Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

VOV.VN - Sức mạnh nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam và chiến lược tiến công, bằng các nghệ thuật được kế thừa truyền thống của ông cha, đã giúp quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ, khiến cả thế giới khâm phục.

48 năm trước, ngày 30/4/1975, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sau cách mạng tháng 8/1945, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân thống nhất đất nước. Từ đây, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui.

Nhân dịp này, phóng viên VOV phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử về những kỷ niệm của ông và phân tích nghệ thuật quân sự làm nên chiến thắng của chiến dịch này.

PV: Cách đây 48 năm, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lúc đó là Trung đoàn trưởng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Thượng tướng có thể kể đôi nét về cuộc tiến công này?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Lúc đó tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B của Quân đoàn số 1, đã thực hiện một cuộc hành quân thần tốc bằng bộ binh cơ giới từ Tam Điệp vào Đông Hà tập kết, chuẩn bị giải phóng Huế và Đà Nẵng. Do chiến đấu của chúng ta phát triển rất nhanh, nên tiếp tục cuộc hành quân theo đường Trường Sơn vào đến Đồng Xoài và đêm 29 rạng ngày 30/4/1975, Trung đoàn đã tập kích ở Búng, chính đêm hôm đó liên lạc với bà má Sáu Ngẫu và má trao cho bản đồ thành đô.

Chính nhờ bản đồ này, sáng 30/4 bắt đầu cùng với 5 cánh quân thực hiện một cuộc tấn công bằng bộ binh cơ giới theo trục đường 13, đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, cách Sài Gòn 10 cây số. Sau đó cùng với các hướng tấn công trên 5 mũi đánh chiếm Bộ tư lệnh Thiết giáp của quân VNCH ở Gò Vấp, chiếm lục quân công xưởng và chiếm Bộ Tổng tham mưu VNCH, cùng với 5 cánh quân vào lúc khoảng 10h30 ngày 30/4/1975 hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

PV: Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi thống nhất nước nhà là một mốc son lịch sử chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc, vậy dư âm của chiến thắng khi đó như thế nào, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Lúc đó, theo dõi trên Đài Giải phóng cũng như Đài Tiếng nói Việt Nam, thế giới họ rất bất ngờ, tại sao Việt Nam nhỏ bé lại đánh được một chiến dịch tổng hợp mà chúng ta lại đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu, đập tan chế độ VNCH do Mỹ ủng hộ ở Nam Việt Nam, lại giải phóng được miền Nam, bảo vệ được nhân dân Việt Nam.

Không phải như địch họ nói: Sẽ là biển máu khi Quân giải phóng vào Sài Gòn, nhưng thực chất khi chúng ta đánh vào Sài Gòn thì nhân dân nổi dậy ùa ra đường để reo hò, chào mừng Quân giải phóng cùng với 5 mũi tiến công.

Thực tế, đối với những người lầm đường lạc lối, họ đã theo phía bên kia, chúng ta đều cho đi cải tạo và khoan hồng. Sau đó cho phép họ được đi bất kể nước nào, chứ chúng ta không chém giết đổ máu như các thế lực thù địch tuyên truyền.

PV: Thắng lợi này cũng thể hiện rõ một nghệ thuật quân sự bài bản và sáng tạo, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Chúng ta đã xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và biệt động thành. Nên chúng ta đã nắm được thời cơ khi mở chiến dịch Tây Nguyên đánh vào Buôn Mê Thuật, toàn bộ hệ thống quân Mỹ - VNCH vỡ trận phải co về hướng Sài Gòn.

Khi thời cơ xuất hiện, Bộ tham mưu chiến lược của Đảng, đó là Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, mà trước đó đã định đánh trong 2 năm 1975 đến năm 1976. Đây là quyết định hết sức sáng tạo và quyết đoán của Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị là mở chiến dịch Hồ Chí Minh bằng 5 mũi tiến công, bỏ qua các vòng ngoài và đánh thẳng vào mục tiêu chính là đầu não quân Mỹ - VNCH ở Sài Gòn.

Cuộc tiến công này là sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân đó là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và trong nội thành có lực lượng biệt động thành và nhân dân nổi dậy. Nên cuộc tấn công này của chúng ta đánh rất nhanh, trong ngày 30/4/1974 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, đã thực hiện trọn vẹn lời di chúc của Bác Hồ, đó là "Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn".

PV: Nghệ thuật quân sự này phải chăng là có kế thừa truyền thống đánh giặc của ông cha ta xưa kia?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Nếu nói về lịch sử và truyền thống dựng nước và giữ nước, cha ông ta rồi đến thời đại Hồ Chí Minh đều đánh với các thế lực đế quốc xâm lược hùng mạnh, như Pháp và Mỹ. Đặc biệt là thời đại Hồ Chí Minh, bằng sức mạnh, bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, truyền thống của dân tộc chúng ta đã đánh thắng sức mạnh Hoa Kỳ và sức mạnh của quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Đặc biệt không thế lực nào có thể phá vỡ được nền văn hóa của Việt Nam. Chính sức mạnh này là sức mạnh nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam và chiến lược tiến công, bằng các nghệ thuật mà chúng ta kế thừa truyền thống của ông cha, nên đã thắng được đế quốc to, trong điều kiện sức mạnh của ta nhỏ bé hơn các đế quốc xâm lược. Chính điều đó làm cho cả thế giới khâm phục.

Đó là sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, sức mạnh này được kế thừa và phát huy bằng nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, cả thế giới đều khâm phục.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...