[QĐND] 10 năm qua (2012-2022), đã có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Riêng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự.
Nhiều “quan chức” cấp cao hầu tòa khiến dư luận cộm lên một câu hỏi: Lỗi
ấy do đâu? Một câu hỏi nhức nhối và đó là lý do nhóm phóng viên Báo Quân đội
nhân dân tổ chức loạt bài này.
Bài 1: “Bẫy” suy thoái không cấp thẻ miễn trừ
Không tự giác sẽ biến mình thành người có tội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Tham nhũng là "khuyết tật
bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của
chế độ ta. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận
gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”. Nhận định ấy có nghĩa là, nơi nào có
quyền lực nhà nước thì nơi ấy có nguy cơ xảy ra tham nhũng.
Nhận định ấy cũng rất đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh, khi mà từ 70 năm
trước (năm 1952), Người từng viết: “Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng
hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch,
nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay
thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự
giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”.
Phát biểu trước tòa, ông Đinh La Thăng cựu Ủy viên Bộ Chính trị, người
từng được Đảng, Nhà nước giao rất nhiều trọng trách, đã rơi nước mắt nhắc lại
những năm tháng tuổi trẻ với sự hy sinh, cống hiến tuổi xuân trên công trường
thủy điện Sông Đà. Nghe ông nói, không ai phủ nhận ông đã có một thời tuổi trẻ
sôi nổi, với một lý tưởng sống rất đẹp. Nhưng khi bước lên những nấc thang của
quyền lực, đứng đầu một tập đoàn kinh tế, đứng đầu một bộ, ông đã cố ý (hoặc vô
tình) làm trái các quy định của pháp luật, gây ra những hậu quả to lớn, nghiêm
trọng cho kinh tế đất nước.
Ông nắm rõ quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước, nhưng vẫn
cố tình thu xếp cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ trúng thầu quyền thu phí
một tuyến cao tốc, gây thất thoát 725 tỷ đồng. Ông biết rõ việc góp vốn của Nhà
nước vào OceanBank là trái thẩm quyền, không đúng chức năng nhưng vẫn cố tình
ký kết, làm thất thoát 800 tỷ đồng... Đó chỉ là hai trong nhiều vụ án mà ông
Đinh La Thăng bị khởi tố, cho thấy ông đã “tự tung, tự tác”, tự cho mình quyền
coi thường kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, người
giữ vai trò quyết định trong thực hiện dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG bất
chấp quy định của pháp luật. Hành vi của ông Son và đồng phạm gây thiệt hại tài
sản Nhà nước 6.500 tỷ đồng. Riêng ông Son nhận 3 triệu USD tiền hối lộ trong vụ
việc này. Một hành vi tham ô khủng khiếp, không gì bào chữa được. Ông Son từng
là sĩ quan quân đội, đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cuộc
chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhưng những phẩm chất cao quý mà ông tích
lũy được trong quân ngũ đã bị bắn gục bởi “viên đạn bọc đường” khi đã lên đến một
nấc rất cao của danh vọng.
Minh họa: QUANG CƯỜNG |
Ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương là một ví dụ điển hình về
sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ông đã sử dụng quyền lực được
nhân dân ủy thác để vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang
Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; quyết định điều động và
đề cử Vũ Quang Hải tham gia Hội đồng quản trị Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải
khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc
Sabeco. Trên cương vị Bộ trưởng, ông Vũ Huy Hoàng đã có ý kiến chỉ đạo Sabeco
góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP Hồ Chí Minh) và tiền
của Sabeco để thành lập liên doanh Sabeco Pearl, đầu tư thực hiện dự án
"xây dựng khách sạn 6 sao" tại khu đất trên. Sau đó, ông lại chỉ đạo
Sabeco thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl, dẫn tới quyền quản lý, sử dụng
khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng bị chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân
trái pháp luật, gây thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng. Những hành vi của ông đã vi
phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không
được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng
viên; vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Nếu nhắc tới sự tha hóa phẩm chất khi đã ngồi vào vị trí “chức trọng,
quyền cao", chúng ta không khỏi đau xót khi nhắc đến ông Nguyễn Đức Chung,
cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ông trưởng thành trong ngành công an, từng là người
cảnh sát hình sự nổi tiếng dũng cảm, từng lập được không ít chiến công trên
lĩnh vực phòng, chống tội phạm, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân
dân, trở thành một vị tướng công an khi độ tuổi còn trẻ. Với những phẩm chất
đáng quý đó, người dân từng tràn trề hy vọng ông sẽ có những đóng góp xứng đáng
khi trở thành người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội. Nhưng sự suy thoái không có
“thẻ miễn trừ” với bất kỳ ai, khi ông sa vào chủ nghĩa cá nhân, khi ông bỏ quên
sự tu dưỡng, rèn luyện các phẩm chất đạo đức và để chủ nghĩa danh lợi lấn át.
Ông bị tòa án tuyên phạm tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước";
“lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với tổng mức hình phạt
trong 3 vụ án là 12 năm tù tính từ ngày bị bắt 28-8-2020. Đáng nói hơn, ông
Nguyễn Đức Chung có học vị tiến sĩ luật, rất hiểu biết pháp luật nhưng lại cố
tình vi phạm pháp luật.
“Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí
rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một vài cành
cây sâu mọt để cứu cả cây”-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong tiếp
xúc cử tri Hà Nội ngày 23-6-2022.
Không thể đổ lỗi cho cơ chế
Một số trường hợp “quan chức” kể trên sa ngã trên những con đường khác
nhau nhưng ở họ có một điểm chung: Họ từng là những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà
nước nhưng khi được giao những chức quyền cao cấp, họ đã trượt xuống vũng bùn của
chủ nghĩa cá nhân, đánh mất những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà họ đã đánh đổi cả
tuổi xuân để tôi luyện. Ngự trị nơi đỉnh cao quyền lực, họ lơ là phòng bị, để “giặc
trong lòng” đánh bại hoàn toàn. Sự tha hóa của những người có quyền lực hoàn
toàn không phải là điều xa lạ với những người cộng sản, và không thể đổ lỗi cho
bất kỳ cơ chế nào.
Cách đây ngót 180 năm, khi nghiên cứu sự tha hóa của quyền lực nhà nước
ở Tây Âu, Các Mác đã đưa ra những cảnh báo: Quyền lực nhà nước càng lớn thì sự
tha hóa của nó càng nguy hiểm, nó càng gần với tư cách một lực lượng tự trị
thoát khỏi sự kiểm soát của con người. Các Mác coi giới quan chức tạo thành một
xã hội đóng kín trong nhà nước. Nhà nước chỉ còn tồn tại dưới dạng những lực lượng
quan chức cụ thể khác nhau và với mỗi quan chức cụ thể thì “mục đích nhà nước
biến thành mục đích cá nhân của y, thành việc chạy theo chức tước, thành việc
mưu danh, cầu lợi”.
Sự tha hóa của giới quan chức là biểu hiện của việc tha hóa quyền lực
chính trị, đây dường như là căn bệnh chung của mọi kiểu nhà nước. Các Mác đặc
biệt lưu ý sự tha hóa của quyền lực trong nền kinh tế thị trường, đó là hiện tượng
tôn thờ đồng tiền, bất chấp đạo lý. Ông đã viết: “Sức mạnh của tiền lớn bao
nhiêu thì sức mạnh của tôi cũng lớn bấy nhiêu... Tôi là người xấu, không thật
thà, không có lương tâm, ngu ngốc, nhưng tiền được tôn thờ thì người có tiền
cũng được tôn thờ, tiền là cái tốt cao nhất thì người có nó cũng tốt”.
Từ phân tích của Các Mác về nguy cơ tha hóa của những người giữ quyền lực
mà những người cộng sản đặt ra yêu cầu rất cao của việc giữ gìn phẩm chất đạo đức
cách mạng. Lênin từng yêu cầu phải “lay động các tòa án nhân dân và dạy cho họ
biết trừng trị một cách không thương xót, kể cả việc đem bắn những kẻ lạm dụng
chính sách kinh tế mới”, “đối với người cộng sản phải trừng phạt nặng hơn gấp
ba lần so với những người ngoài đảng”, “tôi rất mong chúng ta có thể đuổi ra khỏi
đảng từ 10 vạn đến 20 vạn người đã len lỏi vào đảng và đã không những không biết
đấu tranh chống bệnh giấy tờ cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh
này”.
Lênin cũng cảnh báo hai khuynh hướng sai lầm trong đấu tranh chống sự
suy thoái của những người giữ quyền lực nhà nước: Một là, quan niệm giản đơn,
đây là căn bệnh dễ chữa trị nên những người cộng sản có thể hạn chế, khắc phục
nó chỉ trong thời gian ngắn. Hai là, cho rằng đó là thuộc tính xã hội của quyền
lực nhà nước nên sự tồn tại của tham nhũng là tất yếu, con người chỉ có thể hạn
chế mà không thể xóa sạch nó.
PGS, TS Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái
Nguyên từng trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân về văn hóa liêm chính
trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay: “Trước đây, trong các cuộc kháng
chiến, bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã xây dựng nên một xã hội
liêm chính với tinh thần “con cá, chột nưa”, kể cả trong thời bao cấp thì văn
hóa “cho không lấy, thấy không xin, xin không cho” vẫn lan tỏa trong xã hội như
một nếp sống đẹp. Đến khi mở cửa, hội nhập với thế giới, phát triển kinh tế thị
trường, chúng ta đã sớm biết rõ tác hại từ mặt trái của nó, nói một cách hình ảnh
là khi ta mở cửa thì cùng với những làn gió tươi mới, mát lành cũng không thể
tránh khỏi có cả những làn gió độc bay vào.
“Văn hóa thực dụng” xuất hiện, dẫn tới nhiều cái xấu độc cũng bị ngộ nhận
trở thành văn hóa. Đồng tiền chi phối cuộc sống khiến nhiều quan niệm văn hóa bị
méo mó, lệch lạc. Ví dụ, bây giờ có những cán bộ liêm chính mà tác phong, lối sống
quá giản dị thì thường bị dư luận chê là nghèo, cổ hủ, lạc hậu. Hoặc có những
cán bộ trong sạch, gương mẫu nhưng không được xung quanh ủng hộ, cùng lắm là được
“kính nhi viễn chi”, được an ủi, động viên riêng lẻ chứ ít được ủng hộ công
khai. Hay những người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực lại bị chính người
thân phản đối, ghẻ lạnh. Đó là những vấn đề khiến văn hóa liêm chính chưa lan tỏa
mạnh mẽ trong cộng đồng”.
Lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh, từ khi trở thành Đảng cầm quyền
cho đến nay, những người cộng sản Việt Nam đã nêu những tấm gương sáng ngời về
đạo đức khi được nhân dân giao phó giữ chức trọng, quyền cao. Chủ tịch Hồ Chí
Minh là lãnh tụ tối cao của dân tộc và Người đã hiến cả cuộc đời cho lý tưởng độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại,
Người là hiện thân của đạo đức mới, đạo đức cộng sản. Trong di sản mà Người để
lại cho con cháu mai sau, có một kho báu vô tận đó là nền tảng đạo đức “cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư”.
Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã
hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực
sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải
chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những
giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường
mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định,
kiên trì theo đuổi”.
Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên khi phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc
tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực ngày 30-6-2022, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại giãi bày tâm sự: “Cái quý nhất của con người là cuộc
sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho
khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn
vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt,
xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng
cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời-sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ
quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của
nhân dân”.
Bằng con đường thực hành đạo đức cách mạng trong cơ chế phát triển kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất định những người cộng sản Việt
Nam sẽ tránh được “bẫy” suy thoái của quyền lực. Con đường đó không hề bằng phẳng,
dễ dàng, thậm chí sẽ phải trả giá bằng việc loại ra khỏi đội ngũ rất nhiều cán
bộ cấp cao vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Cùng với thực hành đạo đức
cách mạng, Đảng, Nhà nước còn phải thực thi kiểm soát quyền lực. Vấn đề này sẽ
được chúng tôi đề cập ở những bài viết tiếp theo.
“Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực
hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi
con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi
ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ
thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu
quả. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham
nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình”-Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng phát biểu ngày 30-6-2022.
(Còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét