Nhìn lại thế kỷ XX và hai thập niên đầu của thế kỷ XXI càng cho thấy sự cần thiết và cấp bách phải phát triển lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc một cách sáng tạo, trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh tiến trình tổ chức thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là yêu cầu tất yếu, là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác lý luận của Đảng ta.
Trung thành, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác
Một nhu cầu tự nhiên trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ
Tổ quốc hiện nay là chúng ta phải trở về với Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách
nghiêm chỉnh, khoa học, sáng tạo. Nguyên tắc bất di bất dịch ở đây là cần
nghiên cứu và thấu triệt nó với tư cách không chỉ là một nền tảng tư tưởng về
phương diện chính trị-xã hội, một cương lĩnh chính trị-khoa học về mặt hành động
cách mạng, một chỉnh thể toàn vẹn về mặt cấu trúc hệ thống, một thực thể vận động
và thống nhất về bình diện khoa học-thực tiễn mà còn là một lý thuyết-thực tiễn
mở về phương diện xã hội- lịch sử và là một tổng thể phương pháp luận khoa học
và cách mạng, như chính bản thân học thuyết Mác-Lênin chứa đựng và thể hiện.
Do sự kết tinh những tư cách và phẩm chất đó, Chủ nghĩa Mác-Lênin, tự
nó đã là một khoa học mang tính cách mạng sâu sắc. Vì nó là học thuyết không chỉ
nhằm giải thích thế giới mà quan trọng hơn là, nhằm cải tạo thế giới. Nói cách
khác, Chủ nghĩa Mác-Lênin tuyệt đối không phải là thứ khoa học tự thân nào đó
mà là khoa học về cách mạng, khoa học của thực tiễn và vì thực tiễn lịch sử nhằm
tới giải phóng con người khỏi sự chế ngự bởi “vương quốc tất yếu”, dẫn tới
“vương quốc tự do”.
Cho nên, nó hàm chứa trong nó khả năng tự phát triển không ngừng, thông
qua hành động cách mạng chứ không phải là những cương lĩnh suông hay những giáo
lý nhăm nhăm chỉ học thuộc lòng là đủ. Do đó, nói kiên định với Chủ nghĩa
Mác-Lênin cũng chính là phải không ngừng phát triển nó bằng thực tiễn cách mạng
sáng tạo; đồng thời, tỉnh táo chống lại một cách kịp thời và hiệu quả mọi biểu
hiện của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại làm vấy bẩn,
méo mó và xuyên tạc nó. Đó là con đường đúng đắn nhất, khoa học nhất và cách mạng
triệt để nhất để làm cho nó phát triển không ngừng.
Đó cũng chính là mục đích, là con đường, là môi trường, là bước đi, là
thước đo hiệu quả; đồng thời, là thách thức, là vận hội phát triển, là chân trời
của sự sáng tạo của công tác lý luận của chúng ta hiện nay nhằm xây dựng hệ thống
lý luận thật sự trở thành nhân tố dẫn dắt thực tiễn sự nghiệp đổi mới xây dựng
chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XXI. Đó cũng là sứ mệnh lịch sử
làm nên vị trí không thể thay thế của Chủ nghĩa Mác-Lênin, với tư cách là một học
thuyết cách mạng và khoa học.
Xét cho cùng, toàn bộ công tác lý luận tư tưởng của chúng ta, về thực
chất là nhằm tới mục đích góp phần trực tiếp xây dựng một đường lối chính trị độc
lập, tự chủ và sáng tạo về lý luận của Đảng để dẫn dắt công cuộc xây dựng chủ
nghĩa xã hội thành công, trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh.
Lịch sử cách mạng nước ta 91 năm qua xác nhận: Do kiên định và phát triển
linh hoạt Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó tìm đúng bản chất,
tính quy luật và quy luật vận động riêng của xã hội Việt Nam và xu thế vận động
chung của thời đại một cách sáng tạo; đồng thời, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn,
đẩy lùi mọi biểu hiện và di họa của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa giáo điều,
chủ nghĩa cơ hội, Đảng ta đã xây dựng thành công một đường lối cách mạng độc lập,
tự chủ và sáng tạo cho cách mạng nước ta.
Kiên định và phát triển sáng tạo học thuyết mác-xít. Ảnh minh họa: tuyengiao.vn. |
Ở tầm vĩ mô, công tác lý luận đã góp phần quan trọng trong việc kiến giải
hàng loạt vấn đề khoa học-thực tiễn rất cơ bản và quan trọng, đưa đất nước tiếp
tục phát triển trên con đường xã hội chủ nghĩa, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là: Về đặc điểm và nội dung của thời đại
ngày nay; về mô hình và con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; về sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa; về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngang tầm sự nghiệp đổi mới đất
nước,...
Đầu tư xứng tầm cho công tác nghiên cứu lý luận để bảo vệ, phát triển
Chủ nghĩa Mác-Lênin
Bước sang thế kỷ XXI, sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học và công
nghệ, xu thế toàn cầu hóa với xung lực là kinh tế tri thức đang tiến với tốc độ
“một ngày bằng cả trăm năm” đã và đang đặt ra trước đất nước những trọng trách
mới, ngày càng to lớn, phức tạp và khó khăn hơn.
Có thể hình dung, hàng loạt vấn đề vừa có ý nghĩa chiến lược vừa cấp
bách đặt ra: Toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư là gì và vấn đề định vị chiến lược quốc gia ra sao? Tầm nhìn chiến lược và định
vị con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong tầm nhìn 2030, 2045 ở nước ta là gì?
Những vấn đề về việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa gồm những nội hàm gì? Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội
nhập kinh tế quốc tế hiện nay và sắp tới như thế nào? Xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và kiến tạo hệ thống chính trị tương dung ra
sao? An ninh quốc tế với an ninh quốc gia gồm những gì? Xây dựng Đảng dẫn dắt sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm xây dựng quốc gia thành nước công
nghiệp, hiện đại là như thế nào?...
Cả một loạt vấn đề hết sức cơ bản và bức thiết mệnh hệ tới tương lai của
đất nước đang đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải trả lời cấp
bách, trong lúc những vấn đề mới mẻ và khó khăn ấy, khi mất đi, các nhà kinh điển
Mác hay Lênin không để lại một lời chỉ dẫn nào một cách cụ thể cả. Vì thế, công
tác lý luận của chúng ta phải góp phần gánh vác và tìm ra lối đi cho đất nước,
dưới ngọn cờ của Đảng.
Cơ hội và thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải vừa kiên định, vừa phát
triển sáng tạo không ngừng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát
từ hoàn cảnh cụ thể của nước ta và xu thế vận động của thời đại, từ đó hoạch định
đường lối đúng đắn, tiếp tục đề ra những giải pháp hữu hiệu cho công cuộc xây dựng
chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Bài học không thành công của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở không ít quốc
gia, trong thế kỷ XX, đã cho thấy một cách thuyết phục về mối quan hệ giữa kiên
định và phát triển sáng tạo học thuyết mác-xít có tầm quan trọng sống còn như
thế nào. Trong quá khứ, ở không ít nơi, với không ít người, sự kiên định bị biến
thành thói bảo thủ, rập khuôn, tới mức giáo điều; và sự sáng tạo lại được bóp
méo và nhảy sang thái cực hoặc là thực dụng hoặc là cơ hội, thậm chí xét lại.
Chủ nghĩa Mác-Lênin bị vi phạm một cách thô bạo, bị làm cho biến dạng, bị xuyên
tạc tới mức thảm hại dẫn tới đổ vỡ, thảm bại một cách nặng nề, không thể cứu
vãn nổi trên bình diện lịch sử thực tiễn ở không ít quốc gia, trong thế kỷ XX
và cả những lúng túng ở những năm 20 của thế kỷ XXI, như chúng ta đã thấy.
Vì thế, phải coi việc công khai giữ vững, kiên định vô điều kiện nguyên
tắc tính đảng mác-xít là vấn đề có ý nghĩa thành bại, sinh tử, đặc biệt là
trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa giáo điều và những
khuynh hướng cơ hội, xét lại hiện đại. Nếu không như vậy, chắc chắn rằng, chúng
ta trước sau vẫn chỉ là người “ngây thơ khờ khạo”, “vẫn là kẻ ngốc nghếch bị
người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”, như Lênin từng nói.
Từ xuất phát điểm nguyên tắc đó, hơn bao giờ hết, công tác lý luận phải
tự nhận về mình và làm thật tốt trọng trách kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn việc
nghiên cứu cơ bản Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với nghiên cứu triển
khai thực tiễn trong nước, tiếp thu một cách chọn lọc với thái độ cầu thị kinh
nghiệm tốt của các nước khác nhằm tiếp tục góp phần cơ bản và quan trọng trong
quá trình hoạch định và quyết sách đường lối chính trị của Đảng, chính sách và
pháp luật của Nhà nước, trước hết trên tầm vĩ mô.
Thực tiễn lịch sử cho thấy: Không có lý luận thì xu hướng cách mạng mất
quyền tồn tại và sớm hay muộn, nhất định sẽ rơi vào tình trạng phá sản về chính
trị. Sự thăng trầm của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế kỷ XX đã cảnh báo và chứng
thực lời tiên báo đó của chính Lênin chứ không phải ai khác.
Do vậy, trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải bảo
đảm sự thống nhất giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu triển khai-thống nhất
giữa lý luận với thực tiễn nhằm phát triển lý luận, chủ động đáp ứng những nhu
cầu phát triển của thực tiễn, dẫn dắt thực tiễn phát triển một cách đúng đắn và
hiệu quả. Lấy thực tiễn để đối chiếu, kiểm nghiệm, bổ sung và phát triển lý luận,
chứ không phải lấy lý luận chứng minh cho thực tiễn. Nói như Mác, ở khía cạnh
này, một bước tiến trong thực tiễn có giá trị hơn cả một tá cương lĩnh, là như
vậy. Nhưng đồng thời nên nhớ rằng, không thể có một lý luận cách mạng nào ngoài
thực tiễn cách mạng.
Đó là con đường bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách khoa học, cách mạng
và triệt để nhất; là sự thể hiện sinh động tư tưởng kiên định và phát triển
sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách chủ động, nhằm làm
cho công tác lý luận thực sự góp phần xứng đáng trong việc hoạch định đường lối
chính trị của Đảng ta một cách đúng đắn, phù hợp. Vì chỉ có như thế, chúng ta mới
thực sự chủ động đấu tranh không khoan nhượng và hiệu quả với những quan điểm
sai trái, những lực lượng chống lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của
nhân dân ta, dưới ngọn cờ của Đảng, bảo vệ tinh thần cách mạng và khoa học của
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vấn đề có tính then chốt là phải tiếp tục xác lập và đổi mới cơ chế hoạt
động của công tác lý luận của Đảng, bảo đảm nó ngang tầm với nhiệm vụ của sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Nói cụ thể hơn, cần thiết phải xây dựng một cơ chế vận hành về mặt pháp lý và tổ
chức, với những quy chế, phương thức và bộ máy (mềm) cho phép và cụ thể, để thu
hút, đối đãi, phát huy đội ngũ những người làm công tác lý luận hoạt động một
cách đúng hướng, tập trung, nhằm góp phần xây dựng đường lối chính trị của Đảng
một cách khoa học, cách mạng và phù hợp với thực tế nước ta và tương dung với
thời đại.
Cơ chế này nhằm tập hợp và điều tiết ở ba khâu chính, với ba lực lượng
chủ yếu, một cách tương đối. Ba khâu đó là, lý luận, chế định và tổ chức thực
tiễn; và ba lực lượng đó, gồm các nhà lý luận; các nhà hoạch định đường lối,
chính sách và các nhà tổ chức thực tiễn. Mục tiêu cuối cùng của cơ chế vận hành
này phải đạt được là tham mưu đúng đắn, xây dựng một đường lối chính trị cách mạng
và khoa học dẫn dắt đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững trên con đường xã hội
chủ nghĩa.
TS NHỊ LÊ- Báo QĐND online