Đây là dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tỉ lệ trẻ em sẽ bị cận thị ở châu Á, trong đó có Việt Nam, vào năm 2050.
Theo các số liệu trên thế giới, sau dịch COVID-19, số trẻ em bị cận thị tăng cao đáng kể.
Do mắt trẻ tiếp xúc gần nhiều!
Bác sĩ CKII Phan Hồng Mai - trưởng khoa khúc xạ, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết trẻ em mắc bệnh cận thị ngày càng có xu hướng tăng, đặc biệt sau mùa dịch COVID-19, trẻ học online trên máy vi tính kéo dài, nhiều trẻ bị "nhốt" ở trong nhà và với những trẻ đã bị cận thì dễ tăng độ thêm.
WHO dự đoán 50% dân số trên thế giới sẽ bị cận vào năm 2050, riêng ở châu Á cận thị nhiều hơn do yếu tố chủng tộc, với 80-90% trẻ em châu Á sẽ bị cận thị.
Các yếu tố liên quan đến cận thị là chủng tộc, gene, môi trường (đặc biệt như hoạt động nhìn gần nhiều: nhìn điện thoại, máy tính nhiều, ít hoạt động ngoài trời, ở trong nhà nhiều...).
Trẻ em ở TP thường có tỉ lệ cận cao hơn so với nông thôn vì có thể trẻ em ở nông thôn được chơi ngoài trời nhiều hơn.
Ngoài ra, áp lực học tập ở TP cũng có thể cao hơn. Khi áp lực học tập cao, trẻ phải học tập nhiều, sẽ tăng thời gian nhìn gần. Điều này cũng làm gia tăng nguy cơ bị cận thị.
Thủ phạm thiết bị điện tử, ánh sáng xanh
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh - chuyên khoa mắt - cho biết hiện nay có rất nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ trẻ mắc các bệnh về mắt gia tăng như: cận thị, mất thị lực, đau mỏi mắt... Nguyên nhân chính là tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử, áp lực lớn trong việc học, sử dụng màn hình điện tử sai cách, di truyền, chế độ dinh dưỡng...
ThS Nguyễn Thành Danh - khoa mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh, có bước sóng nằm sát với tia tử ngoại gây nguy cơ giảm và mất thị lực.
Để phòng tránh tác hại của ánh sáng xanh, phụ huynh nên sắp xếp cho trẻ thời gian biểu học tập hợp lý, chỉnh chế độ "night light" trên màn hình máy tính. Bên cạnh đó, trẻ cần được mang kính có chức năng lọc ánh sáng xanh khi sử dụng thiết bị điện tử.
"Phụ huynh nên đặt thiết bị điện tử sao cho trung tâm màn hình thấp hơn vị trí của mắt khoảng 10cm; không đặt màn hình thẳng đứng nhằm tránh tình trạng phản chiếu ánh sáng. Khoảng cách giữa thiết bị và học sinh là 40cm đối với điện thoại di động; 60-65cm đối với máy tính để bàn, máy tính xách tay", bác sĩ Danh cho hay.
Đối với tivi, bác sĩ Danh khuyến cáo khoảng cách ước lượng lớn hơn 1,5 lần kích thước màn hình.
Ví dụ: tivi 50 inches, khoảng cách phù hợp lớn hơn 75 inches, tương đương khoảng 2m.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ học bằng điện thoại bởi màn hình điện thoại khá nhỏ, tốt nhất nên sử dụng máy tính để bàn (desktop) hoặc máy tính xách tay (laptop).
Có thể sử dụng tivi kết nối với máy tính xách tay để có được một màn hình lớn hơn, tuy nhiên cần lưu ý đến độ cao và khoảng cách của tivi đối với vị trí của trẻ.
Đồng thời, việc xây dựng thời lượng học tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay (35-45 phút một tiết học, có 5-10 phút chuyển tiết và có giờ giải lao 15-20 phút sau mỗi ba tiết học) đã dựa trên khả năng tập trung của mắt.
Do đó, phụ huynh nên nhắc nhở các bé thời gian nghỉ giữa hai tiết học và thời gian giải lao để nghỉ ngơi mắt. Khi giải lao, phụ huynh không nên cho trẻ tiếp xúc với thiết bị kể cả tivi.
Khám mắt ngay khi có dấu hiệu khác thường
Bác sĩ Danh khuyến cáo, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của mắt (nhìn mờ, nheo mắt, nháy mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt...) và cơ thể (mệt mỏi, kém tập trung, đau đầu, mỏi vai gáy...), phụ huynh nên đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở chuyên khoa.
Hãy ngăn ngừa từ bây giờ
Để phòng tránh cận thị, cũng như độ cận tăng, theo bác sĩ Mai, trẻ em phải hoạt động ngoài trời ít nhất 2 giờ mỗi ngày.
Các bậc cha mẹ cần quan tâm đến việc đo khám tật khúc xạ định kỳ ít nhất 6 tháng/lần ở những nơi uy tín.
Ngoài ra, trẻ cần được giảm áp lực học tập, tăng hoạt động thể chất như chơi các môn thể thao...
Bác sĩ Mai cho biết hiện đã có thuốc hàm lượng thấp nhỏ mắt sẽ có tác dụng chậm tiến triển độ cận cho những trẻ còn tăng độ cận. Những trẻ này cần được đến bác sĩ khám để có chỉ định dùng thuốc này, giúp giảm độ cận.
Ngoài ra, cũng có loại kính đeo ban đêm có tác dụng làm giảm tốc độ tăng độ cận. Loại kính này được chỉ định cho những người có độ cận và loạn thị thấp, cụ thể độ cận dưới 4 độ và độ loạn dưới 1,5 độ. Người sử dụng kính cần vệ sinh kính theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Những người sử dụng loại kính này còn được theo dõi hiệu quả điều trị bằng máy đo bản đồ giác mạc ở các cơ sở chuyên khoa có trang thiết bị đầy đủ.
Bác sĩ Mai nhấn mạnh, hậu quả của tiến triển cận thị gây ra những bệnh lý nguy hiểm khác như bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm, glôcôm (cườm nước), đục thủy tinh thể (cườm khô)...
Khi mắt con bỗng mờ!
Mới đây, chị N.T.T.H. - 42 tuổi, ngụ ở quận 10, TP.HCM - đưa con gái đi đo mắt thì mắt con chị đã tăng độ cận từ 1,75 độ lên 2,25 độ chỉ trong vòng 6 tháng.
Chị H. kể sau thời gian học online hơn một năm trong mùa dịch COVID-19, con chị - bé N.T.N., 9 tuổi - học hành sa sút, khả năng tiếp thu của con chậm hẳn.
Sau khi hỏi lại con, chị mới biết trong khoảng thời gian dài con chị đã không nhìn rõ những chữ cô giáo viết trên bảng. Kết quả khám sức khỏe học đường ở trường cũng lưu ý gia đình chị nên đưa con đi khám mắt.
"Giữa tháng 10-2022, tôi đưa con đến Bệnh viện Mắt TP.HCM để kiểm tra mắt nhưng vẫn không nghĩ con tôi có thể bị cận.
Tôi chủ quan cho rằng mình chăm bé khá kỹ, luôn đảm bảo cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhà lại không có ai bị cận.
Khi bác sĩ thông báo kết quả con tôi bị cận 1,75 độ, tôi mới nhớ lại trong mùa dịch COVID-19, con tôi học qua máy vi tính cả ngày. Sau giờ học bé lại hay xin mẹ cho học tiếng Anh trên iPad.
Nghĩ lại, mỗi ngày trong khoảng thời gian này con đã nhìn màn hình máy vi tính, iPad cả chục giờ đồng hồ. Mới đây, tôi đưa con đi khám mắt lại. Chỉ trong sáu tháng mắt con tôi đã tăng lên thành 2,25 độ. Tôi thật sự rất lo lắng cho con gái mình", chị H. chia sẻ.
Tương tự, chị N.P.T. - 38 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - cũng mới đưa con gái 10 tuổi đi khám mắt và được bác sĩ cho hay con chị đã cận 1,5 độ.
Nhiều lần thấy con cứ nháy mắt, kiểu mỏi mắt nhưng chị T. cũng không để tâm. Cho đến một lần con không nhìn được những dòng chữ trên tivi, phải tiến đến gần tivi để đọc, chị T. mới nghi ngờ con có vấn đề về mắt.
Chị T. kể ngoài thời gian đến trường, con chị hầu như chỉ ở trong nhà. Cuối tuần, ba mẹ mới đưa con đi chơi nhưng cũng chủ yếu đến những trung tâm mua sắm, chứ con ít được hoạt động ở ngoài trời.
"Tại TP.HCM do dân số đông, nhà cửa chật hẹp, ba mẹ bận rộn nên ngoài thời gian đi học, trẻ ở trong nhà nhiều. Khi về nhà, trẻ lại xem điện thoại hoặc học tiếp online trên máy vi tính...
Đây cũng là những nguyên nhân làm trẻ có nguy cơ mắc bệnh cận thị tăng. Tôi đi đón con ở trường tiểu học. Tôi quan sát thì thấy nhiều học sinh phải đeo kính lắm", một phụ huynh chia sẻ.
Theo (T.DƯƠNG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét