chiều muộn của bà con lối xóm. Dáng một thiếu phụ mảnh
mai dắt xe đạp quẹo vào dãy nhà trọ bên cạnh làm Kim chú ý. Cô gái chở theo một
em bé tầm hơn hai tuổi, đầu xe treo mấy bọc xốp đựng rau củ thực phẩm. Nhìn cái
dáng đi cúi cúi mang một vẻ nhẫn nhịn, tự nhiên anh nao lòng.
Hôm sau anh dò hỏi mới biết đấy là một cô gái quê đâu đó dưới miền Tây
làm giúp việc nhà theo giờ, chỉ thấy có hai mẹ con, không thấy chồng đâu, nghe
kể cô vui vẻ hòa đồng nhưng kín tiếng không thổ lộ hoàn cảnh riêng tư với ai.
Chiều muộn một ngày thứ bảy, Na Ly chở bé Kha Ly rẽ vào nhà thì nghe tiếng
gọi: “Em gì ơi”. Cô ngẩng lên thì thấy một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi
đang giơ tay vẫy cô. Na Ly lùi xe hỏi: “Dạ, anh kêu em?”. “Vâng, nghe nói cô
làm giúp việc nhà theo giờ phải không?”. “Vâng ạ”. “Mai chủ nhật, cô có thể thu
xếp dọn dẹp nhà cửa giùm tôi một buổi được không?”. “Dạ, mai em rảnh buổi sáng,
em qua làm cho anh được ạ”.
Sáng chủ nhật, trái với các chủ nhật trước, Kim dậy sớm. Anh ra đầu hẻm
ăn tô hủ tiếu, rồi gọi một ly càfe đem về, quay vào đã thấy hai mẹ con chờ trước
cửa. Cô bé có đôi mắt to tròn hôm nay được mẹ cột cho hai bím tóc trên đầu như
hai cái đuôi gà con, cái váy hoa tuy cũ nhưng sạch sẽ xinh xắn như một công
chúa nhỏ con nhà khá giả. Người mẹ trẻ làm việc nhà, cô bé con ngồi ngoan trên
ghế. Kim ngắm con bé thấy dễ thương quá chừng nên vào lục tủ lạnh lấy thỏi
chocolate đưa cho. Mắt con bé ánh lên vui mừng nhưng không dám đưa tay nhận. Nó
hướng đôi mắt to tròn nhìn mẹ có ý hỏi.
Kim nói: “Tôi thấy cháu ngoan và dễ thương nên cho cháu cái kẹo thôi
mà”. Mẹ nó dừng tay trả lời Kim: “Dạ, em dặn cháu không được tùy tiện nhận đồ
người khác bác ạ”. Rồi mẹ nó giơ tay ra hiệu gì đó với con gái. Con bé xem mẹ
ra hiệu xong thì quay lại vòng tay, gập nhẹ người hướng về Kim, anh đưa thỏi
chocolate cho con bé rồi nhìn mẹ nó vẻ dò hỏi. Na Ly cúi xuống buồn buồn: “Dạ,
cháu nó bị câm điếc bẩm sinh anh ạ”. Một nỗi cảm thương dâng lên trong anh,
nhưng Kim lấy lại nét mặt bình thản để che giấu đi thoáng yếu đuối của mình.
Chỉ một buổi sáng, căn nhà bừa bộn đã mang bộ mặt khác hẳn. Quần áo vứt
khắp nơi đã được cho vào máy giặt giũ phơi phóng sạch sẽ, nhà cửa sắp xếp lau
chùi gọn gàng. Căn bếp đã lâu không đỏ lửa, xoong nồi mốc meo nay được cọ rửa
sáng loáng. Nhà tắm, cầu thang được lau chùi cọ rửa sạch bong. Một luồng không
khí tươi mát ấm cúng tràn cả căn nhà.
Kim tấm tắc: “Có bàn tay phụ nữ có khác, công nhận cô làm nhanh và khéo
thật”. Lúc Kim đưa 500 ngàn trả tiền công, cô trả lại cho anh 350 ngàn, Kim bảo:
“Em cầm lấy, anh cho cháu”. Na Ly lễ phép: “Dạ, cảm ơn anh, nhưng em xin chỉ lấy
đúng số tiền em làm trong ba giờ là 150 nghìn thôi ạ”. Kim nhận ra thiếu phụ
này là một người rất tự trọng nên anh cất tiền và dặn: “Vậy cảm ơn em, từ giờ mỗi
tuần em tranh thủ giúp anh vài tiếng nhé. Anh đi suốt, mấy chậu cây không ai tưới
chết hết”. “Dạ, em biết rồi ạ”. Kim rút một chùm chìa khóa đưa cho Na Ly và bảo:
“Em cầm lấy chìa khóa, rảnh bữa nào thì vào giúp anh, anh đi về giờ giấc không
cố định”. “Sao anh vội tin em mà giao chìa khóa nhà?”. “Nhà anh có gì sợ mất
đâu, có ông chủ đang muốn bị mất đây”. Na Ly đỏ mặt: “Chào anh, mẹ con em về”.
Từ đấy, tranh thủ những lúc rỗi rãi, Na Ly rẽ qua dọn dẹp nhà và tưới
cây cho Kim.
Anh trả lương cố định cho cô mỗi tháng ba triệu. Việc dọn nhà, giặt
giũ, tưới cây cho Kim cũng không chiếm nhiều thời gian của cô. Sau lần tổng vệ
sinh đầu, giờ hàng ngày chỉ mất độ 30 phút là Na Ly xong việc. Vì hầu như cả tuần
Kim vẫn đi miết, không ăn cơm nhà. Ngày rằm, mùng một, Na Ly tranh thủ qua chợ
mua hương hoa về rửa sạch sẽ đặt lên ban thờ thắp hương cho vợ Kim. Cô khấn thầm:
“Em chỉ là người giúp việc nhà, nhưng anh đi suốt, cháu Tiến ở xa. Em dâng chị
chút lễ cho chị khỏi tủi”. Ánh mắt trong di ảnh vợ Tiến nhìn Na Ly hiền từ như
người chị nhìn em mình.
Dạo này không hiểu sao Kim lại siêng ở nhà chủ nhật, không la cà kiếm
chuyện đi như dạo trước. Na Ly mua gạo mỳ tương mắm và các gia vị thực phẩm cần
thiết cất vào tủ bếp nhà Kim. Cô còn mua cả thịt cá, trứng gà và ít rau cùng sữa
bỏ vào tủ lạnh cho anh. Cô bảo: “Ăn ngoài vừa tốn tiền vừa không theo ý mình.
Anh lại hay đi nhậu về khuya dễ đau bao tử, em mua giùm anh sữa và các thứ gạo
mì để sẵn. Những khi say về khuya, anh uống ly sữa cho êm bao tử. Khi nào ngại
ra đường ăn thì nấu cơm, nấu mì ăn theo ý mình”. “Lại làm phiền cô, tôi một
mình đơn giản, ghé đâu ăn qua quýt cũng xong bữa cô ạ”.
Nhưng từ đó Kim hay về sớm và ở nhà ngày chủ nhật nhiều hơn. Những bữa
có lịch làm cho chỗ khác về muộn, Kim lại trông bé Kha Ly và cho con bé ăn. Lạ
một điều là hai bác cháu lại cùng ghiền món sở trường của bác Kim là mì nấu trứng
cà chua. Con bé Kha Ly quấn Kim tợn, mỗi khi Kim ở nhà là nó mò sang quấn lấy
bác ngay. Bác đưa ra cả quán càfe đầu hẻm, ai cũng khen con bé xinh ngoan, có
người còn đùa: “Giống tía con thế”. Chú Út xe ôm nheo mắt bảo Kim: “Tới đi, vợ
mất cũng hai năm rồi, đám này tốt, hạp đấy, đàn ông ở một mình mau chết lắm”.
Kim cười cười: “Chả biết ý người ta thế nào, cổ kín đáo lắm, không biết có chịu
không”. Mấy bà trong xóm ngồi hóng chuyện vun vào: “Con bé hiền lành siêng
năng, quyết đi chú”.
Nhiều chủ nhật anh ở nhà, cô đi làm về tranh thủ tạt sang nấu cho anh bữa
cơm tươm tất, hoặc cô nấu ở nhà mình rồi kêu anh sang. Dần dần anh như nghiện bữa
cơm đầy ắp không khí gia đình từ bàn tay tần tảo của cô. Một tối muộn, Na Ly đi
làm ghé vào nhà Kim đón con, thấy hai bác cháu ôm nhau ngủ ngon lành, cô rón
rén quay về nhà mình tranh thủ tắm gội, lúc quay sang, thấy hai bác cháu vẫn ôm
nhau ngủ say sưa. Con bé tin cậy gối đầu lên tay Kim, còn Kim nằm khum khum như
vừng trăng che chở. Ngắm hình ảnh cha con đẹp đẽ đó, cô cảm động rưng rưng nước
mắt.
Không ngờ anh lại thương con bé thế. Anh vẫn bảo anh còn cưng hơn cả
cưng bé Tiến con anh lúc nhỏ, đến nỗi anh đi làm cứ thấy nhớ nó. Nó không nghe
không nói được nhưng lại như có linh cảm hiểu được mọi tình cảm của anh và anh
cũng thế. Mối giao cảm không cần ngôn ngữ thông thường, có lúc buột mồm, anh
xưng ba với con bé và cảm giác như tiếng gọi từ tâm can.
Kim đã tỉnh giấc từ khi cô sang, nhưng anh vẫn giả vờ nhắm mắt. Mùi dầu
gội, mùi sữa tắm, mùi đàn bà từ cô khiến mọi giác quan đàn ông của anh rạo rực,
những khát khao bỏng cháy sau mấy năm không đàn bà bùng dậy như thiêu đốt anh,
không kiềm chế nổi tình cảm của mình, anh nhẹ nhàng rút tay mình ra khỏi vai bé
Kha Ly, dịch con bé cho nó nằm xa ra một chút. Anh vòng tay ôm ngang eo Na Ly,
đẩy cô nằm xuống giường. Người cô nóng hầm hập và run rẩy dưới tay anh, hai đôi
môi bỏng cháy tìm nhau trong nụ hôn tưởng không bao giờ dứt.
Anh lập bập: “Anh thương em và con lắm, thương lâu rồi, em làm vợ anh
nhé”. Rối rít, quần áo như bị giật bị xé khỏi thân thể, khao khát bùng thành ngọn
lửa, địa ngục thiên đàng trốn chạy hết rồi, chỉ còn hai quả cầu lửa va vào như
muốn thiêu rụi nhau, bao nhiêu tủi hờn khổ ải cũng thiêu rụi hết. Họ như hai vì
sao lạc tìm thấy nhau ở thiên hà. Giây phút cùng kiệt Kim cắn lấy môi của Na Ly
rên lên thỏa mãn tưởng chừng như đủ để chết.
Ôm tấm thân căng tràn nhựa sống của Na Ly. Anh cúi hôn lên giọt nước mắt
đang run run trên làn mi xanh rợp của cô. Anh thì thầm: “Anh hạnh phúc lắm, bé
Kha ly sẽ là con cưng của chúng ta”. Dòng nước mắt hạnh phúc lại lăn dài trên
má Na Ly, cô úp mặt vào lồng ngực vững chãi của anh, tin cậy trôi vào giấc ngủ
êm đềm.
Hôm sau Na Ly làm một mâm cơm chu đáo biện lễ bày lên bàn thờ vợ Kim,
cô thì thầm: “Em phận mỏng trôi dạt may được chị khiến gặp anh Kim, cho anh Kim
thương mẹ con em. Em xin thay chị chăm sóc anh và hương khói cho chị”. Trong
làn khói hương huyền hồ, Na Ly như thấy nụ cười của chị ấy, ba cây nhang độ tàn
xoăn tít. Bên cạnh, Kim cũng đang đăm đắm điều gì đấy rồi quay bảo cô: “Chị bằng
lòng lắm”. Ánh mắt Na Ly giao quấn quýt ánh mắt hạnh phúc của Kim. Sau bữa ăn,
Kim bàn với Na Ly: “Hai đứa mình đi đăng ký kết hôn cho danh chính ngôn thuận,
chúng mình thu xếp ngày về Long An thăm mẹ và thưa chuyện. Tụi mình cạp lại,
thương nhau là đủ”. Na Ly tin cậy: “Em nghe theo mọi sự sắp xếp của anh”.
*
Chưa kịp thực hiện hết ý định thì dịch COVID-19 ập trở lại. Nghe thông
tin từ thành phố, Kim cũng tin tưởng chỉ vài tuần là dập được dịch như hai lần
trước. Nhưng không ngờ lần này dịch bùng phát mạnh. Bệnh viện quá tải, tiếng
còi xe cấp cứu xé rách cả thành phố. Khắp nơi chăng dây. Thành phố nhận lệnh
phong tỏa. Tin người nhiễm bệnh và người chết tăng cao hàng ngày. Cả nước hướng
về Sài Gòn. Ngành y và quân tình nguyện mọi miền về bảo vệ Sài Gòn chống dịch.
Hẻm nhà Kim đã có vài ca F0. Hẻm bị chăng dây đỏ.
Na Ly ko đi làm nữa, cô ở nhà với bé Kha Ly. Kim theo đoàn thiện nguyện
của anh đi phát gạo và nhu yếu phẩm cho các công nhân phòng trọ. Na Ly không
dám can, vì có can anh cũng đi. Nhưng cô lo lắng vì lúc đó anh chưa tiêm mũi
vaccine nào. Biết cô lo lắng, anh trấn an: “Đừng lo cho anh, anh khỏe lắm”.
“Nhưng anh bị cao huyết áp mà, người có bệnh nền dễ nguy hiểm lắm”.
Nhưng anh vẫn khoát tay ra đi, dù hứa với cô sẽ tuân thủ 5k.
Rồi một bữa anh về, anh kêu đau rát trong họng, đến khuya thì anh sốt
cao, có lúc khó thở. Xe đưa anh đi ngay trong đêm. Mẹ con cô vẫn ở lại nhà sau
cánh cửa đã giăng dây đỏ. Anh bắt đầu sốt cao, chỉ số oxy vào lằn ranh nguy hiểm.
Anh dặn cô ở nhà, mẹ con đợi anh về. Cô như đóng băng trong suy nghĩ. Cô không
chấp nhận số phận lại phũ phàng với cô lần nữa. Cho bé Kha Ly ăn và ngủ. Còn cô
không thể ăn không thể ngủ. Tay cầm khư khư điện thoại đợi anh gọi về.
Đến ngày thứ ba, khi vào toilet đi vệ sinh, một cơn ngộp thở khiến Na
Ly ngã quỵ ngất xỉu, khi hồi tỉnh, cô thấy mình bắt đầu có triệu chứng sốt, họng
rát và mắt ngứa như ai vãi cát vào, cả người cô đau như ai lóc thịt không còn
chút hơi sức. Cô nhập viện Chợ Rẫy. Bé Kha Ly may mắn vẫn âm tính nhưng phải xa
mẹ một mình vào khu cách ly.
Những ngày điều trị trong bệnh viện là những ngày Na Ly rơi xuống tận
cùng của tuyệt vọng. Dù các y, bác sĩ hết lòng chăm sóc. Nhưng điều khiến cho
cô rơi vào tuyệt vọng không phải là bản thân cô mà là nỗi đau đớn khi nghĩ về
Kim, người chồng yêu thương cô vừa kịp gắn bó và con gái cô. Cô không thể chịu
đựng được ý nghĩ là có thể mất anh vĩnh viễn. Rồi cô nghĩ đến con. Giờ này con ở
đâu? Ai lo cho con ăn, ai cho con ngủ? Con có bị sao không? Con gái cô còn quá
nhỏ để tự lo cho mình. Con lại còn khiếm khuyết cơ thể. Nước mắt luôn đẫm trên
khuôn mặt tiều tụy thấy rõ của cô sau ba ngày nhập viện.
*
Kim và Na Ly cũng không nhớ là mình lang thang được bao lâu trong thành
phố. Rất nhiều hồn ma lang thang buồn bã như hai người. Ai cũng lẩm bẩm một câu
mơ hồ: “Về nhà, về nhà”. Các đường phố Sài Gòn vắng như tờ về đêm. Chỉ có bóng
xe cấp cứu vừa chạy vừa kêu thảng thốt. Chỉ còn những hồn ma không siêu thoát
như vợ chồng Kim lang thang... Không có ngọn đèn dẫn đường, không có nén nhang
tiễn biệt. Nỗi luyến tiếc những điều dang dở bị cướp đoạt một cách oan ức đã
khiến các oan hồn không thể bay đi...
Đêm! Cả thành phố như rực sáng bởi những ngọn nến lung linh chiêu hồn.
Dinh Thống Nhất một bàn tưởng niệm thật lớn với đầy đủ lễ vật hương hoa trang
trọng, một rừng nến thắp sáng lung linh trên tay mọi người đang cúi đầu nguyện
cầu lời mong siêu thoát, tiễn đưa an ủi các linh hồn. Dọc bờ sông Hoàng Sa, Trường
Sa treo đèn kết hoa sáng rực cho đại lễ tưởng niệm. Tiếng đại hồng chung trong
các chùa, tiếng chuông giáo đường ngân lên âm sầu. Những chiếc thuyền kết đầy
hoa, chở mấy nghìn ngọn nến hoa sen. Tất cả sẵn sàng đợi xong lễ tưởng niệm sẽ
được thả xuống sông Thị Nghè. Những ngọn nến kết thành dòng hoa đăng tiễn đưa
các linh hồn của mấy chục ngàn người ra đi vì đại dịch.
Vợ chồng Kim cũng như bao hồn ma khác sau lễ tưởng niệm trang trọng.
Trong ánh hoa đăng, ai cũng như thấy vừng hào quang của đức Phật, đức Chúa Trời
giang tay đón. Ai cũng thấy mình được đền bù cho giây phút từ giã cõi đời trong
cô độc oan ức không có người thân bên cạnh, không người an ủi.
Nay được tiễn đưa bằng một lễ tưởng niệm huy hoàng, linh hồn nào cũng
trở nên nhẹ nhõm như được xá hết mọi gánh nặng nơi trần thế. Tiếng nguyện cầu,
những giọt nước mắt thương nhớ của người còn sống. Ánh hoa đăng rực rỡ ở khắp
đường phố lớn đến các hẻm nhỏ. Từng vầng lân tinh như sao sa lấp lánh trên bầu
trời thành phố. Các linh hồn đang từ giã bay về cõi Vĩnh Hằng. Kim và Na Ly đã
thấy chị hai của cô bế Ka Ly cùng anh ba của Kim cầm nến ngồi trong lễ tưởng niệm.
Hai vợ chồng đã không còn lo lắng khi bé Ka Ly đã được đón về an toàn. Lễ tiễn
đưa cầu hồn trang trọng đã dẫn đường cho hai người thấy được cửa ánh sáng đang
mở ra...
Quên hết những nỗi đau nơi trần thế, họ nắm tay nhau cùng bay về miền Cực
Lạc.
Truyện ngắn của Hoa Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét