Đó là một trong rất nhiều lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Thiếu tá Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Công an phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) rất tâm đắc, biến thành phương châm hành động trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Anh chia sẻ, Sáu điều Bác dạy CAND và những lời huấn thị khác của Bác lúc nào cũng đúng và có giá trị thực tiễn sâu sắc.
Khi
được điều động giữ chức vụ Trưởng Công an phường, Thiếu tá Nguyễn Xuân Cường đã
chú trọng củng cố và tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng,
nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức tự giác phục vụ nhân dân, dựa vào nhân dân
mà làm việc, phát huy sức mạnh của nhân dân trong công tác đảm bảo ANTT địa bàn
cơ sở. "Muốn làm được như vậy, mỗi CBCS phải thể hiện bằng những hành động
cụ thể, thiết thực, bằng cái tâm của người cán bộ, từ đó người dân mới tin tưởng
và giúp đỡ", anh chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Công an phường Hoà Khánh Bắc tặng quà các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. |
Cũng xuất phát từ suy
nghĩ đó, anh đã đề ra phương châm hành động "Mỗi ngày làm một việc tốt vì
nhân dân" dành cho CSKV, mở sổ theo dõi những việc làm tốt, tận tụy phục
vụ nhân dân hằng ngày để đánh giá hằng tuần, hằng tháng thông qua các buổi giao
ban của lực lượng CSKV. Ngoài việc xuống cơ sở thực hiện mô hình "Công an
cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân", các CSKV thăm hỏi, động viên, chia sẻ gia
đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, có trẻ em bỏ học, vi phạm pháp
luật… để tạo điều kiện giúp đỡ hoặc đề xuất các cấp, các ngành chung tay hỗ
trợ.
Đặc biệt, gia đình
trên địa bàn phường có đám tang thì CSKV phải xuống ngay địa bàn thăm hỏi, phối
hợp cùng lực lượng nòng cốt ở cơ sở tổ chức thăm viếng. Đối với gia đình chính
sách, có công với cách mạng thì đích thân lãnh đạo Công an phường cùng CSKV đến
nhà thăm viếng, động viên chia sẻ. Qua gần một năm thực hiện mô hình này, Công
an phường đã tổ chức thăm viếng 45 trường hợp gia đình có tang sự, trong đó có
8 trường hợp gia đình có công với nước. Việc làm đầy ý nghĩa nhân văn này đã có
sức lan tỏa lớn, được lãnh đạo và người dân trên địa bàn phường ngợi khen.
Thiếu tá Nguyễn Xuân
Cường kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rất cảm động, đó là khi gần gũi,
tiếp xúc với Cộng đoàn Mến Thánh Giá Hòa Khánh, các anh ghi nhận có nhiều người
đã 40 năm sống cảnh "bất hợp pháp" vì không có bất cứ giấy tờ tùy
thân nào, gặp phải rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, nhất là mỗi lúc ốm đau
bệnh tật không thể làm thẻ bảo hiểm y tế để chữa bệnh. Tìm hiểu nguyên nhân,
Thiếu tá Nguyễn Xuân Cường được biết, sau năm 1975, những cô nhi tại Cô nhi
viện Phước Thành di cư đến các nơi tìm kiếm việc làm và sinh sống, chỉ còn lại
một số cô nhi tật nguyền tiếp tục cư trú lại nơi ở tập thể của Dòng Mến Thánh
Giá, nhưng toàn bộ giấy tờ tùy thân đều thất lạc. Suốt hàng chục năm qua vì
nhiều lý do khác nhau, họ đành chấp nhận công dân "bất hợp pháp" giữa
lòng thành phố.
Cảm thông và chia sẻ
với khó khăn của một số chức sắc, chức việc và cô nhi sống tại đây, Công an
phường đã phối hợp cùng tổ dân phố, những người có trách nhiệm tại Cộng đoàn
Mến Thánh Giá Hòa Khánh tổ chức xác minh, thực hiện các thủ tục hành chính để
đề nghị cấp số định danh cá nhân, thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư. Linh mục Nguyễn Can Trường chia sẻ, bản thân ông cũng như các Sơ
tại Cộng đoàn hết sức cảm động trước sự nỗ lực, cố gắng của Công an phường đã
không ngại khó khăn, rắc rối về thủ tục pháp lý, thực hiện việc đăng ký và cấp
mã số định danh cho các chức sắc, chức việc và những cô nhi còn lại trong Cộng
đoàn. Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa, nhân văn.
Hay trường hợp bà Lê
Thị Bảy (trú tổ 12, phường Hòa Khánh Bắc), cũng vì mất giấy tờ mà suốt 20 năm
qua, bà phải chịu nhiều thiệt thòi trong sinh hoạt. Qua thăm hỏi, CSKV đã giúp
bà xác minh nhiều nơi, làm các thủ tục pháp lý để bà có căn cước công dân và thẻ
bảo hiểm y tế.
Một trường hợp khác là
ông Lê Tấn Nam. Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, nhưng suốt hơn 28 năm qua, ông
không có bất cứ giấy tờ gì bên mình. Ông Nam cho biết, trước đây ông làm công
nhân và có hộ khẩu tập thể tại Xí nghiệp Lâm trường Sông Nam. Năm 1994, sau khi
xí nghiệp giải thể, ông bắt đầu mưu sinh trên những chuyến xe đường dài Bắc -
Nam, vì vậy mà giấy tờ bị thất lạc và sai lệch thông tin. Nắm được thông tin
này, Thiếu tá Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tìm hiểu, tiến hành
cấp mã số định danh và thực hiện công tác đăng ký, nhập khẩu thành công cho ông
Nam trước sự vui mừng đến ngỡ ngàng của ông và người thân.
Đức
Lâm- Việt Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét