Sau khi Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã rút, điều chuyển phạm nhân về các trại giam để tổ chức quản lý giam giữ và bố trí lao động, đồng thời thực hiện thanh lý các hợp đồng đối với các đơn vị, doanh nghiệp hợp tác. Việc rút phạm nhân, xoá bỏ các điểm lao động, dạy nghề hợp tác ngoài trại giam từ năm 2019 đến nay đã tác động không nhỏ đến khả năng tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam.
Trong khi đó, tình hình tội phạm
ngày càng diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối
với công tác cải tạo, giam giữ. Hầu hết các trại giam lại đóng quân trên địa
bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực phía Bắc và miền
Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó
khăn cho việc tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân. Chính vì vậy, yêu cầu phải
tìm việc làm, tổ chức dạy nghề phù hợp cho phạm nhân là yêu cầu bức thiết đối với
công tác giáo dục, cải tạo để họ làm lại cuộc đời.
Vi phạm gia tăng vì không có lao động
Là những người gắn bó với công
tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, hơn ai hết, các cán bộ trong lực lượng Cảnh
sát quản lý trại giam hiểu rõ giá trị của lao động đối với giáo dục, cải tạo
con người. “Lao động không chỉ giúp các phạm nhân hiểu được giá trị của cuộc sống,
phấn đấu, cải tạo mà còn giúp họ hướng thiện, vượt qua lỗi lầm để làm lại cuộc
đời” – Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại
giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường Giáo dưỡng (QLTG, CSGDBB, TGD), Bộ Công
an cho biết.
Cũng chính vì vậy, trong những
năm qua, chính sách nhân đạo là cốt lõi nhất của công tác giáo dục, cải tạo người
lầm lỗi, giáo dục, giúp họ chuyển biến nhận thức, xác định rõ sai phạm, tội lỗi
để phấn đấu, cải tạo tiến bộ. Làm được điều đó, ngoài giáo dục chính trị, văn
hoá thì giáo dục dạy nghề để tạo công ăn, việc làm cho họ khi trở về cộng đồng
có việc làm ổn định, tự lo cho bản thân, gia đình, phòng ngừa tái phạm là công
tác rất quan trọng và thiết yếu.
Phạm nhân lao động tại khu liên kết giữa Trại giam Hoàng Tiến với Công ty Gốm Mỹ. Ảnh chụp năm 2019 |
“Các cụ dạy rằng “nhàn cư vi bất
thiện”, điều đó rất đúng, đặc biệt đúng đối với công tác quản lý trại giam vì nếu
không có lao động thì các phạm nhân sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. “Nghề”
quản lý phạm nhân của chúng tôi sợ nhất là những ngày nghỉ vì phạm nhân rảnh rỗi,
không lao động, học tập, ăn ở tập trung sẽ rất dễ xảy ra va chạm, xích mích, vi
phạm kỷ luật. Nhiều khi chỉ vì tranh nhau đánh răng trước hoặc đợi nhau đi vệ
sinh cũng có thể mâu thuẫn, thậm chí đánh, cãi nhau, ảnh hưởng lớn đến công tác
giáo dục” – Thiếu tướng Trần Văn Thiện cho biết.
Được biết, hiện nay, theo quy định
thì phòng giam phải đạt tiêu chuẩn 2m2/ phạm nhân; mỗi buồng giam 50m2 hoặc 100
m2. Như vậy, mỗi buồng giam có 25 phạm nhân (bằng 1 đội phạm nhân) hoặc 50 phạm
nhân (bằng 2 đội phạm nhân). Với số người ở tập trung đông như vậy, nhu cầu sử
dụng nước, vệ sinh cá nhân rất lớn, đặc biệt là mùa hè nóng bức thì nhu cầu này
tăng lên gấp bội. Chính vì vậy, nếu phạm nhân không có việc làm, ăn ở tập trung
sẽ nảy sinh nhiều phức tạp. Thực tế cho thấy, trong thời gian cả nước thực hiện
giãn cách để phòng, chống COVID-19, các phạm nhân không có việc làm thì vi phạm
nội quy tăng lên rõ rệt.
“Không đi làm, các phạm nhân nghĩ
ra đủ các trò để “giết” thời gian, thậm chí cả cá cược, cờ bạc. Ví dụ, họ cá cược
nhau xem cán bộ vào phòng thì bước chân phải hay chân trái trước; cán bộ sẽ gọi
đội nào trước… Những việc này tưởng rất vu vơ, vô thưởng vô phạt nhưng lại là
nguồn cơn của không ít mâu thuẫn, tiềm ẩn phức tạp, vi phạm quy định trại giam,
mất ANTT” – Thiếu tướng Trần Văn Thiện cho biết.
Đại tá Phạm Văn Nghị, Giám thị Trại
giam Thanh Phong chia sẻ, trong đợt dịch vừa qua, do giãn cách xã hội, phương
tiện của các doanh nghiệp không đi lại được, hàng hoá không tiêu thụ được dẫn đến
không có việc làm, có thời điểm các phạm nhân phải nghỉ cả tháng trời. Để giảm
bớt áp lực giam giữ, đảm bảo sức khoẻ cho phạm nhân, trại giam phải tổ chức cho
họ đi nhổ cỏ, quét dọn khuôn viên trại giam, thậm chí tạo điều kiện để các phạm
nhân đi bộ trong khu vực trại, tránh việc giam giữ lâu gây phức tạp.
Nhiều khó khăn trong tổ chức dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho phạm nhân
Mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm việc
làm, phối hợp với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho các phạm nhân nhưng công
tác hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động cho phạm nhân còn gặp nhiều khó
khăn, vướng mắc vì tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, số người bị
kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác cải tạo, giam giữ. Trong
khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn,
nhất là các trại giam khu vực phía Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân
tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, các doanh nghiệp không muốn đầu tư sản
xuất vào các trại giam vì lợi nhuận thu lại không cao.
Theo quy định của Luật Thi hành
án hình sự năm 2019 thì phạm nhân có quyền được lao động, học tập, học nghề
theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác này đang gặp rất nhiều khó
khăn vì các trại giam ở xa trung tâm kinh tế, chính trị của các địa phương, khó
tiếp cận với các thị trường tiêu thụ sản phẩm như đô thị, thành phố, khu công
nghiệp; giao thông đi lại khó khăn làm tăng chi phí vận chuyển.
Mặc dù pháp luật cho phép trại
giam được sử dụng đất, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để xây dựng
nhà xưởng lao động, dạy nghề trên đất trại giam quản lý. Tuy nhiên, việc sử dụng
đất phải chặt chẽ, bảo đảm nhiệm vụ an ninh là chính. Các doanh nghiệp, cá nhân
hợp tác chỉ được phép khai thác tài sản đầu tư trên đất, quyền trực tiếp quản
lý đất đai là các trại giam. Vì trại giam là đất an ninh – quốc phòng nên khi Bộ
Công an có quyết định thu hồi, xoá bỏ phương án sử dụng đất thì rủi ro, thiệt hại
về giá trị tài chính, thanh lý hợp đồng, tài sản trên đất cơ bản sẽ do tổ chức,
cá nhân hợp tác phối hợp với các trại giam chịu trách nhiệm, tiềm ẩn nhiều thiệt
hại về kinh tế, dẫn đến các tổ chức, cá nhân ngần ngại xem xét đầu tư hoặc khó
thực hiện mong muốn hợp tác lao động, tạo việc làm ngành nghề có tính chất lâu
dài với trại giam.
Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng,
nhà xưởng trước khi mời gọi tổ chức, cá nhân hợp tác cũng tăng chi phí đầu tư của
Nhà nước, Bộ Công an, trong khi nguồn nhân lực tài chính để tổ chức, đầu tư cho
hoạt động tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề chỉ được bố trí, khai thác từ
nguồn kết quả phạm nhân hàng năm với giá trị nguồn vốn hạn hẹp, rất ít so với
yêu cầu đầu tư tổng thể diện tích xưởng lao động, dạy nghề cho các trại giam
thuộc Bộ Công an.
Các ngành nghề lao động hiện nay
của phạm nhân cơ bản là lao động chân tay như sơ chế rau xanh, thủ công, nông
nghiệp, chăn nuôi… nên yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp, thời gian hợp
tác thường ngắn, theo từng năm. Một số ít trại giam tìm kiếm, bố trí, tổ chức
loại hình lao động về may mặc, bao bì nhưng quy mô nhỏ. Các nghề lao động kỹ
thuật cao không có điều kiện để đào tạo, nâng cao trình độ nên lao động của phạm
nhân trong trại giam không phản ánh sát với yêu cầu trình độ lao động của thị
trường, làm giảm hiệu quả của tái hoà nhập cộng đồng.
Nghị quyết được thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại
giam
Thiếu tướng Trần Văn Thiện cho biết,
mục đích của việc xây dựng Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động lao động,
hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam nhằm tạo cơ sở thống nhất
để tổ chức thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong vấn đề
này; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị
tái hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới;
bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân; giúp phạm nhân được hướng nghiệp,
đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, tay nghề, được thụ hưởng các thành quả lao
động, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng sau khi
chấp hành xong án phạt tù.
Một trong những vấn đề được nhiều
người quan tâm khi tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại
giam, đó là đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo.
Nói về phương án đảm bảo an ninh, an toàn khu lao động ngoài trại giam, Thiếu
tướng Trần Văn Thiện cho biết, phương án an ninh, an toàn cho khu lao động
ngoài trại giam được tính toán chặt chẽ từ trình tự thủ tục, kế hoạch tổ chức
hoạt động lao động, hướng nghiệp cho phạm nhân. Theo đó, doanh nghiệp phải xây
dựng khu quản lý, giam giữ, công trình làm việc của CBCS, nhà xưởng nơi phạm
nhân lao động, vị trí bố trí việc làm, dây chuyền tổ chức lao động, các điều kiện
đảm bảo việc bố trí quản lý giam giữ, vệ sinh an toàn cháy nổ, vệ sinh lao động…
theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi ký kết hợp tác, các doanh nghiệp phải
bàn giao cho trại giam toàn bộ cơ sở hạ tầng để trại giam quản lý, sử dụng khu
lao động, hướng nghiệp, dạy nghề trong thời gian hợp tác. CBCS trại giam trực
tiếp giám sát và tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân theo quy định của
pháp luật. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động,
hướng nghiệp ngoài trại giam cũng hết sức cụ thể, rõ ràng. Phải đảm bảo có nơi
cư trú rõ ràng, có tư tưởng ổn định, chấp hành nghiêm nội quy giam giữ, kết quả
cải tạo khá, tốt từ 3 kỳ xếp loại trở lên.
“Dự thảo Nghị quyết cũng đã nêu rất
rõ Viện KSND cấp tỉnh nơi trại giam đóng tại địa phương trực tiếp kiểm sát việc
thi hành án phạt tù khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân” – Thiếu
tướng Trần Văn Thiện nhấn mạnh.
Là phạm nhân đang thi hành án ở Trại giam Đắk Tân (Đắk Lắk), qua nghe truyền hình và đọc báo, Nguyễn Thanh Văn, SN 1977, trú ở TP Buôn Ma Thuột biết tin Quốc hội đang thảo luận về chính sách cho phạm nhân ra ngoài học tập, lao động, cải tạo nên mừng lắm. Văn bị án phạt 28 năm vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hiện nay đã chấp hành được hơn 12 năm rất mong chờ được ra lao động. “Chúng tôi luôn nỗ lực chấp hành án tốt nhất để về với xã hội. Bản thân tôi nhờ cải tạo tốt nên được bầu làm đội trưởng đội tự quản phạm nhân. Nếu được ra ngoài làm thì chúng tôi có cơ hội được học và làm nghề phù hợp với xã hội, được trả công để bồi dưỡng thêm, được trích quỹ để sau khi về nhà có chút tiền trang trải cuộc sống trước mắt”- phạm nhân Văn cho biết.
Phạm nhân này cũng cho biết thêm, bản thân luôn chấp hành nghiêm và thường xuyên vận động các phạm nhân khác cũng chấp hành nghiêm quy định của Trại. Phạm nhân khẳng định: “Nếu chấp hành đúng nội quy, quy định, học tập, lao động nghiêm túc, chúng tôi mới được xếp loại khá, tốt, mới được giảm án để sớm trở về. Chính vì vậy, dù lao động ở trong trại hay ngoài trại thì chúng tôi đều luôn nỗ lực để sớm được hưởng khoan hồng”.
Phương Thúy – Báo điện tử CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét