VOV.VN - Những ngày này 50 năm về trước, tháng 3/1973, thực hiện điều khoản của Hiệp định Paris về trao trả tù nhân, hàng nghìn chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày đã được trở về với quân đội, với nhân dân, góp sức vào sự nghiệp cách mạng, đấu tranh cho tới ngày toàn thắng.
Những năm tháng ở “địa ngục trần gian” dù không trên trận địa nhưng cuộc đấu tranh căng thẳng quyết liệt chốn lao tù bằng cả ý chí, sự kiên trung của những người cộng sản, những chiến sỹ yêu nước đã làm kẻ thù khiếp sợ. Ký ức ấy vẫn không phai mờ trong tâm trí những người chiến sỹ năm xưa.
Sau năm 1954, kẻ địch thiết lập hệ thống nhà tù, trại giam khắp miền Nam. Sáu nhà tù, trại giam được mệnh danh là “địa ngục trần gian” đó là: Nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa, Phú Lợi, Tân Hiệp, Thủ Đức. Tại đây, nhiều thủ đoạn tra tấn tàn khốc của kẻ địch như lấy móng tay, chích điện, cưa từng phần cơ thể... liên tiếp xảy ra với các chiến sỹ cách mạng bị bắt giam cầm, mà hầu hết là các thương binh nặng. Nhục hình, cùng với sự đọa đày trong những căn buồng giam tăm tối, thiếu nước, thiếu ánh sáng, không khí. Ngay trong thức ăn với mắm đắng, tương chua, gạo mốc trộn lẫn sạn, cát, trấu, cũng mang mầm chết chóc.... Cho tới không gian bẩn thỉu, chỗ ở chung với chỗ vệ sinh không được dọn rửa thường xuyên... Trái với suy nghĩ của địch, dùng bạo tàn đè nén làm nhụt ý chí cách mạng, những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày vẫn một lòng một dạ, trung thành với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Ông Phạm Uyên (Hà Đông - Hà Nội) từng bị giam cầm tại nhiều nhà tù của địch cho biết: “Việc đầu tiên là mình phải giữ an toàn cho đơn vị, bởi nếu đơn vị bị lộ thì sẽ bị tiêu diệt. Việc đầu tiên mình phải trung thành.”
Trong lao tù, những người tù Cộng sản bí mật nhanh chóng thành lập các chi bộ đảng, kết nạp đảng viên mới, tổ chức đảng chặt chẽ, lãnh đạo các phong trào đoàn thể, hội đồng hương trong các nhà tù, truyền đi thông điệp giữ trọn khí tiết người chiến sỹ cách mạng, đấu tranh với kẻ địch chống lại sự hà khắc, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho tù nhân... Các hình thức đấu tranh phổ biến là tuyệt thực, vượt ngục cá nhân. Có những chuyến tổ chức tập thể vượt ngục thành công, tổ chức cướp súng, đoạt xe cơ giới của quân cảnh, tìm đường về vùng giải phóng.
Tổ chức Đảng trong từng phân khu giam giữ còn lãnh đạo các cuộc đấu tranh trực diện với địch. Tự mổ bụng phản đối sự hà khắc của địch, chấp nhận hy sinh để thủ tiêu những kẻ tay sai cài vào hàng ngũ, những kẻ mật báo phá hoại tổ chức lãnh đạo trong phân khu giam... đã khiến kẻ địch phải khiếp sợ. Không chỉ ở nhà tù Phú Quốc, cuộc đấu tranh đã diễn ra trong hệ thống nhà tù khắp nơi và giành thắng lợi.
Ông Đoàn Văn Quân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) kể: "Đấu tranh với địch phải họp chi bộ rồi có Đảng ủy hẳn hoi để đấu tranh tuyệt thực nhiều lần. Họ còn bắt chúng tôi chào cờ ngụy. Chúng tôi bảo chúng tôi không có tổ quốc này, tổ quốc của chúng tôi là cờ đỏ sao vàng. Trước ngày chúng còn bắt đi lao động, nhưng chúng tôi đấu tranh không đi. Nhiều cuộc đấu tranh với địch thắng lợi.”
Ông Đỗ Hồng Lâm (ở Gia Lâm) cho biết: "Ở trại chúng tôi đấu tranh tuyệt thực cao nhất của đảo Phú Quốc là phải tuyệt thực 15 ngày, đòi quyền lợi của tù binh được quốc tế quy định. Ngày thứ 15 nó mới giải quyết, những ngày đầu còn có ít muối hoặc ít gạo rang, ngày thứ 15 thì không còn gì nữa.”
Những chiến sỹ bị địch bắt tù đày đã biến hệ thống lao tù của địch thành những trường học cách mạng lớn. Cùng với bí mật sinh hoạt chi bộ, những chiến sỹ cách mạng trong tù vẫn mở các lớp văn hóa, chính trị, học nghề... các nhóm văn nghệ, đánh cờ, làm thơ... góp phần giáo dục phẩm chất cách mạng, giữ vững niềm tin, kiên định lập trường và còn cảm hóa được bọn lính gác, giám thị, quân cảnh...
Ông Lê Thiên Tích, trở về từ nhà tù Phú Quốc cho biết: “Tôi dạy anh em học. Tôi biết rất nhiều thơ, tôi viết lại cho anh em học, anh em phấn khởi lắm. Anh em người ta thuộc thơ Tố Hữu. Tôi đọc cho anh em viết lại rồi người ta vẽ thành tranh, anh em trong tù giỏi lắm.”
Ngày trở về chính là trái ngọt của chiến thắng trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, nhưng cũng là chiến thắng của chính tinh thần quả cảm của mỗi chiến sỹ bị địch bắt tù đầy. Ngày trở về chan hòa nước mắt, tiếng cười của những người cộng sản kiên trung, để tiếp tục vào hàng ngũ chiến đấu, phục vụ cho cách mạng.
Theo Hiệp định Pari, từ năm 1973 hàng nghìn chiến sỹ các mạng, người yêu nước bị địch bắt, tù đày đã được trở về với cách mạng, với nhân dân trong niềm vui vững tin vào chiến thắng. Để góp phần mở ra những cánh cửa ngục tù tăm tối ấy còn là sự mất mát, hy sinh của biết bao người con kiên trung trong lao tù./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét