VOV.VN - Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng vừa được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến quy định cụ thể các chế tài xử lý.
Các ý kiến thảo luận đều nhất trí việc ban hành quy định, bởi thực tiễn cho thấy các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.
Nêu câu hỏi, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đặt vấn đề trong trường hợp toà án, thẩm phán ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì có phải là quyết định hành chính hay không; và nếu là quyết định hành chính thì cơ chế khiếu nại, khiếu kiện giải quyết thế nào?
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới băn khoăn dự thảo quy định khi toà thụ lý hồ sơ thì thẩm quyền xử phạt không thuộc công an nhân dân nữa. Tuy nhiên, thực tế có hành vi cản trở hoạt động tố tụng vẫn diễn ra không chỉ trong phiên toà mà cả ngoài phiên toà, mọi lúc, mọi nơi.
Việc không giao thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND là chưa ổn. Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thắc mắc thi hành án là giai đoạn hoạt động tố tụng và nếu có hành vi cản trở thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh này hay không?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị làm rõ hành vi cản trở thi hành án bởi còn không ít khó khăn, phức tạp. “Đền bù giải toả mà đến ngày cưỡng chế lại có văn bản của cơ quan này, cơ quan kia phát ra bảo dừng lại xem xét; can thiệp trực tiếp bằng văn bản, chứ chưa nói chuyện can thiệp giấu mặt” – ông Vương Đình Huệ lưu ý.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo yêu cầu “chuyển ngay” hồ sơ thì Luật xử lý vi phạm hành chính đã rõ thế nào là “chuyển ngay” hay chưa? Không chuyển ngay thì có cấu thành hành vi vi phạm hành chính và bị xử lý hay không? Rồi nhận được hồ sơ mà không xử lý, không hồi âm thì giải quyết thế nào?
“Nói chung quy định chưa chặt chẽ về việc này. Nhiều khi chuyển xong mất tăm. Các cơ quan nhiều khi điều chỉnh bằng quy chế phối hợp nhưng nói thật là không nghiêm, thích làm thì làm, không thì thôi; hoặc vấn đề cấp bách hơn lại chưa ưu tiên xử lý trước” – ông Vương Đình Huệ nói.
Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị pháp lệnh dẫn chiếu rõ hơn tới các chế tài trong Luật xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo cơ sở pháp lý và tính thống nhất.
Bà Đặng Hoàng Oanh cũng cho rằng, một số hành vi có mức xử phạt trong dự thảo lại nặng hơn hoặc nhẹ hơn cả về mức phạt chính và phạt bổ sung so với các nghị định liên quan của Chính phủ.
Giải trình về các vấn đề được nêu ra, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính giao Chính phủ hướng dẫn ở Nghị định 82 và Nghị định 71 và khâu thi hành án đã được giải quyết, do đó pháp lệnh này không đề cập.
Còn quy định chuyển hồ sơ theo luật tối đa 7 ngày, nếu có dấu hiệu hình sự thì công an tiến hành khởi tố, không thì trả lại xử lý hành chính. Trường hợp nhận hồ sơ mà không làm thì xử lý vi phạm trong thực hiện công vụ của cán bộ, công chức hoặc xử lý mức cao hơn tuỳ từng mức độ.
Về việc không giao thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND, Phó Chánh án TAND tối cao cho biết lý do được nêu rõ trong Tờ trình, theo đó nếu phân định thẩm quyền cho Chủ tịch UBND xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ trái với một số quy định và không phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhất là đối với các vụ việc liên quan đến bí mật quân sự và quân nhân quốc phòng. Dự thảo phân định thẩm quyền này cho Công an nhân dân, Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự. Tuy nhiên, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giao cả cho Chủ tịch UBND thì ban soạn thảo xin tiếp thu, tuy nhiên sẽ có trường hợp loại trừ cho phù hợp.
Báo cáo làm rõ thêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ cho biết, liên quan đến quyết định xử phạt của toà án có bị khiếu nại, khiếu kiện hay không thì Điều 15 của Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu thực hiện theo Luật Khiếu nại, Luật Tố áo và cơ quan ra quyết định giải quyết lần đầu, còn lần 2 thì cơ quan cấp trên giải quyết. Điều 30 của Luật cũng loại trừ 4 quyết định, trong đó có quyết định của toà xử phạt vi phạm tố tụng.
Lý giải vì sao mức xử phạt trong pháp lệnh có cao hơn hoặc thấp hơn ở một số hành vi so với nghị định của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Thuỷ nhấn mạnh dự thảo chỉ quy định các nhóm hành vi theo 3 bộ luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính chứ không được vượt quá. Mức phạt cũng theo “lim” nghị định của Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình làm rõ tại sao xử phạt trong lĩnh vực tư pháp nặng hơn so với hành vi thông thường. “Ví dụ như đánh người gây thương tích thì trong luật hình sự đã quy định rồi, nhưng công an, kiểm sát viên đánh người thì đấy là hành vi nặng, buộc phải xử nặng. Hay trường hợp làm hồ sơ giấy tờ giả, trong trường hợp bình thường thì có thể xử lý nhẹ hơn, nhưng cơ quan tố tụng làm sai hồ sơ giấy tờ thì liên quan đến sinh mạng con người nên phải xử nặng hơn”.
Ông Nguyễn Hoà Bình cũng khẳng định mức xử phạt được thiết kế theo khung quy định và việc áp dụng có thể ở mức tối đa theo luật đặt ra chứ không vượt quá thẩm quyền.
Trước các ý kiến băn khoăn về việc không giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND, Chánh án TAND tối cao cho rằng ban soạn thảo nên tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng có trường hợp loại trừ, ví dụ khi UBND là đương sự trong vụ việc.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan khẩn trương phối hợp tiếp thu, rà soát và hoàn thiện dự thảo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua ngay trong phiên họp chuyên đề này, dự kiến sáng 18/8./.
Theo VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét