Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

NGƯỜI ĐẸP TÂY ĐÔ, BÔNG HỒNG TÌNH BÁO TRONG LÒNG ĐỊCH

Không chỉ xinh đẹp nức tiếng một vùng, người đẹp Tây Đô còn từng hoạt động tình báo trong đội ngũ đầu não cao cấp nhất của chính quyền Sài Gòn, lập nhiều chiến công vang dội.
Bà Lâm Thị Phấn tên theo khai sinh là Lâm Thị Elise, tên thường gọi ở nhà là Phấn, sinh ngày 11/11/1918 tại làng Tân An, tổng Định Bảo, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (ngày nay thuộc phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) là con gái đầu lòng trong gia đình. Cha bà là ông Lâm Văn Phận, không chỉ là một một đại điền chủ nổi tiếng mà còn là hiệu trưởng trường Taberd Cần Thơ (Trường Châu Văn Liêm thành phố Cần Thơ ngày nay). Sau năm 1945, ông tham gia kháng chiến và từng giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Cần Thơ.
Làm dâu trong gia đình Công tử Bạc Liêu
Sinh ra trong một gia đình trí thức, từ nhỏ bà đã bộc lộ sự thông minh và ham học hỏi. Bà được cha cho theo học trường Taberd và lấy bằng tú tài tại đây. Bị ảnh hưởng từ cách giáo dục của cha mình, từ nhỏ Lâm Thị Phấn đã có những suy nghĩ đi ngược lại tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Với phương châm sống: “Việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được”, bà luôn ủng hộ tư tưởng giải phóng phụ nữ.
Thuở vừa trăng tròn, con gái của điền chủ trí thức Lâm Văn Phận được người dân trong đất Tây Đô trù phú gọi trìu mến là “Người đẹp Tây Đô” với vẻ đẹp tuyệt sắc. Bà sở hữu một ngoại hình lý tưởng với chiều cao 1,7m, khuôn mặt sắc sảo, nụ cười duyên dáng làm mê mẩn biết bao nhiêu chàng trai. Bà được mọi người công nhận là hoa khôi của trường Taberd thời đó. Bởi vậy Lâm Thị Phấn sớm lọt vào mắt xanh của nhiều công tử giàu có trong vùng, trong đó có người nhà công tử Bạc Liêu.
Năm 17 tuổi, bà được gả vào làm vợ người anh con cô cậu ruột của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Về nhà chồng, ngày vui nhanh chóng đi qua chỉ còn lại chuỗi ngày ngán ngẩm chán chường bên người chồng ít học. Chồng không lo làm ăn, chỉ biết chơi bời trác táng. Cha chồng của bà lo sợ con trai sẽ phá tan tành gia sản nên giao quyền quản lí tài sản cho con dâu.
Từ đó, mâu thuẫn giữa bà và chồng càng gia tăng. Mỗi lần thiếu tiền tiêu xài, chồng bà lại cáu gắt, kiếm chuyện chửi mắng, đay nghiến bà. Bà cắn răng chịu đựng để mong giữ gìn cho trọn vẹn cái nghĩa vợ chồng. Hai con trai lần lượt ra đời không hề níu kéo được hạnh phúc gia đình.
Những ngày tháng trực tiếp đi thu tô thuế của tá điền do gia đình chồng quản lí, bà có dịp tiếp cận những người nông dân và thấu hiểu hoàn cảnh sống khó khăn của họ, đặc biệt là phụ nữ. Bà cảm nhận được nỗi khổ của người phụ nữ là sự nghèo đói, ít học và bị chồng ức hiếp.
Trở thành người đẹp tình báo
Với tư tưởng giải phóng phụ nữ, giải phóng người nghèo và lòng yêu nước, bà thoát ly khỏi gia đình, bước theo con đường của cha mình tham gia cách mạng vào ngày 5/4/1944, tham gia hoạt động trong phong trào Phụ nữ Cứu Quốc. Bà hoạt động tích cực, vận động xây dựng nên Hội phụ nữ huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu và sau đó được bầu làm Hội trưởng Phụ nữ Cứu quốc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ngày 2/8/1950 bà được kết nạp Đảng vào.
Tuy nhiên, ở cương vị này, bà chưa phát huy được nhiều khả năng và lợi thế về ngoại hình của mình. Khi bà đang bế tắc nhất và không tìm được lối ra cho phong trào phụ nữ thì bà gặp lại cha tức ông Lâm Văn Phận. Ông Phận đề nghị bà trở lại nội đô Cần Thơ tham gia xây dựng lực lượng tình báo miền Tây. Dẫu biết hoạt động trong lòng địch là một việc làm khó khăn và phải hi sinh rất nhiều, bà vẫn quyết định về đó để hoạt động.
Với ngoại hình lý tưởng, trình độ học vấn cao, nguồn gốc xuất thân là gia đình điền chủ nên bà được giao một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt và mới mẻ là trở lại nội thành Cần Thơ xây dựng đội ngũ điệp báo miền Tây (hoạt động trong lòng địch), lấy Cần Thơ làm trụ sở, sau đó bà được bầu làm tổ trưởng lãnh đạo đội ngũ điệp báo này.
Trong quá trình hoạt động, bà đã cảm hóa được nhiều người trong đó có một quan Phòng nhì Pháp là ông Trần Hiến. Trần Hiến làm quan phiên dịch cho Pháp. Cha ông là người Pháp nên ông rất được người Pháp tin tưởng, giao cho nhiều thông tin bí mật. Vì cảm mến con người và nhân cách của bà Lâm Thị Phấn, ông quyết định đi theo cách mạng. Lúc đầu hai người lấy nhau là để thuận lợi cho hoạt động theo yêu cầu của tổ chức. Về sau tình càng nặng, nghĩa càng sâu, họ trở thành vợ chồng thật từ lúc nào không biết. Hai người đã cùng nhau tạo nên nhiều chiến công thầm lặng cho tổ tình báo miền Tây, góp phần rất lớn vào thành công của cách mạng.
Tháng 12/1954, bà với ông Trần Hiến tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ và sinh cô con gái Trần Hồng Hạnh. Trong thời gian này, bà được theo học và lấy bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế và học ngành tình báo tại Liên Xô.
Tháng 10/1962, cùng với việc xây dựng Trung ương Cục miền Nam, bà lại được đưa vào Nam để hoạt động tình báo. Bà được giao nhiệm vụ phụ trách hoạt động tình báo trong đội ngũ đầu não cao cấp nhất trong chính quyền Sài Gòn.
Suốt nhiều năm hoạt động tình báo, bà đạt được nhiều thành tích lớn, đặc biệt là đã góp phần buộc Dương Văn Minh phải buông súng, bàn giao chính quyền vào trưa ngày 30/4/1975. Sau khi miền Nam được giải phóng, bà được điều về Quân khu 9 và giữ các chức vụ: Trưởng phòng Chính sách Quân khu 9, Trưởng phòng Kinh tế Quân khu 9. Bà về hưu năm 1984 và lấy người chồng thứ ba là ông Lê Văn Thích vào năm 1991 khi tuổi đã cao. Bà mất vào ngày 15/4/2010 tại căn nhà mà bà đã sinh ra và lớn lên, thọ 92 tuổi.
Cuộc đời của bà Lâm Thị Phấn – thiếu tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam đứng lên giải phóng bản thân, được nhà văn Trầm Hương viết thành tiểu thuyết mang tên “Người đẹp Tây Đô” và được chuyển thể thành phim truyện cùng tên do đạo diễn Lê Cung Bắc thực hiện.Kết quả hình ảnh cho lâm thị phấn

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...