[CAND] Xuyên tạc, suy diễn về tình hình tự do báo chí ở nước ta là một chiêu trò luôn được một số tổ chức, đối tượng cực đoan, thiếu thiện chí với Việt Nam sử dụng. Một trong số đó là tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF).
Ngày 3/5/2022, tổ chức RSF công bố cái gọi là “Bảng xếp hạng thường
niên về tự do báo chí” xếp hạng tự do báo chí toàn cầu. Chỉ số tự do báo chí thế
giới năm 2022 do RSF công bố xếp Việt Nam ở vị trí 174 trên 180 quốc gia và
vùng lãnh thổ. Các chỉ số cụ thể của Việt Nam được nêu ra gồm chỉ số chính trị ở
hạng 173, chỉ số kinh tế xếp hạng 176, chỉ số lập pháp 172, chỉ số xã hội 170
và chỉ số an ninh 170.
Trong bảng xếp hạng này, RSF đã vu cáo rằng: “các phóng viên và blogger
độc lập thường bị bỏ tù”. Tổ chức này còn tỏ vẻ bênh vực, cổ xúy cho một số hội
nhóm, cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Việt
Nam như “nhóm Báo sạch”, “Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”, ca ngợi những đối
tượng như Phạm Thị Đoan Trang. Ngay sau khi công bố của RSF được đưa ra, một số
tổ chức phản động, đối tượng cơ hội chính trị, những hãng truyền thông hải ngoại
vốn định kiến với Việt Nam được dịp trích dẫn, bình luận kiểu “tát nước theo
mưa”.
Đây không phải lần đầu tiên RSF đưa ra báo cáo dựa trên những thông tin
sai sự thật, không có cơ sở và có dụng ý xấu. Những luận điệu xuyên tạc của RSF
thực chất là trò “bổn cũ soạn lại”, mục đính nhằm bôi đen hiện thực, vẽ ra bức
tranh tối màu về tình hình tự do báo chí để đả phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, hạ
thấp uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Hình thành từ năm 1985, RSF tên tiếng Pháp đầy đủ là “Reporters sans
frontières”, có trụ sở quốc tế tại Paris.
Đây là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, lấy Điều 19, Tuyên
ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hiệp quốc làm cơ sở để hành động. Tôn chỉ
hoạt động của tổ chức này đưa ra để bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống
kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Hằng năm, vào
ngày Nhân quyền thế giới, tổ chức này thường đưa ra bảng xếp hạng về tự do báo
chí của các quốc gia, vùng lãnh thổ bằng cách tổng hợp các câu trả lời vào một
bảng câu hỏi của RSF. Nhìn vào tôn chỉ hoạt động, cứ ngỡ RSF là một tổ chức
chân chính, hoạt động vì sự tiến bộ, thúc đẩy tự do và văn minh của thế giới.
Nhưng trái ngược với chủ trương của Liên hiệp quốc, nhiều năm nay, tổ chức này
thường xuyên có những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự
do ngôn luận của một số nước, trong đó có Việt Nam.
Nhiều quốc gia trên thế giới cáo buộc RSF đứng đằng sau những vụ việc
phức tạp, gây rối, bất ổn, kích động bạo lực. RSF tồn tại và hoạt động dựa vào
một phần nguồn hỗ trợ kinh phí của một số chính giới phương Tây. Chính vì vậy,
trong các bảng xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF thường tuân theo sự sắp đặt
một cách có chủ ý của các chính phủ quốc gia tài trợ cho tổ chức này hoạt động.
Những yếu tố được tổ chức này sử dụng để đánh giá tự do của một nền báo chí thiếu
tính bao trùm, không cân nhắc đến các yếu tố văn hóa, xã hội, nhận thức của từng
quốc gia riêng biệt. Phần lớn những thông tin được đưa ra là không khách quan,
không có hoạt động khảo sát, kiểm chứng thực chất mà đó là những đánh giá thiếu
căn cứ hoặc được suy diễn, phóng đại.
Việc RSF xếp loại tự do báo chí ở Việt Nam thường dựa vào những thông
tin do số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị, có các hoạt động
vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp. Chính vì vậy, tổ chức này tìm cách bênh vực
cho những đối tượng khoác áo, mượn danh nhà báo như “nhóm Báo sạch”, “Hiệp hội
Nhà báo Độc lập Việt Nam”... Họ cố ý khoác áo nhà báo, ca ngợi, tán dương cho
những kẻ hoạt động chống phá Việt Nam.
Những thông tin mà “Bảng xếp hạng thường niên về tự do báo chí” năm
2022 của RSF là không khách quan, sai thực tế về tình hình tự do báo chí ở Việt
Nam. Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chúng
ta tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân
quyền: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý
kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá
thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn
về biên giới”.
Chúng ta thấy rõ, quyền con người, quyền công dân trên lĩnh vực đời sống
xã hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Nhà nước ta
bảo đảm, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Quyền tự
do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin là những quyền cơ bản của quyền con
người, của mọi công dân. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc
thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để đảm bảo quyền tự do ngôn luận,
báo chí và quyền hưởng thụ thông tin của mọi công dân được thực thi trong cuộc
sống theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các
văn bản quy phạm pháp luật hoàn toàn tương thích về mặt luật định đối với các
văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điều
11, Luật Báo chí năm 2016 chỉ rõ quyền của công dân: “Phát biểu ý kiến về tình
hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến
nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.
Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận báo chí của công dân bao gồm:
Quyền sáng tác tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông
tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; tham gia ý kiến xây dựng và thực
hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý,
phê phán, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng,
cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề
nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức cá nhân
khác. Nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận,
báo chí cũng được Luật Báo chí 2016 quy định: Không được đăng phát thông tin
xuyên tạc, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân
dân; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh
hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín cơ
quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... Như vậy, quyền và nghĩa vụ của
công dân luôn song hành, không tách rời nhau; mọi công dân Việt Nam đều có quyền
tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận báo chí, đồng thời đều phải có nghĩa vụ thực
hiện quyền ấy trong khuôn khổ pháp luật.
Tự do báo chí không thể vượt quá hạn định, không phải là tự do quá trớn,
càng không phải muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết, làm gì thì làm theo ý muốn
chủ quan của chủ thể. Cũng như bất kỳ các quốc gia trên thế giới, một mặt, Nhà
nước ta tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền
tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo
chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Mặt
khác, không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên
báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức
và công dân.
Ở Việt Nam, không ai bị xét xử, bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo
vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để
xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi
phạm pháp luật như tung tin giả, tin xấu độc, xuyên tạc, vu cáo hòng gây bất ổn
tình hình đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây
hoang mang dư luận... thì bị xử lý theo pháp luật.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có khoảng 41.000 nhân
sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 779 cơ quan báo chí (trong
đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử), 72 cơ quan được cấp
phép hoạt động phát thanh-truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193
kênh truyền hình. Chất lượng truy cập Internet Việt Nam cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn,
một số thông số cao hơn số liệu công bố bởi các hệ thống quốc tế. Điều này phản
ánh nỗ lực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam phục vụ
nhu cầu sử dụng Internet. Trong khi đó, sóng của các cơ quan truyền thông quốc
tế lớn như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… dễ dàng
được tiếp cận tại Việt Nam.
Rõ ràng, nội dung đánh giá của RSF vẫn tiếp tục phớt lờ thực tế về bảo
đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Càng ngày, RSF càng lộ rõ
bản chất định kiến với Việt Nam, cố tình phủ nhận những nỗ lực, thành tựu đạt
được của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm và tôn trọng quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí.
Chu Xuân Đại Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét