Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

Bản hùng ca bất tử cho ý chí bảo vệ độc lập, tự do

Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2021) để kêu gọi các lực lượng đứng lên chống thực dân Pháp. Những đối sách linh hoạt, những chủ trương, biện pháp sáng tạo của Đảng mà đứng đầu là Bác Hồ cách đây 75 năm mãi là những bài học vô giá với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Phát lệnh toàn quốc kháng chiến tại các cửa ngõ Thủ đô (Ảnh: Tư liệu).

Nỗ lực vãn hồi hòa bình không thành

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đó là thành quả lớn nhất mà dân tộc ta đã giành được sau gần một thế kỷ kiên trì đấu tranh chống ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp. Thế nhưng trong lúc chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để xây dựng đất nước thì Pháp lại rắp tâm quay trở lại nước ta một lần nữa.

Trước tình thế Tổ quốc lâm nguy, nền hòa bình mong manh của đất nước có nguy cơ bị phá vỡ, nhân dân ta có nguy cơ quay trở lại kiếp sống nô lệ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động chọn giải pháp đấu tranh ngoại giao, đàm phán với Pháp để ngăn chặn cuộc chiến tranh vô nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư tới các nguyên thủ quốc gia Anh, Mỹ, Liên Xô và các thành viên khác của Liên hiệp quốc nêu rõ thiện chí hòa bình, mong mỏi Liên hiệp quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam để duy trì hòa bình, tránh một cuộc chiến tranh đổ máu. Tuy nhiên, mọi nỗ lực ngoại giao của ta đều không được phía Pháp đáp lại, ngày càng có nhiều hành động khiêu khích tạo cớ gây xung đột vũ trang với ta. “Tối hậu thư” của tướng Mô-li-e ngày 18-12-1946 là giọt nước làm tràn li và mọi sự nhân nhượng của chúng ta đã đến giới hạn cuối cùng. 

Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến để cả dân tộc bước vào cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài, gian khổ tới 30 năm, qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp rồi đến quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Sự kiện này được Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá là cuộc tổng giao chiến đầu tiên có ý nghĩa lịch sử trọng đại mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm, kết thúc bằng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trước ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Trung ương Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao quan điểm hòa bình, hữu nghị, hợp tác, nỗ lực tìm mọi giải pháp để ngăn chặn chiến tranh. Với những ứng xử ngoại giao khôn khéo, linh hoạt trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, chúng ta đã tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ và những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho các nhân vật trong Chính phủ Pháp, nhân dân Pháp và dư luận quốc tế chú ý và hiểu rõ về đất nước, con người Việt Nam về khát vọng độc lập, hòa bình của nhân dân Việt Nam, về thiện chí của nước Việt Nam đã tạo tiền đề cho sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực vãn hồi hòa bình của chúng ta vẫn không vượt qua được dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Giới thực dân hiếu chiến quyết đặt lại ách thống trị trên toàn cõi Đông Dương. Trước tình hình đó, chúng ta chỉ có một con đường là cầm súng đứng lên đánh Pháp để bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.

Bài học quý cho công tác đối ngoại hiện nay

Khoảng thời gian đấu tranh ngoại giao đó không dài nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết với một dân tộc vừa giành được chính quyền lại phải đối phó với “thù trong giặc ngoài”. Bài học lịch sử được rút ra từ giai đoạn đó là sự kết hợp giữa công tác đối nội và đối ngoại, giữa lập trường kiên định với biện pháp mềm dẻo, giữa nhân nhượng sách lược với quyết tâm chiến lược, giữa tranh thủ khả năng hòa bình với chuẩn bị tiến hành chiến tranh. Nhờ đó, toàn thể dân tộc Việt Nam đã chủ động và vững bước tiến vào cuộc kháng chiến gìn giữ nền độc lập, bảo vệ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau 75 năm ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (1946-2021) và 35 năm đất nước đổi mới (1986-2021), công tác đối ngoại của Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực: đối ngoại chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Xét về mặt ngoại giao nhà nước, tính đến tháng 12-2021, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Liên hiệp quốc, trong đó Việt Nam có quan hệ “Đối tác chiến lược” và “Đối tác toàn diện” với 30 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, toàn bộ thành viên của tổ chức G7 và tất cả thành viên của ASEAN.

Kế thừa những thành tựu đối ngoại và những bài học kinh nghiệm quý báu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài và xác định sự ủng hộ, giúp đỡ và nguồn lực từ bên ngoài là vô cùng quan trọng.

Nguyên tắc đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Ngày nay, trong bối cảnh quốc tế với nhiều biến đổi phức tạp, thời cơ và thách thức đan xen lẫn nhau. Vấn đề đoàn kết, hòa bình, hợp tác của các nước có những thuận lợi và khó khăn mới. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo những vẫn luôn tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường.

Quay trở lại lịch sử 75 năm trước gắn liền với sự ra đời của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấu hiểu việc bỏ qua cơ hội lịch sử thiết lập những quan hệ hợp tác bình đẳng giữa Pháp và Việt Nam lúc đó, Chính phủ Pháp đã làm tan vỡ hy vọng cuối cùng về một nền hòa bình ở Đông Dương, đẩy những người lính Pháp vào một cuộc chiến vô nghĩa. Cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ ở những năm tháng đó có giá trị thức tỉnh và soi rọi không chỉ những ngày đã qua mà còn rất có ích cho hiện tại, cho những thách thức và cơ hội, những khả năng hợp tác, đấu tranh luôn thường trực và đan xen nhau.

Năm 1966, đúng 20 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Pháp là Sác-lơ đờ Gôn đã viết: “Giá như có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp sau Đại chiến thế giới thì đã có thể tránh được những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay”.

75 năm trước, ngoại giao tuy là một mặt trận “đơn độc” nhưng rất hiệu quả. Ngày nay, mặt trận ngoại giao Việt Nam đang được hưởng các điều kiện bên trong và bên ngoài rất thuận lợi. Đó là cơ sở để chúng ta có niềm tin rằng, ngoại giao Việt Nam hiện nay trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đã và đang tiếp tục phát huy vai trò và sứ mệnh là một trong những mặt trận hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta theo cách ứng xử ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Những đối sách linh hoạt, những chủ trương, biện pháp sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 75 năm mãi là những bài học vô giá với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhắc nhở lịch sử một thời chiến tranh để chúng ta phải càng thêm trân quý nền hòa bình và gắng làm tất cả vì nền hòa bình để phát triển.

ThS. Trần Trung Hiếu

Giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An

Không có nhận xét nào:

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...