Tổ chức khủng bố “Việt Tân” coi Internet là “phương tiện chiến lược để phá vỡ bưng bít thông tin và huy động quần chúng”, Facebook là “môi trường hoạt động mới” – “Nơi tiến hành công tác phát triển hải ngoại, đấu tranh trên mạng và tiếp cận người trong nước”.
Không chỉ “Việt Tân” mà các thế lực
chống phá khác cũng coi không gian mạng là nơi để tuyên truyền, lôi kéo, tổ chức
các hoạt động phá hoại. Chính vì thế, trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, cuộc
bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chúng triệt để sử dụng
“thông tấn xã mạng” để loạn bàn "công tác nhân sự", giở các chiêu trò
dân chủ, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo…
Tài khoản Facebook "Việt Tân" đăng nhiều bài viết kích động, chống phá. |
Từ chiêu bài “Kiến nghị”, “Thư ngỏ”…
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng,
các tổ chức, hội nhóm, số chống đối trong và ngoài nước đồng loạt chống phá bằng
việc sử dụng các đài phát thanh, trang mạng, blog, mạng xã hội Facebook để tán
phát các thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình nội bộ, tuyên truyền gốc rễ
của mọi sai lầm, đất nước kém phát triển chính là do vai trò lãnh đạo của Đảng
đối với Nhà nước và xã hội; mục tiêu của chúng là chống phá quá trình xây dựng
văn kiện, hoạch định chủ trương của Đại hội; bôi nhọ, hạ uy tín nhân sự Đại hội
Đảng, “suy tôn” những thành phần đối lập, có tư tưởng cấp tiến để “cài cắm” vào
Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội khóa XV.
Điển hình phải kể đến các tổ chức
phản động lưu vong như: “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”,
“Triều Đại Việt”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, “PBSOS”; hội nhóm trá hình trong
nước như: “Lập Quyền Dân”, “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Tập hợp Quốc dân Việt”…
Các trang mạng như: “BBC”, “RFA”,
“VOA”, RFI”, “Nhân sự Đại hội”, “Tin tức hàng ngày”, “Báo tiếng dân”, “Nghiên cứu
quốc tế”, “Bauxite Việt Nam”, “Luật khoa tạp chí”, “Thời báo”… và các tài khoản
mạng xã hội như: “Thanh Hieu Bui”, “Nguyễn Văn Đài”, “Nguyễn Tấn Thành”…
Soạn thảo, phát tán “Kiến nghị”,
“Thư ngỏ” trên không gian mạng là thủ đoạn được các đối tượng triệt để sử dụng.
Thủ đoạn này không mới, đã được chúng sử dụng từ năm 2016, khi diễn ra Đại hội
XII của Đảng với “phong trào” “Thư ngỏ 61”, “Thư ngỏ 127”, “Kiến nghị 72”. Đến
Đại hội XIII của Đảng, ngay từ đầu năm 2019, nhóm “Diễn đàn xã hội dân sự” do
Nguyễn Quang A cầm đầu đã phục hồi mạng “Dân quyền” – Cơ quan ngôn luận của “Diễn
đàn xã hội dân sự”.
Trong một thời gian ngắn, trang
“Dân quyền” đã phát tán hơn 1.000 bài viết, trong đó có nhiều bài chống phá Đại
hội XIII của Đảng, kêu gọi “Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ quyền lực” với các
“tổ chức xã hội dân sự” để thực thi “dân chủ hóa”, “chuyển đổi thể chế chính trị
từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”, công kích, hạ uy tín các đồng chí
lãnh đạo Đảng.
Nguyễn Quang A chỉ đạo các thành
viên trong “Diễn đàn xã hội dân sự” cần phát huy lợi thế về trình độ lý luận,
kinh nghiệm, kiến thức, quan hệ trong nội bộ để viết bài “có chiều sâu, đúng thời
điểm”. Một số thành viên trong nhóm đã soạn thảo nhiều “Bản góp ý”, “Thư ngỏ” về
Đại hội XIII gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước
và tán phát trên không gian mạng, trong đó có yêu sách Bộ Chính trị cần sửa đổi
“toàn diện” văn kiện, đường lối chính trị theo hướng đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ
vai trò “độc tôn” của Đảng Cộng sản Việt Nam; thay đổi hệ thống tổ chức bộ máy
Nhà nước; xây dựng nền kinh tế đa sở hữu bắt đầu từ năm 2021.
Ví dụ như Nguyễn Đình Cống, một đảng
viên bỏ Đảng, hiện trú tại Thanh Xuân, Hà Nội đã sử dụng facebook “Nguyễn Đình
Cống” phát tán hơn 20 bài như: “Góp ý chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng Cộng sản
Việt Nam”, “Trao đổi về Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam”…
Nội dung yêu cầu Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đối thoại với nhóm nhân sỹ, trí trức để hoạch định đường lối theo hướng
đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; thực hiện “trưng cầu dân ý” các nội dung
trong văn kiện. Còn Nguyễn Quang A và Vũ Trọng Khái (hiện sống ở Australia) soạn
thảo và phát tán bài viết “Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đổi mới toàn diện
để Việt Nam có thể trở thành một nước phát triển vào năm 2030” trên trang “Dân
quyền”, trong đó yêu sách Đại hội XIII phải: Đổi mới “toàn diện” cấu trúc của Đảng;
đổi tên Quốc hội thành Hạ viện…
Bên cạnh đó, các trang phản động,
các tài khoản mạng xã hội liên tục tung ra các bài viết xuyên tạc về nhân sự Đại
hội XIII, công kích cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: “Những vở
kịch tốn kém”, “Tập trung quyền lực lên phương Bắc”, “Ai sẽ là Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng”, “Nhân sự Đại hội XIII: Vẫn còn băn khoăn về tính minh bạch”…
Các bài viết chủ yếu có nội dung
xuyên tạc cơ cấu nhân sự các vị trí chủ chốt của Đại hội XIII, kích động chia rẽ
vùng miền; công kích một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; tuyên
truyền, xuyên tạc thông tin danh sách ứng cử viên bầu cử Đại biểu Quốc hội phải
đóng dấu “MẬT” trong quá trình hiệp thương…
… Đến tái khởi động “phong trào”
tự ứng cử Đại biểu Quốc hội
Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV
và HĐND các cấp năm 2016, một số đối tượng đã khởi xướng “phong trào” tự ứng cử
Đại biểu Quốc hội. Thời điểm này, có hơn 10 đối tượng chống đối trong nước tham
gia “phong trào” tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Họ phát tán trên không gian mạng
“báo cáo thành tích” để vận động cử tri bầu cử; đồng thời phê phán luật bầu cử
tại Việt Nam.
Nhằm duy trì “phong trào” tự ứng
cử Đại biểu Quốc hội, từ ngày 2/8/2019, Lê Trọng Hùng – thành viên “Phong trào
Chấn hưng nước Việt” sử dụng Facebook “Lê Trọng Hùng” phát động “Phong trào một
triệu công dân tự ứng cử để thay thế Quốc hội bù nhìn”, kêu gọi người dân cả nước
tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Hùng còn sản xuất 2 video clip và 4 bài viết hướng dẫn người dân các thủ tục tự
ứng cử. Bản thân đối tượng này còn hoàn thành hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội.
Trên trang mạng “luatkhoa.org” của
nhóm “Luật khoa báo chí” mở thêm chuyên mục riêng về “Bầu cử” nhằm cung cấp những
thông tin về bầu cử Quốc hội khóa XV, hướng dẫn người ứng cử đại biểu Quốc hội
"chuẩn bị tinh thần vững vàng", tìm đọc “cẩm nang ABC bầu cử” của Lã
Khánh Tùng, Hiến pháp 2013, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015, Luật
Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; gặp gỡ những
người đã ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV năm 2016 như: Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng
Bích Phượng, Đỗ Nguyễn Mai Khôi, Nguyễn Quang A, Nguyễn Trường Thụy… để "học
hỏi kinh nghiệm"; tăng cường giao tiếp với công chúng bằng việc sử dụng các
tiện ích trên Internet, sử dụng tờ rơi, quà tặng có gắn thông điệp, viết sách,
báo… Chuyên mục “Bầu cử” trên mạng “luatkhoa.org” đã đăng tải các bài viết như:
“Quốc hội Đảng cử và tính chính danh của một sách thuế”; “Hướng tới bầu cử
2021: Phải tự do và công bằng”; “Nếu bạn muốn ứng cử năm 2021, hãy chuẩn bị hôm
nay”…
Chiêu “tự ứng cử” là thủ đoạn nhằm
phá hoại, tẩy chay bầu cử. Mặc dù biết chắc việc ứng cử sẽ thất bại nhưng các đối
tượng vẫn cứ tiến hành. Các đối tượng tích cực lên mạng xã hội rêu rao về bản
thân, làm hồ sơ để tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Dù biết thừa bản thân không đủ
tư cách, điều kiện tham gia ứng cử, bị loại từ các vòng hiệp thương nhưng vẫn
tích cực tuyên truyền, khuếch trương về hoạt động tự ứng cử của mình. Hành vi
này rất nguy hiểm.
Bởi qua chiêu trò “tự ứng cử”,
các đối tượng cố biến tướng, cho rằng mình là nạn nhân, đánh lạc hướng dư luận,
gây lầm tưởng rằng Đảng, Nhà nước “gây khó dễ” cho những người hoạt động “dân
chủ” tham gia ứng cử; tạo cớ cho các đài có xu hướng chống Việt Nam, các trang
mạng phản động đăng bài vu khống bầu cử tại nước ta “thiếu tự do dân chủ”, “bầu
cử không có ý nghĩa, gây lãng phí”, “đảng cử dân bầu”, kích động người dân “tẩy
chay bầu cử”. Từ đây, các thế lực thù địch bắt đầu tung ra những luận điệu đòi
phải thay đổi quy định về đề cử, ứng cử, bãi bỏ việc hiệp thương…
Trong số các chiêu trò xuyên tạc,
phá hoại bầu cử còn phải kể đến thủ đoạn khác như: Kêu gọi “tẩy chay bầu cử";
“Không biết, không bầu”; tán phát thông tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, các Đại biểu Quốc hội…
Các đối tượng này không từ bất kỳ
thủ đoạn bẩn thỉu nào để phục vụ ý đồ của mình. Điển hình là ngay sau khi đồng
chí Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV, các đối tượng đồng loạt
tung tin bịa đặt bôi nhọ, hạ uy tín, phá hoại bầu cử. Điển hình là các tài khoản
như: “Hoàng Kỳ”, “Thanh Tâm”, “Tấn Trần”…
Để đấu tranh với hoạt động chống
phá Đại hội Đảng khóa XIII; bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ
2021-2026, cơ quan Công an đã chủ động nắm, phân tích, xử lý hàng trăm tin/bài
liên quan, đấu tranh trực tiếp với một số đối tượng chống phá trên không gian mạng;
phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ, viễn thông, Internet ngăn chặn truy cập
trong nước hơn 3.000 trang mạng có nội dung xấu độc, máy chủ đặt tại nước
ngoài; gặp gỡ, tác động nhiều đối tượng là quản trị, điều hành hệ thống; hội
nhóm đông thành viên trên Facebook;… yêu cầu cam kết việc rà soát, kiểm duyệt kỹ
các bài viết, bình luận đăng tải trên hội nhóm, không để phát tán những tin/bài
xấu. Kết quả, đã có hàng nghìn tin liên kết, tin/bài tuyên truyền xấu, độc được
gỡ bỏ…
Không chỉ nhằm vào các sự kiện lớn
của Đảng, Nhà nước để tổ chức các hoạt động phá hoại, các đối tượng phản động,
thế lực thù địch còn lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để chống phá. Chúng trà đạp
lên nỗ lực của người dân đang gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên
nhiên, hiểm họa để thực hiện cho được mưu đồ chính trị, trong đó có việc chúng
đã và đang lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để xuyên tạc tình hình, kích động người
dân...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét