Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Học và làm theo Bác tạo động lực cho các cấp, các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị

(TG) - Với truyền thống và tránh nhiệm, niềm tin yêu tuyệt đối với Đảng, Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học và làm theo Bác, xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khóa về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, chuyên đề năm 2021.

Tiếp nối Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó khẳng định rõcần phải quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đổi mới cách chỉ đạo bằng việc tạo điều kiện cao nhất cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thể hiện ở việc Trung ương xác định chuyên đề học tập và làm theo Bác chung cho cả nhiệm kỳ và năm 2021, trên cơ sở đó, các tỉnh lựa chọn chủ đề, xây dựng chuyên đề riêng cho từng năm, sát thực với tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị.

Với Cao Bằng, là một tỉnh có bề dày truyền thống 520 năm lịch sử và văn hóa, vùng đất luôn giữ vai trò, vị trí chiến lược trọng yếu, bức “phên giậu” vững chắc nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Nơi vinh dự được đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và là miền đất khai sinh Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay… vùng căn cứ địa đầu tiên, "đại bản doanh" của cả nước, là “cội nguồn”, “chiếc nôi” của cách mạng Việt Nam và tự hào là quê hương thứ hai của Bác Hồ. Với truyền thống và tránh nhiệm, niềm tin yêu tuyệt đối với Đảng, Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học và làm theo Bác, xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của tổ chức Đảng; của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc xác định Học tậpvà Làm theo Bác không chỉ là thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng mà là nhu cầu tất yếu tự thân, là một trong những động lực, nguồn lực nội sinh để thúc đẩy Cao Bằng phát triển. Đó cũng là sự tri ân thiết thực, là tình cảm sâu nặng, là niềm tin sắt son của Nhân dân các dân tộc với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, với “Ông Ké”, với “Già Thu” ruột thịt, kính trọng của quê hương Cao Bằng. Vì lẽ đó, trong nhiều năm qua,  Cao Bằng đã triển khai thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần thúc đẩy sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong toàn Đảng bộ.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW giai đoạn 2015 - 2020, căn cứ điều kiện thực tế và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được Nghị quyết Đảng bộ tỉnh xác định, Ban Tuyên giáo đã tiếp tục chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm sát với tình hình của tỉnh, với các nội dung cuu thể như:

Tham mưu cho Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng - Chuyên đề năm 2021:“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Toàn tỉnh đã tiếp sóng, kết nối Hội nghị học tập, quán triệt Chuyên đề toàn khóa đến cấp cơ sở và tuyên truyền trong Nhân dân tới 66 điểm cầu, với trên 2.000 đại biểu tham dự[1];chỉ đạo tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng cao điểm (trong tháng 5/2022) với việc tổ chức đồng thời các nội dung: triển khai thực hiện Chuyên đề của tỉnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 theo Kết luận số 01-KL/TW; triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và triển khai đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thiết thực chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022).

Gắn kết chặt chẽ việc chỉ đạo đẩy mạnh học tập và làm theo Bác với triển khai thực hiện quyết liệt các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; 03 chương trình trọng tâm và 03 nội dung đột phá để khai thác 5 lợi thế chính và tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt của tỉnh. Tập trung chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Tiếp tục tham mưu chỉ đạo các cấp uỷ ở các địa phương, đơn vị đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào nội dung sinh hoạt chi bộ định kỳ thường xuyên hằng tháng, thực hiện tốt quy định về chuẩn mực đạo đức, tác phong công tác, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên...

Ban Tuyên giáo đã tham mưu cụ thể hoá Chuyên đề toàn khoá nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng - Chuyên đề năm 2021:“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 bằng việc xác định hệ thống nội dung để chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh cả giai đoạn 2022 - 2025[2]; đồng thời ban hành Kế hoạch về biên soạn, xuất bản tài liệu nghiên cứu, học tập chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ năm 2022 đến năm 2025.Trong đó, mỗi địa phương, đơn vị xác định từ 01 đến 02 nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để tập trung giải quyết và công khai kết quả giải quyết trước cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Trong năm 2022, tham mưu chủ trì thực hiện việc biên soạn, xuất bản và phát hành 2 cuốn tài liệu với số lượng gần 18.000 cuốn (9.000 cuốn/1 tài liệu) phục vụ các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở triển khai học tập, quán triệt và triển khai thực hiện, bao gồm: (1) Tài liệu Chuyên đề năm 2022 của tỉnh Cao Bằng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay” (xuất bản tháng 4/2022); (2)Tài liệu"Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về "tự soi, tự sửa" trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn 2022 - 2025" (Tài liệu phụcvụ đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII)(xuất bản tháng 10/2022). Hiện nay đang tiếp tục thực hiện biên soạn, xuất bản cuốn tài liệu học tập Chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng Cao Bằng phát triển bền vững” phục vụ việc triển khai, học tập trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị, đoàn thể (dự kiến tài liệu in 9.000 cuốn, xuất bản tháng 12/2022).

Thực hiện đổi mới về công tác thi đua - khen thưởng thực hiện Kết luận số 01-KL/TW: tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan liên quan xây dựng Hướng dẫn các hình thức biểu dương, khen thưởng và tổ chức gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn chấm điểm, đánh giá thực hiện tiêu chí thi đua Tổ chức triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào đánh giá, xếp loại đảng viên và tổ chức đảng hằng năm.

Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ tiếp tục được đổi mới, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội và cộng đồng dân cư, từng bước tác động tích cực trong sự chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên với nhiều hình thức phong phú. Đôn đốc các địa phương, đơn vị, tập thể, cá nhân tích cực tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt I, giai đoạn 2021 – 2025; tham mưu tổ chức triển khai cuộc thi Tìm hiểu về Chuyên đề năm 2022 của tỉnh Cao Bằng (dự kiến tổ chức trong quý IV/2022).

Phối hợp tham mưu chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hànhTrung ương, các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; việc chấp hành Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng; việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; công tác cán bộ. Kết quả, từ năm 2021 đến hết tháng 9/2022, cấp uỷ các cấp kiểm tra được 2.065 lượt tổ chức đảng; giám sát được 881 lượt tổ chức đảng; kiểm tra được 5.633 lượt đảng viên (trong đó có 1.529 cấp uỷ viên các cấp); giám sát 3.035 lượt đảng viên (trong đó 1.001 đảng viên là cấp uỷ viên các cấp).

Qua học tập và làm theo Bác đã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trên khắp các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia… Trong 2 năm (2021, 2022) Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 4 tập thể, 7 cá nhân; toàn tỉnh đã biểu dương, khen thưởng 293 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh Cao Bằng đã trở thành một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Trong thời gian tới, để việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, tạo động lực cho các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 91-KH/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh uỷ Cao Bằng về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị; các văn bản của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW gắn với việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức học tập, quán triệt chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hằng năm, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc thường xuyên, nền nếp trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, tổ chức. Trước mắt là tập trung học tập, quán triệt có hiệu quả Chuyên đề năm 2023 của tỉnh Cao Bằng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minhvề phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng Cao Bằng phát triển bền vững”.

Ba là, tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung đột phá của tỉnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Chủ động, trách nhiệm; nói đi đôi với làm; chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại” gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, Kế hoạch số 110-KH/TU, ngày 10/02/2022 của Tỉnh uỷ Cao Bằng về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW; Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 08/4/2022 của Tỉnh uỷ Cao Bằng về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị;gắn với tiếp tục thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động xác định và thực hiện nội dung đột phá của cấp mình sát với tình hình thực tế, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo tiếp tục thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tuyên truyền, phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng; tự lực, tự cường, khát vọng phát triển quê hương Cao Bằng phồn vinh hạnh phúc.

Bốn là, tiếp tục quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo Bác, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội, các nền tảng số, để cán bộ, đảng viên và Nhân dân cùng học tập và làm theo. Tuyên truyền, khuyến khích các văn nghệ sỹ, nhà báo, cán bộ, đảng viên và Nhân dân hưởng ứng tham gia sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 – 2025.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, sơ kết việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tiếp tục biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bế Thanh Tịnh

Ủy viên Ban Thường vụ,

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

[1]Sau Hội nghị trực tuyến, các địa phương đơn vị tiếp tục tổ chức các hội nghị trực tiếp, trực tuyến; tiếp sóng hội nghị trực tuyến ngành dọc; đưa nội dung học tập chuyên đề trong các hội nghị triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh, của huyện…) với tổng số trên 200 hội nghị, trên 10.000 lượt người tham dự.

[2]Đó là: Năm 2022: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay”. Năm 2023: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minhvề phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng Cao Bằng phát triển bền vững”. Năm 2024:“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ trong Đảng, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Năm 2025:“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Vương quốc Campuchia Chay Navuth

[CAND] Chiều 29/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Vương quốc Campuchia Chay Navuth đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng ngài Đại sứ Vương quốc Campuchia Chay Navuth đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đánh giá cao những đóng góp của ngài Đại sứ nói riêng và của Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam nói chung trong việc tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Nghị viện và giao lưu nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia Chay Navuth cùng các đại biểu tại buổi tiếp. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh 2 nước có rất nhiều hoạt động kỷ niệm “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam năm 2022” kỷ niệm 55 năm Ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2022), quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Hạ viện Campuchia có những bước phát triển rất mạnh mẽ và ấn tượng. Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Say Chhum, Chủ tịch Hạ viện Campuchia Samdech Heng Samrin đều sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sang thăm chính thức Campuchia và dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43), trong đó có sự đóng góp rất lớn của Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam và cá nhân ngài Đại sứ.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ấn tượng hết sức sâu đậm về sự phát triển của đất nước Campuchia dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương Norodom Sihamoni, sự lãnh đạo của hệ thống chính trị gồm Thượng viện, Quốc hội và Chính phủ Capuchia; một lần nữa chúc mừng Campuchia đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2022 và Chủ tịch AIPA-43.

Đại sứ Campuchia Chay Navuth cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian cho cuộc tiếp; đồng thời bày tỏ vinh dự chứng kiến những bước phát triển rất mạnh mẽ của Việt Nam trong nhiệm kỳ công tác, trong đó Quốc hội Việt Nam luôn có sáng kiến, chủ động, tích cực trong hoạt động, nhất là công tác lập pháp. Cho biết Campuchia cũng đang có sự phát triển rất mạnh mẽ, Đại sứ Chay Navuth nhấn mạnh, sự phát triển của Campuchia không thể tách rời sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là kênh Nghị viện với sự đóng góp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đại sứ nhấn mạnh, sự giúp đỡ rất to lớn về kỹ thuật và nhiều mặt khác của Quốc hội Việt Nam đã góp phần rất lớn vào sự thành công của AIPA-43 do Quốc hội Campuchia đăng cai tổ chức trong năm 2022.

Ngài Chay Navuth cũng nêu ví dụ về hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước mới đây tại Đà Nẵng, hay sáng kiến tổ chức Hội nghị tham vấn giữa ba Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) để minh chứng cho đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ giữa Quốc hội 2 nước Việt Nam-Campuchia cũng như giữa Quốc hội 3 nước CLV; việc nâng cấp cơ chế Hội nghị hiện nay giữa các Ủy ban của Quốc hội ba nước CLV thành “Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam” do ba Chủ tịch Quốc hội chủ trì.

Chia sẻ những tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam, ngài Chay Navuth khẳng định, dù trên bất kỳ cương vị công tác nào sẽ luôn tích cực đóng góp để thúc đẩy, vun đắp, củng cố, phát triển mối quan hệ giữa hai nước nói chung và giữa các cơ quan lập pháp 2 nước nói riêng; trong đó tích cực góp phần thúc đẩy để sớm hoàn thành 16% khối lượng công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước, cũng như giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia.

Cảm ơn những lời nói tốt đẹp của Đại sứ Campuchia Chay Navuth, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam và Campuchia vừa là bạn bè, vừa là láng giềng tốt, vừa như anh em một nhà, đã sát cánh bên nhau trải qua nhiều giai đoạn lịch sử; đồng thời bày tỏ tin tưởng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ trường tồn cùng năm tháng.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ làm hết sức mình để góp phần tăng cường, củng cố, nâng cao tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước; bày tỏ mong muốn, dù trên bất kỳ cương vị công tác nào, Đại sứ sẽ tiếp tục dành tình cảm, tâm huyết thúc đẩy hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước.

Nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về mối quan hệ biện chứng, tương hỗ lẫn nhau giữa quan hệ tốt đẹp về chính trị với quan hệ tốt đẹp về kinh tế, thương mại, đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ công tác của Đại sứ tại Việt Nam, một trong những điểm tích cực là kim ngạch thương mại song phương hai nước vượt ngưỡng 10 tỷ USD. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Chính phủ, Nghị viện Campuchia tiếp tục quan tâm, tháo gỡ vướng mắc, kiến tạo phát triển để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước này đầu tư vào nước kia.

Nhấn mạnh rằng trong năm 2022, mối quan hệ giữa Quốc hội hai nước đã có bước phát triển đột phá, mở rộng cơ chế hợp tác giữa Quốc hội 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong trên cơ sở những cơ chế đã thiết lập, cơ quan lập pháp hai nước sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp.

Qua Ngài Đại sứ, thay mặt Quốc hội Việt Nam, nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời chúc mừng năm mới 2023 tốt đẹp nhất tới Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Samdech Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, Samdech Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen, các nhà lãnh đạo và toàn thể nhân dân Campuchia.

Hoàng Thị Hoa

Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

[CAND] Thực tế của Đảng Cộng sản Liên Xô đã chứng minh, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ Liên Xô là do đã từ bỏ các nguyên tắc xây dựng Đảng dẫn đến sự tan rã của Đảng.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, trong các kỳ đại hội Đảng gần đây, vấn đề kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng là quá trình phát triển nhận thức lý luận của Đảng trên cơ sở tổng kết thực tiễn của 36 năm đổi mới theo hướng mở rộng và bao quát hơn những nội dung cần phải kiên định. Kiên định nguyên tắc là cơ sở để chúng ta phân biệt đối tượng, đối tác trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta lần đầu tiên khẳng định: Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, về lý luận, nguyên tắc là vấn đề có tính sống còn đối với một tổ chức. Tuân thủ các nguyên tắc thì tổ chức đó vững mạnh, từ bỏ hoặc thực hiện không nghiêm túc các nguyên tắc thì sẽ dẫn đến tổ chức rệu rã và có nguy cơ tan rã.

Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trải qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên tắc cơ bản của học thuyết Mác-Lênin về xây dựng Đảng. Tổng kết công tác xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng khác nhau, tuy cách diễn đạt về các nguyên tắc xây dựng Đảng có khác nhau một vài điểm nhưng nhìn chung, Đảng ta vẫn luôn khẳng định những nguyên tắc trên cơ sở vận dụng và tuân thủ các nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta phát triển nguyên tắc về nền tảng tư tưởng: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.

Đây là lần đầu tiên Đảng ta xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiền phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiền phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cũng tại đại hội lần này, Đảng ta bổ sung thêm nguyên tắc: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc chủ yếu nói trên trong quá trình xây dựng Đảng là một trong những yếu tố có tính quyết định bảo đảm cho Đảng ta giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; là cơ sở khoa học để Đảng ta không ngừng chăm lo xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng luôn xứng đáng vai trò người lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Trên cơ sở những nguyên lý về xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân do Lênin nêu ra và thực tiễn hoạt động của Đảng ta, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua (các nhiệm kỳ XII và XIII thống nhất giữ nguyên Điều lệ) quy định về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động như sau: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: Tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc này và đó cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Đảng ta trong thời gian qua.

Thứ hai, quan điểm chỉ đạo là kiên định nhưng không phải là cứng nhắc, giáo điều và cũng không phải là đổi mới vô nguyên tắc.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Trong quá trình thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, cần thấm nhuần quan điểm chỉ đạo: Kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Kiên trì, kiên định nhưng không trở thành giáo điều, cứng nhắc; đổi mới, kế thừa và phát triển nhưng trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc chứ không phải là vô nguyên tắc, dân chủ quá đà, lẫn lộn giữa đối tượng, đối tác.

Thứ ba, về thực tiễn, trong nghiên cứu, học tập, quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng thì chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục nên khi thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng rất cần phải kiên định tuân thủ các nguyên tắc. Nếu ai không tuân thủ sẽ phải chịu trách nhiệm bằng các hình thức kỷ luật của Đảng.

Đánh giá việc thực hiện các nguyên tắc và đổi mới phương thức lãnh đạo, văn kiện Đại hội XIII chỉ ra những ưu điểm sau: “Công tác xây dựng Đảng về chính trị được đặc biệt chú trọng. Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối đổi mới và các nguyên tắc xây dựng Đảng”. “Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới. Ban hành và thực hiện nhiều quy định bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao nguyên tắc pháp quyền, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội”.

Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nêu rõ ưu điểm: “Đảng ta luôn vững vàng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc về xây dựng Đảng”.

Về hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng nói chung, các nguyên tắc xây dựng Đảng nói riêng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm như Văn kiện Đại hội XIII chỉ ra: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục”.

Đánh giá việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, Văn kiện Đại hội XIII nêu: “Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp”. “Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài. Đây là điều rất đáng trăn trở vì trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên (trong đó có 23.432 cấp ủy viên). Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý). Các cấp ủy đã giám sát 193.993 tổ chức đảng và 528.652 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã giám sát 124.469 tổ chức đảng và 185.731 đảng viên.

Điều cần lưu ý là rất nhiều vi phạm xảy ra từ nhiệm kỳ trước nhưng đến nay mới bị phát hiện và xử lý. Như vậy trước đó, việc tuân thủ các nguyên tắc xây dựng Đảng chưa thật sự được coi trọng, thậm chí bị buông lỏng. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là các nguyên tắc xây dựng Đảng chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm túc. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới; việc quán triệt các nghị quyết của Đảng ở một số nơi chưa kịp thời, sâu sắc. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chủ động, sâu sát, thiếu quyết liệt; chưa coi trọng việc tự kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh, trông chờ vào chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa một số cấp ủy với đảng đoàn, ban cán sự đảng có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Việc phân định trách nhiệm của người đứng đầu trong mối quan hệ với cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ; chưa phát huy đúng mức vai trò của cá nhân trong tập thể. Việc xây dựng, phát huy vai trò của các cơ quan tham mưu về công tác xây dựng Đảng có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận cán bộ tham mưu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, kiên định những nguyên tắc xây dựng Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018 của Bộ Chính trị. Tăng cường tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung các nguyên tắc xây dựng Đảng để từ nhận thức sẽ có hành động đúng và tạo sự lan tỏa theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Thứ hai, tập trung xây dựng, thông tin chủ động, chính xác, kịp thời, toàn diện, đúng đối tượng về các hoạt động, sự kiện chính trị, xã hội của đất nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục, fanpage, blog, tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook...) về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ ba, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, kịp thời định hướng dư luận xã hội; thực hiện tốt quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho báo chí; công khai kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trên các phương tiện truyền thông; xử lý nghiêm những thông tin phản ánh không đầy đủ, phiến diện, tiêu cực một chiều trên báo chí, mạng xã hội.

Thứ tư, quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội; thường xuyên tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không tham gia bình luận tiêu cực hoặc chia sẻ những thông tin xấu độc trên không gian mạng.

PGS, TS LÊ VĂN CƯỜNG, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Lời khai của kẻ dùng súng giả để cướp ngân hàng

[CAND] Ngày 29/12, làm việc với cơ quan Công an sau khi bị bắt, đối tượng Từ Thanh Tùng( SN 1993), kẻ gây ra vụ cướp tại phòng giao dịch Agribank chi nhánh Bắc Đồng Nai ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu vào chiều 28/12 đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình…

Từ Thanh Tùng ngụ tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa, đã có vợ và 1 con nhưng không có nghề nghiệp ổn định. Tùng từng ăn chơi và nợ nần nên lấy xe máy của bố mình đi bán để lấy tiền tiêu xài cá nhân cũng như mượn nợ một số người khác.

Thời gian gần đây Tùng tu chí hơn khi làm nghề shipper. Trong khi đi giao nhận hàng, Tùng nảy sinh ý định cướp tài sản. Để có số tiền lớn, Tùng nghĩ ra cách đi cướp ngân hàng. Do đó trong những ngày đi giao nhận hàng, Tùng đã quan sát một số ngân hàng trên địa bàn TP Biên Hòa và khu vực xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu gần nhà Tùng.

Nhận thấy Phòng giao dịch Agribank chi nhánh Bắc Đồng Nai đóng tại xã Thạnh Phú là nơi ít dân cư xung quanh hơn những phòng giao dịch ngân hàng khác và có đường tẩu thoát thuận lợi, Tùng đã lên kế hoạch cướp ngân hàng. Với khẩu súng nhựa mua cho con chơi hơn 1 năm trước, Tùng lấy đi làm hung khí để đe dọa, khống chế nhân viên ngân hàng.

Tùng khai nhận hành vi phạm tội với Công an.

Để thực hiện kế hoạch, vào lúc 14h30 ngày 28/12, Từ Thanh Tùng mặc đồ đen, đội mũ, đeo khẩu trang đi vào Phòng giao dịch Agribank tại xã Thạnh Phú, dùng súng nhựa đe dọa nhân viên ngân hàng để cướp tài sản.

Khi nhân viên đang giao dịch tiền, Tùng đã yêu cầu nhân viên đưa tiền cho Tùng, song nhân viên ngân hàng nhanh chóng thu tiền vào phía sau két. Khi nhân viên và mọi người hoảng sợ hô hoán cướp, Tùng bắt đầu hoảng loạn và bỏ chạy. Trong lúc bỏ chạy, thấy có một khách hàng đang để 20 triệu đồng trên quầy, Tùng đã nhanh tay cướp số tiền này bỏ vào túi và chạy thoát ra ngoài.

Thời điểm này bảo vệ ngân hàng bám theo nhưng vẫn không dám ra tay vì sợ đối tượng liều lĩnh ra tay bắn trả nên Tùng đã kịp ôm tiền lên xe máy tẩu thoát. Trong khi tẩu thoát, Tùng quẳng lại khẩu súng nhựa gần khu vực phòng giao dịch ngân hàng. Sau khi cướp thành công 20 triệu đồng tại ngân hàng, Tùng vẫn thản nhiên về nhà thay đồ và cầm tiền đi trả nợ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Công an huyện Vĩnh Cửu và Công an TP Biên Hòa bắt giữ Tùng tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa sau 3 giờ gây án.

Khai nhận với Công an, Tùng khóc và cho biết bản thân rất hối hận về hành vi manh động của mình khiến mọi người khiếp sợ. Tùng cũng cho rằng, sau khi bị bắt hình ảnh của mình sẽ tràn ngập trên mạng nên rất xấu hổ với chính bản thân và có lỗi với bố mẹ cũng như vợ con.

Tùng khai do quá túng quẫn nên đã ra tay thực hiện vụ cướp tại ngân hàng. Trong đó mục đích của Tùng là phải cướp được nhiều tiền đủ mua trả lại cho bố chiếc xe máy hiệu SH đã bán, sau đó là trả nợ cho một số người. 

Thiếu tá Lê Văn Khoẻ, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Vĩnh Cửu cho rằng, dù đối tượng đã dùng súng giả đi cướp nhưng khi vào ngân ngân hàng cướp thì đây là hành vi như dùng súng thật bởi tính chất, mức độ đe dọa khống chế và cướp tài sản như dùng súng thật.

Vụ việc cho thấy sự liều lĩnh của đối tượng thực hiện cướp giữa ban ngày khi số đông người dân đang giao dịch tại ngân hàng nên cần có hình thức xử lý nghiêm. Riêng số tiền 20 triệu đồng đối tượng cướp tại ngân hàng đã được cơ quan thu giữ lại.

Ngọc Sơn

Ký ức đỏ lửa

[CAND] Bầu trời đỏ lửa, mặt đất hoang tàn, ở giữa là con người kiên gan, bên nhau đối mặt với điên cuồng bom đạn để bừng lên chiến thắng. Thời gian đã lùi xa, sau cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, những hình ảnh đau thương và hào hùng ấy vẫn luôn và chắc chắn sẽ mãi sống động trong ký ức dân tộc.

Bước vào những ngày kỷ niệm tròn 50 năm trận “Điện Biên Phủ trên không” chiến thắng cuộc tập kích chiến lược bằng "pháo đài bay" B-52 của đế quốc Mỹ cũng là lúc tôi được biết tin dịp Tết Quý Mão này, Thủ đô Hà Nội sẽ có nhiều điểm bắn pháo hoa ở nội, ngoại thành. Ở Hải Phòng cùng nhiều tỉnh, thành phố lân cận và cả nước cũng vậy. Thậm chí, cấp huyện với sự đóng góp xã hội hóa cũng có thể tổ chức hội pháo hoa. Bởi đại dịch Covid-19 đã bị đẩy lùi. Bởi bầu trời hòa bình yên ả, nước non tươi đẹp. Bởi với người dân, có gì đẹp hơn, vui hơn khi đón xuân ngắm bầu trời muôn sắc màu lộng lẫy. Vậy mà đã có một thời từ bầu trời này, chết chóc, khổ đau ập xuống. Nhưng con người đứng lên. Từ mặt đất, những luồng đạn đỏ lừ nối nhau bay về hướng máy bay địch. Rồi từ một góc trời xa, một quầng lửa vụt lao lên. Một tiếng nổ vang động, một đám cháy bùng lên, "pháo đài bay" trở thành bó đuốc cháy rừng rực giữa trời cao...

Quân chủng Phòng không-Không quân là một trong những lực lượng được xây
dựng tiến thẳng lên hiện đại.Ảnh: Thành Trung. 


Có gì kỳ vĩ, rạng rỡ vỡ òa hơn thế. Có gì đẹp hơn thế từ ngọn bút của ước mơ, của sự kiên cường và niềm tin “Tả thanh thiên” viết lên trời xanh của Hà Nội, Việt Nam một thời dám và biết “nhằm thẳng quân thù mà bắn!”.

50 năm, thời gian chỉ càng làm dày, làm sáng thêm ký ức. Vì sao “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội”? Câu trả lời đã có trong tâm thế đồng bào và chiến sĩ cả nước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh... mà đã đánh là nhất định thắng”, và “Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Câu trả lời là thực tế cả nước đánh giặc, Đông Dương là một chiến trường, là cuộc chiến tranh nhân dân trên mọi lĩnh vực, là đánh thắng từng bước, đánh thắng mọi chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, là khí phách và trí tuệ dân tộc làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh...

Như lẽ tự nhiên, cuộc đời hậu chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình của bất cứ chiến binh hay người dân nào cũng gắn với âm hưởng của chiến tranh. Âm hưởng ấy có niềm tự hào trào dâng và cũng có những khúc quặn thắt cõi lòng. Cái năm 1972 đó thôi, khi bạn bè, đồng đội tôi ngã xuống ở Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ... thì cũng là lúc những kẻ hiếu chiến Mỹ tung cả hai ngón đòn ngoại giao thâm hiểm và sức mạnh vũ khí tàn bạo, vừa cản trở sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp cứu nước của chúng ta, vừa nâng mức độ hủy diệt của bom đạn lên mức khủng khiếp với Chiến dịch Linebacker I đánh phá trở lại miền Bắc. Ngày 16-4, B-52 rải thảm tàn phá một nửa TP Hải Phòng, một nỗi đau, một nút thắt ngặt nghèo chưa từng có.

Đây chính là lúc những cán bộ giảng dạy trẻ cùng hàng vạn sinh viên các trường đại học chúng tôi theo lệnh tổng động viên “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Chúng tôi hiểu đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là lẽ sống đích thực khi Tổ quốc lâm nguy. Nhưng rồi tại sao đang chuẩn bị tiến vào Nam thì nhiều tiểu đoàn sinh viên chúng tôi lại được lệnh hành quân ngược ra phía Bắc bổ sung vào các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân và Quân chủng Hải quân? Người lính đơn giản là hành động theo mệnh lệnh. Nhưng thực tế chúng tôi cũng phần nào hiểu chiến trường phía Bắc cần, Hà Nội, Hải Phòng cần. Và khi cảng Hải Phòng bị phong tỏa bởi thủy lôi, bom từ trường, khi chúng tôi được lệnh tham gia vào các tàu rà phá bom, mìn trên cửa biển Nam Triệu, Hải Phòng thì những phán đoán của những “tham mưu binh nhì” là cũng có lý. Tuy nhiên, khi B-52 trút bom xuống Hà Nội, Hải Phòng trong một chiến dịch mà sau này chúng tôi được biết với cái tên Linebacker II thì mức độ hủy diệt của cuộc chiến tốc lực và tổng lực của không quân, hải quân Mỹ vượt xa sự hình dung của chúng tôi. Lửa đỏ, khói bụi lại trùm lên cả TP Hải Phòng. Bom đạn, tên lửa Mỹ không chỉ nhằm vào kho tàng, nhà máy mà cả nhiều phố xá, khu dân cư; không chỉ nhắm vào các trận địa phòng không và các con tàu của chúng tôi mà còn nhằm vào cả những con tàu các nước bạn bè: Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Hungary, Ba Lan... đang đậu ở cảng Hải Phòng.

Tại Thủ đô Hà Nội, mức độ hủy diệt còn dã man, khủng khiếp hơn nữa. Khi chiến sự tạm ngưng, tôi được ưu tiên nghỉ phép mấy hôm về thăm nhà ở Hà Nội. Tôi vội vã đạp xe về đến phố Khâm Thiên. Không một ngôi nhà nào bên dãy số lẻ kéo dài cả cây số còn nguyên vẹn. Đã gần một tuần trôi qua mà khói lửa từng đám, từng đám vẫn bốc lên; thi hài người dân vẫn đang được tìm trong đổ nát hoang tàn...

Vì sao Khâm Thiên? Vì sao Bệnh viện Bạch Mai, ga Hàng Cỏ... và nhiều phố, nhiều làng Hà Nội bị bom đạn Mỹ tàn phá? Không có gì khác ngoài mưu mô dã man tột cùng nhằm đánh sập ý chí của quân dân Hà Nội, của dân tộc Việt Nam. Nhưng câu trả lời đối với kẻ xâm lược là sự kiên cường của mỗi người dân tin Đảng, tin vào sự mất mát, hy sinh sẽ góp phần đem lại thắng lợi cuối cùng. Và sự kiên cường của chiến sĩ cùng người dân ngay tức thì đã biến Hà Nội, Việt Nam thành biểu tượng của lương tri nhân loại, biến cuộc chiến chống át chủ bài “pháo đài bay” B-52 thành trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên không” toàn thắng.

Thời gian làm dày, làm sáng thêm ký ức. Không chỉ hàng triệu “Người lính già tóc bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong” như sau trận quân dân Đại Việt đánh thắng quân Mông Nguyên thế kỷ thứ 13. Cuộc kháng chiến 30 năm vẫn luôn sống cùng các thế hệ người Việt Nam đang từng ngày đổ mồ hôi và sức óc lao động dựng xây. Muôn vàn câu chuyện, muôn vàn trang sách, báo, thước phim đã và đang được kể bởi những người đã trải qua và cả những người sinh ra sau chiến tranh. Riêng với chúng tôi, những câu hỏi vì sao, vì sao vẫn luôn chất chứa nơi đáy lòng. Vì sao con tàu của chúng tôi đang đỗ trong khu vực cảng Hải Phòng lại đột ngột được lệnh ngay lập tức phải rời khỏi vị trí? Ta biết đích xác đêm đó địch sẽ đánh vào cảng? Ở tầm lớn, toàn diện hơn là đích xác những tốp B-52 và máy bay chiến thuật xuất phát từ đâu, ngày giờ nào. Là từng chỗ mạnh, chỗ yếu của B-52, từng thủ đoạn chiến thuật. Và quyết định là cách đánh biết địch-biết ta là thế.

Tôi đã được gặp những con người-những bộ óc từng đối mặt với các cuộc chiến từ trên trời và sau này là những nhà nghiên cứu, tổng kết, tôi đã cùng họ giới thiệu tài liệu cực quý-cuốn cẩm nang bìa đỏ “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa" trên Báo Quân đội nhân dân... Tôi cũng từng dự cuộc gặp gỡ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 72 tên lửa, đơn vị đã bắn rơi chiếc B-52 trước khi nó kịp trút bom xuống Hà Nội và xác nó vẫn còn nằm một phần trong hồ Hữu Tiệp bên làng hoa Ngọc Hà. Cuộc gặp gỡ ấy đã cho tôi biết lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đã chăm lo xây dựng từng tiểu đoàn tên lửa ra sao. Cũng tại đây, tôi được hiểu thêm về cách “điều binh” tổ chức trận thế của Quân đội ta trong những ngày tháng 12 năm ấy, khi Tiểu đoàn 72 đang tác chiến tại Hải Phòng được điều về Bắc Ninh tập trung lực lượng tên lửa bảo vệ bầu trời Hà Nội. Và nữa là lòng dân. Chỉ trong một đêm, toàn bộ dân làng Đại Chu (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã quyết định di dời toàn bộ mồ mả ông cha và một phần cánh đồng màu mỡ bên sông Cầu để bộ đội ta xây dựng trận địa tên lửa. Chính quả tên lửa của Tiểu đoàn 72 từ trận địa Đại Chu đã bắn hạ chiếc B-52 đêm 27-12 ấy...

Ký ức được sáng lên không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn quá khứ mà còn nhìn rõ hơn tương lai. Chiến tranh trên không, chiến tranh điện tử, chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh thông tin, chiến tranh truyền thống và phi truyền thống... Và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Quân đội nhân dân, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân... Đồng thời với cuộc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần đầu tiên vừa diễn ra tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội), tôi được biết nhiều đơn vị phòng không, không quân và hải quân đã được xây đắp nền tảng tinh thần Bộ đội Cụ Hồ và trang bị những vũ khí mới, hiện đại. Đến thăm một đơn vị tên lửa từng bắn rơi B-52 năm xưa ấy, tôi lại được thấy những khu vườn ươm cây hoa ban đỏ và nhiều cây đẹp quý để trồng trên những ngả đường, khu đô thị của Thủ đô Hà Nội-Thành phố vì hòa bình...

Tùy bút của MẠNH HÙNG

Mất tiền tỷ vì tin “cò” chạy việc

[CAND] Hằng năm, Công an các đơn vị, địa phương vẫn đều đặn tiếp nhận nhiều trường hợp là nạn nhân trong các đường dây, cá nhân đứng ra nhận tiền để lo công việc nhưng tiền mất, việc thì chẳng thấy đâu. Điều đáng nói, phương thức và thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực này dù tinh vi, có tổ chức song cách thức thì vẫn lối mòn, nhưng năm nào cũng có thêm những nạn nhân mới sập bẫy.

Núp bóng chạy việc để chiếm đoạt tiền tỉ

Tháng 6/2017, con trai đầu của chị Nguyễn Thị Chuyên, trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội. Với mong muốn con về quê để gần gũi gia đình, chị đã vận động con trai về dù tân cử nhân này có thể dễ dàng tìm được cho mình một công việc ở Hà Nội.

Lừa chạy việc vào sân bay, Hoàng Thị Liêu dễ dàng chiếm đoạt 2,5 tỉ đồng.

Tưởng ở quê dễ dàng tìm kiếm cơ hội việc làm hơn nhưng sau vài lần, thấy một số đơn vị sở, ban ngành thông báo tuyển dụng, con trai chị nộp hồ sơ nhưng “một đi không trở lại”, một số đơn vị có tổ chức thi tuyển nhưng không đạt nguyện vọng.

Hơn một năm sau ngày ra trường, cậu này vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Lo lắng khi thấy con trai chán nản, sợ cháu lại ôm hành lý tư trang ra thủ đô tìm kiếm cơ hội việc làm, nên khi có người quen giới thiệu với bà Hoàng Thị Liêu, trú xóm 13, xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An có khả năng xin việc vào Cảng hàng không quốc tế Vinh, chị Chuyên như kẻ chết đuối vớ được cọc, vội vã tìm đến đặt vấn đề xin cho con trai vào bộ phận an ninh sân bay. Dù chẳng biết bà Liêu làm gì, khả năng đến đâu nhưng tin tưởng người quen, lại đang cần việc gấp cho con trai nên khi bà này yêu cầu số tiền 600 triệu đồng để “chạy việc”, chị Chuyên đã chuyển đầy đủ. Đổi lại, chị này được bà Liêu viết cho một cái giấy hẹn, cam kết đến tháng 10/2018 sẽ lo xong việc cho con trai vào làm tại Sân bay Vinh.

Nhưng đến thời hạn trên, bà Liêu vẫn chưa lo được việc cho con trai chị Chuyên, khiến gia đình rất sốt rột. Nhiều lần thúc giục, bà này lấy hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn. Sau cùng, chị Chuyên buộc phải bắt người này viết giấy cam kết, nhưng suốt hơn 4 năm qua, đã không biết bao nhiêu lần cầm giấy cam kết, giấy hẹn trên tay nhưng đến ngày lại chuốc thêm nỗi thất vọng. Nghi ngờ năng lực của người phụ nữ này, chị Chuyên cất công ra tận Cảng hàng không quốc tế Vinh để tìm hiểu thì mới vỡ lẽ, Hoàng Thị Liêu không có quan hệ gì với đơn vị này, cũng chưa từng liên hệ để xin việc cho ai tại đây. Lúc này, biết mình mắc phải bẫy lừa, chị Chuyên yêu cầu trả lại tiền thì được khất lần, sau đó lảng tránh rồi cắt đứt liên lạc, bỏ trốn khỏi địa phương.

Tìm hiểu thêm, chị Chuyên mới biết, mình không phải là nạn nhân duy nhất, khi thời điểm này có nhiều người cũng đang truy lùng bà Liêu để đòi lại tiền. Họ trót tin lời để nhờ bà ta “chạy việc” cho con vào làm tại các sân bay Vinh, Nội Bài, Phú Bài, Đà Nẵng… với số tiền mỗi nạn nhân bỏ ra không dưới nửa tỉ đồng. Cực chẳng đã, các bị hại đã làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan Công an.

Một cô giáo ở Hà Tĩnh mất nghề, vướng lao lý vì chạy việc.

Vào cuộc xác minh, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy tố cáo của các bị hại là có cơ sở, song đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa bàn. Sau một thời gian truy tìm, lần theo các mối quan hệ, xác minh được đối tượng đang lẩn trốn tại nhà người quen ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nên đã phối hợp bắt giữ.

Ngày 12/12/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Hoàng Thị Liêu về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bước đầu, xác định với thủ đoạn lừa xin việc vào các sân bay trong cả nước, Liêu đã chiếm đoạt của nhiều bị hại hơn 2,5 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này, Hoàng Thị Liêu sử dụng trả nợ và chi tiêu cá nhân hết.

Nạn nhân “vô tình” tiếp tay cho tội phạm

Cùng thời gian này, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cũng đã khởi tố bắt tạm giam đối tượng Cao Thị Thu Hà (SN 1990), trú tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Cao Thị Thu Hà bị khởi tố vì chiếm đoạt hơn 4,5 tỉ đồng từ lừa xin việc làm.

Đầu năm 2022, biết một người quen trú tại huyện Nghĩa Đàn đang có nhu cầu xin việc cho con vào làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, dù không có bất cứ mối liên hệ nào song đang cần tiền tiêu xài và trả nợ, Hà đã “nổ” mình thân quen với lãnh đạo ngân hàng, có thể can thiệp để nhận người vào làm việc. Tin lời, người này đã nhiều lần chuyển cho Hà tổng số tiền là 850 triệu đồng. Quá trình mở rộng điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện và làm rõ, Cao Thị Thu Hà dùng thủ đoạn tự xưng mình đang làm việc tại Quân khu 4 và có nhiều mối quan hệ có thể mua được ô tô giá rẻ hơn thị trường bán ra, mỗi xe rẻ hơn từ 100 đến 200 triệu đồng để “dụ” 3 bị hại trên địa bàn huyện Diễn Châu và Nghĩa Đàn, chuyển cho Hà với số tiền gần 3,5 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này, đối tượng sử dụng vào mục đích trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trung bình mỗi năm, trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó tập trung nhiều nhất là các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, ở mỗi địa phương đều xảy ra từ 3-5 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa xin việc làm, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng tỉ, thậm chí là hàng chục tỉ đồng.

“Làn sóng” chạy việc khiến bác sĩ Trần Anh Tuấn (bìa trái) vướng lao lý.

Điển hình là đầu tháng 8/2022, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Trần Anh Tuấn (SN 1984), trú xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) 16 năm tù. Đang là bác sĩ làm việc tại Trung tâm tiêm chủng Vacxin Nghệ An, dù không có chức năng, nhiệm vụ trong bố trí việc làm nhưng Hải đã cấu kết với Trần Văn Quân (SN 1987), trú phường Trường Thi, TP.Vinh – là nhân viên giữ xe của trung tâm - để nhận tiền của người lao động xin việc, tuyển dụng vào làm, đi học tại các cơ quan trong cả nước. Trong thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2021, cả hai đã cùng nhau thực hiện 18 hành vi lừa đảo để xin việc làm, xin học tại các trường đại học cho 51 người lao động với số tiền chiếm đoạt hơn 3,67 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 1/2021, hai “siêu lừa” Lê Thị Tuyết (SN 1979) và Trần Ngọc Tuyên (SN 1959) cùng trú xã Nghi Kim, TP.Vinh bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt tổng cộng 32 năm tù. Trong thời gian 3 năm, từ 2017 đến năm 2019, hai đối tượng này đã cấu kết, lập nên đường dây “chạy việc” vào các bệnh viện, nhận của nhiều bị hại để chiếm đoạt số tiền gần 6 tỉ đồng.

Hai đối tượng trong đường dây lừa chạy việc vào bệnh viện ở Nghệ An lĩnh án tổng cộng 32 năm tù.

Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, tội phạm núp bóng xin việc làm để lừa đảo hiện nay vẫn tồn tại do nhu cầu xin việc của một bộ phận người dân rất lớn. Họ nóng lòng mong muốn con, cháu mình sớm có việc làm ổn định, cộng với định kiến biên chế còn đè nặng nên sẵn sàng chi ra số tiền lớn để “chạy” mà không tìm hiểu kĩ lưỡng, không đăng ký tuyển dụng theo cơ chế minh bạch. Trong khi đó, tội phạm liên quan đến lĩnh vực này thường rất tinh vi, có nhiều chiêu trò để dẫn dụ “con mồi” vào bẫy. Thực tế cho thấy, quá trình điều tra cơ quan công an phát hiện nhiều thủ đoạn ma mãnh như cấu kết, phân công với nhau trong từng công đoạn, sau đó làm giả các quyết định tuyển dụng để hối thúc bị hại nộp tiền rồi chiếm đoạt.

Trong khi đó, theo phân tích của luật sư Bùi Hà Phương, Văn phòng Luật sư Tất Thành và cộng sự, Đoàn Luật sư Nghệ An thì, một phần vẫn do người dân rất chủ quan và quá tin tưởng vào những lời đường mật của tội phạm đội lốt ân nhân. Khi muốn xin việc vào một đơn vị nào đó, thông qua nhiều kênh thông tin có thể tìm hiểu, xác thực từ cơ sở trước khi “xuống tiền” cũng chưa muộn. Ngoài ra, cần tìm hiểu kĩ người nhiệt tình giúp đỡ mình có thực sự đang công tác tại cơ quan, đơn vị nào đó như họ tự nhận hay không, cũng không khó. Song, những động thái đơn giản này, gần như chẳng có bị hại nào thực hiện. Chỉ đến khi mất tiền mới cầu cứu đến cơ quan chức năng, lúc này mọi sự đã rồi nên rất khó để đòi lại được quyền lợi.

Cùng với đó, cũng không loại trừ thực tế là, ở một số cơ quan, đơn vị và địa phương, vẫn còn tình trạng tiêu cực trong tiếp nhận, bố trí công việc và đây là kẽ hở để tội phạm liên quan đến “chạy việc” lợi dụng, tận dụng để tìm “đất sống”.

Thiện Thành

IV - Tiếng nói thức tỉnh từ hải ngoại

[CAND] Lâu nay, những kẻ giảo hoạt vẫn luôn miệng ca ngợi nền tự do phương Tây, coi đó là “xứ thiên đường” và muốn “ốp” Việt Nam cũng phải rập khuôn theo nền tự do, dân chủ đó. Sự ngợi ca, tâng bốc này khiến những “con rối” trong nước có lúc như “phát cuồng”, lên mạng chế giễu nền văn hoá nước nhà, chế giễu tính cách, con người Việt, miệt thị “chế độ đảng trị”, cáo buộc và đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi phi lý về dân chủ, nhân quyền.

Sự chia sẻ hay cổ xuý của không ít người trên mạng internet đã tiếp tay cho hành động gian xảo của những kẻ giảo hoạt, chống phá đất nước. Tự do, dân chủ ở mỗi quốc gia còn phụ thuộc đặc trưng nền văn hoá, chính trị, xã hội và ngay tại nơi mà họ gọi “xứ thiên đường” cũng có khuôn khổ, phép tắc, có những vấn đề khiến không ít kẻ khi đến định cư tại đây đã phải “vỡ mộng”.

Chia sẻ cay đắng của Trần Thị Nga (Nga Trần) trên mạng xã hội về cuộc sống ở “xứ thiên đường".

Trần Thị Nga (sinh năm 1977) từng là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân. Chính Nga đã có những “chia sẻ đắng cay” trên mạng xã hội về cuộc sống của mình và người thân sau quá trình định cư ở “xứ thiên đường”.

Theo chia sẻ trên facebook cá nhân, Nga và người thân gặp rất nhiều khó khăn trên đất Mỹ. Nga viết rằng, Mỹ là thiên đường của người này nhưng là địa ngục của người kia khi rơi vào vòng luẩn quẩn của các loại giấy tờ, trong khi tiền bạc lại không kiếm được. Nga tỏ ra chán nản: “Một gia đình 4 người (1 người già và 2 trẻ nhỏ) đã trải qua cảnh sống đó rồi. Giờ đã chán cảnh ngồi chờ chết dần chết mòn rồi, vì đằng nào cũng chết thì có chết cũng phải chết cho có ý nghĩa. Đi làm giấy tờ thì chỗ nọ chỉ chỗ kia, chỗ kia chỉ chỗ nọ…”.

Trần Thị Nga tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân từ năm 2007 với bí danh Sơn Nam, được coi là thành viên có tiềm năng, cốt cán. Nga có những thủ đoạn rất ranh mãnh như nửa đêm mang con ra nằm vỉa hè để đồng bọn chụp ảnh, quay phim tố chính quyền để cho dân khổ, có khi lại đặt hai con nhỏ lên xe nôi đẩy ra đường để biến thành công cụ “ăn cướp, la làng”. Với những hành động chống phá quyết liệt, Nga được các tổ chức, cá nhân thù địch tung hô là “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà cải cách”. Trần Thị Nga bị TAND tỉnh Hà Nam tuyên phạt 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Phiên toà phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Như thường lệ, khi Trần Thị Nga bị bắt, xét xử và thi hành án, một số tổ chức, cá nhân thù địch ở nước ngoài lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền đã tiến hành nhiều hoạt động chống phá Việt Nam. Các đối tượng tung hô Nga là “người đấu tranh cho những thân phận bị dồn vào đường cùng”,“tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, xuyên tạc Việt Nam “vi phạm Công ước chống tra tấn” của Liên hiệp quốc và yêu cầu “trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện” cho đối tượng này. Tổ chức khủng bố Việt Tân cũng đã trao cho Nga “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng”…

Nhận được sự tung hô, cổ suý từ bên ngoài nên trong thời gian chấp hành án tù, Nga thường xuyên bất tuân quy định của trại giam, khi được gọi điện cho người thân thì vu khống bị cán bộ trại giam “đàn áp, tra tấn”… Tuy nhiên, với chính sách nhân đạo, Nga đã được ra tù trước thời hạn và ngày 10/1/2020 bị trục xuất, sang định cư tại Mỹ cùng 3 người thân trong gia đình.

Nay sang Mỹ, người ta chờ đợi xem “nhà dân chủ tự xưng” sẽ nói gì về miền đất mà Nga vẫn tụng ca bấy lâu. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, hiện thực không như ảo mộng, Nga buộc thừa nhận bi kịch với vô vàn thách thức đối mặt ở chính “miền đất hứa”. Thêm nữa, nếu như khi ở trong nước, Nga “khóc thuê” cũng được bên ngoài dụ dỗ, cho tiền thì khi sang Mỹ, những lời hứa “sẽ quan tâm”trở thành bi kịch trớ trêu.

Không nhận được sự trợ giúp từ những tổ chức vẫn nói “luôn đồng hành”, Nga túng thiếu, vật lộn khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần, khi đó mới nhận ra mình đã bị mắc mưu những kẻ giảo hoạt. Còn kẻ giảo hoạt thì nói rồi quên, hứa rồi bỏ, tung hô rồi phó mặc, tưởng đường mật hoá ra đắng chát, sự thật ấy khi Nga nhận ra thì đã quá muộn. Kẻ giảo hoạt bản chất là vậy, chẳng có gì lạ cả, chỉ có những “con rối” ảo vọng, cả tin như Nga mới rơi vào bi kịch!

Thực tiễn vỡ mộng đó đã khiến cho Trần Thị Nga thốt lên chua xót: “Vậy là tôi đã có thêm một bài học một kinh nghiệm có giá trị”! Vậy mà, khi còn trong tù, Nga không hối lỗi cải tạo để sớm được trở về với xã hội, trở về với cộng đồng hưởng cuộc sống thanh bình, tự do, mà còn tìm kiếm mộng ảo nơi “thiên đường đất Mỹ”, giờ đây mới đớn đau tỉnh ngộ. Lời than thở chua cay của Nga cũng như một số đối tượng khác có tư tưởng, hành vi phản bội lại quê hương, đất nước là bài học thức tỉnh, hãy biết dừng lại trước khi quá muộn.

Cũng rơi vào viễn cảnh như Nga là trường hợp của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Như Quỳnh khi ở trong nước hay lên mạng chửi bới chính quyền Việt Nam, ra sức bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ca ngợi “thiên đường” ở các nước phương Tây. Sau khi bị bắt giữ, xử lý, Quỳnh được phía Mỹ bảo lãnh theo diện tị nạn chính trị. Nhưng khi được sang Mỹ rồi, Quỳnh mới thấy tất cả không như ảo tưởng của mình.

Trên Facebook của mình, cô ta đã cay đắng thừa nhận “nước Mỹ không vĩ đại như nhiều người đang nghĩ”, đồng thời chĩa mũi nhọn chỉ trích vào tổng thống Mỹ và chính quyền sở tại. Thực tế, trong dịch bệnh COVID-19, tầng lớp không có việc làm ổn định, không có nhà cửa như Quỳnh là những người chịu áp lực nhất khi giá y tế ở Mỹ cao kỷ lục và khó tiếp cận. Trên mạng Internet, Quỳnh có lúc bày tỏ “nhớ nhà”, “muốn được trở lại”...

Tương tự là trường hợp Lê Thu Hà (tháng 4/2018, Hà bị kết án 9 năm tù và 2 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”). Sau đó, Hà bị trục xuất khỏi Việt Nam, được bảo lãnh theo diện tị nạn. Hà đến ở tại thị trấn Bad Naheim, bang Hawai, Đức, được một số cá nhân chu cấp tiền để học tiếng Đức, thuê nhà, sinh hoạt và đào tạo nghề. Tuy nhiên, do không có trình độ, tiền không đủ, nhà ở thuê, bản thân không thể đáp ứng yêu cầu, điều kiện lao động và mức sống tại đây, Hà vỡ mộng với cuộc sống tại “xứ Tây”, nơi mà Hà từng ao ước, ca ngợi rồi có các hành động phản bội lại đất nước để đạt được mục đích. Chỉ thời gian ngắn, Lê Thu Hà bắt đầu chán nản “xứ phồn vinh” và thấm thía rằng “luôn nhớ quê hương, đất mẹ”, tìm cách trở về.

Cũng có những trường hợp sau khi sang Mỹ, châu Âu, nhờ được sự giúp đỡ của người thân, họ tìm được việc làm, tạm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, dù không quá vất vả, lận đận kiếm tiền song các “nhà dân chủ” sớm nhận ra sự thật đắng cay: các tổ chức, cá nhân vốn hứa bao bọc, giúp đỡ nhằm tạo ngọn cờ chống đối trong nước, nay tìm cách tảng lờ, coi như không liên quan. Kẻ giảo hoạt vốn vậy, nay con rối đã bị tẩy chay, mất khả năng quậy phá tất bị trở tay, lật kèo, có tức khí chửi bới kẻ “nói lời không giữ lấy lời” thì cũng chỉ như nước đổ lá môn, chửi đấy rồi khóc, đau đớn nhận ra bi kịch khi đã quá muộn!

Quê hương, đất nước bất luận trong hoàn cảnh nào cũng thiêng liêng, cao quý. Người ta bảo “cáo chết quay đầu về núi”, làm sao có thể rời bỏ mẹ cha, ruồng bỏ quê hương. Làm sao có thể phỉ báng quê hương, đất mẹ, nơi chôn rau cắt rốn của mình, nơi dưỡng dục mình lớn lên. Người phụ bạc với đất mẹ, với Tổ quốc thì còn bước đi đâu mà không phải cúi đầu, còn gì liêm sỉ để ngẩng lên mà nhìn người khác?

Xin viện dẫn câu chuyện của ông Hoàng Duy Hùng, người từng có quá khứ chống đối quyết liệt để thấy rằng, không thể nói định kiến là cố hữu mà sự thay đổi nhận thức là hoàn toàn có thể theo nghĩa tiếp cận đạo lý, lẽ phải. “Tôi chống Đảng, Nhà nước từ năm 1984 và trở thành một đảng viên trung ương của đảng Đại Việt vào năm 1986. Khi được tổ chức cử về đất nước, lúc đó quê hương còn nghèo nàn, lạc hậu, lại bị bao vây, cấm vận từ nhiều phía…

Sau khi bị bắt giữ, được trả tự do vào năm 1993 thì đất nước của vẫn còn nghèo nên tôi vẫn có tư tưởng chống cộng” – ông Hùng nhớ lại những năm tháng lầm đường, lạc bước. Nhưng rồi, những lần trở lại Việt Nam, tiếp xúc với những người thân yêu trên quê hương đất mẹ, chứng kiến những phát triển, đổi thay của đất nước, ông Hùng dần nhận ra lẽ phải. Trong lần trở về quê ăn Tết Nguyên đán năm 2022, ông chia sẻ: “Khi rời quê hương, tôi còn rất nhỏ. Tôi luôn ao ước được ăn một cái Tết đầm ấm ở quê nhà. Ngày 20/1/2022, tôi đáp chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên người con xa xứ như tôi về với đất mẹ nhưng cảm xúc lần này khác nhiều so với lần trước. Bởi đây là lần đầu tiên, tôi được đón một cái Tết đúng nghĩa của người Việt…

Được nhìn thấy những đổi thay từng ngày, từng giờ ở mảnh đất nơi chôn rau, cắt rốn, cảm xúc của tôi lại xốn xang, khó có thể diễn tả hết bằng lời”. Ông kể rằng, trở về và đi nhiều nơi, chứng kiến sự thay đổi, cuộc sống bình an của người dân, chính điều đó đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ của mình. Rồi ông quay những clip về quê hương, đất nước đưa lên mạng. Qua những đoạn clip, góc nhìn của mình, ông mong muốn mỗi người Việt đang có tư tưởng chống cộng hiểu rằng, có thể họ hận thù với chế độ này vì họ chưa được thấy những ảnh thật về quê hương, đất nước, vì những định kiến xưa cũ. Hãy cảm nhận bằng hiện thực cuộc sống, về quê hương, con người, đừng vì những động cơ sai trái mà nói và hành động trái với đạo lý, với lẽ phải…

“Quê hương nghĩa nặng tình sâu”, lòng yêu nước và hướng về quê hương luôn là một giá trị thiêng liêng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Kẻ giảo hoạt bản chất gian trá, vốn chỉ nhằm phá hoại sự yên bình, ổn định của chúng ta. Đừng biến mình thành quân cờ với những lời lẽ nguỵ biện kiểu “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, “nhà cải cách”, đừng trở thành con rốitrong tay kẻ giảo hoạt, làm hại quê hương, đất nước, chống lại Đảng, chế độ.

Nhân quyền, giá trị đó không từ trời Tây rơi xuống, không ngộ nhận từ “phong trào” nào từ hải ngoại.

Nhân quyền, điều đó chỉ có thể đảm bảo bằng cách sống và hành động đúng với lẽ phải, với luật pháp, với đạo lý trên quê hương, đất nước mình.

Kết lại bài này, xin nhắc lại câu nói của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong cuộc gặp gỡ với kiều bào tại quận Cam nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 6/2007): “Chúng ta nghĩ Tổ quốc là cái gì xa xôi nhưng Quốc văn giáo khoa thư nói rằng, đó là những gì gần gũi nhất... Tôi mong bà con của mình, hãy vì quê hương đất nước, gác bỏ những khác biệt của mình, hãy đoàn kết lại, cùng nhau xây dựng mẹ hiền Việt Nam, đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường”.

Đăng Minh

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Sự chủ động, sáng tạo về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

(TG) - Từ ngày 18 - 30/12/1972, quân dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã anh dũng chiến đấu đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng này mang đậm dấu ấn của sự chủ động, sáng tạo về nghệ thuật quân sự của Đảng.



SỰ CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO VỀ NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ CỦA ĐẢNG

Một là, phán đoán chính xác âm mưu và thủ đoạn của Mỹ, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức Chiến dịch chu đáo.

Chiến thắng vang dội của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, trước hết cũng từ sự nhìn nhận, phân tích, đánh giá đúng đắn của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại về âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, về đối tượng và khu vực tác chiến, trên cơ sở đó chỉ đạo các lực lượng có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến phù hợp, không để bị động, bất ngờ.

Để cứu vãn nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon đã ra lệnh bí mật chuẩn bị một kế hoạch tập kích đường không chiến lược (mang tên Linebacker II) bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng khác trên miền Bắc Việt Nam. Cuộc tập kích chiến lược này nhằm huỷ diệt, làm tê liệt ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Việt Nam, buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà Mỹ đưa ra tại Hội nghị Paris, hòng cứu vãn tình thế và kéo dài sự tồn tại của chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam. Với một kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng cùng với sự áp đảo về vũ khí, khí tài, Tổng thống R.Nixon và tập đoàn hiếu chiến của Mỹ khi đó tin chắc rằng, thông qua đòn đánh có tính chất huỷ diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, uy lực và sức mạnh quân sự Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng khuất phục “những nhà lãnh đạo Bắc Việt”, khiến Hà Nội “không còn cách lựa chọn nào khác là phải chấp nhận các yêu cầu”.

Ngay từ năm 1966, khi máy bay B-52 lần đầu tiên ném bom khu vực đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), mở đầu việc đánh phá của đế quốc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã nhận định dứt khoát Mỹ sẽ sử dụng B-52 vào đánh Hà Nội và chỉ thị cho Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) phải tổ chức nghiên cứu ngay cách đánh B-52, phải bắn rơi bằng được B-52 của Mỹ trên miền Bắc.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tham mưu, tháng 5/1966, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức cho trung đoàn tên lửa 238 cơ động vào Vĩnh Linh, nghiên cứu cách đánh B-52. Ngày 17/9/1967, tại trận địa T5, Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh), tiểu đoàn 84, trung đoàn 238 đã bắn rơi chiếc máy bay B-52 đầu tiên. Từ đó, chúng ta luôn luôn duy trì một lực lượng ở chiến trường để đánh B-52, với phương châm là vừa đánh địch, vừa nghiên cứu địch.

Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là sự nhắc nhở thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ bắt tay vào xây dựng kế hoạch đánh trả một cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội trong vòng 5 năm tới... Đến ngày 24/11/1972, Tổng tham mưu trưởng nghe báo cáo lần cuối của Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ về Kế hoạch chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, phê chuẩn Kế hoạch và lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân chủng hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu xong trước ngày 3/12/1972.

Đến ngày 4/12/1972, về cơ bản quân và dân ta ở phía Bắc vĩ tuyến 20 đã chuẩn bị xong và sẵn sàng đối phó với địch. Các lực lượng PK-KQ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao.

Hai là, sáng tạo trong tổ chức lực lượng và thế trận phòng không ba thứ quân, tạo thành lưới lửa nhiều tầng, nhiều tuyến, trong đó lấy lực lượng Quân chủng PK-KQ làm nòng cốt.

Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của Mỹ khi sử dụng lực lượng “pháo đài bay B-52” - lực lượng không quan mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, ngoài việc phán đoán chính xác âm mưu thủ đoạn của địch, chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến, đòi hỏi phải có nghệ thuật tổ chức lực lượng và thế trận khoa học, vững chắc.

Thực tiễn, khi cuộc đụng đầu lịch sử 12 ngày đêm bắt đầu, đế quốc Mỹ đã vấp phải một thế trận phòng không vững chắc, một lưới lửa dày đặc, nhiều tầng, nhiều nấc, hoạt động nhịp nhàng, có thể đánh địch liên tục từ xa đến gần, đánh địch ở mọi tầng cao, đánh từ nhiều phía, đánh trực diện, đánh từ sau, từ bên sườn, gây cho địch lúng túng không thể cơ động tránh được lưới lửa phòng không của quân và dân miền Bắc. Trong đó phải kể đến vai trò của các lực lượng  sau:

Bộ đội radar: Là lực lượng trinh sát, quản lý vùng trời đã phát hiện chính xác địch trên không, thông báo, báo động kịp thời cho các lực lượng PK-KQ chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu và cho nhân dân kịp thời sơ tán, trú ẩn. Cung cấp tình báo cho các đơn vị hỏa lực, dẫn đường cho không quân đánh địch trên không. Đã hình thành hệ thống mạng radar, quan sát mắt, tai nghe cho các hướng. Ngay đêm 18/12 các kíp trắc thủ của Đại đội 45, 46, 41 thuộc Trung đoàn 291 (Đoàn radar Ba Bể) đã phát hiện và khẳng định chính xác B-52 vào đánh Hà Nội (trước 29 phút) giúp Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ báo động chuyển cấp chiến đấu, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 257 (Đoàn tên lửa Cờ Đỏ) phóng quả đạn đầu tiên mở màn cho chiến dịch vào lúc 19 giờ 44 phút.

Biên đội Mig-21 rút kinh nghiệm sau trận bắn rơi F-4 yểm hộ cho các lực lượng đánh B-52, ngày 27/12/1972.
(Ảnh: qdnd.vn)

Bộ đội Không quân tiêm kích: Là lực lượng hỏa lực có khả năng đột kích mạnh, cơ động cao, tầm hoạt động xa, đánh địch từ bất cứ hướng nào tới. Có khả năng chi viện cho các khu vực tác chiến mà ở đó lực lượng phòng không mỏng. Theo nhận định của Lầu Năm Góc, chỉ có máy bay tiêm kích của ta mới có khả năng đánh được B-52. Vì vậy, ngay đêm đầu tiên (18/12) các loại máy bay chiến thuật của Mỹ đã tập trung đánh phá toàn bộ các sân bay nhằm vô hiệu hóa khả năng cất cánh của không quân Việt Nam. Nắm bắt ý đồ của Mỹ, các lực lượng không quân của ta đã chủ động cơ động sơ tán bố trí máy bay ở các sân bay dã chiến và đã thực hiện bất ngờ xuất kích 24 chiếc đánh chặn địch từ xa khi đội hình của chúng chưa kịp triển khai. Lực lượng không quân địch bị không quân ta đánh “bóc vỏ”, đánh tiêu hao, làm cho đội hình bị phá vỡ, phân tán, chỉ huy rối loạn do đó cường độ nhiễu đội hình B-52 giảm, tạo điều kiện cho tên lửa của ta tiêu diệt. Trong cả chiến dịch, không quân ta đã bắn rơi 7 máy bay các loại, trong đó có 2 chiếc B-52.

Bộ đội Tên lửa Phòng không: Là lực lượng chủ yếu đánh B-52 trong chiến dịch 12 ngày đêm. Tuy lực lượng tên lửa ở miền Bắc có hạn nhưng đã được tập trung bố trí ở những hướng quan trọng. Khi biết rõ địch chủ yếu dùng B-52 đánh đêm, ta sử dụng pháo phòng không và không quân tiêm kích tập trung đánh vào ban ngày nhằm bảo vệ các mục tiêu và các trận địa tên lửa. Các đơn vị tên lửa được dành ưu tiên chủ yếu đánh ban đêm. Ngay đêm 18/12 khi Mỹ bắt đầu mở chiến dịch tập kích đường không, các đơn vị tên lửa đã đánh trận mở màn chiến dịch và đã đánh trúng đội hình B-52, lập công xuất sắc. Liên tiếp trong cả chiến dịch, bộ đội tên lửa đã bắn rơi 29 chiếc B-52 trong tổng số 34 chiếc bị quân và dân ta bắn rơi, có 18 chiếc rơi tại chỗ.

Bộ đội Pháo Phòng không: Là lực lượng đông đảo và rộng khắp của các lực lượng phòng không 3 thứ quân với nhiệm vụ bắn máy bay bay thấp, bay bằng, bổ nhào ném bom ở cấp độ cao và trung bình. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, bộ đội pháo phòng không đã phát huy cao độ khả năng hỏa lực tập trung đánh các loại máy bay chiến thuật của Mỹ khi ban ngày chúng đánh phá các sân bay, trận địa tên lửa và các mục tiêu quan trọng. Còn ban đêm pháo phòng không trực tiếp tham gia đánh các máy bay chiến thuật bay thấp, bay gây nhiễu hộ tống trong đội hình B-52. Đồng thời sử dụng cả pháo 100mm đánh B-52. Trong toàn bộ chiến dịch, bộ đội pháo phòng không bắn rơi 29 máy bay chiến thuật các loại, pháo 100mm bắn rơi 3 máy bay B-52.

Phân đội 12,7mm tự vệ nhà máy dệt kim Đông Xuân thường xuyên huấn luyện sẵn sàng đánh máy bay Mỹ, tháng 4/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Lực lượng  phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ: Đây là lực lượng tại chỗ rộng khắp, đánh máy bay địch bay thấp, hoạt động tốp nhỏ, chiếc lẻ, trực tiếp bảo vệ các mục tiêu quan trọng của địa phương. Ngoài nhiệm vụ tập trung bắn máy bay, lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ còn là lực lượng báo động phòng không nhân dân, chỉ đạo và tổ chức sơ tán phòng tránh, bắt giặc lái nhảy dù. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch, các đơn vị súng máy phòng không được bố trí đón lõng bắn máy bay bay thấp. Ta đã tổ chức 364 phân đội dân quân tự vệ với 1.428 khẩu pháo và súng máy phòng không các loại (32 khẩu pháo 100mm, 16 khẩu 85mm, tổ chức trên 100 trận địa pháo phòng không, 6 đài quan sát xa, 414 đài quan sát bổ trợ) tạo thành thế trận phòng không nhân dân rộng khắp. Trong chiến dịch, pháo phòng không địa phương đã bắn rơi 9 máy bay chiến thuật của Mỹ.

Ngoài ra phải kể đến lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân các địa phương, tuy không trực tiếp tham gia bắn máy bay nhưng đã tham gia các nhiệm vụ hết sức quan trọng như san lấp sửa chữa sân bay, làm trận địa tên lửa, cao xạ, radar, ngụy trang cất giữ vũ khí, khí tài...

Đó là những nét sáng tạo điển hình của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY

Cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của không quân Mỹ do chính Tổng thống R.Nixon phát động sau 12 ngày đêm đã bị thất bại thảm hại, với con số tổn thất: 81 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 máy bay F111... Niềm kiêu hãnh của Không lực Hoa Kỳ đã bị sụp đổ sau 12 ngày đêm tham chiến trên bầu trời Hà Nội. Nhà Trắng và lầu Năm Góc nhiều phen chết lặng vì con số máy bay bị bắn rơi quá nhiều, cùng sự tổn thất nặng nề về người lái - nguồn sinh lực cao cấp của quân đội Mỹ.

Thắng lợi của Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến sự chủ động và sáng tạo về nghệ thuật quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức và thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược là “Đánh cho Mỹ cút”, chuẩn bị điều kiện để tiến lên “Đánh cho ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước; làm phong phú thêm nghệ thuật chiến dịch nói riêng và nghệ thuật quân sự nói chung của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay không giống như những gì đã diễn ra trong 50 năm về trước, nhưng bài học về sự chủ động, sáng tạo của Đảng trong đánh giá tình hình, tổ chức lực lượng và thế trận phòng không vững chắc được rút ra từ  Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, cần được kế thừa và phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Cụ thể là:

Thứ nhất, phải luôn luôn đề cao cảnh giác, chủ động nắm chắc tình hình, nhận diện cho đúng âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, dự báo đúng các tình huống quốc phòng, an ninh có thể xảy ra để có đối sách xử lý đúng đắn, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị xã hội của đất nước để tạo nên “cái cốt” vật chất và tinh thần của sức mạnh chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, trong đó phải đặc biệt chú trọng tăng cường các nguồn lực đầu tư, nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước; coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân; xây dựng các tỉnh, thành phố thành các khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện, xây dựng hệ thống các công trình quốc phòng, an ninh ở các địa bàn chiến lược, các khu kinh tế quốc phòng ở các địa bàn xung yếu về quốc phòng, an ninh; phát tiển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trang bị, vũ khí ngày càng cao của các lực lượng vũ trang; hoàn thiện các phương án bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ...

Chiến sĩ Sư đoàn 367 hôm nay tiếp bước truyền thống của Quân chủng PK-KQ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. (Ảnh: Tư liệu)

Thứ hai, chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bởi đó là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, là nhân tố bảo đảm sự sống còn của dân tộc Việt Nam trong quá trình phát triển và là cốt lõi của sức mạnh tổng hợp trong chiến tranh nhân dân Việt Nam. Do đó, cần nắm vững và vận dụng sáng tạo chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng theo nguyên tắc lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng; đồng thời, đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân văn để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, giải quyết hài hòa lợi ích của các thành viên trong xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Kiên quyết chống mọi biểu hiện chia rẽ, cục bộ, địa phương. Đặc biệt, cần phải nắm chắc và thực hiện tốt nội dung cơ bản, vấn đề mấu chốt của xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong giai đoạn mới là xây dựng “thế trận lòng dân” để lấy đó làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân, binh chủng, lĩnh vực đi ngay vào hiện đại, làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tăng cường đầu tư để trang bị vũ khí, khí tài ngày càng tốt hơn cho các lực lượng vũ trang. Điều chỉnh, kiện toàn tổ chức các lực lượng vũ trang theo hướng tinh gọn, cơ động, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao. Nâng cao chất lượng huấn luyện sát với thực tế chiến đấu trong chiến tranh hiện đại, công nghệ cao./.

Đại tá, PGS. TS. NGUYỄN VĂN SỰ

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...