Tác phẩm của Bác là di huấn đối với thế hệ cán bộ, đảng viên
"Hơn nửa thế kỷ sau khi ra đời, đến nay tác phẩm vẫn vẹn nguyên giá trị đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với mỗi cán bộ, đảng viên. Tác phẩm là di huấn, là lời căn dặn mà Người để lại cho các thế hệ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, quyết tâm phòng, chống và đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng" - ông Huỳnh Tấn Việt cho biết.
Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người tập trung phần lớn vào việc lên án chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ rõ: “giặc nội xâm- giặc ở trong lòng còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm, bởi vì nó phá từ trong phá ra”.
Bác chỉ trích cả những người mắc bệnh công thần, tức là có một chút công trạng đã kể công với Đảng, đã đòi hỏi Đảng phải đối xử trọng đãi như thế nào. Bác viết rất nghiêm khắc, có những người vì mắc chủ nghĩa cá nhân mà biến Đảng thành một chiếc "cầu thang" để leo lên từng bậc danh vọng.
"Những người mắc cơ hội chủ nghĩa, việc lớn không làm được, việc nhỏ thì không làm, học hành thì biếng nhác, công việc thì trễ nải, cuối cùng là vi phạm tổ chức kỷ luật của Đảng và mắc tội, trở thành chống Đảng. Những cân nhắc, phân tích như thế cực kỳ sâu sắc - là một lời cảnh báo nghiêm khắc cho chúng ta trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời”- GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Theo nhà báo Đức Lượng – nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân, chủ nghĩa cá nhân hay cá nhân chủ nghĩa là một quan điểm phản ánh khuynh hướng lấy việc thực hiện những mục đích và quyền lợi riêng tư làm lẽ sống, làm điểm xuất phát cho mọi suy nghĩ và hành động, cho mọi quan hệ đối xử với người khác trong xã hội, theo một quan niệm “lợi mình, hại người”, đặt quyền lợi của cá nhân trên quyền lợi tập thể.
Mặc dù được báo động từ rất lâu, rất xa, liên tục đề ra các giải pháp đề phòng, ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân, nhưng trong Đảng và cả hệ thống chính trị ngày nay, chủ nghĩa cá nhân vẫn tồn tại, ngày càng trầm trọng, phát triển theo hướng tinh vi, phức tạp; không còn ở từng cá thể riêng lẻ, mà còn có sự tập hợp, liên kết “tập thể chủ nghĩa cá nhân” cùng chung lợi ích, chi phối mọi người. Thậm chí, không ít người rao giảng chống chủ nghĩa cá nhân mà bản thân mình lại có những biểu hiện của cá nhân chủ nghĩa.
Nói về khởi điểm, nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân, nhà báo Đức Lượng cho rằng, ngoài nguyên nhân từ mặt trái của kinh tế thị trường, bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, còn có nguyên nhân khác là bắt đầu từ “sự phân tâm, vô cảm, ngoài cuộc của một bộ phận khá lớn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
“Ngày nay, trong xã hội và ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, không ít người vô cảm. Họ vô cảm trước những người yếu thế, khó khăn, nghèo đói, oan sai,... Từ sự phân tâm, vô cảm, dẫn đến thái độ ngoài cuộc. Những người tự cho mình ngoài cuộc, “mũ ni che tai”, thường chạy trốn liên quan để vô can, không dám dấn thân để minh tường phải trái. Rất nhiều dẫn chứng về các bức xúc chính đáng của dân, người có trách nhiệm đã lạnh lùng ngoảnh đi như không biết. Có lẽ từ sự phân tâm, vô cảm, ngoài cuộc này của không ít cán bộ, đảng viên là khởi đầu cho sự suy thoái, biến chất ở một bộ phận đội ngũ chúng ta, cũng là nhân tố làm nên khái niệm “đông mà không mạnh”” – nhà báo Đức Lượng cho biết.
Chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ hàng đầu
Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho rằng, lúc này, chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ hàng đầu và là giải pháp quan trọng, căn cơ, tổng hợp đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
Chống chủ nhĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng là hai nhiệm vụ phải làm cùng lúc. Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng và muốn nâng cao đạo đức cách mạng phải ngăn chặn, đẩy lùi, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn thẳng thắn cho rằng, ngành Giao thông là một trong những ngành tiêu rất nhiều tiền. Do đó, chủ nghĩa cá nhân trong quản lý Nhà nước “tiêu nhiều tiền” dễ sinh ra những căn bệnh nguy hiểm như tham lam, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, vi phạm pháp luật. Từ đó sẽ ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị của toàn ngành giao thông vận tải.
Vì vậy, để thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong thời gian tới, Đảng bộ Bộ GTVT thấy rằng, cần quán triệt thực hiện tốt các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đây là nội dung quan trọng có giá trị cả thực tiễn và lý luận để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên.
“Nhiệm kỳ trước, chúng tôi có nhiều sai sót, vi phạm. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, rất nhiều đoàn kiểm tra, Uỷ ban Kiểm tra, Thanh tra và có nhiều vụ việc vi phạm đã xảy ra. Do đó, Đảng bộ thấy rằng cần phải đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm, nâng cao trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu...” – ông Lê Anh Tuấn cho biết./.
Theo VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét