[QĐND] Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh vạch trần những luận điệu xuyên tạc, giả dối, gạt bỏ những luồng thông tin xấu độc làm ô nhiễm môi trường tinh thần của xã hội, chúng ta cần giữ vững niềm tin khoa học, bồi dưỡng tình cảm cách mạng và trau dồi bản lĩnh chính trị. Đó là ba điều cốt yếu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ nhân dân.
Giữ vững niềm tin
khoa học
Niềm tin khoa học là niềm tin dựa trên cơ sở khoa học, nắm vững
lý luận khoa học và cách mạng, hiểu biết quy luật để nhận thức đúng xu thế vận
động, biến đổi và phát triển của lịch sử một cách tất yếu, khách quan.
Niềm tin khoa học không tự có sẵn, không hình thành dễ dàng
chỉ một lần là xong và có mãi. Nhận thức là một quá trình, từ hiện tượng tới bản
chất, từ đơn giản đến phức tạp, không ngừng khám phá, sáng tạo để nắm vững chân
lý và hành động tự giác theo chân lý, theo quy luật.
Niềm tin khoa học do đó gắn liền với trình độ học vấn, học
thức, với sự trưởng thành của tư duy lý luận, của phương pháp tư duy khoa học.
Con người ta không chỉ lĩnh hội tri thức trong sách vở, qua học tập, lại phải
có nhu cầu tự học suốt đời, có thói quen tự tu dưỡng, tự rèn luyện như một nhu
cầu văn hóa, để tự làm mới nhận thức của mình mà còn phải chú trọng thực hành
trong thực tiễn. Hồ Chí Minh là một kiểu mẫu về tự học-học trong nhà trường, học
qua sách vở và nhất là học trong trường đời thực tiễn, học dân, hỏi dân để hiểu
dân, tin dân.
Để có niềm tin khoa học, niềm tin của trí tuệ, niềm tin được
dẫn dắt và thúc đẩy bởi lý luận khoa học và cách mạng, vượt lên kinh nghiệm và
chủ nghĩa kinh nghiệm thực dụng, thiển cận, tầm thường, tự thanh toán khỏi mình
bệnh giáo điều, sách vở, chủ quan duy ý chí, bệnh hình thức, lý luận suông và cả
thói coi khinh lý luận, tự trói buộc mình bởi chủ nghĩa kinh nghiệm... cần phải
thực hành lý luận trong thực tiễn và từ thực tiễn mà kiểm chứng lý luận, phát
hiện lý luận mới. Người có niềm tin khoa học là người có năng lực sáng tạo, có
tinh thần đổi mới và tự đổi mới, nhạy cảm với cái mới, có đầu óc phê phán cái
cũ lạc hậu, lỗi thời, cái sai trái, cái giả để khẳng định và tin theo cái đúng,
cái tốt, cái thật. Như thế, niềm tin khoa học hội tụ cả năng lực khoa học, cả
phẩm chất đạo đức và về mặt giá trị, đó là một giá trị văn hóa, hướng tới
chân-thiện-mỹ.
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn |
Niềm tin khoa học mang sức mạnh của lý tính, lý trí, tỉnh
táo, sáng suốt, được chứng thực, thử thách trong thực tiễn. Vào năm 1959, trong
chuyến thăm Indonesia, nói chuyện trước giới trí thức khoa học tại trường đại học
ở thủ đô Jakarta, Hồ Chí Minh khiêm tốn nói trước các học giả nước bạn về việc
tự học của mình. Người khẳng định rằng, chính thực tiễn cuộc sống và trong đấu
tranh cách mạng mà Người lĩnh hội được những tri thức đích thực. Đó là những
tri thức đáng tin cậy nhất. Từ trong kháng chiến, khi viết các tác phẩm “Đời sống
mới” và “Sửa đổi lối làm việc”, Người căn dặn chúng ta, về mặt giáo dục và nhà
trường, “phải đặc biệt chú trọng dạy và học các môn khoa học về tinh thần và đạo
đức”.
Thống nhất lý luận với thực tiễn, theo Hồ Chí Minh là bản chất
tối cao của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là bảo đảm chắc chắn để xây dựng niềm tin
khoa học duy vật và biện chứng. Nhờ đó, không trì trệ, bảo thủ, chủ quan, tư biện
mà cũng không cực đoan, siêu hình, không phiêu lưu mù quáng. Niềm tin khoa học
là cơ sở của lòng trung thành xét về mặt lý luận, của tinh thần lạc quan cách mạng
vì giác ngộ chân lý và quy luật, vững tin ở triển vọng tương lai ngay cả khi gặp
khó khăn, thử thách. “Thắng không kiêu, bại không nản” là vì vậy. Khi khẳng định:
“Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”, “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân
dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi
hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”, Hồ Chí Minh thể hiện rõ rệt một niềm tin
khoa học mãnh liệt và Người đã gieo niềm tin, truyền cảm hứng cho mỗi chúng ta.
Chính nhờ vững vàng, kiên định niềm tin khoa học ấy mà chúng
ta tin tưởng ở Đảng khi Đảng quyết định đổi mới và hội nhập. Vào lúc thử thách
hiểm nghèo khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) Đông Âu đổ vỡ chế độ
XHCN, Đảng ta nhanh chóng đưa ra Cương lĩnh 1991 thay Cương lĩnh 1951, lại được
bổ sung phát triển ở Cương lĩnh 2011. Đảng ta khẳng định rằng dù có trải qua những
bước quanh co phức tạp nhưng chủ nghĩa xã hội (CNXH) vẫn là sự lựa chọn tất yếu
của lịch sử loài người. Triển vọng tốt đẹp thuộc về CNXH chứ không phải chủ
nghĩa tư bản, dù chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa tư bản hiện đại. Tuyên
bố chính trị đó của Đảng nhanh chóng trở thành ngọn cờ tập hợp các lực lượng
cách mạng trong nước và có tầm ảnh hưởng quốc tế, củng cố niềm tin khoa học và
niềm tự hào chính đáng của chúng ta về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng.
Với Đảng, nhờ có niềm tin khoa học mà Đảng ta giữ vững được phương hướng chính
trị, có đường lối đúng, đưa nước ta vượt qua khủng hoảng, tồn tại và phát triển
như ngày nay. Dân tin Đảng, niềm tin đó của dân được Đảng ta coi là tài sản vô
giá phải giữ gìn và phát huy, không được suy giảm, càng không thể mất. Đó cũng
là niềm tin khoa học và sự thủy chung của Đảng đối với nhân dân và dân tộc ta.
Văn kiện Đại hội XIII nêu cao khát vọng phát triển đất nước,
khơi gợi và phát huy tinh thần cống hiến của mỗi người dân, tập trung xây dựng,
chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, coi trọng công tác cán bộ, xây dựng đội
ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín,
ngang tầm nhiệm vụ. Đó là những quyết sách chiến lược vô cùng quan trọng và cần
thiết. Đảng ta cũng nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ thể chế phát triển, để thực
hiện thành công các đột phá chiến lược đưa nước ta trở thành nước phát triển có
thu nhập cao. Niềm tin khoa học cho chúng ta sức mạnh để khát vọng đó trở thành
hiện thực.
Bồi đắp tình cảm cách
mạng
Có niềm tin khoa học là có cơ sở để nuôi dưỡng và rèn luyện
tình cảm cách mạng. Đó là một trong những động lực tinh thần mạnh mẽ nhất thúc
đẩy hành động cách mạng. Tình cảm cách mạng được xây dựng trên các chuẩn mực đạo
đức cần, kiệm, liêm, chính để chí công vô tư, đặt việc nước, việc dân lên trên
hết, trước hết.
Khi cách mạng và Đảng cần, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải
nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, sẵn sàng hy sinh cả lợi
ích và cuộc sống cá nhân riêng tư, vì sự nghiệp chung với tinh thần “dĩ công vi
thượng” như Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Còn nhớ, gần hai tháng trước khi mất, ngày
14-7-1969, trả lời phỏng vấn của nữ nhà báo Cuba-đồng chí Mácta Rôhát: “Đâu là
điều thiêng liêng nhất?”, Người đã nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
Đó là lẽ sống cao thượng được thúc đẩy suốt đời bởi tình cảm cách mạng của Hồ
Chí Minh. Đó là đạo đức, là bản lĩnh văn hóa đạo đức của Hồ Chí Minh.
Những ai có tình cảm cách mạng trong sáng sẽ có sự bảo đảm bền
bỉ để chống lại và đánh bại chủ nghĩa cá nhân-với lòng tham, tính tham, vụ lợi,
vị kỷ-để thực hành lòng yêu nước, thương dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, để
hy sinh và tự nguyện cống hiến, vì nước, vì dân. Tình cảm cách mạng xa lạ đối lập
với thói vô trách nhiệm, sự hờ hững, hoài nghi, lãnh đạm, vô cảm mà không ít
người mắc phải, trở nên suy thoái, hư hỏng, thành tù binh của chủ nghĩa cá
nhân. Đến khi rơi vào những việc làm sai trái, những hành vi bất minh, bất
chính, bất liêm, vô sỉ thì thành ra kẻ thù của nhân dân vì đã làm hại dân, hại
nước.
Có tình cảm cách mạng mới có thể tâm huyết vì sự nghiệp cách
mạng của Đảng, của dân tộc, mới có sức mạnh chống lại mọi sai trái, lỗi lầm, mới
đủ dũng khí để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, mà thực chất là bảo vệ nhân dân. Một
khi tình cảm cách mạng bị nguội lạnh thì niềm tin sẽ bị lung lay, suy yếu, thậm
chí từ bỏ niềm tin, lý tưởng, lẽ sống chỉ vì sự cám dỗ của tiền bạc, danh vọng,
địa vị, quyền lực. Rơi vào vô cảm, đó là sự suy đồi về đạo đức, nhân cách,
không còn sức đề kháng để tự bảo vệ lương tâm, danh dự, liêm sỉ của mình, càng
không thể bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân. Đủ hiểu vì sao, vào lúc này, Đảng ta
đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm
nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Trau dồi bản lĩnh
chính trị
Kết quả tổng hợp từ giữ vững niềm tin khoa học và bồi đắp
tình cảm cách mạng, thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư, thực hành nhân-trí-dũng-liêm-trung từ vị tướng chỉ huy đến chiến
sĩ, từ cán bộ lãnh đạo đến đảng viên và quần chúng sẽ dẫn đến bản lĩnh chính trị.
Bản lĩnh chính trị được hình thành, tôi luyện, thử thách
trong thực tiễn, trong đối mặt trực tiếp, cọ xát trực tiếp với thực tiễn, tranh
đấu với những tình huống phức tạp. Bản lĩnh chính trị có sức mạnh của trí tuệ
khoa học, của đạo đức cách mạng, của cốt cách vững vàng về chính trị, không
lung lay, dao động, không do dự, không tự đánh mất niềm tin, không xa dân-cội
nguồn sức mạnh của Đảng.
Bản lĩnh chính trị là hành động chứ không phải lời nói
suông, trung thực, nhất quán giữa nói và làm, không cơ hội, tùy thời, chỉ chăm
lo cho cá nhân mình. Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên trong đổi mới hiện
nay là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, dám đương đầu với
khó khăn, thử thách, dám hành động quyết liệt vì lợi ích chung như Đảng đã nhấn
mạnh.
Đảng ta khuyến khích những con người như thế và tìm tòi cơ
chế để bảo vệ họ, đồng thời cũng áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý những
cán bộ, đảng viên từ bỏ trách nhiệm, không hành động vì sợ sai lầm, vì tìm sự
an toàn cho riêng mình. Rơi vào trường hợp này thì không còn dũng khí, lòng
trung thực và trách nhiệm vì sự nghiệp chung, không còn là bản lĩnh chính trị nữa
mà trở thành vật cản đối với đổi mới và phát triển. Đó là những người “thấy
đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, tự coi mình ở ngoài cuộc, vô can,
không chịu trách nhiệm, chỉ chăm lo vun vén, tìm kiếm lợi ích cho riêng mình.
Do đó, muốn có bản lĩnh chính trị để chủ động tham gia vào
cuộc chiến đấu bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân thì phải đồng thời
xây dựng niềm tin khoa học, bồi dưỡng tình cảm, đạo đức cách mạng, nêu cao tự
phê bình và phê bình, củng cố sức mạnh của đoàn kết, dân chủ, đồng thuận từ
trong Đảng đến trong dân và xã hội, thực hành “quyết tâm-tín tâm-đồng tâm” như
chỉ dẫn của Bác Hồ.
Bản lĩnh chính trị là hạt nhân của văn hóa chính trị mà
chúng ta phải dày công xây dựng. Chúng ta càng thấy dự cảm sâu sắc của Hồ Chí
Minh khi Người nhấn mạnh: “Chính trị là đoàn kết và thanh khiết”, “Đảng ta là đạo
đức, là văn minh”.
Cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận càng diễn biến phức tạp bao
nhiêu thì những điều cốt yếu nói trên càng cần thiết và quan trọng bấy nhiêu.
Nó không chỉ bảo đảm cho nhận thức đúng mà còn là điểm tựa vững chắc cho hành động
tự giác, sáng tạo, chủ động và tích cực của mỗi chúng ta trong cuộc đấu tranh
chống lại các thế lực thù địch, để kiên định lý tưởng, mục tiêu và con đường đã
lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, giữ vững định hướng XHCN của sự
nghiệp đổi mới, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam
XHCN.
GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét