Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, với phương châm lấy xây để chống, phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngăn chặn sự lây lan, phát triển của căn bệnh suy thoái trong giới trẻ đang đặt ra những yêu cầu, thách thức mới...
Khi người trẻ mắc bệnh suy thoái
Thời
gian gần đây, dư luận tích cực trên không gian mạng bày tỏ bức xúc trước việc
nhiều đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài thường xuyên lên mạng xã hội
tung tin xuyên tạc, nói xấu đất nước, xúc phạm danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
gây rối an ninh chính trị. Điều đáng bàn ở đây là đại đa số những đối tượng phản
động này đều còn trẻ. Trước khi quay lưng, phản bội Tổ quốc, họ từng là những
trí thức trẻ, từng có thời gian là công chức, viên chức, công tác trong các cơ
quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị ở một số địa phương. Do bất mãn với tổ chức,
non kém về tư tưởng chính trị, bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, họ đã bị căn bệnh
suy thoái tấn công. Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, họ
đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến mình trở thành những con rối cho các
thế lực thù địch ở hải ngoại giật dây. Sau khi ra nước ngoài sống lưu vong,
chúng trở thành những kẻ phản bội, càng ngày càng điên cuồng thực hiện các hành
vi phản quốc.
Tranh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo. |
Dù chỉ là những thành phần cá biệt, nhưng thực trạng này cho
thấy khi căn bệnh suy thoái trẻ hóa, mức độ nguy hiểm đối với môi trường chính
trị và đời sống xã hội là vô cùng lớn. Hằng ngày, hằng giờ, chúng ra rả các
luận điệu phản động trên không gian mạng làm cho một bộ phận giới trẻ trong
nước bị tác động, ảnh hưởng bởi tư tưởng thù địch, dẫn đến dao động, bi quan,
phai nhạt niềm tin.
Nhìn rộng ra, sâu hơn những vụ án tham nhũng lớn được đưa ra ánh
sáng công lý thời gian qua, chúng ta thấy hành vi tham nhũng, suy thoái đều
liên quan đến những cán bộ có chức quyền. Cán bộ có chức quyền càng to, ảnh
hưởng của suy thoái càng lớn. Tuy nhiên, để đến lúc phải điều tra, xử lý thì đó
là giải pháp “trị bệnh”. Làm sao để cán bộ, đảng viên không “nhúng chàm” thì
phải coi trọng “phòng bệnh”, ngăn ngừa các mầm mống dẫn đến suy thoái ngay từ
khi còn trẻ.
Biểu hiện phổ biến của tình trạng trẻ hóa bệnh suy thoái là sự
thờ ơ, bàng quan với lợi ích dân tộc, chỉ tập trung lo kiếm tiền, không quan tâm
đến các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước, không
thiết tha vào Đảng. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trẻ thì đó
là biểu hiện né tránh đấu tranh, dĩ hòa vi quý, mũ ni che tai, tư tưởng cầu an,
lười học chính trị, lười nghiên cứu nghị quyết... Thực trạng này ở một bộ phận
không nhỏ người trẻ đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh,
đó là “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”. Khi một người trẻ bị hổng kiến
thức lý luận chính trị, không được bồi đắp tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống đến nơi đến chốn thì đến lúc anh ta giàu lên, rất dễ trở thành những “trọc
phú” thời đại mới. Khi những “trọc phú” ấy tìm cách “chui” vào hệ thống chính
trị để thăng tiến thì nguy hại cho tổ chức đảng, cho vận mệnh chính trị của đất
nước là rất khó lường. Thực tế đã chứng minh không ít người giàu có sau khi có
chân trong hệ thống chính trị, hành vi kiểu “trọc phú” của họ đã gây ra những
hệ lụy phức tạp cho tổ chức. Đối với những người trẻ “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa
rời chính trị”, từ suy thoái đạo đức, lối sống đến suy thoái tư tưởng chính trị
là khoảng cách rất mong manh. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nêu rõ: Sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn
biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn,
nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu,
thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc...
Không thể cứ hô hào chung chung
Ở phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Thôn
được coi là một trong những người rất có uy tín. Ông là Anh hùng LLVT nhân dân,
từng hoạt động tình báo trong lòng địch. Sau khi thực hiện thành công phi vụ
cài bom cho nổ tung kho vũ khí lớn của địch ở sân bay Biên Hòa năm 1972, ông bị
chỉ điểm và bị địch bắt. Trong thời gian bị giam cầm tại khám Chí Hòa (Sài
Gòn), ông Thôn nhiều lần chạm mặt những tướng cướp khét tiếng như Điền Khắc
Kim, Lâm “chín ngón”... Danh tiếng của những “đại ca” giang hồ này khiến
bất cứ tù nhân nào cũng e sợ, nhưng với Nguyễn Văn Thôn thì ngược lại. Khi biết
ông là tác giả của vụ nổ long trời lở đất ở sân bay Biên Hòa, ngay cả các “đại
ca” giang hồ cũng bày tỏ sự thán phục, kính nể. “Tôi chẳng phải là người có võ
nghệ cao cường gì, nhưng họ nể là vì mình có bản lĩnh. Người có bản lĩnh thì ở
đâu, lúc nào cũng giữ được vị thế, giá trị của mình, kể cả khi đứng trước giang
hồ cộm cán. Bản lĩnh ấy phải thông qua giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng mới có
được. Thiếu và yếu bản lĩnh thì càng làm to càng dễ “chết”. Tiêu cực, suy thoái
là từ trong suy nghĩ, tư duy mà ra. Đổ lỗi do cơ chế, khách quan chỉ là cách
ngụy biện của người kém bản lĩnh. Ngụy biện cho cái sai cũng là một dạng suy
thoái”, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thôn “chốt” như vậy khi chúng tôi
phỏng vấn. Những năm gần đây, ông Thôn luôn là nhân tố “truyền lửa” cho các tổ
chức trong hệ thống chính trị ở địa phương. Cấp ủy, chính quyền và các cơ quan,
đoàn thể coi ông là vốn quý trong công tác giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng
cho thế hệ trẻ.
Dẫn một câu chuyện cụ thể như vậy để thấy, giáo dục, tuyên
truyền, xây dựng bản lĩnh chính trị nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái trong giới
trẻ phải thực hiện ngay từ cơ sở, thông qua những việc làm, chương trình cụ
thể. Nếu chỉ tuyên truyền kiểu hô hào chung chung, rất khó để đưa thông điệp,
tư tưởng thấm vào tư duy người trẻ. Bởi, trong kỷ nguyên 4.0, sự tiếp nhận,
sàng lọc, đào thải thông tin diễn ra rất gay gắt. Chỉ những thông tin thực sự
hấp dẫn, có ích, có sức thuyết phục mới có sức mạnh cảm hóa. Tìm những nhân tố
tích cực, điển hình, đặc biệt là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư
để làm gương giáo dục là cách làm không mới, nhưng luôn luôn đòi hỏi chúng ta
phải quan tâm đổi mới cách làm, thực hiện bằng trách nhiệm, tâm huyết cao nhất
mới mong có kết quả.
Vài dẫn chứng từ thực tiễn
Ngày 22-3, Ban Đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP Hồ Chí Minh
nhận được thư mời của Quận ủy quận 7, TP Hồ Chí Minh mời tham dự cuộc tọa đàm
giữa Thường trực Quận ủy với bí thư, cấp ủy chi bộ chung cư và đại biểu cán bộ,
đảng viên trên địa bàn quận. Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày mai (24-3). Nhận thấy
đây là hoạt động rất hữu ích, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Võ
Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7. Đồng chí Võ Khắc Thái cho biết: Cuộc tọa đàm
nhằm tìm giải pháp kiện toàn, phát triển tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
lãnh đạo của chi bộ đảng, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên ở các
khu chung cư trên địa bàn quận. Quận 7 là địa bàn có rất nhiều khu chung cư.
Cộng đồng dân cư ở các khu chung cư đa số là người trẻ, trong đó có nhiều cán
bộ, đảng viên. Nhận thức rõ vai trò của chi bộ đảng và cán bộ, đảng viên ở các
chung cư, lãnh đạo quận chủ trương đẩy mạnh các hình thức, biện pháp lãnh đạo,
chỉ đạo xây dựng các chi bộ chung cư vững mạnh. Chi bộ sát cánh cùng Ban quản
trị chung cư triển khai các hình thức, biện pháp quản lý, tuyên truyền pháp
luật, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng đến với mọi cán bộ, đảng viên và
người dân. Đây là một trong những hình thức sinh động, hiệu quả để đưa nghị
quyết của Đảng thấm sâu vào đời sống xã hội. Thông qua các hình thức tọa đàm để
lan tỏa tinh thần, thông điệp, ý nghĩa giáo dục đến với cộng đồng dân cư nhằm
bồi đắp lý tưởng cách mạng, thiết thực phòng, chống suy thoái trong giới trẻ...
Đây là một dẫn chứng sinh động từ thực tiễn. Chung cư là một đặc
trưng của đời sống xã hội ở các đô thị lớn. Công tác quản lý nhân khẩu, bảo đảm
an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội không thể tách rời công tác giáo
dục, tuyên truyền chính sách, xây dựng môi trường văn hóa. Đặc trưng đó đã tạo
môi trường thuận lợi để cấp ủy địa phương đẩy mạnh xây dựng, củng cố, nâng cao
năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là chi bộ chung cư.
Các hoạt động tọa đàm đã được Quận ủy quận 7 chỉ đạo, triển khai
nhiều lần trong hệ thống chính trị các cấp và các tổ chức chính trị, xã hội,
nghề nghiệp, trường học... trong thời gian qua. Những hình thức hoạt động tương
tự như trên cũng đã được cấp ủy ở nhiều địa phương, đơn vị tổ chức. Trực tiếp
tham dự và theo dõi các hoạt động này, chúng tôi nhận thấy đó là không gian,
môi trường được nhiều người quan tâm. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, các
cuộc đối thoại, tọa đàm giúp cấp ủy, người lãnh đạo các cấp nắm chắc thực tế từ
cơ sở, qua đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ
đạo. Trong môi trường học đường, doanh nghiệp, tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp,
những hình thức như: Thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng tiếng
Anh; thi Olympic Triết học, tư tưởng Hồ Chí Minh; thi “Rung chuông vàng” tìm
hiểu lịch sử Đảng... rất được bạn trẻ yêu thích. Đó là những cách làm năng
động, sáng tạo để dẫn dắt người trẻ trở thành chủ thể bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng. Đó cũng là cách “lấy xây để chống”, góp phần ngăn chặn tình trạng trẻ
hóa bệnh suy thoái.
PHAN TÙNG SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét