Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

Truy quét tội phạm ẩn danh trên không gian mạng

[CAND] Đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới chao đảo, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đã từng có thời điểm mọi hoạt động, tương tác, quan hệ, giao dịch của xã hội chủ yếu diễn ra trên không gian mạng…, kéo theo đó là việc đối tượng xấu lợi dụng không gian mạng để thực hiện tội phạm và các vi phạm pháp luật. Sau đại dịch, tội phạm trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp với nhiều xu thế và loại hình mới. Trên “trận địa ảo”, công việc của các cán bộ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vì thế chưa bao giờ hết “nóng”.

1. Hà Nội những ngày thời tiết đỏng đảnh, đang nắng gắt bỗng bất ngờ đổ mưa tầm tã. Trong phòng làm việc, các trinh sát Phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm (ANM & PCTP) sử dụng công nghệ cao lặng lẽ trước màn hình máy tính. Họ “chạy đua” với thời gian, theo sát hoạt động của nhóm đối tượng đánh bạc trên không gian mạng. Với các trinh sát Phòng 5, những buổi trực xuyên ngày đêm như vậy không còn là chuyện hiếm.

Vài năm trở lại đây, tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng diễn biến phức tạp với nhiều loại hình như: cá cược thể thao, game bài đổi thưởng. Để thu hút người chơi, tránh sự phát hiện, đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng, các đối tượng lập ra hàng trăm trang mạng có máy chủ đặt tại nước ngoài hoặc xây dựng các “app” đánh bạc trên điện thoại thông minh và tổ chức quảng cáo với đa dạng loại hình.

Đối tượng ở nước ngoài cấu kết với số đối tượng trong nước tổ chức thành các băng, nhóm, đường dây tội phạm có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, chặt chẽ; có “chân rết” ở hầu hết các địa phương; hoạt động liên lạc, giao, nhận tiền diễn ra bí mật, nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, Cục ANM & PCTP sử dụng công nghệ cao đã phát hiện và tổ chức đấu tranh 366 chuyên án, với hơn 1.800 vụ việc liên quan đến hoạt động đánh bạc và tổ chức đánh bạc; cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố hơn 1.200 vụ án, với gần 6 nghìn đối tượng. Tuy nhiên, lợi nhuận của việc tổ chức đánh bạc khiến các đối tượng vẫn hoạt động phức tạp, với thủ đoạn tinh vi hơn.

Hiện nay, tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc phát hiện ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, mỗi đường dây có sự tham gia của cả nghìn con bạc. Hoạt động biến tướng đã thêm nhiều hình thức như đặt cược tài chính theo quyền chọn nhị phân, cá cược thể thao điện tử. Hình thức đánh bạc qua mạng được quảng cáo rộng rãi, dễ dàng truy cập trên không gian mạng với phương thức thanh toán ngày càng tiện lợi, khó bị phát hiện đã thu hút người chơi.

Việc đấu tranh với tội phạm đánh bạc trên không gian mạng vì thế càng thêm khó khăn, bộn bề. Khi bắt tay vào một chuyên án cũng là thời điểm 24/24h, các trinh sát của đơn vị thay phiên nhau nắm bắt tình hình trên không gian mạng. Quá trình nắm bắt, họ xác định trang web bong88.com là trang đánh bạc trực tuyến, máy chủ được đặt tại Mỹ, giao diện website thể hiện nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt. Bong88.com tổ chức các hình thức đánh bạc gồm: thể thao (cá cược các môn thể thao: bóng đá, bóng rổ, quần vợt…), casino, xổ số; là nhà cái hoạt động tổ chức đánh bạc theo hình thức tín chấp.

Quá trình dày công theo dõi, vào 8h30' ngày 15/6/2022, Cục ANM & PCTP sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an TP Hà Nội đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 18 địa điểm là nơi ở và nơi làm việc của các đối tượng; triệu tập, làm việc với 17 đối tượng. Kết quả khám xét đã thu giữ 3,35 tỷ đồng tiền mặt, 3 ôtô, hàng chục máy tính bảng, điện thoại, nhiều chứng minh nhân dân, thẻ ngân hàng và đồ vật, tài liệu phục vụ hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc cũng như hoạt động kinh doanh tài chính có dấu hiệu cho vay lãi nặng.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân. Các đối tượng tuỳ theo xu hướng, thị hiếu, nhu cầu của người dân để xây dựng các kịch bản; phương thức phạm tội chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức; triệt để lợi dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động tội phạm. Nổi lên một số thủ đoạn phổ biến như giới thiệu việc làm, tuyển cộng tác viên chốt đơn, bán hàng online, giả danh lực lượng Công an, nhân viên ngân hàng, bưu chính để gọi điện lừa đảo, tạo lập các website, trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức để đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng. Từ việc nhận diện đúng đối tượng, 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 840 chuyên án, vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (tăng 42 % so với 6 tháng cuối năm 2021); khởi tố 225 vụ án, với 185 bị can…

2. Hiện nay, các thế lực thù địch xác định không gian mạng là môi trường trọng điểm để tiến hành các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự. Hoạt động này đang diễn ra thường xuyên, liên tục, nhưng thường tập trung mạnh vào thời điểm đất nước diễn ra các sự kiện chính trị lớn.

6 tháng đầu năm, các đối tượng tập trung tuyên truyền, chống phá vào các thời điểm diễn ra các hoạt động quan trọng như Hội nghị Trung ương 5, khoá XIII; kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XV; công tác phòng, chống tham nhũng, việc điều tra xử lý một số sai phạm trên lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản (vụ Việt Á, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, FLC)…

Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là tạo lập, xây dựng, phát triển hàng nghìn trang mạng, hội nhóm, tài khoản mạng xã hội (Facebook, YouTube, Zalo...) để tung tin, tuyên truyền xuyên tạc, lồng ghép các thông tin thật giả, kết hợp với các vụ việc nhạy cảm, phức tạp để “chính trị hóa”, hình thành “phong trào phản đối”, tạo dư luận xấu trên không gian mạng, gây bất ổn xã hội.

Cán bộ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh với đối tượng vi phạm trên không gian mạng.

Một trong những chuyên án xuất sắc, ghi dấu ấn nổi bật của Cục ANM & PCTP sử dụng công nghệ cao là vụ bắt, xử lý 10 đối tượng lợi dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia xảy ra tại Hà Nội, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh… Trong đường dây này, các đối tượng cầm đầu, cốt cán sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm ẩn danh thông tin, có nhiều hành động đối phó, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, gây rất nhiều khó khăn cho công tác xác minh, truy tìm.

Từ sự vào cuộc của Cục ANM & PCTP sử dụng công nghệ cao đã làm rõ toàn bộ hoạt động của nhóm đối tượng này trên không gian mạng. Chuyên án triệt phá thành công, lực lượng Công an đã triệt phá hoàn toàn tổ chức nhen nhóm phản động trên không gian mạng với hơn 350.000 thành viên; ngăn chặn nhiều bài viết có nội dung xấu, độc, góp phần làm trong sạch không gian mạng…

Hoạt động “tín dụng đen” qua mạng cũng diễn biến phức tạp, nổi lên là hình thức cho vay ngang hàng, lãi suất lên tới 90-100% tháng, chủ yếu do đối tượng người nước ngoài cầm đầu, hoạt động có sự liên kết, móc nối chặt chẽ với đối tượng trong nước.

Mới đây, Cục ANM & PCTP sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây phạm tội có tính chất phức tạp xuyên quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng trong nước thực hiện. Qua đấu tranh, đến ngày 12/7, các đơn vị nghiệp vụ xác định, có khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng Vndong, Hitien, Zdong, Hvay với tổng số tiền khách hàng vay là 1.802,1 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 659,6 tỷ đồng, số tiền thực tế khách hàng đã trả nợ là 830,1 tỷ đồng, phí phạt là 9,87 tỷ đồng, lượng tiền chiếm hưởng là 322,6 tỷ đồng.

Cùng với đó là tội phạm tạo lập các sàn giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân (B0) dưới hình thức đầu tư tài chính thuộc quyền quản lý, điều hành của tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đặt văn phòng tại Việt Nam cũng diễn biến phức tạp. Thời gian qua, các đối tượng trong ổ nhóm thường tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu trực tuyến, cam kết về các khoản lợi nhuận “khủng” nên đã lôi kéo, thu hút được số lượng lớn người đầu tư.

Khi huy động được số lượng người chơi, tiền đầu tư, các đối tượng can thiệp vào hệ thống hoặc thao túng, hạ thấp giá trị của đồng tiền ảo để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hoạt động tiền ảo vẫn diễn ra khó kiểm soát. Các tổ chức trong và ngoài nước lợi dụng việc phát hành tiền ảo, tiền kỹ thuật số để huy động vốn, lôi kéo khách hàng đầu tư tài chính, trả hoa hồng cho khách hàng theo mô hình đa cấp; dùng tiền ảo để ẩn danh giao dịch thanh toán cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Kết thúc bài viết này, tôi lại nhớ đến tâm sự của một cán bộ Cục ANM & PCTP sử dụng công nghệ cao trong một lần được phỏng vấn: Cuộc cách mạng lần thứ 4 mang lại cả cơ hội và thách thức. Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trên không gian mạng không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách mà còn là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan đoàn thể, công dân.

Xuân Mai

Không có nhận xét nào:

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...