[CAND] Đã từ lâu, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch hằng năm) đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống người dân Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ, tri ân, gặp gỡ, giao lưu mà còn là diễn đàn, đợt sinh hoạt chính trị, văn hoá, tập hợp và phát huy sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, là chất keo kết dính khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi đồng bào ta phấn khởi, chung vui hướng về
ngày Giỗ Tổ thì cũng là lúc các tổ chức, cá nhân phản động lưu vong ở nước
ngoài, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị giở trò xuyên tạc, chống phá nhằm
phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Những luận điệu lạc
lõng
Với những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, các thế lực xấu cố
tình “bẻ lái” ý nghĩa ngày Quốc giỗ, cho rằng đây chỉ là câu chuyện có tính
truyền thuyết, hư cấu, sao lại phải rầm rộ tổ chức “giỗ” cho lãng phí, tốn kém!
Một số quan điểm thì cố tình kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân
bằng luận điệu cho rằng, Giỗ Tổ chỉ ý nghĩa với người Việt phương Bắc, còn các
vùng miền khác “dân không quan tâm”! Họ ngụy biện việc ngày nay con người sống
với số hoá, cách mạng 4.0, với hội nhập toàn cầu, vậy mà “Việt Nam loay hoay với
giỗ với nghỉ giỗ”, không lo tập trung làm ăn, lao động, sản xuất!
Cũng nhân sự kiện này, trên mạng Internet, xuất hiện các quan điểm sai trái, từ việc phê phán Giỗ Tổ là “không cần thiết” đến vấn đề hòa hợp dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ cố tình đánh tráo bản chất, lập luận vòng vo rằng hòa hợp dân tộc là hòa hợp giữa những người “bất đồng chính kiến”, những “nhà dân chủ” với chính quyền nước ta hiện nay; họ tự huyễn hoặc cho mình là đại diện cho lợi ích của đồng bào ta ở hải ngoại để đưa ra yêu sách phi lý.
Họ phê phán chính sách hòa hợp dân tộc chỉ là “đãi bôi”,
“con đường nửa vời” nếu còn chế độ cộng sản; từ đó, họ kêu gọi phải coi việc
xóa bỏ chế độ cộng sản là một “mệnh lệnh của lương tâm”, là “tương lai của dân
tộc”. Bằng những đòi hỏi phi lý, như: phải xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực
hiện đa nguyên, đa đảng, từ bỏ con đường đi lên CNXH mà nhân dân ta đã lựa chọn.
Các đối tượng phát tán tài liệu bịa đặt, dựng cảnh người dân
ăn mặc rách rưới, nhem nhuốc rồi chụp ảnh, quay video tung lên không gian mạng
để rêu rao, tạo dư luận xấu về Đảng, Nhà nước Việt Nam. Địa bàn nhắm tới là các
buôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh lợi dụng
chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, “tự do tôn giáo, dân tộc”, các thế lực thù địch
thường triệt để lợi dụng các vụ việc nóng ở trong nước dư luận đang quan tâm để
chống phá chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ, tiếp
sức bởi các thế lực thù địch và các tổ chức quốc tế thiếu thiện cảm với Việt
Nam, các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối ở trong nước đã
tích cực kích động biểu tình, tạo điểm nóng chính trị để gây sự chú ý của dư luận
thế giới.
Đáng chú ý, tất cả tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài đều
tận dụng triệt để mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, kích động chống phá.
Không chỉ kích động tư tưởng ly khai, tự trị riêng cho dân tộc mình tại vùng
Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các thế lực thù địch, chống phá Việt Nam còn
triệt để lợi dụng các vụ việc chính trị, xã hội phức tạp liên quan đến dân tộc,
tôn giáo, nhằm gây bất ổn từ bên trong, gây hiểu nhầm đối với dư luận thế giới
để kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức quốc tế vào công việc nội bộ của Việt
Nam. Họ tìm cách vu cáo Đảng và Nhà nước, tạo ra những nhận thức sai lệch để
các chính phủ, các tổ chức quốc tế can thiệp, gây sức ép, tạo điều kiện cho các
đối tượng trong nước gia tăng hoạt động chống phá. Hành động đó không chỉ trái
với truyền thống, đạo lý của dân tộc, gây hiềm khích, chia rẽ dân tộc mà còn
làm xấu xí hình ảnh, bản chất của người Việt, của đất nước trước bạn bè quốc tế.
Những quan điểm nêu trên, xét cho cùng đều không thể hiện
tinh thần, đạo lý người Việt là “uống nước nhớ nguồn”, hoà chung một cội, chí
hòa hợp, hòa giải dân tộc mà chỉ thể hiện sự hằn học, kích động hận thù, gây
thêm chia rẽ, xuyên tạc, bóp méo chủ trương nhân văn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước
ta.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng đã trở thành văn hoá truyền thống dân tộc. |
Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng
nhớ về cội nguồn của dân tộc
Có một quốc gia nào trên thế giới mà toàn dân dù trong nước
hay ở nước ngoài đều tưởng nhớ về một nguồn gốc chung, đó là ngày Giỗ Tổ Hùng
Vương như Việt Nam. Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng
Vương với công lao to lớn của các Vua Hùng đã khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi
đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Cả dân tộc có chung ngày Giỗ Tổ; đồng bào cả
nước không phân biệt tôn giáo, dân tộc, đều có chung tình dân tộc, nghĩa đồng
bào cùng chung nguồn cội “con Rồng cháu Tiên”. Đây chính là nguồn mạch sâu thẳm
tạo nên sức mạnh đoàn kết, cố kết cộng đồng trải dài từ quá khứ, nâng bước cho
hiện tại, chắp cánh cho tương lai; là điểm tựa tinh thần, sức mạnh mềm để người
Việt vượt qua mọi âm mưu thôn tính, xâm lăng của các thế lực ngoại bang. Cũng
nhờ đó mà giữ được ngôn ngữ, tâm hồn, phẩm cách của mình, bồi đắp một nền văn
hóa đậm đà, đặc sắc, đa dạng trong thống nhất.
Hiện nay, cả nước có hơn 1.410 di tích thờ Hùng Vương và
liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải khắp các vùng miền, từ Hà Nội, Hải
Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng,
Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ…
Vì vậy, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội của đồng bào cả nước với
nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn
hóa dân gian. Mỗi người Việt Nam, dù ở vùng núi cao hay miền duyên hải, dù là
dân tộc Kinh hay các dân tộc khác cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, đều
cùng chung dòng máu Lạc Hồng, đều là con dân đất Việt. Truyền thống đoàn kết,
yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ, gắn kết ấy đã củng cố sức mạnh của khối
đại đoàn kết dân tộc trước những thách thức trong lịch sử như chống giặc ngoại
xâm, vượt qua những thử thách trước thiên tai và những hoàn cảnh ngặt nghèo, để
đất nước trường tồn. Người Việt Nam dù đi đến đâu cũng mang theo tâm thức về Quốc
Tổ.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa phổ
biến trong đời sống, gắn với thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện nhất quán của
văn hóa truyền thống dân tộc, được xem như biểu tượng phản ánh tinh thần dân tộc,
ý thức dân tộc và sự kết nối cộng đồng của người Việt Nam ở nước ngoài. “Ngày
Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” là dự án được hình thành từ năm 2015, do một số nhà
khoa học, trí thức, hội đoàn kiều bào của 7 quốc gia sáng lập, nhân dịp về tham
dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội.
Ngày 11/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục triển
khai tổ chức “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” ở các nước có đông kiều bào sinh
sống; đồng thời xây dựng dự án thành đề tài khoa học cấp quốc gia với mục đích
tôn vinh giá trị tinh thần của dân tộc Việt trên các phương diện: Văn hóa, xã hội,
truyền thống, phong tục, ẩm thực, đặc biệt là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ
cúng tổ tiên; định vị giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa của người Việt, qua
đó bạn bè quốc tế hiểu hơn về con người và những giá trị, thế mạnh của Việt
Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam là sợi dây
kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi vậy mà ngày 6/12/2012, tại Paris
(Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một hiện
tượng văn hoá độc đáo, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là Di sản văn hóa
phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được
vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín
ngưỡng thờ Tổ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Thực tế này phản bác các quan điểm xuyên tạc, cho rằng Việt Nam “tự vẽ ngày Quốc Giỗ” để tụ họp, lãng phí, “người dân không quan tâm đến Giỗ Tổ”, “không phải là nét văn hoá của người Việt Nam”…
Dịp hành hương, hướng về đất Tổ lại về, tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội, khẳng định
sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc. Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù có những
luận điệu xuyên tạc đi ngược đạo lý thì những giá trị tốt đẹp của ngày Giỗ Tổ
mãi là giá trị văn hoá trường tồn. Những giá trị đó đã góp phần phát huy bản sắc
văn hóa dân tộc, như một chất keo gắn kết mọi người Việt Nam dù ở trong nước
hay ở nước ngoài càng thêm yêu quê hương, đất nước, phát huy sức mạnh khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.
Tuệ Thiên - Bình
Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét