Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, toàn bộ những giá trị lý luận và thực tiễn mà cuốn sách của Tổng Bí thư mang lại chính là “vũ khí” sắc bén góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sáng 6/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Nội
chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia
Sự thật phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học "Giá trị lý luận và thực tiễn của
tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững
mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng."
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì tọa đàm. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Chủ trì và phát biểu chỉ đạo tọa đàm, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng,
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ
tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nêu rõ, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta
ngày càng trong sạch, vững mạnh” được xuất bản, ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 93
năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung
ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư làm trưởng ban.
Cuốn sách có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt cả về lý luận và thực tiễn,
thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định, đồng thời là sự phát triển
sáng tạo, góp phần hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực.
Những chỉ đạo của Tổng Bí thư thể hiện trong cuốn sách được đúc rút từ
kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự sâu sát, quyết liệt,
toàn diện, đầy sức thuyết phục của người đứng đầu Đảng.
Toàn bộ những giá trị lý luận và thực tiễn mà cuốn sách mang lại chính là
“vũ khí” sắc bén góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác
các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về công tác phòng,
chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, đồng thời lan tỏa quyết tâm to lớn ấy đối
với cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với nhiệm vụ quan trọng này. Do
đó, cuốn sách đã nhận được sự quan tâm chú ý, đón nhận đặc biệt của cán bộ, đảng
viên và quần chúng nhân dân.
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, tọa đàm được tổ chức nhằm
quán triệt, làm sáng rõ hơn và lan tỏa mạnh mẽ giá trị cuốn sách của Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đến cán bộ, đảng viên, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ
quan, đơn vị, quần chúng nắm vững, quán triệt, triển khai có hiệu quả hơn công
tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, đóng góp tích
cực vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gần 40 bài viết của các tác giả ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí
Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; các cơ quan, đơn vị, học viện,
trường, viện nghiên cứu, nhà khoa học gửi tới tham gia, cùng các tham luận và ý
kiến trình bày tại tọa đàm đã khẳng định, cuốn sách là tài liệu có giá trị sâu
sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn, là “cẩm nang” đối với công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lý
luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, cuốn
sách chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú
trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn
thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể," “không dám,"
“không muốn," “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Các ý kiến thống nhất nhận định cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng chỉ rõ “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng” hay “để trị tận gốc tham nhũng,
tiêu cực” phải xuất phát từ “cái gốc của mọi công việc", đó là cán bộ và
công tác cán bộ, bởi lẽ “Tiền mất có thể thu hồi lại. Cán bộ mất phẩm chất
chính trị, có thể trở thành phản bội Đảng, nhân dân thì nguy hiểm vô
cùng."
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải rèn luyện đạo đức cách mạng,
chống chủ nghĩa cá nhân, phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình
“như rửa mặt hàng ngày." Cán bộ, đảng viên phải phải luôn tiền phong,
gương mẫu trước mọi nhiệm vụ, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau".
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng với các đại biểu tham quan trưng bày sách. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Cuốn sách góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tấn công vào cuộc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; giúp cán bộ, đảng viên và nhân
dân hiểu đúng về mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
từ đó giữ vững, củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản
lý, điều hành của Nhà nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển
kinh tế-xã hội.
Từ những phân tích đa chiều, trên nhiều góc độ, các tham luận đã nhất trí
cho rằng cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng nhất
quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí
Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu vấn
đề gợi mở, định hướng và tham góp nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong
công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay; giúp cán bộ, đảng viên,
nhân dân nắm vững, quán triệt, tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả cuộc đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng
trong sạch, vững mạnh.
Theo vietnamplus.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét