[CAND] Bầu trời đỏ lửa, mặt đất hoang tàn, ở giữa là con người kiên gan, bên nhau đối mặt với điên cuồng bom đạn để bừng lên chiến thắng. Thời gian đã lùi xa, sau cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, những hình ảnh đau thương và hào hùng ấy vẫn luôn và chắc chắn sẽ mãi sống động trong ký ức dân tộc.
Bước vào những ngày kỷ niệm tròn 50 năm trận “Điện Biên Phủ
trên không” chiến thắng cuộc tập kích chiến lược bằng "pháo đài bay"
B-52 của đế quốc Mỹ cũng là lúc tôi được biết tin dịp Tết Quý Mão này, Thủ đô
Hà Nội sẽ có nhiều điểm bắn pháo hoa ở nội, ngoại thành. Ở Hải Phòng cùng nhiều
tỉnh, thành phố lân cận và cả nước cũng vậy. Thậm chí, cấp huyện với sự đóng
góp xã hội hóa cũng có thể tổ chức hội pháo hoa. Bởi đại dịch Covid-19 đã bị đẩy
lùi. Bởi bầu trời hòa bình yên ả, nước non tươi đẹp. Bởi với người dân, có gì đẹp
hơn, vui hơn khi đón xuân ngắm bầu trời muôn sắc màu lộng lẫy. Vậy mà đã có một
thời từ bầu trời này, chết chóc, khổ đau ập xuống. Nhưng con người đứng lên. Từ
mặt đất, những luồng đạn đỏ lừ nối nhau bay về hướng máy bay địch. Rồi từ một
góc trời xa, một quầng lửa vụt lao lên. Một tiếng nổ vang động, một đám cháy
bùng lên, "pháo đài bay" trở thành bó đuốc cháy rừng rực giữa trời
cao...
Quân chủng Phòng không-Không quân là một trong những lực lượng được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại.Ảnh: Thành Trung. |
Có gì kỳ vĩ, rạng rỡ vỡ òa hơn thế. Có gì đẹp hơn thế từ ngọn
bút của ước mơ, của sự kiên cường và niềm tin “Tả thanh thiên” viết lên trời
xanh của Hà Nội, Việt Nam một thời dám và biết “nhằm thẳng quân thù mà bắn!”.
50 năm, thời gian chỉ càng làm dày, làm sáng thêm ký ức. Vì
sao “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội”? Câu trả lời đã có trong tâm thế đồng
bào và chiến sĩ cả nước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “B-52 hay “bê” gì
đi chăng nữa ta cũng đánh... mà đã đánh là nhất định thắng”, và “Mỹ sẽ nhất định
thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Câu trả lời là thực
tế cả nước đánh giặc, Đông Dương là một chiến trường, là cuộc chiến tranh nhân
dân trên mọi lĩnh vực, là đánh thắng từng bước, đánh thắng mọi chiến lược chiến
tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, là khí phách và trí tuệ dân tộc làm nên chủ
nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh...
Như lẽ tự nhiên, cuộc đời hậu chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
trong hòa bình của bất cứ chiến binh hay người dân nào cũng gắn với âm hưởng của
chiến tranh. Âm hưởng ấy có niềm tự hào trào dâng và cũng có những khúc quặn thắt
cõi lòng. Cái năm 1972 đó thôi, khi bạn bè, đồng đội tôi ngã xuống ở Quảng Trị,
Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ... thì cũng là lúc những kẻ hiếu chiến Mỹ tung cả
hai ngón đòn ngoại giao thâm hiểm và sức mạnh vũ khí tàn bạo, vừa cản trở sự ủng
hộ quốc tế đối với sự nghiệp cứu nước của chúng ta, vừa nâng mức độ hủy diệt của
bom đạn lên mức khủng khiếp với Chiến dịch Linebacker I đánh phá trở lại miền Bắc.
Ngày 16-4, B-52 rải thảm tàn phá một nửa TP Hải Phòng, một nỗi đau, một nút thắt
ngặt nghèo chưa từng có.
Đây chính là lúc những cán bộ giảng dạy trẻ cùng hàng vạn
sinh viên các trường đại học chúng tôi theo lệnh tổng động viên “xếp bút nghiên
lên đường ra trận”. Chúng tôi hiểu đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là lẽ sống
đích thực khi Tổ quốc lâm nguy. Nhưng rồi tại sao đang chuẩn bị tiến vào Nam
thì nhiều tiểu đoàn sinh viên chúng tôi lại được lệnh hành quân ngược ra phía Bắc
bổ sung vào các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân và Quân chủng Hải
quân? Người lính đơn giản là hành động theo mệnh lệnh. Nhưng thực tế chúng tôi
cũng phần nào hiểu chiến trường phía Bắc cần, Hà Nội, Hải Phòng cần. Và khi cảng
Hải Phòng bị phong tỏa bởi thủy lôi, bom từ trường, khi chúng tôi được lệnh
tham gia vào các tàu rà phá bom, mìn trên cửa biển Nam Triệu, Hải Phòng thì những
phán đoán của những “tham mưu binh nhì” là cũng có lý. Tuy nhiên, khi B-52 trút
bom xuống Hà Nội, Hải Phòng trong một chiến dịch mà sau này chúng tôi được biết
với cái tên Linebacker II thì mức độ hủy diệt của cuộc chiến tốc lực và tổng lực
của không quân, hải quân Mỹ vượt xa sự hình dung của chúng tôi. Lửa đỏ, khói bụi
lại trùm lên cả TP Hải Phòng. Bom đạn, tên lửa Mỹ không chỉ nhằm vào kho tàng,
nhà máy mà cả nhiều phố xá, khu dân cư; không chỉ nhắm vào các trận địa phòng
không và các con tàu của chúng tôi mà còn nhằm vào cả những con tàu các nước bạn
bè: Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Hungary, Ba Lan... đang đậu ở cảng Hải Phòng.
Tại Thủ đô Hà Nội, mức độ hủy diệt còn dã man, khủng khiếp
hơn nữa. Khi chiến sự tạm ngưng, tôi được ưu tiên nghỉ phép mấy hôm về thăm nhà
ở Hà Nội. Tôi vội vã đạp xe về đến phố Khâm Thiên. Không một ngôi nhà nào bên
dãy số lẻ kéo dài cả cây số còn nguyên vẹn. Đã gần một tuần trôi qua mà khói lửa
từng đám, từng đám vẫn bốc lên; thi hài người dân vẫn đang được tìm trong đổ
nát hoang tàn...
Vì sao Khâm Thiên? Vì sao Bệnh viện Bạch Mai, ga Hàng Cỏ...
và nhiều phố, nhiều làng Hà Nội bị bom đạn Mỹ tàn phá? Không có gì khác ngoài
mưu mô dã man tột cùng nhằm đánh sập ý chí của quân dân Hà Nội, của dân tộc Việt
Nam. Nhưng câu trả lời đối với kẻ xâm lược là sự kiên cường của mỗi người dân
tin Đảng, tin vào sự mất mát, hy sinh sẽ góp phần đem lại thắng lợi cuối cùng.
Và sự kiên cường của chiến sĩ cùng người dân ngay tức thì đã biến Hà Nội, Việt
Nam thành biểu tượng của lương tri nhân loại, biến cuộc chiến chống át chủ bài
“pháo đài bay” B-52 thành trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên
không” toàn thắng.
Thời gian làm dày, làm sáng thêm ký ức. Không chỉ hàng triệu
“Người lính già tóc bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong” như sau trận quân dân Đại
Việt đánh thắng quân Mông Nguyên thế kỷ thứ 13. Cuộc kháng chiến 30 năm vẫn
luôn sống cùng các thế hệ người Việt Nam đang từng ngày đổ mồ hôi và sức óc lao
động dựng xây. Muôn vàn câu chuyện, muôn vàn trang sách, báo, thước phim đã và
đang được kể bởi những người đã trải qua và cả những người sinh ra sau chiến
tranh. Riêng với chúng tôi, những câu hỏi vì sao, vì sao vẫn luôn chất chứa nơi
đáy lòng. Vì sao con tàu của chúng tôi đang đỗ trong khu vực cảng Hải Phòng lại
đột ngột được lệnh ngay lập tức phải rời khỏi vị trí? Ta biết đích xác đêm đó địch
sẽ đánh vào cảng? Ở tầm lớn, toàn diện hơn là đích xác những tốp B-52 và máy
bay chiến thuật xuất phát từ đâu, ngày giờ nào. Là từng chỗ mạnh, chỗ yếu của
B-52, từng thủ đoạn chiến thuật. Và quyết định là cách đánh biết địch-biết ta
là thế.
Tôi đã được gặp những con người-những bộ óc từng đối mặt với
các cuộc chiến từ trên trời và sau này là những nhà nghiên cứu, tổng kết, tôi
đã cùng họ giới thiệu tài liệu cực quý-cuốn cẩm nang bìa đỏ “Cách đánh B-52 của
bộ đội tên lửa" trên Báo Quân đội nhân dân... Tôi cũng từng dự cuộc gặp gỡ
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 72 tên lửa, đơn vị
đã bắn rơi chiếc B-52 trước khi nó kịp trút bom xuống Hà Nội và xác nó vẫn còn
nằm một phần trong hồ Hữu Tiệp bên làng hoa Ngọc Hà. Cuộc gặp gỡ ấy đã cho tôi
biết lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đã chăm lo xây dựng từng tiểu đoàn tên
lửa ra sao. Cũng tại đây, tôi được hiểu thêm về cách “điều binh” tổ chức trận
thế của Quân đội ta trong những ngày tháng 12 năm ấy, khi Tiểu đoàn 72 đang tác
chiến tại Hải Phòng được điều về Bắc Ninh tập trung lực lượng tên lửa bảo vệ bầu
trời Hà Nội. Và nữa là lòng dân. Chỉ trong một đêm, toàn bộ dân làng Đại Chu
(huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã quyết định di dời toàn bộ mồ mả ông cha và
một phần cánh đồng màu mỡ bên sông Cầu để bộ đội ta xây dựng trận địa tên lửa.
Chính quả tên lửa của Tiểu đoàn 72 từ trận địa Đại Chu đã bắn hạ chiếc B-52 đêm
27-12 ấy...
Ký ức được sáng lên không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn quá
khứ mà còn nhìn rõ hơn tương lai. Chiến tranh trên không, chiến tranh điện tử,
chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh thông tin, chiến tranh truyền thống và
phi truyền thống... Và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Quân đội nhân dân, thế
trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân... Đồng thời với cuộc Triển lãm Quốc
phòng quốc tế Việt Nam lần đầu tiên vừa diễn ra tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội),
tôi được biết nhiều đơn vị phòng không, không quân và hải quân đã được xây đắp
nền tảng tinh thần Bộ đội Cụ Hồ và trang bị những vũ khí mới, hiện đại. Đến
thăm một đơn vị tên lửa từng bắn rơi B-52 năm xưa ấy, tôi lại được thấy những
khu vườn ươm cây hoa ban đỏ và nhiều cây đẹp quý để trồng trên những ngả đường,
khu đô thị của Thủ đô Hà Nội-Thành phố vì hòa bình...
Tùy bút của MẠNH HÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét