Nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình"; trong đó có việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị.
Xét trên phương diện lý luận và thực tiễn, tôn giáo là một vấn đề lớn đối với các quốc gia, nhưng cũng hết sức nhạy cảm. Bởi nó liên quan đến đời sống tâm linh, thế giới quan, ý thức xã hội của nhiều nhóm người khác nhau và có quan hệ chặt chẽ với chính trị - pháp lý trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó có thể bị chính trị hóa và dễ bị các thế lực lợi dụng, biến thành công cụ đấu tranh chống đối nhau trong chính sách đối nội và đối ngoại của các quốc gia.
Thực tế đã chứng minh, nhiều cuộc đấu tranh, xung đột cục bộ xảy ra trên thế giới được bắt nguồn từ tôn giáo và thực tế, Mỹ và một số nước phương Tây đã lợi dụng tôn giáo như một thủ đoạn chính trị quen thuộc để kích động, gây xung đột tôn giáo; lợi dụng tự do tôn giáo để lật đổ chính quyền các nước xã hội chủ nghĩa... hòng bảo vệ sự thống trị toàn cầu của họ. Vừa qua, bằng tác động của các thế lực trong và ngoài nước, xung đột phe phái, sắc tộc, tôn giáo ở một số nước thuộc khu vực Bắc Phi - Trung Đông bùng phát mạnh mẽ, gây ra các cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn và hiện chưa có hồi kết. Chính vì vậy, từ lâu, các quốc gia và cộng đồng quốc tế đều quan tâm đến vấn đề tôn giáo.
Ở Việt Nam, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và có chính sách bảo đảm phát triển tự do, công bằng, bình đẳng đối với các tôn giáo. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều khẳng định: Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong suốt quá trình xây dựng CNXH ở nước ta.
Trong từng thời kỳ của cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, các chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân; các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo vệ và phát triển. Đến nay, trên cả nước có 25.000 cơ sở thờ tự tôn giáo với hơn 22,3 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm hơn 25% dân số cả nước. Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo... đều có mặt tại Việt Nam, đang cùng chung sống hòa bình, đoàn kết, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã giúp đỡ các tôn giáo tu sửa, tôn tạo nhà thờ, chùa chiền, tu viện… Các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo với đủ các cấp học, như: Học viện Phật giáo, Chủng viện Thiên chúa giáo, Viện thánh kinh Thần của đạo Tin lành được chính quyền các cấp tạo điều kiện hoạt động và phát triển.
Thực tiễn đó ở Việt Nam mọi người đều thấy. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động lại "không thấy", chúng ra sức phủ nhận các thành tựu về tôn giáo, thậm chí còn xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta "bóp nghẹt" tôn giáo, hòng bôi nhọ bức tranh tôn giáo ở Việt Nam. Liên tục nhiều năm nay, công bố báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ đều nhận xét sai lệch, phiến diện về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam nói riêng, của nhiều nước trên thế giới nói chung. Thoạt nghe, dư luận đều đặt câu hỏi, phải chăng họ làm như vậy là thực lòng "quan tâm giúp đỡ" Việt Nam; muốn đối thoại xây dựng về tôn giáo...
Song, những hành động mà họ làm đã cho câu trả lời hoàn toàn ngược lại. Thực chất cái gọi là "tình hình tôn giáo ở Việt Nam" là chiêu bài lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện mục đích chống phá Nhà nước ta. Họ nhân danh bảo vệ tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động tư tưởng ly khai, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, hòng lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ đó, chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Việt Nam "đàn áp tôn giáo", giam cầm các "tù nhân lương tâm", đòi tôn giáo được tự do hoạt động, không chịu sự quản lý của Nhà nước.
Mọi người đều biết, tôn giáo là một thực thể xã hội bao gồm các thành tố: Niềm tin tôn giáo, hệ thống biểu tượng, nghi lễ; hệ thống giáo thuyết; tổ chức nhân sự điều hành việc đạo và đông đảo các tín đồ... Hoạt động tôn giáo không chỉ thuần túy nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với tư cách như vậy, tôn giáo không thể đứng ngoài xã hội, ngoài pháp luật và phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới không thể đứng ngoài pháp luật của quốc gia đó. Đơn cử như ở Cộng hòa Pháp, trong Luật ngày 9-12-1905, Điều 26 quy định: "Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng giữ gìn trật tự công cộng. Cấm việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và thực hành lễ nghi tôn giáo".
Ở nước ta, việc quản lý Nhà nước về tôn giáo đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật; trong đó, xác định rõ quyền hạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên các lĩnh vực quản đạo, hành đạo, truyền đạo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức, văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc...
Tuy nhiên, với mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước không từ một thủ đoạn nào để chống phá cách mạng nước ta; trong đó, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo là một trọng điểm của chúng. Hiện nay, dưới chiêu bài tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chúng thực hiện các bước chống phá rất quyết liệt, từ thấp đến cao, lúc âm thầm lặng lẽ, nhưng khi cần cũng hành động rất trắng trợn công khai, trên nhiều khía cạnh:
Trước hết, chúng lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại an ninh quốc gia; kích động tư tưởng ly khai trên các địa bàn chiến lược. Về danh nghĩa, chúng đòi thành lập các tổ chức tôn giáo để lừa bịp dư luận, song thực chất đây chỉ là các tổ chức phản động trá hình, đối nghịch với Nhà nước ta. Hiện nay, trên địa bàn Tây Bắc và Tây Nghệ An, các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện mưu đồ lập ra đạo Vàng Chứ để thành lập cái gọi là "Vương quốc Mông tự trị". Vùng Tây Nguyên, chúng đòi thành lập đạo Tin lành Đề-ga để mưu đồ lập ra cái gọi là "Nhà nước Đề-ga độc lập".
Ở Tây Nam bộ, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, chúng chủ trương dựng lên "Nhà nước Khmer Krôm" với luận điệu vu khống Nhà nước ta đàn áp hệ Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm, trắng trợn của các thế lực thù địch hòng phá hoại an ninh quốc gia, đe dọa độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Mặt khác, chúng lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá chế độ XHCN, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực tôn giáo. Chúng cho rằng, chế độ XHCN là vô thần, không thể dung hòa và là kẻ thù của tôn giáo; rằng pháp luật về tôn giáo của nước ta không tương thích với pháp luật quốc tế và không phù hợp với tự do tôn giáo. Một cách cực đoan, chúng vu cáo Đảng Cộng sản Việt Nam coi tôn giáo như "kẻ thù" của dân tộc nên tìm mọi thủ đoạn để diệt trừ tôn giáo... Từ định kiến, quy chụp, chúng kêu gọi cộng đồng tôn giáo "đồng tâm" chống phá Nhà nước; đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở nước ta.
Chúng còn lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động chính trị, biến các tổ chức tôn giáo thành các tổ chức chính trị, đảng chính trị để hoạt động bất hợp pháp. Chúng triệt để lợi dụng vỏ bọc tôn giáo để phê phán, xuyên tạc, bôi nhọ hòng hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chúng đòi tôn giáo phải độc lập, không chịu sự quản lý của Nhà nước; tâng bốc, ca ngợi "tự do tôn giáo" ở các nước tư bản; đòi Nhà nước ta "công nhận" các tổ chức tôn giáo giả hiệu (Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Tin lành Đề-ga, Vàng Chứ…); đòi thả các "tù nhân tôn giáo" - những kẻ đội lốt tôn giáo để vi phạm pháp luật; kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào "danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo"...
Lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chúng hoạt động mê tín dị đoan, được che đậy bằng các yếu tố "thần bí", "các phép lạ siêu nhiên" của các tà đạo (Thanh hải vô thượng sư, Vô vi pháp, Chân không, Phạ tốc…) gây tác hại không nhỏ đến tính mạng, tài sản, sức khỏe và tinh thần của nhân dân. Gần đây, các tà đạo Dương Văn Mình, Hà Mòn đã và đang hoạt động trái pháp luật trên nhiều tỉnh ở Tây Bắc, Tây Nguyên, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các thế lực thù địch, phản động đã chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện chia rẽ giữa người có đạo và người không theo đạo, giữa các tầng lớp nhân dân và giữa các tôn giáo với nhau, thậm chí chúng còn dùng thủ đoạn lăng mạ, kích động tôn giáo, ngăn cản tín đồ thực hiện nghĩa vụ công dân, gây hằn thù giữa tôn giáo với chính quyền… Từ đó, khoét sâu mâu thuẫn giữa các dân tộc, thúc đẩy xung đột sắc tộc, tôn giáo trên các địa bàn, tạo cớ cho các thế lực thù địch từ bên ngoài can thiệp vào nước ta.
Trước các luận điệu sai trái, thù địch và âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, nhất là chức sắc, tín đồ các tôn giáo hiểu rõ quan điểm, chính sách tốt đẹp về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; thấy rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân không chỉ được quy định trong Hiến pháp, mà còn được pháp luật bảo vệ và thực thi trên thực tế.
Các tôn giáo ở Việt Nam (dù nội sinh hay ngoại nhập), muốn phát triển đều phải hòa đồng với văn hóa dân tộc và trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước đều nhằm thực hiện mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", trong đó có lợi ích của các tôn giáo. Đồng thời, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tự do, tín ngưỡng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; làm cho nhân dân có nhận thức đúng và chủ động đấu tranh với các hành động sai trái, vi phạm pháp luật.
1 nhận xét:
Tôn giáo không xấu, chỉ có những kẻ lợi dụng tôn giáo để làm điều xấu!
Đăng nhận xét