Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

Lấy ý kiến trẻ em về Luật Đất đai là đúng luật, nhưng cần làm sao để tránh hình thức

VOV.VN - Việc lấy kiến của tất cả tầng lớp nhân dân, trong đó có cả trẻ em là phù hợp với quy định của pháp luật, song nội dung câu hỏi, cách hỏi cũng cần phù hợp, tránh quá sức với học sinh.

Mới đây, Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã tổ chức lấy ý kiến của trẻ em (cụ thể là học sinh 1 trường THCS tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ngay khi thông tin này được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) là một nội dung khó, phức tạp, việc lấy ý kiến trẻ em với nội dung này là không phù hợp.

Trao đổi về nội dung này, Luật sư Đinh Đức Duy – Văn phòng Luật Kết nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ Điều 28 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.

“Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Căn cứ Điều 6 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020 về việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật”.

Theo đó, đã là công dân Việt Nam thì đều có quyền đóng góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Điều này phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế, từ đó đảm bảo quyền của công dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, kiến nghị các vấn đề với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, căn cứ tiểu mục 1 Mục II Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành kèm theo Nghị quyết 170/NQ-CP năm 2022 quy định những đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm có: “Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; Các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học”.

Theo Luật sư Đinh Đức Duy, Luật Đất đai là một trong những luật đặc biệt quan trọng gắn liền với đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc quản lý đất đai đang rất được quan tâm và chú trong không chỉ riêng đối với cơ quan hành chính Nhà nước mà còn đối với tất cả người dân trong xã hội.

Việc lấy kiến của tất cả tầng lớp nhân dân, trong đó có cả trẻ em là phù hợp với quy định của pháp luật, đúng mục đích theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), từ đó huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân nhằm hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Trẻ em là đối tượng được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 104 Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), do đó phải lấy ý kiến trẻ em để đảm bảo quyền lợi trẻ em khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ theo khoản 1 Điều 74 Luật trẻ em năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018:

“Điều 74. Phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em

1. Các vấn đề sau đây về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tùy theo độ tuổi của trẻ em:

a) Xây dựng và triển khai chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Tuy nhiên, theo Luật sư Đinh Đức Duy, trên thực tế, các vấn đề về đất đai rất khó và rộng, mặc dù Luật Đất đai đã được ban hành và sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn có rất nhiều vướng mắc, tồn tại nhiều bất cập.

“Ngay cả người lớn không phải ai cũng có kiến thức về lĩnh vực này, trong khi đó các em còn đang trong độ tuổi học sinh, với những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm xã hội còn chưa đầy đủ sẽ rất khó để đưa ra những ý kiến, kiến nghị phù hợp về lĩnh vực khó và phức tạp này.

Thế nhưng không thể chỉ vì như vậy mà xem nhẹ vai trò, làm mất đi quyền lợi của trẻ em trong việc góp ý chính sách pháp luật. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trẻ em về dự thảo Luật đất đai nhằm tạo điều kiện cho trẻ em đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng các quy định về đất đai, rất có thể ý kiến của các em sẽ giúp cho các nhà làm luật quan tâm hơn đến quyền lợi của trẻ em khi soạn thảo, ban hành luật. Để hoạt động này thực sự có ý nghĩa, thiết thực, không hình thức thì cần nghiên cứu cách làm sao cho phù hợp với lứa tuổi, nhận thức của các em”, luật sư Đinh Đức Duy nói thêm.

Đồng quan điểm, TS. Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào trong nhà trường học cho học sinh là đúng nhưng phải phù hợp với lứa tuổi, không thể hỏi trẻ em như người lớn. Với mỗi độ tuổi học sinh, thì nội dung câu hỏi, cách hỏi cũng cần phù hợp, tránh quá sức với học sinh.

“Việc lấy ý kiến học sinh dưới hình thức phổ biến pháp luật sẽ hiệu quả hơn, nếu không rất dễ trở thành cách làm máy móc”./.


Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...