Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

Nhiếp ảnh gia Nick Út: Nếu Kim Phúc chết, có thể tôi sẽ tự sát!

                Tôi từng hỏi: Liệu có nhân vật nào “cũ như trái đất” mà mỗi lần gặp vẫn thấy họ như chưa hết mới? Lập tức, tôi nghĩ đến nhiếp ảnh gia Nick Út (tên thật: Huỳnh Công Út, sinh năm 1951) và bức ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng của ông.

          Kể từ khi ra đời đến nay, bức ảnh có tính lịch sử này vẫn như đang kể tiếp câu chuyện của nó. Và tác giả của bức ảnh vừa có chuyến trở về Việt Nam, kỷ niệm hành trình 50 năm “Em bé Napalm”. 

          Cứ nghĩ sau chiến tranh Việt Nam, nhân loại hết đau khổ

          - Phóng viên:  Thưa nhiếp ảnh gia Nick Út, mốc thời gian 50 năm khiến ông cảm thấy như thế nào?

Bức ảnh “Em bé Napalm”. Ảnh: Nick Út

          - Nhiếp ảnh gia Nick Út: Thật khó để tôi có thể nói một điều gì đó khác hơn nữa, mới hơn nữa so với những gì tôi đã từng kể suốt 50 năm qua. Câu chuyện, nhân vật, thời khắc lịch sử khi tôi giơ chiếc máy ảnh lên để bấm bức ảnh khủng khiếp đó, vĩnh viễn đã được “đông lạnh” hoàn toàn, trong cái ngày 8/6/1972 đó.

          Năm nào cũng thế, sắp đến ngày này, tôi nhận được rất nhiều lời mời gặp gỡ ở khắp nơi. Thực ra, chữ “kỉ niệm” gợi nhắc đến một ngày vui, ngày hội ngộ, ngày gặp gỡ,… nhưng đồng thời, cũng là một ngày rất buồn. Nửa thế kỷ đã trôi qua, cái khung cảnh bầy trẻ nhỏ chạy ra khỏi đám cháy do bom Napalm gây ra vẫn còn sống như in trong tâm trí tôi. Có ai sung sướng cho nổi khi nhớ về cảnh đó. Bao nhiêu con người chết vì bom đạn; và bao nhiêu con người còn sống mà cũng hồ như đã chết? Khi chụp bức ảnh đó, chàng thanh niên Nick Út đang ở tuổi đôi mươi, giơ máy ảnh chụp hình còn khóc. 

          - Khi đã có một độ lùi về thời gian, cảm xúc của ông hôm nay có gì khác đi không?

          - Nhà tôi nằm trên một ngọn đồi, gần phi trường Los Angeles (thuộc tiểu bang Califonia, Hoa Kỳ). Mỗi lần máy bay bay ngang qua làm rung chuyển cả nhà, tôi lại nhớ những chuyện hồi xưa. Xem những phim về chiến tranh, những ký ức cũ lại đội mồ sống dậy. Đêm về, thỉnh thoảng, những giấc ngủ vẫn chập chờn.

          Nhiều năm về trước, trong một lần được mời sang Tokyo (Nhật Bản) nói chuyện, người ta phóng to bức ảnh đó của tôi. Kết thúc sự kiện, tôi mang tấm ảnh đó về Mỹ treo giữa phòng. Thỉnh thoảng mở cửa bước vào phòng, ngồi lặng lẽ trước nó, tôi  - ông Nick Út tuổi 70 vẫn rơi nước mắt. Kim Phúc – nhân vật chính của bức ảnh có tay có chân; nhưng tay chân cô đang cháy. Không thể nào quên được.

          50 năm sau chiến tranh Việt Nam, tôi cứ nghĩ nhân loại sẽ không còn súng ống, đạn bom nữa và con người sẽ thôi đau khổ, mất mát, chết chóc. Nhưng không phải. Đó cũng là điều khiến tôi rất buồn.

          Đó vẫn là một câu chuyện cần được kể tiếp

          - Vẫn biết thật nhạt nhẽo nhưng tôi buộc phải hỏi ông một câu mà chắc hẳn đã có rất nhiều nhà báo từng hỏi: Ngày 8/6/1972 đó, đã xảy ra điều gì và câu chuyện nào dẫn đến bức ảnh “Em bé Napalm”?

          - Không sao. Câu chuyện cũ nhưng nhiều người trẻ bây giờ không biết. Cũng có những người không còn trẻ nữa, biết nhưng quên/ hoặc cố tình quên. Tôi nghĩ, nó vẫn là câu chuyện cần được kể tiếp trong bối cảnh đương đại này, để loài người hiểu chiến tranh tàn khốc ra sao.

          Sáng ngày 8/6/1972, tôi rời Sài Gòn tới Trảng Bàng (Tây Ninh) và thấy hàng ngàn người bị thương, bị chết, nhiều người chạy tứ phía. Tôi chuẩn bị lên xe về lại Sài Gòn để gửi hình cho tòa soạn (hãng tin AP) thì máy bay liên tục thả bom, làm mọi thứ rung chuyển. Khói mù mịt. Tôi hét lên với đồng nghiệp: “Chắc chẳng còn ai trong ngôi làng đó nữa đâu (khoảng 8.000 người dân sinh sống). Nhưng từ màn khói đen xịt, chúng tôi thấy một người đàn ông ẵm một đứa bé đã chết, thấy một người đàn bà lớn tuổi ẵm một đứa nhỏ 3 tuổi yêu cầu “hãy giúp cháu tôi, giúp cháu tôi”. Đứa bé này sau đó cũng không qua khỏi. Trên người hai đứa nhỏ đầy vết bỏng do bom Napalm gây ra.

          Lúc đó, có mười mấy nhà báo quốc tế đứng bên đường quốc lộ, trong đó có tôi. Phần lớn nhà báo có mặt khi đó nghĩ khoảnh khắc đứa bé không qua khỏi trên tay người bà mới là bức ảnh “đắt giá”, có sức mạnh tố cáo tội ác của chiến tranh. Tôi lúc đó có 4 máy ảnh mang theo bên người. Một mặt, tôi cũng chụp cảnh đó như đồng nghiệp của mình; nhưng mặt khác, khi hướng về phía chùa Cao Đài, thấy một bầy nhỏ chạy theo sau, trong đó có một cô bé trần truồng vừa chạy vừa gào thét giữa đường, chính là Kim Phúc, 9 tuổi. Tôi tự hỏi không biết vì sao em bé này không mặc quần áo. Tôi chụp rất nhiều. Khi đến gần thì mới tá hỏa khi thấy tay em vẫn đang cháy. Tôi không chụp nữa vì nghĩ nếu tôi cứ đứng chụp, cô bé này sẽ chết mất. Tôi kiếm nước tưới vào cô. Kim Phúc mới hét lên: “Chú đừng tưới nước nữa. Con muốn uống nước”. Tôi mới mượn tạm một chiếc áo mưa quân đội che lại cho em bớt nóng. Sau đó, tất cả nhà báo quốc tế cũng rời đi, còn mình tôi ở đó, thấy Kim Phúc và mấy đứa nhỏ khác đang đứng run rẩy trên quốc lộ. Xung quanh tan hoang, nóng và khói. Không đành lòng, tôi kêu lái xe chở em đến một bệnh viện ở Củ Chi gấp.

          - Không giống phần lớn đồng nghiệp của mình – tập trung vào cảnh người bà ẵm đứa bé đã chết, vì sao lúc đó, ông Nick Út lại lia ống kính vào bầy trẻ nhỏ đang vừa chạy, vừa kêu thất thanh?

          - Ảnh chụp một người chết đúng là có sức mạnh tố cáo; nhưng tôi nghĩ, ảnh chụp “một người còn sống” (về mặt sinh học) trong hoàn cảnh cụ thể đó, đôi khi, “đắt giá” và có sức nặng hơn nhiều.

          - Lúc đưa Kim Phúc đi bệnh viện, điều ông sợ nhất là gì?

          - Tôi sợ cô bé chết giữa đường. Kim Phúc nói với anh trai: “Chắc em chết mất, anh Tâm ơi”. Bạn thử hình dung xem, lưng cô bé bị bỏng gần hết, không thể nằm xuống được. Lúc đó, tôi còn trẻ quá, biết làm gì đây? Tôi không có nhiều kinh nghiệm trong việc trấn an, thương tụi nó quá nhưng bối rối chẳng biết phải làm sao vì lũ trẻ khóc hoài, khóc miết. Tôi cũng run theo. Cho tới khi lên được xe đi rồi, sự kinh hãi tột độ vẫn chưa hết trong mắt chúng.

          - Trên chuyến xe đi bệnh viện đó, mấy đứa trẻ kể cho ông chuyện gì?

          - Lúc bom sắp nã xuống ngôi làng, mấy đứa nhỏ đang chơi nhảy dây. Sau đó, Kim Phúc nhìn thấy máy bay thả bom rồi hét lên, mấy đứa nhỏ bắt đầu co giò chạy.

          - Ông có nghĩ đến trường hợp xấu nhất là Kim Phúc không qua khỏi?

          - Khi đến nơi, bệnh viện ở Củ Chi từ chối tiếp nhận vì đã quá tải và nguồn thuốc thì cạn kiệt, đề nghị tôi đưa bé về bệnh viện nhi ở Sài Gòn. Nhưng từ Củ Chi về đến Sài Gòn phải chạy xe hết cả tiếng đồng hồ, tôi sợ, cô bé sẽ không thể chịu nổi. Tôi phải nói rất gay gắt, lấy thẻ nhà báo ra “dọa” rằng tôi là phóng viên của một hãng quốc tế lớn, nếu bác sĩ không tiếp nhận nạn nhân, ngày mai, hình ảnh cô bé và lời từ chối của bệnh viện sẽ được đăng tải cho cả thế giới biết. Có lẽ họ sợ nên đã đồng ý. Lúc ấy, tôi đã nghĩ, nếu cô bé chết, tôi có thể cũng sẽ tự sát. Và nếu Kim Phúc chết, bức ảnh cũng chẳng còn giá trị gì nữa.

Nhiếp ảnh gia Nick Út và bà Kim Phúc - “Em bé Napalm” năm nào. Ảnh: NVCC

          Sống để nhớ lấy mọi điều

          - Ông có một ông anh trai tên là Huỳnh Thanh Mỹ - phóng viên ảnh của AP, đã tử nạn ở chiến trường Cần Thơ. Trong gia đình, đã có một câu chuyện nhãn tiền như thế, vì sao ông vẫn chọn con đường nguy hiểm này?

          - Nếu không theo nghề này, tôi – chắc cũng giống như phần lớn thanh niên miền Nam khi đó, phải lên đường quăng quật vào cuộc chiến. Rủi ro như nhau.

          Anh Mỹ qua đời khi tôi 14, 15 tuổi. Anh là người đã dạy tôi chụp hình. Mỗi lần anh đi công tác về nhà, thể nào cũng đưa cho cả nhà xem những bức ảnh anh chụp. Anh nói, việc mỗi ngày thấy đồng bào mình chết trong rừng, trên đường khiến anh buồn rất nhiều. Anh cũng nói, anh muốn chụp được một tấm hình thay đổi chiến tranh. Từ ngày bắt đầu vào AP cho tới nay, lỗ tai của tôi luôn văng vẳng điều mà anh tôi nói. Tôi nghĩ, anh ấy đã phù hộ độ trì cho tôi nhìn ra khoảnh khắc vàng để chụp được một bức ảnh có tính lịch sử ấy.

          - Ông có thấy mình là người rất may mắn khi “bắt” được một khoảnh khắc để đời đó?

          - May mắn chứ. Nhưng nó là một thứ may mắn lưu đày với những ám ảnh khôn nguôi. Từng kinh qua nhiều chiến trường, chụp không biết bao nhiêu tấm ảnh, “Em bé Napalm” vẫn là bức ảnh đặc biệt nhất trong cuộc đời của tôi. Bức ảnh mang đến vinh quang lẫn những di chứng tổn thương về mặt tinh thần song hành. Tôi nghĩ, đó là một điều không thể nào khác được. Và có lẽ, là một điều bắt buộc phải thế. Chúng ta phải sống mà nhớ lấy tất cả mọi điều.

          - Bức ảnh “Em bé Napalm” đã thay đổi cuộc đời ông ra sao?

          -  Tôi nghĩ, bức ảnh không chỉ làm thay đổi cuộc đời tôi, mà làm thay đổi cả cuộc đời Kim Phúc mãi mãi. Sau khi qua khỏi vòng kiểm duyệt (vì yếu tố khỏa thân) và được xuất bản, bức ảnh gây chấn động trên toàn thế giới, nhiều cuộc biểu tình nổ ra. Nó được cho là góp phần vào việc chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam, cũng là minh chứng về sức ảnh hưởng tạo nên sự thay đổi cục diện chiến tranh của nhiếp ảnh chiến trường.

          - Nếu bây giờ có một lời mời ra chiến trường chụp hình, ông có tham gia nữa không?

          - Có lẽ không. Tôi già rồi. 50 năm trước, tôi còn trẻ, chưa có gia đình, chẳng có gì để mất, đồng nghĩa với việc tôi chẳng biết sợ là gì. Bây giờ thì khác. Tôi còn gia đình, những đứa cháu của tôi còn rất nhỏ. Với lại, trên cơ thể tôi, vẫn đang còn những vết sẹo của chiến tranh. Chúng ở đó mãi mãi, không bao giờ mất đi, để nhắc tôi rằng chiến tranh đáng sợ như thế nào.

          Chỉ có những người không trải qua chiến tranh mới không thấy nó đáng sợ.

          - Cảm ơn ông!

 

          Du Nguyễn (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...