Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Lời tạm biệt cuối cùng

Cốc cốc cốc. Tiếng gõ cửa khiến tôi tỉnh dậy trong mơ hồ. Thở hổn hển, nửa thật, nửa mê. Lưng tôi thấm đẫm mồ hôi. Tuy chỉ là mơ nhưng tim tôi vẫn thắt lại đau nhói. Thỉnh thoảng tôi lại gặp lại những giấc mơ tồi tệ như thế.

Minh họa: Phạm Minh Hải

Rát quá, nóng quá, đau quá…

Máu vẫn cứ tuôn tràn chảy khỏi lồng ngực.

Lửa… ngọn lửa thiêu rụi tất cả. Không khí thật ngột ngạt. Những tiếng hét vì đau đớn xé toạc màn đêm tĩnh mịch.

Tôi cố bò lết trên nền đất lạnh lẽo, đằng trước là một bóng hình thân quen… Bố? Đó là bố của tôi…

Cả người ông đang bốc cháy. Những thanh sắt đâm xuyên người ông. Nước mắt tôi không ngừng chảy…

Tôi không thể với tới bố…

*

Cốc cốc cốc. Tiếng gõ cửa khiến tôi tỉnh dậy trong mơ hồ. Thở hổn hển, nửa thật, nửa mê. Lưng tôi thấm đẫm mồ hôi. Tuy chỉ là mơ nhưng tim tôi vẫn thắt lại đau nhói. Thỉnh thoảng tôi lại gặp lại những giấc mơ tồi tệ như thế.

Cúi xuống nhìn hai bàn tay của mình, tôi cảm thấy mình thật bất lực khi không thể làm được gì ở trong giấc mơ đó. Giá mà…

- Duy Khánh dậy rồi thì xuống phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa đi!,- tiếng mẹ tôi vọng ở bên ngoài cửa, dập tắt mớ suy nghĩ bòng bong trong đầu tôi.

- Chẳng phải hôm nay con hứa sẽ tổng vệ sinh cùng mẹ và chị sao? Xuống đi nhé!.

- Rồi, rồi! Mẹ đợi con tý!.

Hôm nay là ngày tổng vệ sinh định kỳ của nhà tôi. Kể từ khi bố tôi mất, mẹ tôi cho rằng nếu chúng tôi dọn dẹp căn nhà sạch sẽ thì “ông ấy sẽ rất vui khi trở về”. Tôi cũng không suy nghĩ nhiều thêm, gấp gọn chăn gối trên giường rồi đi xuống lầu phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa.

- Con lau giúp mẹ phòng đọc sách của bố nhé!.

- Ơ, mọi lần toàn mẹ làm cơ mà? Sao hôm nay lại bảo con?.

- Phòng bố nhiều sách hay lắm đấy, biết đâu con lại tìm được kho báu ở đấy đấy...

- Xì, nếu có thì mẹ cũng “trấn” từ lâu rồi… - tôi bĩu môi.

Sau khi bị cốc “một cú” thật đau vào đầu, tôi đành miễn cưỡng mang dụng cụ vệ sinh lên thư phòng của bố. Chà, đã lâu lắm rồi tôi không vào đây. Căn phòng vẫn còn nguyên từ ngày ấy. Chiếc tủ gỗ đựng những quyển sách quý của bố tuy đã có thêm nhiều đốm đen li ti nhưng chẳng có lấy một hạt bụi. Bên cạnh là chiếc bàn gỗ xoan đào, trên bàn vẫn đặt khung ảnh, ống đựng bút. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bố ngồi làm việc. Khuôn mặt chăm chú đọc những quyển sách, viết chữ rồi nở nụ cười nhẹ khi tôi chạy vào hỏi bài tập. Ở bên cạnh là mắc treo quân phục của ông. Chúng đã được là phẳng ngay ngắn. Trên bộ quân phục là những huân chương, biểu trưng cho sự dũng cảm và sự cống hiến của ông trong việc đấu tranh ngăn chặn và phòng chống tội phạm, giữ gìn bảo vệ cuộc sống bình yên. Khi còn sống, ông là một trinh sát giỏi, luôn được mọi người ngưỡng mộ và ca ngợi – trong đó có tôi. Mục tiêu của cuộc đời học sinh của tôi đó là thi đỗ Học viện Cảnh sát, một trong những trường đào tạo những lớp trinh sát tài giỏi như bố vậy. Tuy nhiên, sau khi bố mất, trong lòng tôi nảy sinh ra những mâu thuẫn, trăn trở về lựa chọn này của mình. Có lẽ bản thân tôi “sợ chết” mà thôi…

Mở cửa sổ, từng cơn gió nhẹ ùa vào phòng, chiếc rèm cửa phất phơ, đôi lúc phảng phất quyện mùi xưa cũ. Tôi có thể nhìn thấy rõ hoàng hôn từ căn phòng này. Căn phòng thật sự rất “chill” (thư giãn) để làm việc. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao trước đây bố dành nhiều thời gian rảnh rỗi của mình trong thư phòng. Tôi bước đến bàn làm việc của bố. Trên bàn là những đống tài liệu được xếp ngay ngắn. Mọi thứ khá sạch sẽ, chắc tôi sẽ chẳng phải động tay gì nhiều. Tự nhủ bản thân có nhiều thời gian, tôi mò mẫm xem trong phòng của bố sẽ có thứ gì hay ho như lời mẹ nói không. Căn phòng ngập sách, chủ yếu là loại sách về lịch sử truyền thống, tham khảo nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân. Ví dụ như cuốn “Đơn Tuyến” của Phạm Quang Đẩu, Bút ký “Người Dự Thẩm” của Lép Xây Nhin, bộ sách “100 năm khoa học hình sự thế giới” của Guyếc Gien Toóc Van… Những cuốn sách mang đến tư tưởng, đạo lý đúng đắn về người Công an nhân dân, cũng như phục vụ cho công tác điều tra tội phạm. Tôi thường thấy bố nghiền ngẫm rất kỹ những cuốn sách này trước đây.

*

Đã 6h30 tối, những tia nắng cuối cùng của hoàng hôn cũng tắt tự lúc nào. Tôi đóng cửa sổ, kéo rèm và ngồi trên chiếc ghế xoay ưa thích của bố, đợi mẹ gọi xuống dọn cơm là di chuyển ngay. Ngồi xoay xoay trên chiếc ghế da đã sờn của bố và nghiền ngẫm những cuốn sách mà tôi “lượm được” trong phòng.

- Học viện Cảnh sát nhân dân ư? Viển vông, tôi suy nghĩ.

Có thể nói, thứ hay ho nhất mà tôi tìm được trong thư phòng của bố đó là quyển nhật ký. Bên trong còn có cả những tấm ảnh bố cắt nhỏ để dán vào. Tôi chăm chú đọc nó đến nỗi quên luôn cả thời gian. Tiếng đồng hồ vang lên từng hồi. Mẹ và chị tôi cũng đã hoàn thành công việc tổng vệ sinh. Họ đến thư phòng của bố để kiểm tra xem tôi đã dọn sạch sẽ hay chưa và sẵn sàng tâm thế “cắt suất cơm” của tôi bất cứ lúc nào. Thật buồn cười là lúc nào hai người họ cũng đoàn kết “bắt nạt” đứa con trai duy nhất trong nhà này.

- Quyển gì thế? - Chị tôi tò mò hỏi.

- Không biết, chắc là nhật ký của bố đấy.

Mẹ tôi nhìn vào quyển nhật ký tôi đang cầm trên tay, cười mỉm:

- Mẹ đã bảo là con sẽ tìm được thứ gì đó hay ho ở phòng bố mà!.

- Mẹ từng đọc nhật ký của bố chưa?, - tôi hỏi.

- Nhà bao việc, thời gian đâu mà đọc!.

Tôi hiểu rõ mẹ, dù miệng bà nói là chưa đọc, nhưng có lẽ bà là người nghiền ngẫm quyển nhật ký của bố tôi nhiều nhất nếu bà tìm được. Mẹ rất thương bố. Từ khi bố mất, những ngày đầu, dường như mẹ đã mất ăn, mất ngủ, khóc sưng cả mắt. Tuy cố tỏ ra mạnh mẽ trước mặt con cái, nhưng trái tim bà đã mất đi một mảnh ghép quan trọng của cuộc đời.

Bố bắt đầu viết nhật ký khi chị tôi được sinh ra. Tuy không phải ngày nào ông cũng viết, nhưng những sự kiện quan trọng hay kỷ niệm đáng nhớ ông đều ghi vào. Ví dụ như khi chúng tôi bắt đầu tập đi, bi bô tập nói; món quà đầu tiên chị em tôi tặng bố mẹ nhân ngày kỷ niệm; thậm chí có ngày bố mẹ cãi nhau vì chuyện không đâu, bố phải nhờ chị em chúng tôi giúp bố dỗ mẹ… Thật không ngờ một người đàn ông gan góc nơi “chiến trường” đấu tranh chống tội phạm như ông lại có thể bình dị, thậm chí có phần “trẻ con” như vậy trong những trang nhật ký. Ngày nay, thế hệ chúng tôi không có cái thói quen “xa xỉ” đó. Thay vì dành thời gian viết nhật ký thì thế hệ 4.0 đã có smartphone để ghi lại những việc cần làm. Tôi say sưa đọc. Tôi dường như đã cảm nhận được những cảm xúc từ những trang nhật ký: những tình cảm ông dành cho gia đình thân yêu của mình, những cảm xúc trước áp lực công việc... Quyển nhật ký - nó như két sắt trái tim, giúp ông giải tỏa căng thẳng, bày tỏ tình cảm và lưu giữ những kỉ niệm đáng nhớ. Tôi rất ngưỡng mộ bố, chưa bao giờ ngừng… Bố ơi, con nhớ bố!!!

*

Trong cuốn nhật ký, bố luôn dành sự quan tâm đến con gái rượu của mình. Đôi lúc tôi thấy khá ghen tị bố với chị đã có bao nhiêu kỷ niệm đáng yêu rồi; đến cả việc con gái yêu ăn đùi gà cũng phải chụp lại dán vào nhật ký cơ. Cuối cùng tôi cũng đọc được đến những trang viết về tôi. Tôi cười mỉm. Thực sự bố tôi rất có tài viết văn. Vậy mà ông cứ giấu, luôn từ chối và đẩy sang cho mẹ khi tôi nhờ giúp bài tập ngữ văn.

Khi tôi được sinh ra, bố đã rất kỳ vọng về tôi. Bố tôi đắn đo với mẹ không biết nên đặt tên cho quý tử là Công, An, Vinh, hay Quang… Thú vị là, cuối cùng tên của tôi lại là Duy Khánh, với ý nghĩa là đứa con thông minh, giỏi giang của riêng bố mẹ mà tạo hóa ban tặng…

“Không ngờ bố mẹ đã đặt nhiều kỳ vọng vào mình như thế …”.

*

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm ...

Hôm nay tôi về nhà, thấy bà xã đang băng bó cho Duy Khánh. Mình lo lắng hỏi con bị làm sao. Cu cậu hồn nhiên bảo: “Bố đừng lo, con chỉ bị chó cắn tí thôi mà”, rồi cười như chưa có chuyện gì xảy ra vậy. Tôi cứ nghĩ nó sẽ khóc và làm nũng để mua đồ chơi nữa cơ. Con trai tôi lớn thật rồi.

Tôi có hỏi sao con bị chó cắn, và nhận được một câu trả lời rất bất ngờ. Cu cậu với bạn đang chơi ở dưới sân thì gặp một con chó. Vì bảo vệ bạn nên bị móng vuốt của con chó sượt qua làm chảy máu. May mà mẹ nó đi chợ ngang qua sơ cứu kịp thời, nếu không thì sẽ rất nguy hiểm!

Và câu nói của cu cậu khiến tôi nhớ mãi, đó là: “Bố làm công an bảo vệ nhân dân, trấn áp tội phạm, giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống. Con cũng muốn sau này sẽ bảo vệ những người con yêu quý giống bố vậy!”. Bố hy vọng khi trưởng thành con vẫn giữ vững được lập trường này của mình!...

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm...

Hôm nay sau khi đèo con đi học võ về, Duy Khánh nói rất yêu tôi. Tôi thực sự hạnh phúc.

Duy Khánh nói sau này sẽ trở thành một sĩ quan cảnh sát tuyệt vời giống như tôi và muốn tôi lập lời hứa “Bố - Con” nữa chứ. Lúc ấy tôi thực sự rất xúc động, về đến nhà phải kể với vợ ngay.

Con hãy cố gắng hết mình để trở thành một công an tốt nhé! Bố yêu con…

Hà Nội, ngày 4 tháng 1 năm...

Duy Khánh khoe đạt được điểm 10 môn toán trong bài kiểm tra vừa rồi. Tôi rất vui.

Hy vọng con có thể phát huy, nhưng tuyệt đối không được chủ quan mà lơ là.

Nếu con học giỏi, biết đâu sẽ thi đậu trường công an nối nghiệp mình, ha ha…

*

Tôi trầm ngâm một lúc. Đây là trang cuối bố viết cho tôi. Một tuần sau chúng tôi nhận được thông báo ông đã hy sinh trong khi đi làm nhiệm vụ - một chuyên án đấu tranh chống tội phạm ma túy. Đã bốn năm rồi. Từ ngày bố tôi mất. Nước mắt lặng lẽ nhỏ giọt trên trang giấy, làm nhòe đi nét bút mực. Bố đã dạy, nếu con muốn trở thành một trinh sát giỏi sau này, thì tuyệt đối không được rơi lệ, mà hãy mạnh mẽ vượt qua những khó khăn thách thức ấy.

- Con thực sự rất nhớ bố!

Tôi đã quên bẵng lời hứa giữa tôi và bố khi còn nhỏ. Dường như lời hứa, ước mơ, hay cái hoài bão ấy đã theo nỗi buồn mất đi người thân yêu của mình rồi. Rốt cuộc tôi đang nghĩ gì nhỉ? Tôi cần bố ở bên cạnh, cho lời khuyên ngay lúc này. Nếu như có bố bên cạnh, tôi đã không phải trải qua những tháng ngày chìm trong bóng tối, không có sự giải thoát. Tôi chỉ muốn hét thật lớn vào bầu trời xanh thẳm kia, vì sao đã lấy mất  bố của tôi? Tôi vẫn chưa có cơ hội để nói lời từ biệt với bố mà… Sự giày vò ấy vẫn len lỏi vào mỗi giấc mơ của tôi như chờ thời cơ để nuốt chửng nỗi tuyệt vọng.

- Con bận gì không, mẹ vào nhé? - tiếng mẹ tôi ở bên ngoài.

Tôi lau vội những giọt nước mắt chạy ra mở cửa phòng.

- Có chuyện gì không mẹ?.

- Mẹ muốn nói chuyện với con trai một lát thôi mà.

Tôi để mẹ vào, ngồi trên ghế bàn học của tôi; còn bản thân lên giường nằm, mặt quay về phía tường.

- Con vẫn chưa điền tờ giấy đăng ký nguyện vọng à? Sắp phải nộp chưa? - Mẹ tôi cầm tờ giấy đăng ký trống trơn mà tôi để trên bàn học.

- Con chưa…

- Sao vậy? Chẳng phải từ bé con rất muốn vào Học viện Cảnh sát sao?.

Tôi cố liếc nhìn ra sau, mẹ đang nhìn chăm chú vào tờ giấy đăng ký của tôi, gương mặt nở một nụ cười nhẹ hiền dịu, giống như bức tranh nàng Mona Lisa của họa sĩ Leonardo da Vinci, không biết là đang vui hay đang buồn. Tôi im lặng, không trả lời.

- Mẹ cũng đọc quyển nhật ký của bố rồi đấy... - Bà từ từ chậm rãi nói.

Tôi giả vờ ngạc nhiên:

- Thế ạ? Mẹ thấy thế nào?.

- Uhm… Nói sao nhỉ? Mẹ thấy bố yêu các con hơn mẹ này. Quyển nhật ký có mỗi 3 – 4 trang viết về mẹ có tức không cơ chứ? Toàn cho mẹ làm nhân vật phụ cho cuộc đời huy hoàng của hai đứa con mình. Ha ha. Cảm giác một chút gượng gạo từ nụ cười của mẹ tôi.

- Mẹ cũng xì tin gớm!.

- Nhưng con cũng thấy bố đặt rất nhiều tình cảm và kỳ vọng vào hai đứa đúng không? Mẹ còn nhớ, hồi trước con với chị góp tiền mua dụng cụ làm thiệp chúc mừng “Ngày của Bố” mà bố con cảm động rớt nước mắt. Trong quyển nhật ký ông cũng có ghi. Khi mẹ đọc, mẹ lại phì cười vì những kỷ niệm đó”.

- Bố… bố cũng trẻ con mẹ nhỉ? - Tôi ấp úng.

Lúc này giọng tôi đã bắt đầu lạc đi. Những hình ảnh từ quá khứ cứ ùa về. Tôi trùm chăn lại để không cho mẹ biết con trai mẹ đang khóc. Mẹ tôi cũng rớm nước mắt . Tôi biết mẹ đang giở lại những trang nhật ký bố viết về chúng tôi. Tôi có thể nghe thấy tiếng giấy lật trang và tiếng sụt sịt nhè nhẹ của mẹ.

- Ừ… Lúc nào ông ý cũng như một đứa trẻ. Luôn lạc quan, yêu đời dù công việc có áp lực, vất vả như nào… Đó cũng là điều mà mẹ yêu bố của các con.

Tôi xoay người, mở he hé chiếc chăn đang trùm kín mít, chừa một khoảng trống để hai con mắt của tôi có thể nhìn được mẹ. Tôi phút chốc lên tiếng:

- Mẹ…

Mẹ nhìn tôi ánh mắt trìu mến. Mắt bà đỏ hoe. Dường như bà đang khóc. Mẹ tôi trước giờ luôn là người lạc quan yêu đời, cho tới khi bố tôi mất. Bà đã già đi rất nhiều vì phải chèo chống nuôi chị em tôi ăn học một mình. Tôi thấy rõ hơn những đường chân chim, tàn nhang trên gương mặt bà. Mái tóc đen, dài mà mẹ tôi trước đây luôn tự hào nay đã có những sợi tóc bạc màu.

- Mẹ  nghĩ làm công an giống bố có thực sự tốt…?.

Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi:

- Sao con lại hỏi mẹ như vậy?.

Tôi ngập ngừng:

- Con muốn trở thành một người tuyệt vời như bố. Nhưng con sợ mình sẽ không thực hiện được mong muốn của bố.

- Con nghĩ vậy sao?.

- Vâng, bố với con… Con từng “ngoéo” tay với bố rằng sẽ theo ngành nghề của bố và sẽ thi đỗ vào trường Học viện Cảnh sát.

Mẹ cốc nhẹ vào đầu tôi:

- Ngốc ạ. Thì ra đây là trăn trở của con trai tôi mấy hôm nay à? Thực sự bố con không cần con phải thực hiện lời hứa hồi nhỏ của mình đâu. Dù con có chọn Học viện Cảnh sát hay trường nào đi chăng nữa, thì bố mẹ vẫn luôn ủng hộ. Mẹ nhớ bố từng nói luôn mong các con có thể lựa chọn con đường mà mình thực sự muốn đi, tương lai là do các con chọn. Bố mẹ chỉ là người nâng đỡ ước mơ của các con thôi. Miễn sao các con sau này ra đời có thể trở thành công dân tốt, góp ích cho xã hội là được…

- Nhưng con sợ…

- Con sợ điều gì?.

- Con sợ sẽ phải rời xa những người thân yêu của mình, cũng giống như bố vậy…

Mẹ tôi trầm tư một lúc, rồi nhìn ra cửa sổ. Trời hôm nay quang đãng, nhiều sao, trăng cũng sáng nữa.

- Mẹ không nghĩ vậy đâu, con trai yêu. Con biết đấy, mẹ luôn tự hào với công việc của bố, và bố cũng luôn yêu thích nghề dù công việc có khó khăn, nguy hiểm như thế nào. Bởi vì ông cảm thấy mình đã làm được công việc có ích cho xã hội, không chỉ giữ vững an ninh quốc gia, trật tự toàn xã hội, mà còn bảo vệ cuộc sống bình yên cho những người ông thương mến – là các con đấy. Sự hy sinh của bố con có thể khiến gia đình mình cảm thấy mất mát lúc ban đầu, nhưng mẹ nghĩ mình cần phải nghĩ tích cực hơn để không phụ lòng bố con. Chẳng phải bố luôn theo dõi mẹ con mình ở trên thiên đàng đấy sao?

Mẹ tôi cười mỉm, trong lòng tôi cũng bớt đi những lo lắng, phiền muộn trước đó. Tình cảm của mẹ với bố tôi vẫn không hề thay đổi. Và chị em tôi cũng vậy. Bốn năm qua, tôi chìm đắm trong sự đau khổ, dằn vặt vì sự mất mát ấy mà quên đi nguyện vọng của bố. Tôi chợt nhận ra rằng chúng ta không thể sống mãi trong quá khứ được, mà phải sống cho hiện tại, cho tương lai và gia đình thân yêu của mình.

- Mẹ…

 

Tôi rũ bỏ lớp chăn đang quấn kín mít trên mình, ngồi. Mẹ tôi quay sang nhìn tôi.

- Con quyết định rồi. Con sẽ thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân và trở thành một chiến sĩ công an tuyệt vời như bố!.

*

Chứng kiến người thân của mình ra đi mãi mãi một cách đột ngột, thật khó để chấp nhận và nói lời tạm biệt. Những kỷ niệm vẫn cứ sẽ dai dẳng đeo bám tâm trí ta. Nếu để con tim lấn át lý trí, ta sẽ rơi vào khoảng đen mịt mù không lối thoát, và cứ lún sâu vào trong đau khổ, hoài nghi bản thân mình. Con người khi sinh ra luôn có những cung bậc cảm xúc hỉ-nộ-ái-ố, chỉ là chúng ta sẽ thể hiện mặt cảm xúc nào nhiều nhất mà thôi. Đôi khi chúng ta cần học cách chấp nhận và quên đi những quá khứ đau buồn bằng việc san sẻ tình yêu thương và sự đồng cảm. Lời tạm biệt cuối cùng đâu cần phải là lời được nói ra với nhau. Lời tạm biệt cuối cùng chính là khi chúng ta sẽ sống thật tốt, thật có ích cho xã hội, đúng với những nguyện vọng mong muốn của người ra đi. Đó là sự giải thoát, là động lực giúp ta mạnh mẽ hơn để hướng tới một tương lai tươi sáng.

Bố thân yêu! Lý tưởng của bố đã có con tiếp bước.

Tạm biệt bố!!!

Truyện ngắn của Mã Duy Anh

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...