[QĐND] Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với các quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa, trong đó có Việt Nam, là nguy cơ mai một, mất bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ dễ bị choáng ngợp, thậm chí bị “mù màu” trước các làn sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập, từ đó thiếu tỉnh táo suy xét, nhận biết, phân biệt đúng-sai, hay-dở, tốt-xấu, cao thượng-thấp hèn và bị hòa lẫn vào cái ma trận văn hóa mà người ta gọi là sùng ngoại, lai căng.
Hình thức lai căng, nội
dung nhảm nhí, lệch lạc
Sùng ngoại là thái độ sùng bái mù quáng vào yếu tố ngoại
lai. Còn lai căng được hiểu là pha trộn nhiều thứ có tính chất lai tạp, lố
lăng. Thông thường sùng ngoại đi liền với lai căng như hình với bóng, tác động
tương hỗ cho nhau và là con đường ngắn nhất dẫn đến bào mòn bản sắc, phai nhạt
giá trị truyền thống tốt đẹp và dần đánh mất mã gene văn hóa của ông cha chảy
trong huyết quản của mỗi người.
Không ngẫu nhiên mà người lãnh đạo cao nhất Đảng ta từng cảnh
báo trong đời sống văn hóa - nghệ thuật nước ta vẫn có tình trạng nhiều khi bắt
chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc.
Ảnh minh họa: Phạm Hà |
Sự sùng ngoại, lai căng xuất hiện ở khá nhiều lễ hội có nguồn
gốc từ nước ngoài. Trong khoảng 30 lễ hội nước ngoài du nhập vào nước ta có nhiều
yếu tố tích cực, nhân văn, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người
dân, qua đó giúp người Việt hiểu hơn về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn
giáo của nhiều dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, khi tiếp nhận lễ hội nước
ngoài vào nước ta cũng có biểu hiện biến tướng, nhảm nhí, làm sai lệch ý nghĩa
ban đầu của nó. Ví như: Ngày lễ tình yêu được cổ xúy đi nhà nghỉ, khách sạn với
lối sống lệch lạc; lễ hội Halloween xuất hiện nhiều hình ảnh, hình tượng dị hợm,
ma quỷ, chết chóc, gây ám ảnh người khác...
Không chỉ vậy, sự lai căng còn bộc lộ ở các loại hình nghệ
thuật, nhưng tập trung nhiều và dễ thấy ở lĩnh vực văn học, âm nhạc, điện ảnh,
thời trang.
Trong văn học thể hiện ở những tác phẩm chứa đựng nội dung
tư tưởng tắc tị, ma mị, thần bí, đề cao dục tính, kích thích lối sống buông thả
và bản năng thấp hèn của con người. Đã xuất hiện những truyện ngắn, bài thơ bề
ngoài khoác vỏ bọc đề cao tự do cuộc sống con người, vì quyền sống tự do của
con người, nhưng lại ẩn chứa những tình tiết khơi gợi phần thú tính, sinh học
mang tính chất hoang dã của con người nguyên thủy.
Việc lạm dụng tính chất hư cấu văn chương để hạ thấp tính chất
xã hội của con người thực chất là hạ thấp phẩm giá chân chính của con người,
làm tha hóa tính cách người. Trong 5 năm gần đây, cơ quan chức năng đã xử lý vi
phạm đối với 126 cuốn sách thể loại văn học, trong đó có hàng chục cuốn sách phải
đình chỉ phát hành, thu hồi xuất bản phẩm vì có nội dung lệch lạc, dung tục, độc
hại.
Biểu hiện sùng ngoại, lai căng trong âm nhạc là không ít tác
phẩm có nhịp điệu giật đùng đùng, tiết tấu quá đà cộng với ca từ nhảm nhí, dung
tục, chen từ ngoại lai. Trào lưu làm các sản phẩm âm nhạc “mì ăn liền” với nội
dung thô thiển, phản cảm không chỉ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội do một số
Youtuber, Tiktoker thực hiện mà nhiều video ca nhạc do một số nhạc sĩ, ca sĩ đầu
tư cũng có ý tưởng nghèo nàn, dễ dãi chỉ nhằm mục đích câu view và đánh bóng
tên tuổi là chính.
Nền âm nhạc và ngôn ngữ Việt sẽ đi về đâu khi chúng ta nghe
thấy những ca từ phản văn hóa như thế này: “Ghệ iu dấu của em ơi/ Ghệ có biết
em cần ghệ/ Ghệ có muốn mình cặp kè?/ Oki hăm?”; hay: “Tình iu các cụ non/ Mama
ghệ nghe đâu đã muốn có nụ con dâu/ Tình iu ghệ ngày ngày cứ bự hơn/ Ghệ có muốn
qua em quấn quýt tít mù ôm nhau?”.
Trong lĩnh vực điện ảnh, nhiều người làm phim để ra nước
ngoài với mục đích thi thố, mang chuông đi đánh xứ người, nhưng có phim lại
tràn ngập cảnh đánh đấm máu me, sặc mùi bạo lực hay khơi gợi tính dục, cổ vũ lối
sống buông thả, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Những phim này
hoặc đã bị thu hồi vĩnh viễn, bị xử phạt hành chính, hoặc phải chỉnh sửa trước
khi ra rạp, như các phim: “Gái ngoan nổi loạn”, “Bụi đời Chợ Lớn”, “Vị”, “Ròm”,
“Chơi vơi”, “Bi đừng sợ”...
Đời sống thời trang những năm gần đây diễn ra nhộn nhịp, sôi
động, nhất là ở các thành phố lớn, nhưng đây cũng là mảnh đất khá màu mỡ cho những
tư duy cấp tiến thái quá, tiếp thu thời trang nước ngoài một cách sống sượng,
thậm chí có những biến tướng dung tục, thể nghiệm phản cảm, gây bất bình dư luận.
Gần đây, một công ty giải trí ở TP Hồ Chí Minh bị phạt 85 triệu đồng và đình chỉ
hoạt động 18 tháng vì tổ chức chương trình mang tên “Thời trang mới” với màn
trình diễn áo dài cách tân rất lố lăng, làm tổn thương nghiêm trọng vẻ đẹp thuần
Việt của trang phục truyền thống dân tộc.
Tổ quốc lâm nguy
không đáng sợ bằng văn hóa bị lâm nguy
Cách đây 14 năm, ngày 27-7-2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng
khóa X ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW “Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn
hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”.
Trong chỉ thị này, Đảng ta đưa ra cảnh báo về nguy cơ, tác hại
của các sản phẩm văn hóa độc hại và sự sùng ngoại, lai căng đã “tác động rất xấu
đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất
là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt
đẹp của dân tộc; có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa
chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng; dẫn đến
khuynh hướng “tự diễn biến” về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế
hệ mai sau”.
Nhìn vào đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật ở nước ta những
năm qua cho thấy sự cảnh báo của Đảng hơn mười năm qua vẫn nguyên tính thời sự.
Thật không khó để nhận ra tác hại của sự sùng ngoại, lai căng đang ngấm vào đời
sống tinh thần một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ khiến cho những ai nặng
lòng với tương lai đất nước không khỏi trăn trở.
Nhiều thanh thiếu niên thời nay tự rời xa gốc gác truyền thống
dân tộc; không mặn mà, thiết tha với lịch sử nước nhà; không hiểu thế nào là
nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương của ông cha để lại; không cảm thấy rung động
trước những lời ca quan họ đằm thắm, câu hát ví, giặm nồng nàn da diết, giai điệu
đờn ca tài tử chan chứa nghĩa tình nước non; không nhớ nổi dăm ba câu kiều hay
những lời ca dao thấm đẫm lẽ đời của người xưa truyền lại... Nhưng họ lại rất
say sưa bàn tán sôi nổi về những phim “bom tấn” phương Tây, đắm chìm với phim cổ
trang của nước láng giềng; nhảy múa cuồng nhiệt thâu đêm dưới ánh sáng lòe loẹt
và tiếng nhạc xập xình chát chúa ở những vũ trường, quán bar.
Từ đầu tóc, mang mặc đến lời ăn tiếng nói, cái tên của nhiều
người trẻ (trong đó có không ít ca sĩ, diễn viên, người mẫu) không hẳn giống
tây mà cũng chẳng giống ta vì pha tạp đủ thứ nhố nhăng. Họ đã cố gắng bắt chước
làm bản sao của người khác cả về hình thức và nội dung là đang tự đánh mất mình
và tổ tiên mình, quê hương, đất nước mình.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, một mặt do sự bùng nổ của
các phương tiện truyền thông xã hội mới, sự lên ngôi của nhiều hình thức giải
trí mới lạ của nước ngoài cuốn theo làn sóng “xâm lăng văn hóa” vào nước ta; mặt
khác, do nhiều cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp chưa nhận thấy
rõ tác hại của sản phẩm văn hóa ngoại lai và lối sống sùng ngoại, lai căng gây
hủy hoại đạo đức xã hội như Đảng ta từng chỉ ra.
Trong khi đó, việc đầu tư ngân sách, nguồn lực cho các hoạt
động văn hóa-nghệ thuật lành mạnh ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương
chưa trở thành dòng chủ lưu tích cực để đủ sức tác động, dẫn dắt, chi phối vào
đời sống tinh thần của xã hội. Hơn thế, tâm lý tự ti, thiếu thiện cảm với hàng
nội (trong đó có sản phẩm văn hóa-nghệ thuật nước nhà) cộng với tâm lý sính
hàng ngoại (trong đó có sản phẩm văn hóa-nghệ thuật nước ngoài) đã ăn sâu vào
máu thịt của một số người Việt (trong đó có văn nghệ sĩ) cũng khiến cho tình trạng
sùng ngoại, lai căng trong xã hội có biểu hiện gia tăng rất đáng lo ngại.
Người Việt ta tự hào là một dân tộc có truyền thống hàng
nghìn năm văn hiến. Niềm tự hào đó có cơ sở bởi trải qua bao biến thiên thăng
trầm của lịch sử, phải đối đầu với hiểm họa xâm lăng của kẻ thù có thời kỳ kéo
dài cả nghìn năm, trăm năm, nhưng chúng ta vẫn cơ bản giữ được gốc gác dân tộc,
hồn cốt tổ tiên, bản sắc văn hóa mà lớp lớp thế hệ người Việt đã bền bỉ dày
công vun đắp, giữ gìn, bảo vệ bằng bao máu xương, mồ hôi, nước mắt.
Tuy vậy, thời đại ngày nay đã khác xưa rất nhiều, đó là chỉ
cần một chiếc điện thoại thông minh nhỏ bé cũng có thể biến một con người, một
cộng đồng, thậm chí cả một dân tộc dần trở thành bản sao của người khác, cộng đồng
khác, dân tộc khác bởi vô số các sản phẩm thông tin, văn hóa, nghệ thuật, giải
trí của các nước phương Tây và một số cường quốc công nghiệp văn hóa đang “làm
mưa làm gió” trên các nền tảng mạng xã hội. “Thế giới ngày càng thu gọn lại,
trong khi văn hóa dân tộc ngày càng loãng ra”-lời cảnh báo của các chuyên gia
văn hóa là không thể coi thường.
Câu tuyên ngôn bất hủ của đại văn hào Nga M.Gorki cách nay
trăm năm: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời
kêu gọi: Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!” vẫn có ý nghĩa cảnh tỉnh, nhắc
nhở sâu sắc đối với chúng ta trong “cuộc chiến” chống lại những làn sóng “xâm
lăng văn hóa” từ bên ngoài.
Vì vậy, việc chủ động đấu tranh, ngăn chặn “cuộc chiến mềm”
này sẽ giúp chúng ta phòng ngừa, hạn chế các hiện tượng sùng ngoại, lai căng
trong các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật và trong đời sống tinh thần của
nhân dân, qua đó góp phần xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh.
Ý nghĩa sâu xa hơn, đây chính là việc làm thiết thực để góp phần bảo vệ bản sắc
văn hóa dân tộc-một trong những nhân tố cấu thành trong sự nghiệp bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại,
xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ
tục... Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt
Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt
là thanh thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại”. (Văn kiện Đại
hội XIII của Đảng)
Đại tá, Thạc sĩ PHẠM NGỌC BÌNH, Phó
chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Sĩ quan Chính trị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét