Tuyên truyền về Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thường xuyên hơn, chất
lượng hơn, hiệu quả hơn
(ĐCSVN) – Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn
văn bài phát biểu chỉ đạo, kết luận của đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung
ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo
khoa học “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực
của nền kinh tế” chiều 13/12.
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội thảo. |
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị
“về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của
nền kinh tế”, đất nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, song do biến cố
đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, đặt ra thách thức lớn đòi hỏi
chúng ta có cách nhìn, cách tiếp cận và những nhận thức mới về việc quản lý,
khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời
sống nhân dân trong bối cảnh dịch COVID-19 cũng như trong điều kiện bình thường.
Nghị quyết Đại hội XIII xác định các mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế
Việt Nam đó là: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống
nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt
qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt GDP đầu người 4.700-5.000 USD. Đến năm
2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện
đại, thu nhập trung bình cao với GDP đầu người đạt 7.500 USD. Đến năm 2045 kỷ
niệm 100 năm thành lập nước: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong định hướng phát triển kinh tế 2021-2025 tập trung chủ yếu vào: “Đổi
mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất
lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” với nhiều điểm mới nổi bật
được nhấn mạnh.
Ngay trong những ngày vừa qua, để có thêm những cơ sở tham mưu các
chính sách vĩ mô, Ban Kinh tế Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cũng đã tổ chức
nhiều phiên và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam để phân tích, đánh giá rất kỹ nhiều vấn
đề liên quan nhằm định hướng chiến lược cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và
phát huy các nguồn lực của nền kinh tế”, do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức. Đây là Báo lớn, thông tin nhanh, rộng,
sức lan tỏa lớn; là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trên mạng Internet
toàn cầu và là Báo duy nhất được mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh
COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng có 70-80 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, Ngành
Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, Tổng công ty và các chuyên
gia, nhà khoa học tới dự chứng tỏ lĩnh vực này được đặc biệt quan tâm. Nhiều ý
kiến tâm huyết, trách nhiệm gửi tới Hội thảo. Đây là dịp để trao đổi, đánh giá,
kết quả thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, tiếp tục làm rõ những nội
dung, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp nhất là những nguồn lực về nhân lực, vật lực,
tài lực, nhằm huy động tối đa cho phát triển kinh tế trong tình hình mới, từ đó
nâng cao hơn nữa nhận thức về việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các
nguồn lực của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững,
thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.
Các đồng chí Chủ trì Hội thảo. |
Sau một buổi chiều làm việc, với tinh thần khẩn trương, sôi nổi, trách
nhiệm, khoa học, khách quan, dân chủ và hiệu quả, Hội thảo đã hoàn thành tốt
các nội dung theo chương trình đề ra. Hội thảo đã được nghe 10 bài tham luận đại
diện UBND các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học
cùng các ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội trường.
Các ý kiến đã tập trung phân tích, đánh giá làm rõ những kết quả đã đạt
được cũng như những hạn chế khuyết điểm sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số
39 của Bộ Chính trị gắn với 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong đó tập trung đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp về mục tiêu tổng quát và
các mục tiêu cụ thể đối với từng nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) gắn với
các mốc thời gian đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100
năm thành lập nước, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực
của nền kinh tế trong tình hình mới.
Đáng chú ý, Nghị quyết đã đề ra, nổi bật trên một số nội dung như sau:
Một là, làm rõ thể chế, chính sách trong quản lý, khai thác và phát triển
nguồn lực ngày càng hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được tiêu chí về tính đồng bộ,
thống nhất, khả thi và công khai, minh bạch, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản từ
thực tiễn. Các văn bản pháp luật được sửa đổi, ban hành đã tạo nền tảng pháp lý
vững chắc cho quản lý, khai thác và phát triển các nguồn lực của nền kinh tế.
Qua đó, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, khơi thông các nguồn lực, xử
lý tốt các nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp
với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hai là, các tham luận cũng phân tích rõ đổi mới mô hình tăng trưởng
chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử
dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nhất là nguồn nhân lực
chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát hiện, bồi
dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả “nhân tài”, tập trung thu hút “người
tài từ nước ngoài”. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất
lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền
kinh tế.
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Ba là, cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng
hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh
tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ. Đổi mới cơ cấu thành phần
kinh tế theo hướng bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tôn trọng tính phổ
biến hơn là nhấn mạnh tính đặc thù; định vị vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước
tập trung vào định hướng, dẫn dắt và thực hiện những dịch vụ công, đầu tư các dự
án trọng điểm quốc gia mà các thành phần kinh tế khác không đủ năng lực hoặc
không có nhu cầu đầu tư.
Bốn là, các tham luận làm rõ những yêu cầu nâng cao năng lực kiến tạo,
quản trị quốc gia và năng lực tự chủ, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Đổi
mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tăng cường năng lực phân tích, đánh giá,
dự báo trên các lĩnh vực. Thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và dân chủ
hoá đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát tốt quyền lực, đề cao trách nhiệm giải
trình và đạo đức công vụ. Xây dựng và thực thi nghiêm các chế tài đủ mạnh nhằm
ngăn chặn hành vi cửa quyền, độc quyền; cơ chế xin - cho; lợi ích nhóm; đẩy lùi
tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn
xã hội.
Năm là, chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là công nghệ số, khai thác, sử dụng, phân
phối, chia sẻ có hiệu quả các nguồn lực sẵn có, dư thừa để làm gia tăng giá trị
các nguồn lực của nền kinh tế.
Sáu là, đã làm rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát huy nguồn lực
kinh tế trong Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị tập trung phân tích về nguồn
nhân lực, nguồn vật lực, nguồn tài lực gắn với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột
phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội XIII: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển,
trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển
nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng
đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Có được những kết quả trên, tôi đánh giá cao kết quả cuộc Hội thảo do
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức. Tới đây, Báo điện tử Đảng Cộng sản
Việt Nam tiếp tục tổ chức các cuộc Hội thảo làm rõ các điều kiện và kết quả thực
hiện 3 đột phá chiến lược Nghị quyết Đại hội XIII đề ra.
Cảm ơn các vị đại biểu, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, chuyên gia, nhà
khoa học, đại diện UBND các tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp đã dành thời
gian, tình cảm, trách nhiệm tới tham dự và có ý kiến tham luận sâu sắc, tâm huyết
đóng góp vào thành công của Hội thảo.
Chúng tôi xin trân trọng tiếp thu toàn bộ ý kiến tham luận trực tiếp và
các bài viết trong Kỷ yếu gửi tới Ban Tổ chức. Trong thời gian tới, chúng tôi rất
mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà
khoa học và các doanh nghiệp, các đơn vị, địa phương để Ban Tuyên giáo Trung
ương có cơ sở tiếp tục tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác định hướng
tuyên truyền về Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị thường xuyên hơn, chất lượng
hơn, hiệu quả hơn, góp phần đưa nhanh Nghị quyết vào cuộc sống./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét