(TG) - Thực hiện theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác phát triển Đảng luôn được thực hiện nghiêm túc để Đảng thường xuyên tăng thêm nguồn sinh lực, sức chiến đấu, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc và bôi đen công
tác phát triển Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, phải kể đến một số luận
điệu mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường rêu rao là: Hiện
nay, tình trạng "nhạt Đảng, xa Đoàn" trở nên phổ biến trong đoàn
viên, thanh niên, học sinh, sinh viên; các thủ tục để trở thành đảng viên rườm
rà, gây ức chế cho người muốn vào Đảng, nên quần chúng không ham; nhất là, sự bịa
đặt trắng trợn rằng "vào Đảng chả ích lợi gì" nên quần chúng không muốn
phấn đấu vào Đảng…
Về vấn đề này, cần phải khẳng định chắc chắn rằng:
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÀ ĐỘI TIỀN PHONG CỦA GIAI CẤP VÀ DÂN TỘC
Khi nói về chính Đảng cách mạng của giai cấp công nhân, trong Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản (tháng 2/1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định rằng:
“Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản khác trên hai điểm: một là,
trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ
đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung
cho toàn thể giai cấp vô sản; hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu
tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn thể
phong trào. Vậy là về mặt thực tiễn, những người cộng sản là một bộ phận kiên
quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn
thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp
vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của
phong trào vô sản”(1).
Cùng với đó, “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản” cũng ghi rõ
điều kiện và tiêu chuẩn để trở thành đảng viên cộng sản, trong đó, không thể
không nhắc đến các yêu cầu như thừa nhận chủ nghĩa cộng sản; không tham gia vào
mọi tổ chức chính trị hoặc tổ chức dân tộc chống cộng sản; hoạt động phù hợp với
mục đích của Đảng; có nghị lực cách mạng và lòng nhiệt thành khi tiến hành công
tác tuyên truyền; giữ bí mật công việc của Đảng; được một chi bộ đồng ý kết nạp…
Điều đó có nghĩa là, Đảng Cộng sản là tổ chức của những con người thực sự tiêu
biểu, vượt trội về nhận thức, tư tưởng, hành động hơn quần chúng ngoài Đảng và
đảng viên của Đảng Cộng sản phải là những người có đủ năng lực, phẩm chất để
tuyên truyền, vận động, thuyết phục giai cấp công nhân và các tầng lớp khác
tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại giai cấp bóc lột.
Ở Việt Nam, được xây dựng và phát triển theo nguyên tắc một Đảng Mácxít
Lêninnít chân chính, Đảng Cộng sản là một tổ chức của những con người tiên tiến
nhất. Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc. Trong một chỉnh
thể được tổ chức chặt chẽ, thống nhất ấy, mỗi đảng viên là một tế bào của Đảng;
sinh hoạt gắn liền và chịu sự lãnh đạo, quản lý, kiểm tra của tổ chức Đảng. Để
trở thành một thành viên của tổ chức ấy, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt
Nam (thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, tháng 2-1930) đã ghi rõ tại mục
III: “Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình đảng và Quốc tế Cộng sản,
hăng hái tranh đấu và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu
phấn đấu trong một bộ phận đảng thời được vào Đảng”(2). Trong từng giai đoạn
cách mạng, từng thời điểm cụ thể, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của Đảng và
trình độ giác ngộ cách mạng của quần chúng, Đảng đề ra điều kiện, tiêu chuẩn đảng
viên phù hợp và chặt chẽ, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ đảng
viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ. Cụ thể, Điều lệ Đảng Cộng sản
Việt Nam (thông qua tại Đại hội lần thứ XI, tháng 1-2011) quy định tại mục 2,
Điều 1 là: “Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên, thừa nhận và tự nguyện:
thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên,
hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú
được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng”.
Từ quy định trong Điều lệ vắn tắt và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt
Nam, có thể thấy rõ rằng, người/quần chúng muốn trở thành đảng viên của Đảng Cộng
sản Việt Nam thì tất yếu phải tuân thủ những quy định, nguyên tắc và Điều lệ Đảng.
Đó gọi là “tính Đảng”, đồng thời cũng chính là sự thừa nhận một cách tự nguyện
và tuyệt đối trung thành với nền tảng tư tưởng của Đảng; với lý tưởng cách mạng
chiến đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của giai cấp công
nhân và dân tộc Việt Nam mà Đảng lựa chọn. Người được kết nạp vào Đảng nhất định
phải là những người ưu tú trong quần chúng; phải có giác ngộ chính trị tốt, thể
hiện được tính tiên phong trong mọi lĩnh vực công tác và cuộc sống đời thường;
đồng thời, có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao
phó. Đó chính là giá trị cao quý của Đảng để Đảng luôn xứng đáng với vai trò tiền
phong; đồng thời cũng là giá trị của mỗi người đảng viên trong quá trình phấn đấu,
trưởng thành. Điều đó cũng có nghĩa là quần chúng đã muốn/đã quyết tâm phấn đấu
vào Đảng thì đều phải nhận thức sâu sắc rằng, đã "gọi là đảng viên thì phải
biết rõ Đảng ta phải làm gì, vào Đảng để làm gì…Vào Đảng là để phục vụ nhân
dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng… Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả.
Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được
nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào”(3) như Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ.
Để làm tròn nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang là lãnh đạo nhân dân
đấu tranh giành độc lập dân tộc, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì Đảng phải luôn trong sạch,
vững mạnh. Thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng mạnh là do chi
bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”(4), song “Đảng không phải chỉ cần
con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên.
Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng:
Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân, Bác nhấn mạnh: Làm đày tớ nhân dân chứ
không phải là “quan” nhân dân”(5). Vì thế, Người yêu cầu "Đảng phải phát
triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần
chúng”(6), thông qua quá trình phát hiện, bồi dưỡng quần chúng về mọi mặt; đồng
thời, các tổ chức cơ sở Đảng “cần phải xem công tác củng cố và phát triển đảng
là một công tác quan trọng và thường xuyên. Và phải nắm vững phương châm phát
triển Đảng là trọng chất hơn lượng”(7) để đề phòng các phần tử thù địch, cơ hội
chui vào Đảng.
Vì nghiêm túc trong công tác phát triển đảng viên và coi đó là một nội
dung quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cho nên trong hơn 90 năm qua, nhất
là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, phương hướng phát triển
đảng viên được đẩy mạnh theo từng nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Theo nghị quyết các
nhiệm kỳ Đại hội Đảng và kế hoạch công tác hằng năm, các cấp ủy Đảng đã căn cứ
điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung phát triển Đảng
toàn diện; đặc biệt, đẩy mạnh việc phát triển Đảng trong công nhân và các thành
phần khác như sinh viên đang học tập tại hệ thống các trường đại học, cao đẳng,
các học viện, nhà trường, ở các vùng nông thôn hay tại các doanh nghiệp, trong
các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và lao động tự do tại các địa phương… tự
nguyện rèn luyện tư tưởng, lập trường giai cấp công nhân/mong muốn được đứng
trong hàng ngũ của Đảng, phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cao cả của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Nếu Đảng ta không biết chọn lọc, kết nạp, đề bạt đồng chí mới thì đâu có như ngày nay”(8) và nếu không được bổ sung nguồn sinh lực thì Đảng đâu có đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu để đảm đương vai trò cầm quyền/độc quyền lãnh đạo như đã hiến định trong Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì thế, xuyên suốt 9 thập niên xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác phát triển Đảng, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa thường xuyên và lâu dài.
BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Ảnh minh họa |
Thực tế, "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát
tài" và "vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ
nhân dân, làm trọn nhiệm vụ của người đảng viên"(9) như Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã khẳng định, cho nên, cán bộ, đảng viên của Đảng phải luôn phấn đấu để xứng
đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân;
suốt đời tận trung với nước, tận tâm phụng sự nhân dân, thực hành cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư… Những điều căn cốt này đã được mỗi quần chúng nhận
thức rõ. Vì thế, khi đã xác định phấn đấu trở thành đảng viên, tất yếu mỗi người
đều không chỉ cần phải tuân thủ những quy định, nguyên tắc thuộc về tổ chức,
sinh hoạt và Điều lệ Đảng mà còn phải trải qua quá trình phấn đấu, tu dưỡng, thử
thách để trưởng thành.
Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức, cũng ở trong xã hội và Đảng
trong sạch, vững mạnh được quyết định bởi số lượng, chất lượng đảng viên và việc
thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng. Số lượng đảng viên là cần thiết,
song số lượng đó chỉ trở thành sức mạnh khi đạt được những yêu cầu về chất lượng.
Vì thế, công tác phát triển Đảng toàn diện vào các vùng, các ngành, các giới,
nhất là trong thanh niên, phụ nữ, bộ đội xuất ngũ; trong các vùng xung yếu và
các cơ sở còn ít đảng viên để khắc phục tình trạng "vùng trắng", nhằm
đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng là rất cần thiết. Hơn nữa, việc phát triển Đảng
trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng, học viện, nhà trường; ở các vùng
nông thôn; trong các khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài… càng cần phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng. Nếu
không quán triệt và thực hiện đúng vấn đề có tính nguyên tắc đó; nếu chỉ chú trọng
số lượng mà coi nhẹ chất lượng, thì các tổ chức Đảng dù "đảm bảo chỉ tiêu
kết nạp", song cũng chỉ là "một câu lạc bộ", không thể mạnh mà
trái lại còn trở nên lỏng lẻo, rệu rã.
Trên thực tế, việc kết nạp người vào Đảng luôn được các cấp ủy xem xét
toàn diện, từ phẩm chất đạo đức và năng lực công tác đến trình độ giác ngộ, động
cơ vào Đảng; từ quá trình rèn luyện, tu dưỡng thông qua thử thách thực tiễn đến
việc thực hiện nghiêm các nguyên tắc, thủ tục kết nạp Đảng và theo dõi, đánh
giá quá trình phấn đấu trong thời gian là đảng viên dự bị. Mỗi người khi được đứng
trong hàng ngũ của Đảng đều hiểu rõ rằng vào Đảng/trở thành đảng viên Đảng Cộng
sản Việt Nam không phải là để mưu cầu lợi ích cho mình, làm giàu cho bản thân
và người thân mà là để cống hiến và phụng sự. Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh
đại đa số giới trẻ, những quần chúng ngoài Đảng đã và đang nỗ lực trau dồi tri
thức, nỗ lực làm việc để gây dựng sự nghiệp cho mình; thường xuyên tu dưỡng, phấn
đấu để vinh dự được trở thành người đảng viên cộng sản, thì đâu đó cũng vẫn có
một bộ phận giới trẻ (công nhân ở các khu công nghiệp, thanh niên ở các vùng
nông thôn…) sống thiếu lý tưởng, hoài bão, chỉ biết an phận mình. Đồng thời,
cũng vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã xa rời lý
tưởng cách mạng, vi phạm kỷ luật Đảng…, song đó chỉ là hiện tượng. Cho nên,
không thể vì một vài nhận xét về thực trạng công tác phát triển Đảng ở một số địa
bàn cụ thể mà vội quy kết rằng "nếu không bị bắt buộc" thì người dân
"không muốn vào Đảng"; và hiện nay công nhân lao động, thanh niên
"ngại vào Đảng", "không tha thiết vào Đảng" như các phần tử
phản động đã suy diễn, xuyên tạc.
Chỉ riêng những con số cụ thể này: "Theo dự thảo báo cáo, trong
giai đoạn 2010-2020 và 9 tháng đầu năm 2021, tổng số đoàn viên ưu tú do tổ chức
đoàn giới thiệu cho đảng là 2.868.498. Theo phân bổ chỉ tiêu của nhiệm kỳ
2012-2017 số lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho đảng xem xét kết nạp so với
chỉ tiêu đề ra đạt 99,16%; nhiệm kỳ 2017-2022, tính đến thời điểm hiện tại đạt
tỉ lệ 87,39%. Số lượng đoàn viên ưu tú được kết nạp đảng, theo số liệu thống kê
của 67/67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, toàn Đoàn có gần 1,6 triệu đảng
viên là đoàn viên đang sinh hoạt tại các chi đoàn, chiếm 25,39% tổng số đoàn
viên cả nước và chiếm 30,76% tổng số đảng viên cả nước"(10) cũng đủ là
minh chứng sinh động cho thấy công tác phát triển Đảng trong đoàn viên, thanh
niên những nhiệm kỳ gần đây. Đó cũng là một trong những bằng chứng bác bỏ sự
xuyên tạc của các thế lực thù địch khi cho rằng: cả 3 nhiệm kỳ Đại hội XI, XII,
XIII của Đảng cũng không "chữa được hiện tượng chán đảng" dù có sự
vào cuộc của ngành Tuyên giáo, của Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng và Bộ Công
an.
Thực tế, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là mục tiêu phấn đấu;
đồng thời cũng là niềm tự hào của mỗi quần chúng ngoài Đảng nói chung, của tuổi
trẻ nước nhà nói riêng. Vì thế, việc vin vào cớ cho rằng thủ tục vào Đảng
"rườm rà", nhất là phải khai lý lịch và được xác minh từ địa phương
là thành phần ưu tú trong xã hội về mọi mặt như đạo đức, lối sống, gương mẫu,
trong sạch; phải đi học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng và "vào Đảng không
đem lại lợi ích cụ thể gì', "vào Đảng không có gì khác biệt"… đã
"cản trở nhiều người không muốn vào Đảng" chỉ là sự suy diễn cá nhân
của những kẻ cơ hội đầy dã tâm chống phá Đảng. Hơn nữa, trên cơ sở thực hiện Chỉ
thị số 07-CT/TW ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị về "Tăng cường công tác
xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân" và Kết
luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư về "Tiếp tục thực hiện Chỉ
thị số 07-CT/TW về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân
trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư
nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”
của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới” cùng Chỉ thị số 33-CT/TW ngày
18/3/2019 của Ban Bí thư về "Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các
đơn vị kinh tế tư nhân”…, công tác phát triển Đảng, thành lập tổ chức Đảng cũng
như tạo nguồn phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp
và có vốn đầu tư từ nước ngoài thời gian qua cũng có những chuyển biến nhất định
và đạt được những kết quả khả quan.
Thông qua việc thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp với vấn đề phát
triển Đảng và thành lập tổ chức Đảng; việc khắc phục những khó khăn về thời
gian tham dự lớp cảm tình Đảng của công nhân các khu công nghiệp; nhất là việc
đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về công tác phát triển Đảng trong khối doanh
nghiệp ngoài quốc doanh, ở các vùng nông thôn… công tác phát triển đảng viên ở
những địa bàn này đã có những thay đổi tích cực. Vì thế, câu chuyện "giới
trẻ nhạt Đảng", "giới trẻ ngại vào Đảng" là hiện tượng phổ biến ở
Việt Nam mà một luận điệu thù địch nêu ra không phản ánh đúng thực tế công tác
phát triển Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó chỉ là một vài hiện tượng đơn lẻ,
chỉ là thiểu số, không phải là bản chất, cho nên sự quy chụp đó là vội vàng, là
thiển cận và ác ý; là bôi đen sự thật để xuyên tạc công tác xây dựng và chỉnh đốn
Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, công tác phát triển Đảng nói riêng.
Đương nhiên, để Đảng luôn xứng đáng với vai trò tiên phong, trong thực
tế, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ chú trọng công tác phát triển Đảng mà còn
luôn tự chỉnh đốn và đổi mới. Một mặt, các cấp ủy Đảng chủ động làm tốt công
tác tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn trong quần chúng tích cực, đảm bảo về số
lượng, cơ cấu hợp lý; bồi dưỡng, theo dõi, giúp đỡ để họ có đủ điều kiện trở
thành đảng viên cộng sản; xem xét toàn diện về mọi mặt (trình độ giác ngộ, phẩm
chất đạo đức, năng lực công tác, uy tín trước quần chúng…) và thử thách trong
thực tiễn; bồi dưỡng, kết nạp và giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên
chính thức. Mặt khác, Đảng thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình, kiểm
tra và giám sát, để kịp thời phát hiện, xử lý, đưa ra khỏi Đảng những kẻ suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa" trong từng tổ chức cơ sở Đảng/những kẻ đã xa rời lý
tưởng cách mạng, thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng của người đảng viên, không
còn là "tấm gương" cho quần chúng noi theo.
Một trong những nội dung quan trọng của Văn kiện Đại hội XIII cần được
cả hệ thống chính trị và cấp ủy Đảng các cấp quán triệt sâu sắc là: “Nâng cao
năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng
viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu
dân, học dân của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa
Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với
Đảng”(11). Theo đó, để công tác phát triển Đảng thật sự đảm bảo chất lượng,
toàn Đảng không chỉ cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của
nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên này theo đúng tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW
ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và
rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng"
mà còn phải chú trọng, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng
viên nói chung, quần chúng ngoài Đảng nói riêng về mục đích, ý nghĩa của công
tác phát triển đảng viên. Đồng thời, quan tâm đào tạo, rèn luyện phẩm chất đạo
đức và bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ, cho những quần chúng ngoài Đảng trong
các tổ chức chính trị-xã hội ở các vùng, các địa bàn, các giới… để chủ động
phát hiện và tạo nguồn dự bị của Đảng; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng để giúp quần
chúng, đảng viên mới nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng,
bồi đắp lý tưởng cách mạng, xác định đúng đắn động cơ vào Đảng trên cơ sở giác
ngộ lý tưởng và tự giác phấn đấu, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Cùng với đó, các tổ chức cơ sở Đảng phải quán triệt sâu sắc quan điểm
"trọng chất lượng hơn số lượng", để khi tiến hành các khâu, các quy
trình phát triển Đảng vừa tránh sa vào hiện tượng chạy theo chỉ tiêu mà tùy tiện
hạ thấp tiêu chuẩn, điều kiện của người vào Đảng vừa tránh được tình trạng mắc
bệnh hẹp hòi, cầu toàn, gây tác hại nhiều mặt, làm tổn hại đến việc bổ sung nguồn
sinh lực cho Đảng. Trong quá trình triển khai, một mặt, phải thường xuyên đổi mới,
nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tuyên truyền, giáo dục về mục tiêu, lý
tưởng của Đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, nhất là người
đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để làm gương cho quần chúng tự nguyện phấn đấu
vào Đảng. Mặt khác, điều chỉnh linh hoạt những bất cập (bố trí các lớp cảm tình
Đảng, lớp đảng viên mới bằng hình thức trực tuyến, học vào ngày nghỉ, ngoài giờ
hành chính, bố trí địa điểm, thời gian cho phù hợp điều kiện thực tế…) để tạo
thuận lợi cho những đối tượng đặc thù; đồng thời, thực hiện nghiêm các khâu,
các quy trình bồi dưỡng, kết nạp, giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên
chính thức để Đảng thật sự thu hút và kết nạp được những người ưu tú nhất, tiêu
biểu nhất về phẩm chất, bản lĩnh, năng lực, trí tuệ vào Đảng.
Chỉ có như vậy, công tác phát triển Đảng mới đạt chất lượng cao, góp phần
nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng nói chung, từng tổ chức cơ sở
Đảng trong sạch, vững mạnh nói riêng, để Đảng có đủ uy tín, năng lực và trí tuệ
lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thành công!.
TS. Văn Thị Thanh Mai
ThS. Nguyễn Tuấn Dũng
-----------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét