Khi cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng, thực sự thông suốt về tư tưởng, những vướng mắc được giải quyết kịp thời thì sẽ có sức đề kháng tốt, không mắc "căn bệnh" nguy hiểm "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đối với nội
dung về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:
"Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn
biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn,
nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu,
thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân
tộc"... Để tránh hệ lụy nguy hiểm từ "căn bệnh" này, chúng ta cần
hiểu rõ nguyên nhân, từ đó có biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Xét về nguyên nhân khách quan, quá trình hội nhập quốc tế
ngày càng sâu rộng và vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa là môi trường xã hội mới làm sản sinh ra những yếu tố tích cực của mỗi
con người, như: Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đổi mới trong các hoạt
động kinh tế, văn hóa, xã hội...
Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường cùng với quá trình
hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công
nghệ thông tin, internet, mạng xã hội phát triển rất nhanh với nhiều thông tin
đa chiều, nhạy cảm đã tác động mạnh, ảnh hưởng đến mỗi cán bộ, đảng viên.
Chính trong môi trường đó, các thế lực thù địch với cách mạng
nước ta đã sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn chống phá vừa ngấm ngầm, vừa công
khai, hết sức tinh vi, xảo quyệt.
Cách thức phổ biến là: Lợi dụng văn học, nghệ thuật để cài cắm
văn hóa, tư tưởng xấu độc, phản động; dùng tiền tài, địa vị mua chuộc, lôi kéo,
làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức quyền; đẩy mạnh
tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội nhằm xuyên
tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước ta; lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân
tộc, tôn giáo và các sự việc tiêu cực... để suy diễn, quy chụp, vu khống, bôi
nhọ chế độ; kích động, cổ vũ các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị lên mạng
xã hội bày tỏ ý kiến chống đối Đảng, Nhà nước; xúi giục lực lượng do chúng tài
trợ gây rối loạn chính trị, xã hội, lôi kéo cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất
là công nhân, giới trẻ biểu tình, đình công, tiến tới bạo loạn lật đổ theo kiểu
"cách mạng màu" v.v..
Về nguyên nhân chủ quan, lúc nào, ở đâu tổ chức Đảng không cảnh
giác, không tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống "diễn biến hòa
bình", để tiêu cực lấn lướt tích cực, không làm tốt công tác giáo dục
chính trị, định hướng tư tưởng thì ở đó dễ có cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”.
Thực tiễn cũng đã cho thấy, chính bản thân những cán bộ, đảng
viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, thiếu tinh thần cảnh giác, không làm
chủ được mình đã bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nói và viết trái với đường
lối, quan điểm của Đảng, thậm chí rơi vào vòng xoáy tham nhũng, tiêu cực, vi phạm
pháp luật và đạo đức, lối sống. Theo thông tin tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu,
học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XIII vừa được tổ chức, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, cấp ủy
và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 413 tổ chức Đảng và gần 5.600 đảng
viên vi phạm, trong đó có nhiều vi phạm về chấp hành nguyên tắc tập trung dân
chủ, phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm,
tham nhũng, cố ý làm trái các quy định của pháp luật...
Trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp
đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái, tăng
117 đảng viên so với cùng kỳ năm 2021. Điều đó cho thấy, mặc dù Đảng, Nhà nước
ta đã tăng cường các biện pháp phòng, chống, thế nhưng “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” vẫn diễn ra và đây là “căn bệnh” vô cùng nguy hiểm, cần phải tiếp tục quyết
liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi.
Nhận thức rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan là căn cứ
khoa học để chúng ta đề ra những giải pháp phòng, chống có hiệu quả “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong thời gian tới. Theo đó, cần tập trung vào một số giải
pháp chủ yếu sau:
Trước hết, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên ở cơ sở. Đây là
giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi vì, nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng có được
giữ vững và nâng cao, phải trên cơ sở từng cán bộ, đảng viên nắm vững những
nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và hiểu rõ chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để thực hiện tốt việc này, cần chú trọng việc nâng cao chất
lượng giảng dạy, bồi dưỡng về lý luận chính trị, pháp luật, tránh tình trạng nặng
về hình thức, còn nội dung giảng dạy chưa đạt được độ sâu sắc, thuyết phục,
chưa gắn với thực tiễn kinh tế-xã hội đang diễn ra. Đặc biệt, phải kiên quyết
khắc phục hiện tượng dạy học không nghiêm túc, dùng “cơ chế, quan hệ” để đạt được
điểm cao và đủ điều kiện được cấp chứng chỉ, văn bằng về trình độ lý luận chính
trị...
Ở cơ sở, nhất là chi bộ tại địa phương, khu dân cư, cần chú
trọng tận dụng, phát huy kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên
đã nghỉ hưu có nhận thức, trình độ lý luận cao, uy tín, bản lĩnh chính trị vững
vàng để tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng; làm nòng cốt trong việc định hướng
tư tưởng ở cơ sở, kịp thời vạch trần những âm mưu, thủ đoạn, quan điểm, luận điệu
sai trái, thù địch để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ đúng-sai, tốt-xấu,
không dao động tư tưởng.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải tích cực, chủ động đấu
tranh với những thông tin xấu, độc trên các mạng xã hội và trong những ấn phẩm
do thế lực phản động, thù địch tuồn vào nước ta nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Giải pháp này rất quan trọng, bởi vì, các thông tin xấu độc
đang được lan truyền bằng nhiều loại phương tiện, đặc biệt là trên các mạng xã
hội, xuất hiện thường xuyên, liên tục và hết sức nguy hiểm; trong khi những
thông tin chính thống phản bác lại thông tin xấu độc, sai sự thật này lại chưa
kịp thời, thậm chí nhiều lúc còn "bỏ ngỏ", mặc cho các thế lực thù địch,
phản động đăng tải những thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, sai trái. Điều
đó dẫn đến không ít cán bộ, đảng viên hoài nghi, bị lây nhiễm những tư tưởng,
thông tin xấu độc, dần trở thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ảnh minh họa: cand.com.vn |
Việc đặc biệt quan trọng là Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xử
lý nghiêm khắc những đối tượng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật và đạo đức,
lối sống; kiên quyết làm trong sạch đội ngũ nhằm củng cố, nâng cao niềm tin của
cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đây là giải pháp cực kỳ quan trọng trong tình hình hiện nay,
nếu chúng ta không làm tốt thì sẽ làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và
nhân dân; đồng thời, các thế lực thù địch với cách mạng nước ta sẽ lợi dụng những
vụ việc tiêu cực để thổi phồng, quy chụp, tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu chế
độ.
Cùng với thường xuyên chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ, bảo đảm không có "vùng cấm",
xử lý nghiêm khắc bất kể người vi phạm là ai, Đảng, Nhà nước cần chủ động công
khai, minh bạch các vụ việc, đối tượng vi phạm để nhân dân được biết và góp phần
cảnh báo, răn đe; tránh để các đối tượng thù địch lợi dụng "tung hỏa
mù", sử dụng "thuyết âm mưu", gây hoang mang, dao động trong đội
ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Biện pháp hết sức quan trọng nữa là phải tổ chức thực hiện
nghiêm túc sinh hoạt tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa theo Kết luận
21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII gắn với thực hiện Chỉ thị
05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải duy trì thực hiện nền
nếp, nghiêm túc, chặt chẽ chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình, nhất là ở cấp
chi bộ, bởi lẽ, chi bộ là nơi mọi cán bộ, đảng viên thường xuyên sinh hoạt, gắn
bó chặt chẽ và hiểu rõ về nhau cả về ưu điểm, nhược điểm, những mối quan hệ xã
hội và nguy cơ mắc sai lầm, khuyết điểm... Sinh hoạt tự phê bình và phê bình nếu
làm tốt, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phòng, chống “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”; giảm vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật,
kỷ luật và đạo đức, lối sống; không để cán bộ, đảng viên sa ngã, vi phạm kéo
dài, gây bức xúc trong cơ quan, tổ chức, địa phương...
Ngoài những giải pháp chủ yếu nêu trên, để phòng, chống hiệu
quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, cần tiến hành đồng
bộ các giải pháp về công tác chính sách, chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất,
tinh thần; tiến hành công tác tổ chức-cán bộ và khen thưởng, kỷ luật thực sự
dân chủ, khách quan, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên thực sự "tâm phục, khẩu
phục", tránh nảy sinh tư tưởng bất mãn, tiêu cực; thực hiện đúng quy định
của Đảng về trách nhiệm nêu gương, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị...
Khi cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng, thực sự thông suốt về tư tưởng, những vướng mắc được giải quyết kịp thời thì sẽ có sức đề kháng tốt, không mắc "căn bệnh" nguy hiểm "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
PGS, TS HOÀNG MINH THẢO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét