Một cách chung nhất, có thể nói, lý tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người muốn hướng đến, muốn vươn tới và do vậy mà con người sẽ ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thậm chí hy sinh quên mình để quyết tâm đạt cho bằng được. Là cán bộ, đảng viên thì không thể không có lý tưởng cách mạng, vì đây là tiêu chí hàng đầu để khẳng định phẩm giá, tư cách chân chính của người cộng sản.
Ngọn đuốc soi đường cho cán bộ, đảng
viên đi đúng hướng
Trong cuộc sống của mỗi con người
có thể có các loại lý tưởng khác nhau. Có lý tưởng sống được con người nuôi dưỡng
suốt cả cuộc đời; cũng có lý tưởng thuộc về một mặt nhất định nào đó, chẳng hạn
như lý tưởng chính trị, lý tưởng học vấn, lý tưởng nghề nghiệp, lý tưởng đạo đức,
v.v.. Dù là loại nào thì lý tưởng cũng đều đóng vai trò định hướng, có tác dụng
điều chỉnh hoạt động và đặc biệt là có sức mạnh kích thích con người hành động.
Con người sống trong xã hội mà nếu không có lý tưởng thì thật là vô vị, là “sống
hoài, sống phí”.
Sống trong một chế độ xã hội nhất
định nào đó thì lý tưởng cách mạng của con người thuộc vào loại lý tưởng chính
trị. Bởi vậy, lý tưởng cách mạng không phải là cái gì đó quá viển vông, xa vời
hoặc quá trừu tượng mà con người không bao giờ có thể đạt tới. Lý tưởng chính
trị của người cách mạng trong thời kỳ mà giai cấp tư sản vừa lúc mới manh nha,
còn non trẻ là lật đổ sự thống trị của giai cấp phong kiến già cỗi, bảo thủ, cản
trở sự phát triển để thiết lập chế độ chính trị tư sản, xác lập quyền thống trị
của giai cấp tư sản đang lên. Lý tưởng cách mạng của những người công nhân giác
ngộ sống trong xã hội tư bản đầy rẫy bất công là lật đổ, xóa bỏ chế độ người
bóc lột người, mong ước xây dựng một xã hội tự do, công bằng, nhân văn, bình đẳng.
Lý tưởng cách mạng chung của những
người yêu nước chân chính ở các nước đã từng là thuộc địa của chủ nghĩa thực
dân không có gì khác hơn là đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước và dân tộc
mình.
Ảnh minh họa/ tuyengiao.vn |
Dưới ách thống trị gần 100 năm của
chủ nghĩa thực dân, những người yêu nước và các đảng viên cộng sản Việt Nam đã
không sợ gông cùm, không chịu khuất phục trước sự tra tấn, đàn áp vô cùng dã
man và bắn giết không cần xét xử của những kẻ xâm lược. Họ nung nấu lý tưởng giải
phóng Tổ quốc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, giành lại tự do thật sự
cho dân tộc, độc lập hoàn toàn cho đất nước, tiến tới xây dựng một xã hội mà
con người được sống trong tự do, công bằng, bình đẳng, không còn tình trạng người
áp bức, bóc lột người. Đó cũng chính là lý tưởng cách mạng xuyên suốt của Đảng
và của các đảng viên chân chính tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản
Việt Nam.
Trong tất cả các giai đoạn cách mạng
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính lý tưởng cách mạng “không có
gì quý hơn độc lập, tự do” đã thúc đẩy mọi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần
chịu đựng gian khổ, vượt qua mọi hiểm nguy, dấn thân, xông pha vào những nơi
khó khăn nhất, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh thân mình vì độc lập, tự do của Tổ
quốc. Nhờ vậy mà cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thành công, hai cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã thắng lợi trọn vẹn, giang sơn bị chia cắt
nhiều năm đã được thu về một mối.
Tiếp nối truyền thống cách mạng của
cha ông thuở trước, giờ đây, đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng nhận thức rõ
lý tưởng như Bác Hồ từng khẳng định, đó là: “Mang lại tự do, hạnh phúc cho dân
tộc”; “phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”; “không có
gì quý hơn độc lập, tự do”; “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Những
người theo lý tưởng cách mạng của Đảng cũng ra sức thực hiện Cương lĩnh năm
2011: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một
xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;
có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ
sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con
người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện;
các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ
nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp
tác với các nước trên thế giới (1).
Nhờ sự đoàn kết nhất trí, sự đồng
lòng ra sức phấn đấu, lao động kiên cường của cả dân tộc, trong đó có các cán bộ,
đảng viên, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ,
tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(2). Để hiện thực hóa được lý
tưởng xây dựng một xã hội dân chủ, tự do, công bằng, nhân văn, dân giàu, nước mạnh,
đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ
nhân dân vô điều kiện; phải vì lợi ích của nhân dân mà ra sức phấn đấu; đồng thời
phải biết kết hợp hài hòa lợi ích của bản thân với lợi ích của đất nước và của
nhân dân.
Cảnh báo sự sa sút lý tưởng cách
mạng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên
Tiếc rằng trong thời gian vừa
qua, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên rất đáng quan ngại. Biểu hiện đầu tiên trong 27 biểu
hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa
XII của Đảng chỉ ra là một bộ phận cán bộ, đảng viên: “Phai nhạt lý tưởng cách
mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Trong lĩnh vực tư tưởng chính trị,
đã có không ít cán bộ, đảng viên, thậm chí có một số ít cán bộ giảng dạy lý luận
chính trị nhưng bản thân, ở các mức độ khác nhau, không còn tin vào những quan
điểm cơ bản, những chân lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin; tuyên truyền những điều
không phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng, bất chấp những thành tựu to lớn,
rất đáng tự hào mà đất nước đã đạt được trong công cuộc đổi mới, phát triển đất
nước hiện nay và được thế giới đánh giá cao. Cần lưu ý rằng, sự phủ nhận ngấm
ngầm, không bộc lộ ra mặt của họ một khi có cơ hội sẽ bùng phát cũng đáng ngại
và nguy hại không kém. Tấm gương tày đình về sự thờ ơ, phai nhạt, phản bội lý
tưởng cách mạng đã từng xảy ra trong Đảng Cộng sản Liên Xô có hàng chục triệu đảng
viên, trong lực lượng vũ trang của Liên Xô một thời rất hùng mạnh và ở nhiều nước
xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây là bài học đắt giá mà chúng ta không thể lơ
là, chủ quan, mất cảnh giác hay coi thường.
Báo động về sự suy thoái đạo đức,
lối sống, nhất là về sự suy thoái lý tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, kể
cả một số cán bộ cấp cao, trong thời gian vừa qua hết sức đáng ngại. Chủ nghĩa
cá nhân, động cơ kiếm tiền, bao che để trục lợi, lợi dụng khe hở của công tác
quản lý và luật pháp để thu vén, làm giàu cho bản thân và gia đình đều là những
nguyên nhân trực tiếp khiến người có chức, có quyền, có địa vị cao trong xã hội
trở thành tội phạm. Nhưng nguyên nhân chủ yếu mang tính quyết định, dẫn họ đến
sự thoái hóa đó chính là sự tu dưỡng của bản thân quá kém, đặc biệt là sự phai
nhạt lý tưởng cách mạng, điều mà họ đã từng tuyên thệ trung thành suốt đời trước
cờ Đảng khi họ được kết nạp vào Đảng.
Rõ ràng là sự lao dốc của những
cán bộ đã từng trải ấy trên các cương vị công tác họ được đảm nhận, suy đến
cùng là do lối sống buông thả, do sự tham lam quyền lực vô độ, muốn có thật nhiều
tiền, muốn làm giàu thật nhanh mà không nghĩ đến hậu quả. Chính họ đã không đủ
can đảm để chống lại những "bả" vinh hoa, phú quý không chính đáng. Sự
lao dốc không phanh ấy, một lúc nào đấy thuận lợi, rất có thể sẽ dẫn đến chỗ
góp phần bán rẻ cả đồng chí, đồng đội, phản bội lại Tổ quốc và quay lưng lại với
nhân dân.
Bài học rút ra từ những vụ tiêu cực
từ nhỏ đến lớn, nhất là nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng trong thời gian vừa
qua, còn là do chúng ta thiếu một đạo luật đủ sức ngăn chặn sự lợi dụng và sự
tham nhũng quyền lực ở nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội khi chúng
ta chấp nhận nền kinh tế thị trường, nơi mà đồng tiền có sức mạnh thống trị và
quan hệ "tiền trao cháo múc" chi phối; nơi mà mọi thứ đều có thể đem
ra trao đổi, mặc cả, mua bán. Karl Marx đã từng cảnh báo rằng, “tiền là sự
xuyên tạc một cách phổ biến những cá tính mà tiền biến thành những cái đối lập
với chúng... Sau đó, tiền biểu hiện với tính cách là lực lượng có tác dụng
xuyên tạc... Tiền biến trung thành phản, yêu thành ghét, ghét thành yêu, đức hạnh
thành thói xấu, thói xấu thành đức hạnh, tớ thành chủ, chủ thành tớ, ngu thành
khôn, khôn thành ngu”(3).
Trọn đời trung thành với Đảng, tận
hiếu với dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc
Điều quan trọng hàng đầu cần phải
làm để phòng ngừa, chống lại sự phai nhạt lý tưởng cách mạng là quán triệt sâu
sắc cho mỗi cán bộ, đảng viên về lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng
và nhân dân. Chỉ có sự tự ý thức và sự tự giác thấm nhuần lý tưởng ấy trong mọi
tình huống thì mỗi cán bộ, đảng viên mới có thể làm tròn trọng trách của mình
trước Đảng, trước nhân dân. Đó là giải pháp quan trọng hàng đầu bên cạnh việc
các tổ chức đảng phải thường xuyên, liên tục giáo dục tư tưởng, đạo đức và
phong cách cho mỗi cán bộ, đảng viên theo tấm gương Hồ Chí Minh.
Sự kết hợp giữa việc thường xuyên
giáo dục chính trị, đạo đức với thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, nhất
là nghiêm chỉnh thực hiện điều lệ Đảng và nhiệm vụ đảng viên, là cơ sở quan trọng
giúp đề phòng và từng bước khắc phục được sự suy thoái về chính trị và đạo đức,
từ đó đề phòng một cách hiệu quả sự suy thoái lý tưởng cách mạng, để Đảng và mỗi
đảng viên được nhân dân luôn yêu mến, kính trọng và tin tưởng.
Chúng ta không ai được quên điều
căn dặn ngày 7-6-1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, “ta phải biết làm cho phần
tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó
là thái độ của người cách mạng”; rằng “một dân tộc, một đảng và mỗi con người,
ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai
vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa
vào chủ nghĩa cá nhân”(4).
Phòng và chống chủ nghĩa cá nhân
thật tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng, chống sự suy thoái về chính
trị, đạo đức, lối sống, nhất là trong việc phòng, chống sự suy thoái lý tưởng
cách mạng ở mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều
biến đổi nhanh chóng, khó lường như hiện nay và trước yêu cầu, nhiệm vụ của sự
nghiệp cách mạng, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải coi việc thấm nhuần và thực
hành đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, một lòng tận
trung với Đảng, tận hiếu với dân, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân
chính là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa sự suy thoái, nhạt phai lý tưởng
cách mạng, qua đó giữ vững vị thế, vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt, dẫn
dắt và lãnh đạo nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh.
GS, TS NGUYỄN TRỌNG CHUẨN, Phó chủ
tịch Hội Triết học
(1) Nguyễn Phú Trọng, "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", NXB
Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2022, tr24
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2021, tập 1, tr25
(3) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự
thật, H.2000, tập 42, tr215
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật,
H.2011, tập 15, tr672
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét