[QĐND] Lâu nay, ai cũng phê phán, bức xúc với những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, vì như thế là thoái hóa biến chất, không xứng đáng là "công bộc” và “đầy tớ của nhân dân". Thế nhưng, ở chiều ngược lại, ít ai nhận ra có thể chính mình cũng vô tình góp phần "đẩy" những người thân quen là cán bộ, đảng viên trượt vào vi phạm, tham nhũng, lợi dụng chức quyền...
1. Chuyện thật như bịa
là: Bạn tôi mới được bổ nhiệm làm phó vụ trưởng mà... không dám về thăm quê, bởi
anh chưa về thì đã nhận được nhiều cuộc điện thoại nhờ vả và "xin tài trợ"(!)
Nào là: "Dòng họ mình muốn lập quỹ khuyến học và sửa nhà thờ mà chỉ biết
trông chờ vào cháu"; "Cổng làng đang xây thì thiếu tiền cháu ạ";
"Con trai bác đang công tác ở xa, nhờ cháu xin chuyển về gần nhà và cho nó
ở vị trí có đồng ra đồng vào để gia đình đỡ vất vả"; "Anh tặng đội
bóng đá của xã bộ quần áo và giày thi đấu nhé"; "Đồng chí ơi, cả huyện
chỉ còn mỗi xã ta là chưa có bộ dụng cụ tập thể dục ngoài trời thôi. Các sếp
trước đã ủng hộ xã nhiều rồi. Còn việc này thì nhờ đồng chí nhé" v.v..
Rồi không chỉ họ hàng,
làng xã nhờ vả, mà cả các hội đồng ngũ, đồng niên, đồng khóa cũng chúc mừng
"bạn lên sếp to" kèm lời gợi ý tổ chức "khao", ủng hộ quỹ,
thậm chí còn "cho bọn tớ xin chuyến du lịch"...
Tư tưởng "một người làm quan..." đẩy cán bộ vào sa ngã, vi phạm. Ảnh minh họa: thuvienphapluat.vn |
Thấy tình hình quá gay,
bạn tôi lần lữa chưa dám về quê thì bố mẹ gọi điện thoại, bảo: "Từ hôm đọc
báo biết tin con lên chức, họ hàng và đại diện các tổ chức ở quê liên tục đến
chúc mừng, hỏi thăm khi nào con về để nhờ giúp đỡ. Bố mẹ vừa mừng vừa lo. Con
làm cán bộ to mà không giúp được gì thì anh em họ hàng và dân làng lại xì xào,
chê trách đấy"...
2. Trong những chuyến
công tác cơ sở, chúng tôi được nghe nhiều cán bộ, đảng viên kể về những nỗi niềm
khó nói. Chuyện là, dù lương "ba cọc ba đồng", nhất là những người giữ
chức danh không chuyên trách (như phó trưởng công an, phó chỉ huy trưởng quân sự,
một số chủ tịch và phó chủ tịch các hội cấp xã, bí thư chi bộ và trưởng
thôn...) chỉ được hưởng phụ cấp, thù lao từ vài trăm nghìn đồng đến khoảng 2
triệu đồng, thế nhưng cán bộ cơ sở thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, quen biết
không chỉ khắp địa bàn mà cả trong ngành và liên ngành, thành ra họ phải đi rất
nhiều đám hiếu, đám hỷ, thăm nom...
Nhiều đồng chí cán bộ
xã đã thành thật bày tỏ: Lo nhất là thường xuyên được mời ăn cỗ. Người dân quý
trọng cán bộ nên mời chào, đón tiếp rất nhiệt tình, chu đáo. Hơn nữa, đa số bà
con ở quê đều nghĩ cán bộ, công chức thì điều kiện kinh tế tốt hơn, vì thế nếu
mình mừng ở mức bình dân thì cũng ngại, có người lại xì xào “cán bộ gì mà keo
kiệt”. Thế là đành... nghiến răng đi ăn cỗ! Có thể khẳng định, hầu hết cán bộ
cơ sở đều trong cảnh lương, phụ cấp không đủ tiêu vào việc hiếu, việc hỷ và đi
lại, thăm nom...
Phải chăng, không ít
cán bộ, công chức, viên chức đã "tặc lưỡi làm liều" cũng một phần vì
lẽ đó?
3. Thực tế có khá nhiều
cán bộ khi được bầu hoặc bổ nhiệm giữ cương vị người đứng đầu cơ quan, đơn vị
đã bị áp lực lớn vì phải tìm cách "lo cho đời sống của nhân viên được nâng
lên", bởi trong con mắt của nhiều người thì: "Sếp tài giỏi chỗ nào
không biết, nếu đời sống nhân viên không được cải thiện thì nghĩa là... sếp
kém" (!)
Trong các cơ quan nhà
nước, cán bộ, nhân viên được trả lương và phụ cấp là những khoản "cứng"
do ngân sách bảo đảm. Còn các khoản "mềm" (như tiền ăn trưa; bồi dưỡng
làm việc ngoài giờ; quà và thưởng dịp lễ, tết; đi tham quan, du lịch; chúc mừng
sinh nhật; tổ chức các buổi gặp mặt; thăm hỏi khi ốm đau hay khi gia đình cán bộ,
nhân viên có việc hiếu, việc hỷ...) thì lâu nay đã thành lệ: Các thủ trưởng phải
lo cho anh em theo "quy định ngầm" là năm sau cao hơn năm trước, người
kế nhiệm phải khấm khá hơn người tiền nhiệm! Sếp mà không làm được điều này thì
thường bị chê bai, thậm chí còn bị... mất phiếu tín nhiệm (!)
Thế là, dù biết việc lập
"quỹ đen", thu-chi không đúng quy định là vi phạm pháp luật, nhưng rất
khó để bỏ "quy định ngầm", "luật bất thành văn" này. Không
ít sếp còn nghĩ thêm các phương thức để cơ quan, đơn vị có "quỹ đen"
dồi dào hơn nhằm lấy lòng tập thể.
4. Tư tưởng cổ hủ
"một người làm quan, cả họ được nhờ" dường như ngày càng nặng nề,
ngày càng nhức nhối, khiến không ít cán bộ vì sợ bị chê trách, thậm chí sợ họ
hàng, dân làng, bạn bè tẩy chay, "cạch mặt" mà thành mắc lỗi, rơi vào
vòng lao lý...
Thực tế đã có những cán
bộ đang bí tiền ủng hộ dòng họ, quê hương thì doanh nghiệp hay nhân viên cấp dưới
"xin được lo giúp". Thế rồi, tục ngữ có câu: "Há miệng mắc
quai", "Ông mất chân giò, bà thò chai rượu". Sếp lại phải tìm
cách dùng quyền lực của mình để ưu tiên, trả ơn những đối tượng giúp mình. Dần
dà, sếp sa vào vi phạm pháp luật, kỷ luật!
Thực tế cũng không ít
cán bộ, công chức, viên chức vì cần chi tiêu cho những khoản "bị nhờ vả"
mà cáu gắt, hành dân, cố tình "gây khó để có phong bì"!
Hệ lụy thật nguy hiểm
khi đa số quần chúng cứ "bắt" cán bộ phải có "nghĩa vụ, trách
nhiệm" tăng thu nhập ngoài lương cho nhân viên, giúp đỡ người thân quen và
quê hương, dòng họ... Điều đó dẫn đến những người có chức quyền coi việc kiếm
nhiều tiền để thực hiện "trách nhiệm cán bộ" là bình thường, là đương
nhiên phải thế! Thực tế này dẫn đến nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức
khó giữ được liêm chính (nhất là khi người có chức quyền thường xuyên được nhiều
đối tượng tìm cách tiếp cận để "chăm sóc", mua chuộc).
5. Muốn phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị thực sự hiệu quả, hạn chế cán bộ,
đảng viên bị suy thoái, sa ngã thì cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền,
giáo dục xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, đặc biệt là ban hành
các quy chế, quy định chặt chẽ để "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế",
thì việc không thể xem nhẹ là phải kiên quyết xóa tư tưởng “một người làm quan,
cả họ được nhờ”, đấu tranh loại bỏ hành vi thể hiện sự thiếu văn hóa là “nhờ vả
cán bộ” và “xin cán bộ tài trợ”. Tâm lý người Việt Nam thường sợ “lệ làng” hơn
cả “phép vua”. Do đó, nếu người dân vẫn giữ thói quen ngợi khen, đánh giá cao
những cán bộ tài trợ nhiều, lo cho nhân viên có thu nhập ngoài lương tốt (ngược
lại là trách cứ, chê bai, thậm chí tìm cách để hạ bệ)... thì rất khó để cán bộ,
đảng viên giữ được sự thanh liêm, trong sạch, chấp hành nghiêm kỷ cương phép nước.
Kiên quyết phê phán, đấu
tranh với những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, tham nhũng, vi phạm
pháp luật là rất cần thiết để giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ
thống chính trị. Tuy nhiên, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”-trước hết mỗi chúng
ta cần tự nhìn lại mình, không “xin tài trợ", "nhờ giúp đỡ”, không
trông chờ ỷ lại vào những người thân quen là cán bộ, đảng viên, tránh tạo áp lực
cho họ phải lo nhiều thứ bất hợp lý, vì như thế chính là đẩy cán bộ vào sa ngã,
vi phạm. Hậu quả không chỉ gây tổn hại cho đất nước, nhân dân mà trước hết là
gây tai họa cho người thân, gia đình, dòng họ của mình. Đây cũng chính là cái cớ
để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Kiểu "tận dụng người
quen làm cán bộ để nhờ vả, trục lợi" là tư tưởng tiểu nông, thể hiện tầm
văn hóa thấp, dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Vì thế, toàn xã hội cần lên án, loại bỏ
thói vị kỷ này. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải
luôn biết lựa lời từ chối, nói "không" trước những lời nhờ vả, đòi hỏi
vô lý, vượt quá khả năng và quyền hạn của mình để tránh vi phạm pháp luật.
HUY
QUANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét