[CAND] Lợi dụng đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, trình độ dân trí thấp, thời gian qua, các phần tử xấu theo tổ chức “Ân điển cứu rỗi” hoạt động trái phép tại Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền, lôi kéo bà con nhân dân tham gia với những luận điệu tuyên truyền cực đoan, cổ vũ cho lối sống phóng túng, buông thả, dễ dàng vượt qua giới hạn về luân thường, đạo lý, không sợ bị pháp luật trừng phạt…, hoạt động dưới hình thức biến tướng của tôn giáo, có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về an ninh, trật tự (ANTT) tại địa phương.
Tổ chức “Ân điển cứu rỗi”, hay có tên gọi khác là “Ân điển đời đời”, có
nguồn gốc từ Hàn Quốc du nhập vào nước ta từ năm 2007. Đây là tổ chức có giáo
lý cực đoan, cổ súy cho những hành vi vi phạm pháp luật, không được Nhà nước ta
công nhận và không được hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Những người tin theo
tổ chức bất hợp pháp này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng
xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí
thấp…
Công an huyện Bảo Lạc thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt Luật tín ngưỡng tôn giáo. |
Nhận diện tổ chức “Ân
điển cứu rỗi” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tổ chức “Ân điển cứu rỗi” xuất hiện từ năm
2011 tại xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, do đối tượng Hoàng Tràn Pyao (sinh năm
1986, trú tại xóm Nặm Pắt, xã Đình Phùng) làm trưởng nhóm, lấy tên gọi là nhóm
Cốc Thốc. Trước đó, đối tượng này làm trưởng điểm nhóm Tin lành Việt Nam miền
Bắc ở xóm Cốc Thốc, xã Đình Phùng, sau đó xuống Hà Nội học giáo lý Tin lành, đã
bị đối tượng xấu lôi kéo tham gia tổ chức “Ân điển cứu rỗi”. Dưới sự điều hành,
chỉ đạo của Pyao, trong 10 năm hoạt động, nhóm này đã đẩy mạnh tuyên truyền,
phát triển đạo, lôi kéo được 24 hộ, 114 chức sắc, tín đồ các hệ phái Tin lành
hợp pháp để “mượn danh pháp nhân” hoạt động, trong đó có 5 hộ, 28 tín đồ đến từ
xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình tham gia sinh hoạt chung vào tối
thứ tư và chủ nhật hằng tuần. Địa điểm sinh hoạt là tại ngay chính tại nhà của
Hoàng Tràn Pyao.
Đến năm 2015, tổ chức “Ân điển cứu rỗi” đã phát triển sang xã Hưng Đạo,
huyện Bảo Lạc, do đối tượng Hà Văn Nhỏi (SN 1985, trú tại xóm Nặm Síu, xã Hưng
Đạo) làm trưởng nhóm. Trên cơ sở tìm hiểu hoạt động nhóm của Pyao ở Nặm Pắt về
tổ chức “Ân điển cứu rỗi”, Nhỏi quay về xóm Nặm Síu lôi kéo được 13 hộ, 68 tín
đồ tham gia sinh hoạt theo tổ chức này. Đến tháng 6/2022, nhóm Nặm Síu của Hà
Văn Nhỏi đã lôi kéo được 90 tín đồ đều là dân tộc Sán Chỉ tham gia, địa điểm
sinh hoạt tại chính nhà của Hà Văn Nhỏi.
Những người tin theo hoạt động của tổ chức này thuộc nhiều lứa tuổi,
trình độ khác nhau, nhưng chủ yếu là thanh thiếu niên, phụ nữ, người già. Do
trình độ dân trí thấp, họ bị số đối tượng cầm đầu lợi dụng, lừa mị, lôi kéo
tham gia với mục đích cổ súy cho lối sống phóng khoáng, tự do,“sống trong tội
lỗi mà không cần phải ăn năn và cảm thấy day dứt hối hận”. Điều này đi ngược
lại với các hệ phái chính thống Tin lành đã được công nhận về mặt tổ chức và
cấp đăng ký hoạt động tôn giáo ở nước ta, gây cản trở trong việc thực hiện
chính sách phát triển kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
cũng như tình hình ANTT ở địa phương.
“Hệ phái này tổ chức sinh hoạt hằng tuần, hằng tháng, khác với đạo Tin
lành thuần túy, trong đó tuyên truyền về quan niệm cho rằng Chúa Jesu trên cây
thánh giá đã chuộc tội cho loài người. Khi mà cầu nguyện, con người không còn
tội lỗi gì nữa, tức là không cần xưng tội với Chúa và cổ xuý cho lối sống phóng
túng và sống trong tội lỗi, nhưng không có ăn năn, hối cải. Việc này tiềm ẩn
rất nhiều nguy cơ dẫn đến mất ANTT trên địa bàn”, Thượng tá La Văn Lý, Phó
Trưởng Công an huyện Bảo Lạc cho biết.
Đấu tranh, ngăn chặn các
hoạt động vi phạm pháp luật
Xác định tổ chức “Ân điển cứu rỗi” có giáo lý cực đoan, cổ xúy cho những
hành vi vi phạm pháp luật, không được Nhà nước ta công nhận và không được hoạt
động trên lãnh thổ Việt Nam, từ năm 2012 đến nay, Công an tỉnh Cao Bằng đã ban
hành nhiều kế hoạch chỉ đạo Công an các huyện, thành phố triển khai thực hiện
công tác nắm tình hình đấu tranh với tổ chức này. Theo đó, Công an huyện Bảo
Lạc và cấp ủy, chính quyền địa phương hai xã bị ảnh hưởng bởi tổ chức đã triển
khai nhiều đợt tiếp xúc đối thoại, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân
thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín
ngưỡng, tôn giáo; cảnh giác, không hưởng ứng, không tham gia “Ân điển cứu rỗi”;
kịp thời nắm bắt, phát hiện, có biện pháp ngăn chặn hoạt động của tổ chức này
cũng như các hiện tượng tôn giáo mới khác tuyên truyền, phát triển đạo trái
phép trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời vận động tín đồ bị ảnh
hưởng nhận thức được sai lầm, quay trở lại sinh hoạt theo tôn giáo thuần túy.
“Họ bảo chúng tôi đi tham gia sinh hoạt thì chúng tôi đi được một thời
gian, sau đó chúng tôi không đi nữa vì được lực lượng Công an, chính quyền địa
phương tuyên truyền, nhắc nhở về hoạt động trái pháp luật của tổ chức này. Giờ
đây chúng tôi đã ký cam kết từ bỏ không tham gia tổ chức “Ân điển cứu rỗi” nữa
và chuyển sang sinh hoạt theo hệ phái Tin lành được Nhà nước công nhận”, ông Lý
Vần Chản, trú tại xóm Nặm Pắt, xã Đình Phùng chia sẻ.
Với sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an cùng cấp ủy, chính quyền
địa phương, tinh thần cảnh giác của quần chúng nhân dân, hiện nay hoạt động của
tổ chức “Ân điển cứu rỗi” trên địa bàn huyện Bảo Lạc cơ bản đã được xóa bỏ hoàn
toàn.
Theo Thượng tá La Văn Lý, hiện Công an huyện đang tiếp tục nắm tình hình
việc bà con nhân dân thực hiện các nội dung ký cam kết với chính quyền, đồng
thời tham mưu cho Ban chỉ đạo Tôn giáo huyện chỉ đạo Ban chỉ đạo Tôn giáo các
xã nâng cao tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt Luật tín
ngưỡng tôn giáo, cũng như ngăn chặn, phát hiện những đạo lạ, tà đạo xâm nhập
vào địa bàn để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Thời gian qua, các ngành chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền, phổ biến cho người dân và tín đồ biết được âm mưu hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức gặp gỡ đối thoại với người có uy tín, trưởng nhóm đạo trên địa bàn về hoạt động tôn giáo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ, chức sắc, chức nghiệp. Từ đó, trên cơ sở quy định của pháp luật đã có biện pháp giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế theo nguyện vọng chính đáng của các tín đồ.
Bảo đảm quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân
Sau hơn 10 năm hoạt động trên địa bàn huyện Bảo Lạc, đến 26/9/2022, 100%
số hộ tin theo tổ chức “Ân điển cứu rỗi” tại hai điểm nhóm Cốc Thốc thuộc xóm
Nặm Pắt, xã Đình Phùng và nhóm Nặm Síu, xã Hưng Đạo của huyện Bảo Lạc đã tự
nguyện ký cam kết từ bỏ, không tham gia theo tổ chức hoạt động trái phép này.
Thể theo nguyện vọng sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, Phòng An ninh
đối nội, Công an tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương
nghiên cứu, lựa chọn Hội thánh Tin lành Menonite do ông Huỳnh Đình Nghĩa làm
Hội trưởng, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Tháng 10/2022, Tổng hội thánh Tin
lành Menonite đã chấp thuận 2 nhóm Cốc Thốc và Nặm Síu gia nhập hội thánh,
trong đó, điểm nhóm Cốc Thốc thuộc xóm Nặm Pắt, xã Đình Phùng lấy tên gọi là
“Emmanuel” do Hoàng Tràn Pyao làm trưởng nhóm; điểm nhóm Nặm Síu lấy tên gọi là
“Bình an” do Hà Văn Nhỏi làm trưởng nhóm.
Sau khi được sinh hoạt theo tín ngưỡng tôn giáo đúng quy định của pháp
luật, hai điểm nhóm “Emmanuel” và “Bình an” đã thông báo với chính quyền địa
phương, hoàn thiện các thủ tục đăng ký sinh hoạt tập trung theo Luật tín ngưỡng
tôn giáo. Trong quá trình hoạt động, các tín đồ đều được chính quyền địa phương
tạo điều kiện thuận lợi hoạt động theo quy định của pháp luật. Các tín đồ cũng
luôn ý thức “sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước, phụng sự quốc gia, dân
tộc”, tuân thủ mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của
Nhà nước, kiên quyết không nghe kẻ xấu truyền bá tư tưởng, giáo lý sai trái
trên địa bàn.
Tổ chức “Ân điển cứu rỗi” trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã được xóa bỏ. Giờ
đây, các tín đồ sinh hoạt tại hai điểm nhóm “Emmanuel” và “Bình an” luôn tin
tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoạt động
sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của pháp luật; tích cực tham gia
thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn
minh, sống tốt đời, đẹp đạo”; tập trung phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện
nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang phù hợp với thuần phong mỹ tục và
văn hóa của dân tộc.
Lục Canh – Hoàng Tiến
– Trung Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét