Tuần trước, tôi về quê dự đám cưới con trai người bạn. Nhìn cô dâu, chú rể bên nhau thật đẹp đôi, hạnh phúc, ai cũng khen và thêm lời chúc phúc.
Những tưởng tình duyên của đôi bạn trẻ sẽ được vun đắp theo
chiều thuận. Nhưng khi hôn lễ sắp kết thúc, một bác trai ngồi cùng bàn với tôi
to nhỏ:
- Thế chứ, cứ như ông nội chú rể thì chúng nó làm gì có ngày hôm nay. Nếu ông ấy cứ khăng khăng cấm đoán thì tội quá...
Bác trai vừa ngắt lời thì một bà ngồi đối diện tiếp tục:
- Ông nội chú rể là cán bộ nghỉ hưu đấy. Vậy mà sao lúc đầu
ông ấy khắt khe, cổ hủ thế. Tôi tin là hai cháu đã vượt qua những trở ngại để
chung tình thì nhất định chúng nó sẽ hạnh phúc.
Tôi thực sự chưa hiểu câu chuyện trên, bởi vậy sau ngày cưới
hai cháu, tôi có hỏi bố chú rể. Câu chuyện anh bạn tôi kể cứ đan xen buồn vui,
nhưng có hậu như thế. Từ trước tới nay, người dân xã tôi chỉ theo hai đạo là đạo
Phật (65% dân số) và đạo Thiên chúa giáo (35% dân số), thường gọi tắt là bên
lương, bên giáo. Trước đây, nhất là thời kỳ chống Pháp, giữa bên lương và bên
giáo trong xã chưa hòa thuận, còn mất đoàn kết. Không để tình trạng này kéo
dài, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã kiên trì tuyên truyền, giáo dục
để đồng bào lương-giáo hiểu nhau, xích lại gần nhau, cùng nhau làm ăn, sinh sống,
xây dựng quê hương, đất nước. Thật vui, có nhiều đôi là người bên lương, người
bên giáo đã nên duyên vợ chồng.
Sự tiến bộ đó như một chất xúc tác hiệu nghiệm để tình cảm
giữa con trai của bạn tôi và cô gái người bên giáo mạnh hơn, đẹp hơn. Vậy mà,
riêng ông nội chàng trai thì phản đối, ngăn chặn quyết liệt, chỉ vì người yêu của
đứa cháu đích tôn là người bên giáo. Ông từng tuyên bố, nếu cháu mà cố tình lấy
người bên giáo thì ông sẽ không cho đất làm nhà.
Quan điểm lạc hậu của ông bị một số người xấu bụng lợi dụng,
hùa theo, có người thì lợi dụng để “kê kích”, chia rẽ đoàn kết. Biết chuyện
này, chi ủy chi bộ thôn đã đến nhà ông nội chàng trai động viên, thuyết phục để
hai bạn trẻ nên vợ nên chồng. Đồng chí bí thư chi bộ không chỉ trong vai lãnh đạo,
mà còn phát huy “vai trên” trong họ tộc để khuyên nhủ. Những lần gặp gỡ, bí thư
chi bộ không chỉ nói về tình yêu đôi lứa mà còn nói bao điều thấm thía khác. Rằng,
tình yêu của hai bạn trẻ thật đẹp, xuất phát từ tình bạn, tình cảm giữa hai người
công nhân, họ lấy nhau là hoàn toàn hợp với Luật Hôn nhân và gia đình. Mối tình
này không chỉ là hạnh phúc lứa đôi, gia đình, mà còn gắn kết lương-giáo gần
gũi, sâu sắc hơn. Nếu mối tình này bị cấm đoán vô cớ thì hậu quả xấu không chỉ
với tình yêu của hai bạn trẻ mà cả cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
Sau nhiều lần bí thư chi bộ và các chi uỷ viên vận động,
khuyên nhủ, ông nội chàng trai thấm thía, nhận ra sự cấm đoán vô lý và đồng ý để
hai gia đình tổ chức lễ thành hôn cho hai cháu thật vui vẻ.
QUANG TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét