Thứ Năm, 6 tháng 4, 2023

Hai luồng ý kiến về việc nên thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự hay không?

Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS).

Trình ĐBQH hai phương án

Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án luật này, đại diện Cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, có hai loại ý kiến khác nhau về Quỹ PTDS (Điều 41). Trong đó, nhóm ý kiến thứ nhất, giữ như dự thảo luật Chính phủ trình, vì cho rằng, quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc. Hiện nay, có nhiều dạng sự cố, thảm họa hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra; thực tiễn qua dịch bệnh COVID-19 cho thấy, rất cần có ngay nguồn lực để mua vaccine.

Toàn  cảnh hội trường.

Ngược lại, nhóm ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định này, vì lý do hằng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi như dự thảo luật, trong khi Quỹ PTDS chưa làm rõ được khả năng tài chính độc lập. Mặt khác, hiệu quả của quỹ này sẽ không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn, nếu để số dư ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu dư quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng...

Trước hai loại ý kiến trên, Cơ quan chủ trì soạn thảo và đa số ý kiến Thường trực UBQPAN tán thành với loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ như quy định dự thảo Chính phủ trình (có chỉnh lý một số nội dung). Tuy nhiên, do đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nên Thường trực UBQPAN thống nhất với Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị đại biểu cho ý kiến về 2 phương án.

Chủ  nhiệm  UBQPAN Lê  Tấn Tới cùng các đại biểu dự hội nghị.

Phương án 1, giữ quy định về Quỹ PTDS và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp. Phương án 2, quy định "Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa".

Khi có thảm hoạ như động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thấy quỹ cần thiết

Qua thảo luận, các ĐBQH tiếp tục có hai luồng ý kiến khác nhau về quỹ này. ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) thống nhất phương án 1 về Quỹ PTDS, bởi việc quy định quỹ tạo cơ chế pháp lý linh hoạt, kịp thời, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết, khắc phục hậu quả sự cố thảm họa trong những trường hợp khẩn cấp, đáp ứng yêu cầu tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, đó là PTDS từ sớm, từ xa.

ĐBQH  Trần Thị Hồng Thanh thảo luận tại hội nghị.

Chung quan điểm, ĐBQH Hà Phước Thắng (TP Hồ Chí Minh) nhất trí phương án 1, bởi theo ông, đây là quỹ ngoài ngân sách và được hình thành trên cơ sở điều tiết các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động PTDS. Tuy nhiên, ông đề nghị rà soát các loại quỹ tương tự, như Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quỹ Phòng, chống dịch bệnh để tránh chồng chéo trùng lắp; đồng thời bổ sung quy định về công khai, minh bạch trong việc triển khai thực hiện. 

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) và một số đại biểu cho rằng, không nên thành lập quỹ này do thực tế thời gian qua có nhiều loại quỹ không hiệu quả. Nếu thành lập Quỹ PTDS sẽ trùng lắp với các quỹ phòng chống thiên tai, dịch bệnh. "Các loại quỹ này đã tồn tại rồi, sao lại thành lập thêm quỹ mới? Khi sự cố xảy ra như dịch bệnh, thiên tai, ngân sách nhà nước sẽ chi ra để sử dụng, nếu lập quỹ nữa sẽ có chồng chéo", đại biểu phân tích.

ĐBQH Nguyễn Tạo thảo luận tại hội nghị.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị chọn phương án 2, trong trường hợp cấp bách Thủ tướng Chính phủ thành lập quỹ, song theo ông, điểm then chốt là sự minh bạch, công khai và sử dụng hiệu quả của quỹ.

Phát biểu giải trình thêm tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, Ban soạn thảo đề xuất theo phương án 1 vì hoạt động phòng thủ rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, xử lý các vấn đề quan trọng tầm quốc gia, như phòng, chống khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố thảm hoạ thiên tai, dịch bệnh, môi trường.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương giải trình thêm tại hội nghị.

"Đến bây giờ chưa xảy ra thì thành lập quỹ này thấy có gì đó chưa cần thiết cho lắm, như khi xảy ra rồi lại thấy rất cần thiết. Ví dụ như, thảm hoạ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, chắc chắn rất khó có thể huy động được nguồn lớn như vậy để phục vụ ngay trong việc giải quyết vấn đề này", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương chia sẻ. Việc thành lập quỹ này cũng không trái với Luật Ngân sách nhà nước, độc lập với ngân sách nhà nước, và giao cho Bộ Tài chính quản lý, hướng dẫn sử dụng...

Quỳnh Vinh

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...